Nam Cao là một trong số không nhiều các nhà văn suốt cuộc đời cầm bút đã luôn luôn tìm kiếm, đấu tranh, tự vượt lên mình để hướng tới những sáng tạo đích thực. Trong Đời thừa ông viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Ở mỗi thời kỳ mang tính chất bước ngoặt cho cuộc đời của một nghệ sĩ Nam Cao đều có những tác phẩm đánh dấu một bước nhận thức mới của mình. Những năm mới vào nghề, ông đã chịu ảnh hưởng khá nặng của chủ nghĩa lăng mạn. Dần dần ông đã hiểu ra rằng “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối” và nó chỉ có thế là những “tiếng đau khổ... thoát ra từ những kiếp lầm than”. Song tư tưởng này cũng chỉ thể hiện một quan niệm tiến bộ là phải trả văn chương cho cuộc đời, phải bám rễ vào cuộc sống hiện thực mà thôi. Ông cũng không tán thành với quan niệm hiện thực dễ dãi “hời hợt, chỉ tỏ được cái bề ngoài của đời sống” cũng như thế văn chương mòn cũ “chẳng đem lại một chút mới lạ gì”. Quan niệm về nghề văn của ông hết sức nghiêm túc, đầy ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp: nghề văn là một hoạt động sáng tạo, nghệ sĩ là một người sáng tạo. Quan niệm này không phải là hoàn toàn mới nhưng điều đáng trân trọng ở đây là Nam Cao đã ý thức về điều này rất sâu sắc và trong tác phẩm Đời thừa ông đã đặt ra như là một quan niệm sống và viết, một cuộc đấu tranh gian khổ tự vượt lên mình, chiến thắng mọi cám dỗ, trở ngại cả trong đời sống và trong cuộc đời của một nhà văn nghèo để theo đuổi lý tưởng của đời mình.
Trước hết văn chương không thừa nhận những cách viết dễ dãi, không chấp nhận những nhà văn có trái tim vô cảm trước đời sống cho dù anh ta có “khéo tay” đến mức nào. Văn chương cũng không chỉ là chuyện nghề nghiệp mà còn là cuộc đời cho nên dù anh có tay nghề cao thì đó cũng chưa phải là điều đảm bảo để trở thành một nghệ sĩ chân chính. “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Ở đây Nam Cao muốn nhấn mạnh đến hoạt động sáng tạo của nhà văn và nghề văn nói chung: chỉ có đào sâu, tìm tòi thì mới có thể “tìm thấy bản ngã của mình”, mới khẳng định được chỗ đứng của mình trong văn chương và cũng chỉ có như vậy mới có thể biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Trong luận điểm của Nam Cao cần chú ý tới cả hai khía cạnh: những tìm tòi, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” vừa là lĩnh vực của nội dung vừa là những hình thức nghệ thuật. Nhà văn bám sát hiện thực, biết “mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời” thì điều đó cùng với tài nặng sẽ trở thành những tiền đề vững chắc cho hoạt động sáng tạo của anh ta. Những vấn đề mới mẻ, cách viết độc đáo, những sáng tạo mới cả trong lĩnh vực nội dung và nghệ thuật thể hiện sẽ là sáng tạo đích thực mà nhà văn cóng hiến cho nghệ thuật và cho cuộc đời.
Nam Cao đã phát biểu một quan niệm thật xác đáng về nghề văn và nhà văn. Nếu như họ mỗi khi đọc một tác phẩm, một đoạn văn nào đó của mình được viết một cách cẩu thả lại “đỏ mặt”, tự mắng mình “như một thằng khốn nạn... một kẻ bất lương... ty tiện”, tự coi mình “là một kẻ vô ích, một người thừa” thì điều đó cũng có nghĩa là nhân vật - tư tưởng này cũng là một phần của chính lương tâm, nhân cách Nam Cao. Cả cuộc đời cầm bút của ông đã chứng minh điều đó.
Điểm qua một vài chủ đề, nhân vật chính của Nam Cao đã thấy ông trung thành với quan niệm của mình đến mức nào và những gì do ông sáng tạo, khơi nguồn cho văn chương Việt Nam có ý nghĩa thật to lớn, ít có nhà văn nào so sánh được. Hai loại nhân vật chính trong sáng tác của Nam Cao là người nông dân và người trí thức tiểu tư sản vốn đã từng xuất hiện trong văn học Việt Nam trước khi ông bước chân vào làng văn nhưng có thể nói ít ai viết về họ sâu sắc và cảm động như vậy. Những Tư cách mõ, Lang Rận, Dì Hảo, Lão Hạc, Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó... không chỉ sắc sảo, mới lạ, gay gắt, ám ảnh ở tính vấn đề của chúng mà những điển hình nông dân này đã làm lu mờ đi khá nhiều hình ảnh người nông dân khác trong văn học giai đoạn này. Sống mòn, Trăng sáng, Mua nhà, Nước mắt là những bi kịch tinh thần của thời đại, bi kịch của những trí thức có ý thức về đời sống, khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện nhưng bị bóp nghẹt trong cuộc đời thường bị “áo cơm ghì sát đất”. Rõ ràng Nam Cao đã bỏ qua cái “hiện thực bề ngoài” ở họ là chuyện cơm áo hằng ngày, đói rét, tủi cực để nhìn thấy những điều sâu lắng hơn.
Những sáng tạo của Nam Cao trong nghệ thuật viết truyện, dựng cảnh, sử dụng chi tiết, phân tích tâm lý đem thêm ý nghĩa vào cho các câu chuyện bình thường, vu vơ, “những chuyện không muốn viết”... là một trong những đóng góp lớn của ông cho văn chương. Ông đã khơi nhiều nguồn chưa ai khơi, sáng tạo ra nhiều cái mới mẻ, chưa từng có trong văn học.
Lê Thị Hoài - Trường THPT chuyên Yên Bái
Bài đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2017