Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy chứng minh lời khuyên của câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim

Thứ hai - 16/03/2020 09:05
“Thành công” - đó là điều mà ai trên thế gian này cũng muốn có. Nhưng con đường đi đến sự thành công, luôn gian nan khổ cực, dễ làm người ta vấp ngã. Chính vì thế, ông cha ta đã khuyên nhủ: “Có công mài sắt có ngày nên kim” để động viên con cháu thế hệ sau.
Ai cũng biết cây kim dùng để may vá quần áo. Cây kim chỉ thon nhỏ hơn chiếc tăm một chút, phần cuối có một cái lỗ nhỏ để luồn chỉ qua. Tưởng chừng nó chỉ là một sản phẩm nhỏ bằng sắt, nhưng quá trình làm ra nó hết sức công phu. Người làm phải dùng sức mình mà tôi luyện, mài giũa thanh sắt lớn, để rồi thanh sắt ấy trở thành một cây kim hữu ích và hoàn hảo. Sâu xa hơn nữa, ông cha ta đã nhẹ nhàng khuyên bảo con cháu: “Lòng kiên trì, bền bỉ chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công”.

Thật vậy, vị lãnh đạo vĩ đại của chúng ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam - đã từng lên đường cứu Tổ quốc với hai bàn tay trắng. Người đã trải qua mọi gian khổ, chông gai nhờ đức kiên nhẫn và nghị lực. Người không bao giờ bỏ cuộc và kiên trì tìm mọi cách để giải phóng đất nước và mang lại tự do cho đồng bào Việt Nam. Và rồi, Người đã làm được. Người đã thành công trên con đường tìm tự do cho dân tộc. Ngày nay, chúng ta vẫn tự hào khi nhắc tên vị Chủ tịch vĩ đại đầy quyết tâm, nghị lực của Việt Nam. Hay là vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mĩ: Abraham Lincoln. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo khó và ông không được học hành tử tế. Ông còn nếm trải nhiều thất bại nặng nề. Ông đã liên tục thua tám cuộc bầu cử, hai lần thất bại trong kinh doanh và chịu nhiều đau đớn làm suy sụp thần kinh nghiêm trọng. Nhưng sau ba mươi năm, ông đã vượt lên tất cả và trở thành vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mĩ. Đó là những tấm gương sáng giá về lòng kiên trì mà ta nên học hỏi.

Khi các bạn nhìn thấy những con đê sừng sửng, vững chãi thì cũng chính là lúc các bạn nhìn thẳng vào minh chứng cho lòng kiên nhẫn của tổ tiên ta ngày xưa. Ông cha ta đã vất vả, tốn công tốn sức để xây đắp nên bức tường thành ngăn cản nước sông phá hoại mùa màng, chưa kể ngày xưa còn chưa có xi măng như bây giờ. Tổ tiên ta đã kiên trì chống đỡ sức tàn phá của thiên nhiên trong suốt bao thế kỉ qua. thật đáng khâm phục biết bao! Vậy, ta cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình là bảo vệ, giữ gìn những con đê ấy - thứ mà đức kiên nhẫn của ông cha ta ngày xưa tạo nên.

Sự kiên trì, nghị lực, ý chí còn quan trọng hơn nữa với những người khuyết tật. Chúng giúp họ vượt qua những gian khổ, như chiếc nạng đỡ họ đứng dậy sau bao gục ngã. Họ - những người phải chịu thiệt thòi hơn bao người khác. Nhưng chính họ mới là người tạo nên kì tích và gặt hái nhiều thành công nhất. Thầy Nguyễn Ngọc Ký là một người khuyết tật. Lúc bốn tuổi, thầy bị liệt cả hai tay. Năm bảy tuổi, thầy ấy bắt đầu tập viết bằng chân. Ngày nào, thấy cũng luyện tập và cố gắng khắc phục khó khăn của mình. Và giờ đây, thầy Nguyễn Ngọc Ký đạt nhiều giải thường xuất sắc và là một Nhà giáo Ưu tú mẫu mực. Còn nữa, một vận động viên bơi lội khuyết tật tên Võ Huỳnh Anh Khoa. Anh bị ung thư cột sống và phải điều trị ở bệnh viện Ung bướu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi phẫu thuật, anh qua khỏi nhưng không còn có một đôi chân bình thường để chạy nhảy như bao người khác nữa. Và rồi, anh tập bơi để căn bệnh giảm đi, nhưng hơn thế, anh còn muốn đi thi các giải bơi lội. Tính đến nay, anh đã mang về bốn mươi chín Huy chương Vàng, năm Huy chương Bạc và ba Huy chương Đồng. Đó thực sự là những câu chuyện đầy cảm xúc và là những tấm gương sáng ngời của Việt Nam.

Trong học tập, lòng kiên trì, bền bỉ cũng quan trọng không kém. Hồi nhỏ, ông Cao Bá Quát viết chữ rất xấu, xấu như “gà bới” mặc dù ông nổi tiếng về tài văn thơ, đối đáp thông minh và tài họa không ai bằng. Thế nên, ông quyết tâm luyện lại chữ. Tối nào, Cao Bá Quát cũng viết mười trang chữ mới chịu đi ngủ. Rồi sau này, chữ ông đẹp hơn, đẹp như “rồng bay phượng múa”. Các bạn có biết nhà thơ danh tiếng nhất thời Thịnh Đường không? Ông tên là Lí Bạch - người nổi tiếng với những áng thơ hay, đẹp. Trước đây, ông là một cậu bé lười biếng, chỉ động vào quyển sách cũng khiến ông ngáp ngắn, ngáp dài. Nhưng khi gặp một bà cụ đang mài một thỏi sắt thành một cây kim, ông về nhà và ngẫm nghĩ, rồi chuyên cần học hành, dùi mài kinh sử. Không phải lúc nào, thiên tài cũng là những người bẩm sinh, có những người phải kiên trì học hành mới thành tài được. “Ông hoàng phát minh” Ê-đi-xơn - người sáng chế hơn 1300 phát minh vĩ đại từng bị đội sổ hồi đi học. Ông liên tục bị điểm không Toán, đến lớp toàn bị bạn bè cười chê. Hay Niu-tơn - cha đẻ của vật lí học cận đại liên tục bị đội sổ lúc đi học và gần như xếp cuối trường học. Nhưng các ông ấy đã quyết đứng lên, cố gắng học hỏi nhiều hơn, nhiều hơn nữa, tất cả đều nhờ lòng kiên trì, bền bỉ. Đó thực sự là những tấm gương mà học sinh ngày nay nên học hỏi. Nhưng có khi, có những tấm gương ngay trước mắt mà ta không để ý. Các bạn có biết các kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp quốc gia? Tất cả những người đoạt giải, bạn có tự hỏi tại sao họ lại học giỏi như vậy không? Bởi họ kiên trì, bền bỉ trong học tập. Sẽ chẳng có gì khó nếu ta quyết tâm học hành thật chăm chỉ. Các bạn hãy vạch rõ mục đích, kiên nhẫn thực hiện nó, rồi lúc đó, con đường thành công sẽ mở ra...

Ông cha ta thật khéo léo khi nhẹ nhàng khuyên bảo con cháu mà chỉ dùng hình ảnh của cây kim. Nhờ lời khuyên đó, ta lại có thêm một bài học đáng quý nữa: “Lòng kiên nhẫn là con đường dẫn đến thành công”.

Nguyễn Anh Phương (Trường THCS Giảng Võ)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây