Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tấn bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao

Thứ bảy - 16/01/2021 09:55
“Đời thừa” là truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao viết về người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ. Anh (chị) hãy:
a) Phân tích tấn bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ trong thiên truyện ngắn này.
b) Làm rõ tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua việc thể hiện tấn bi kịch tinh thần đó.
c) Chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm (không cần  phân tích).
BÀI LÀM
“Con hãy nghe nỗi buồn của rừng cây héo khô, của hành tinh lạnh ngắt, của chim muông què quặt. Nhưng trước nhắt, con hãy nghe nỗi buồn Người”. (Nađion - Hichmet)

Cuộc đời là một chuỗi liên tiếp của những nỗi đau và niềm hạnh phúc. Khi mà xã hội bị sự thống trị của đồng tiền, của cường quyền, ngoại xâm, nó sẽ trở thành những con sóng đời ngầu đục và chới với, ngắc ngoải trong đó những mảnh đời nhỏ bé, đớn đau không lối thoát. Nỗi đau của con người trở thành thường trực nhưng nó vọng thấu trước hết vào trái tim người nghệ sĩ. Nam Cao, một cây bút tài năng và một trái tim chan chứa lạ kì, đã đau, đã hiểu, đã day dứt biết bao nhiêu trước cảnh đời của những trí thức tiểu tư sản nghèo với biết bao tâm huyết, yêu thương, dùng trí tuệ của trái tim để dựng lên tấn bi kịch tinh thần đầy nước mắt của nhân vật Hộ trong thiên truyện ngắn “Đời thừa”.

Bi kịch là khi con người lại đặt vào giữa những đối kháng, mâu thuẫn giằng xé mà không có lối thoát. Bi kịch tinh thần diễn ra ngấm ngầm trong nội tại suy nghĩ, trí óc của nhân vật, tự nhân vật thấy mình mâu thuẫn và không giải toả nổi. Tất cả nước mắt, những vết cắt cứa đều nằm sâu trong lòng người khiến lòng người rỉ máu. Nỗi đau quằn quại không được giãi toả, không được chia sẻ có sức tàn phá ghê gớm, đẩy con người vào tận cùng của nỗi đau và bế tắc.

Hộ sống trong một xã hội mà công lí bị đạp nát, con người không được sống đầy đủ với tên người viết hoa. Cuộc sống của những trí thức tiểu tư sản không đen ngòm, đặc quánh lại như cuộc sống sau luỹ tre làng của người nông dân với tiếng trống thúc thuế, mà “mờ mờ xam xám”, bị xô đẩy bốn bề, trở thành vô cùng rẻ mạt, nhỏ nhoi. Nhưng họ là những trí thức nên nỗi khổ với cái ăn, cái mặc chỉ là những nỗi khổ ở bề nổi. Còn phần chìm sâu của nỗi đau, cái phần làm tim họ ứa máu lại là những bi kịch diễn ra ngấm ngầm trong tinh thần, suy nghĩ của họ, nó gặm nhấm, bào mòn, huỷ hoại dần tất cả những gì là niềm vui, là sức sống, huỷ hoại cả cái phần người cao quý trong con người của họ.

Bi kịch tinh thần cũng giống như một màng nhện với tất cả sự phức tạp, rối rắm của nó. Hộ trước hết rơi vào bi kịch của một nhà văn, một bi kịch đau đớn đối với người trí thức. 

Hộ là một nhà văn trẻ, anh yêu văn chương đến si mê, đọc được một câu văn hay thì không một miếng ăn ngon nào sánh bằng. Anh coi văn chương như một thứ đạo lành để ngưỡng vọng, để nguyện ngắm và đi theo. Anh sẵn lòng sông bằng nghề văn với số tiền ít ỏi mà không bao giờ chịu lấy một vị thế cao hơn. Anh đọc văn đến say mê, say sưa giảng giải đến độ mấy lần vợ anh muốn nhắc nhở việc nhà mà không dám. Lòng anh đẹp bởi những ước mơ và khát vọng cao cả. Trong tâm trí anh luôn chói sáng những mộng ước, hoài bão, đó là viết một tác phẩm làm lu mờ hết mọi tác phẩm cùng thời. Một tác phẩm “đoạt giải Nô ben”“được dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu”. Đó là một khát vọng đẹp đẽ, trong sáng và chính đáng, một hoài bão lớn lao, nó báo cho ta biết đó là một nhà văn chân chính, có chí hướng. Anh muốn lên đến đỉnh Olempơ với vòng nguyệt quế, với chí hướng ấy, tấm lòng ấy, tài năng ấy thì khát vọng đó không quá xa vời.

Nhưng rồi cuộc đời đâu có thẳng theo đường tuyến tính, bao nhiêu ngả rẽ, bao nhiêu là cạm bẫy, chông gai. Từ khi anh ghép đời anh vào đời Từ, khát vọng bỗng vụt trở thành viễn vọng, ảo vọng. Một mình anh, anh có thể sống nghèo, sống đạm bạc bởi lòng anh phơi phới ước mơ, tim anh chứa chan, say mê với lẽ đạo của lòng mình là văn chương. Nhưng giờ đây anh có một gia đình và những đứa con nối tiếp nhau ra đời, đứa trước chưa kịp lớn thì đứa sau đã hiện diện, mà “đứa nào cũng sài đẹn, quấy rức, khóc mếu suốt ngày” làm Hộ “phát điên lên”, bởi vì sao? Vì anh phải lao vào cuộc sống đời thường với biết bao bon chen, xồ bồ, đau đớn nhất là anh phải tàn phá cả nghề văn mà anh nâng niu, giữ gìn rất thiêng liêng. Anh không còn thời gian để làm những điều cao cả, anh phải viết như một con rối cái thứ văn “rất nhẹ, rất nông” quấy loãng trong những tình cảm hời hợt, phải viết những bài báo mà người ta đọc xong là quên ngay, phải “đỏ mặt” vò nát sách khi nhìn thấy tên mình ở đó. Anh là nhà văn có lương tâm, rất ý thức được thiên chức cao cả của người nghệ sĩ, nhưng giờ đây phải cho ra đời những đứa con tinh thần non nớt, “cẩu thả” nên chúng chết yểu và có thể là những quái thai. Điều đó cắt vào tâm trí anh những nỗi đau đớn, nhục nhã ê chề, anh quằn quại day dứt, đay nghiến tự thú như đứng trước toà án - toà án lương tâm: cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi, nhưng cẩu thả trong văn chương thì đúng là đê tiện. Đau đớn biết bao nhiêu lời tự nhục mạ ấy. Những quan điểm văn chương được nói trong niềm đau, trong nước mắt “văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, càng “cắt cứa vào lòng anh, vào lòng tự trọng của anh những nhát dao sâu mà ứa máu”. Đỉnh Olempơ đã xa quá rồi, vòng xoáy cơm áo gạo tiền đã như một vòng xích sắt trói nghiến đôi chân anh lại với cuộc đời thực ngầu đục, bon chen, chặn hết mọi ngả đường đưa anh trở thành một nhà văn chân chính.

Hộ đã phạm vào tất cả những điều anh quan niệm, đề ra cho mình, đi ngược lại với tất cả những gì anh đã tôn sùng, ngưỡng vọng để rồi rơi vào bi kịch của bao nhục nhã ê chề với chính bản thân mình. Đó là bi kịch, là nỗi đau của bản thân mình, cũng là bi kịch, là nỗi đau của bao trái tim, tâm trí của người nghệ sĩ trong những tháng ngày đen tối ấy.

Nỗi đau tưởng đã đủ để tàn phá nhân cách, ước mơ của con người, nhưng chưa hết, Hộ rơi vào một bi kịch đau đớn hơn: anh vi phạm vào nguyên tắc tình thương của chính mình, bi kịch của một con người.

Hộ không chỉ có một khát vọng cao cả, mà anh còn có một trái tim rộng lớn và sáng suốt. Chàng tuổi trẻ ấy từ rất sớm đã có những quan niệm, những nguyên tắc đẹp đẽ: văn học không phải là những tác phẩm tả chân hời hợt, mà nó là những tác phẩm phải “ca tụng tình thương, lòng bác ái, sự công bình”, “nó làm cho người gần người hơn”. Đó là một quan niệm tiến bộ và hết sức nhân bản, anh đã đưa nhân đạo thành một phẩm chất chính thức của văn học, là thước đo nhân phẩm người nghệ sĩ. Không chỉ là quan niệm về văn chương, quan niệm về con người của anh cũng thật cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm chân lên lưng người khác mà là người nâng đỡ người khác lên đôi vai của mình. Còn gì đẹp đẽ hơn những điều ấy nữa? Và sâu sắc hơn, cảm thông hơn khi chàng trai trẻ ấy đã không ngần ngại dang tay nâng đỡ ba cuộc đời nhỏ bé, đớn đau, ba con người chỉ còn biết khóc cho đến khi xương thịt cũng tan thành nước mắt để rồi chết cả, là Từ, mẹ Từ và cả đứa con thơ dại của Từ, nâng đỡ mà không phải là ban phát tình thương từ trên xuống theo kiểu bố thí, mà là yêu thương, gắn bó, chăm sóc bằng tất cả tình thương yêu của mình. Anh say mê văn chương là thế, khát vọng lớn lao là thế nhưng vì gia đình, vợ con, anh đã chịu hi sinh đi một vài năm để kiếm tiền nuôi gia đình. Đó là một sự hi sinh lớn lao, một lòng nhân ái, một tấm lòng cao cả đến khó tin ở cuộc đời.

Nhưng rồi Hộ lại bước lầm đường, lại rơi vào lầm lỗi, anh đã uống rượu triền miên để khi về nhà đánh vợ con, đuổi Từ ra khỏi nhà, anh đổ bao nhiêu uất hận lên đầu vợ con, coi vợ con là nguyên nhân của mọi nỗi khổ. Anh hành động như một kẻ vũ phu tàn ác, nhẫn tâm trước người vợ thảo hiền, yếu đuối với bàn tay da “xanh trong xanh lọc”. Anh đã vi phạm vào nguyên tắc tình thương của chính mình, đạp đổ hết bao nhiêu khuôn vàng thước ngọc mà anh đã đặt ra. Anh đã rơi vào biên giới của sự xấu xa, sa đọa bởi nếu anh trở thành một kẻ “đê tiện” trong nghề văn thì vẫn còn một sợi dây để níu kéo nhân cách của anh đó là tình thương, điều đó cũng đủ để cứu rỗi, bào chữa, lí giải cho anh, giúp anh còn một điểm tựa để làm “người” - anh không là một nhà vãn chân chính, nhưng khi anh đạp đổ cả nguyên tắc tình thương của mình, thì mọi sự níu kéo đã không còn nữa, anh trượt dài trên con đường tha hoá, phần “người” cao đẹp trong anh từng bước bị chính anh huỷ hoại.

Con người lúc này của anh đã đạp đổ, đã giết chết “con người” anh lúc trước, anh tự giết mình để rồi một lúc nào đó đớn đau, bất lực thốt lên: “Thôi, ta đã hỏng thật rồi”. Tình thương đối với anh là một thứ đạo cao đẹp nhất, đẹp hơn cả lẽ đạo văn chương. Anh đã từng nhủ lòng rằng mình “có thể hi sinh tình yêu chứ không thể hi sinh lòng thương” bởi anh muốn làm người đúng nghĩa. Mất tình thương, con người thành sỏi đá, cao hơn sẽ trở thành dã thú. Biên giới giữa người và quỷ tưởng xa xôi hóa thật mỏng manh, giữa thanh cao và đen tối chỉ là khoảnh khắc, lòng thương sẽ níu giữ phần “người” cao quý ở lại, mất lòng thương là mất hết chất “người” - thiên chức cao quý ấy, và Hộ đã cùng đường, anh phạm một cách nghiêm trọng tất cả những gì đẹp đẽ, anh rơi vào giữa một vòng tơ nhện mà anh đã tự chăng lên. Hoàn cảnh chỉ là tiền đề, con người là yếu tố tiên quyết. Những bi kịch tinh thần vò xé đã công phá, tàn hoại biết bao những giá trị là yếu tố để con người được sống và làm người.

Mỗi nhà văn đồng thời phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Tsêkhôp). Nam Cao là một nhà nhân đạo chủ nghĩa với tấm lòng nhân đạo bao la cùng với trí tuệ sáng của một trái tim, với quan niệm nhà văn phải biết “đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, qua tấn bi kịch tinh thần nhân vật Hộ, Nam Cao đã thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc mới mẻ.

Nam Cao thường được ví cái phích nước với vẻ bề ngoài, giọng văn lạnh lùng nhưng trong lòng luôn nóng bỏng, sôi trào tình yêu thương con người. Viết về nỗi khổ của người trí thức tiểu tư sản không chỉ có một mình Nam Cao, nhưng nếu các nhà văn khác chỉ chủ yếu đi vào những nỗi khổ vật chất, những long đong thường nhật của họ thì Nam. Cao chỉ coi đó là phần bề ngoài, chủ đích nghệ thuật của Nam Cao lại hướng vào nỗi giằng xé, dày vò trong tinh thần, nội tâm người trí thức. Ở đây, Nam Cao đã phân tích, khai phá tất cả những biến thái sâu kín nhất của tâm tư người trí thức tiểu tư sản, thể hiện một sự thấu hiểu lạ kì dưới giọng văn tưởng như rất lạnh lùng, khách quan. Chẳng thể lí giải khác hơn đó là có sự đồng cảm tuyệt vời giữa nhà văn và nhân vật. Viết về Hộ, Nam Cao như viết về chính cái tôi của mình, của tầng lớp mình, ông đã đi rất sâu trên “con đường” tự truyện, ở đó ông đã thể hiện sâu sắc, cảm động sự nâng niu, trân trọng những khát vọng chính đáng, nhân bản của con người, khát vọng vươn đến cái chân - thiện - mĩ, khát vọng được trở thành một người có ích, một ánh sao chứ không phải một đốm lửa nhỏ nhoi le lói, một hạt cát trên sa mạc cuộc đời. Khát vọng ấy có sức mạnh nâng cao con người, làm cho con người lớn lao hơn, cao cả hơn, đẹp đẽ hơn, “người” hơn.

Qua những bi kịch tinh thần Hộ, Nam Cao đã thể hiện được rất cụ thể, khéo léo tư tưởng nghệ thuật của mình, ông đã đặt nền tảng giá trị tồn tại cho văn học và nền tảng giá trị cho con người. Một tác phẩm văn học có giá trị phải được đặt trên nền tảng là giá trị nhân đạo, nó làm cho “người gần người hơn” theo cả hai nghĩa: làm cho mọi người gần gũi, yêu thương nhau hơn; làm cho con người sống đúng hơn, gần hơn với chữ “người”. Con người muốn được làm người phải giữ cho mình một trái tim biết yêu thương, biết vì người khác. Đó là những quan niệm đẹp đẽ trong tính nhân bản sâu sắc, thể hiện một trái tim lớn, một trí tuệ lớn Nam Cao.

Trái tim người nghệ sĩ đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da, tấm lòng nhà văn thực sự cao cả khi ông đã xây dựng lên hình ảnh nhân vật Hộ bật khóc những giọt nước mắt muộn màng mà đáng quý. Nam Cao đã từng gọi nước mắt là “tấm kính biến hình vũ trụ”, là “giọt châu của loài người”, những giọt nước mắt ấy nhỏ xuống nói với ta rằng Hộ chưa phải là một con quỷ. Thật mỏng manh dễ vỡ, nhưng nước mắt đã làm một thấu kính nhiệm màu, giữ con người ở lại bên bờ vực của sự tha hóa. Điều đó thể hiện tấm lòng thương yêu và trân trọng con người, cũng như Nam Cao đã từng tìm thấy ngọn lửa thiên lương trong tâm hồn con quỷ dữ làng Vũ Đại. Dù rằng nước mắt cuối cùng vẫn chỉ là nước mắt, nó không đủ cái sức mạnh để cải tạo cái xã hội “giả dối và tàn ác” (Thạch Lam), Nam Cao chưa tìm được cho nhân vật của mình, cho những con người nghèo khổ, nhỏ bé một lối thoát, bởi lối thoát đó chỉ có được khi xã hội ấy được cải tạo, đổi thay, Nam Cao và những nhà văn cùng chí hướng chưa có đủ lực để làm điều đó nhưng ở một góc độ khác, ta không thể không ghi nhận, trân trọng một tấm lòng, một trái tim chứa chan tình yêu thương vời vợi của người nghệ sĩ luôn hướng về những thân phận nhỏ bé nhất, để hát ca những bế tắc và đau khổ của kiếp người, như Gacia Macket từng nói: “Tôi là người đầu tiên đưa thơ ca rời đỉnh núi Pamac. Tôi tặng cho cái gọi là nàng thơ không phải là những cung điệu của cây đàn lia bảy dây quy ước mà là những thớ của trái tim con người”.

Nam Cao là một cây bút truyện ngắn điêu luyện sâu sắc. “Đời thừa” không chỉ thành công về giá trị nội dung, giá trị tư tưởng mà còn đến với trái tim người đọc bằng nghệ thuật đặc sắc.

Nghệ thuật không phải là đầy tớ của nội dung mà là một người bạn đồng hành không thể thiếu, bởi con thuyền văn chương dù chỉ chở đầy ngọc châu nhưng nếu không có những bơi chèo nghệ thuật thì không bao giờ đến được với bến bờ nhân sinh. Nghệ thuật làm cho dòng sông văn học chảy giữa hai bờ chân - thiện - mĩ đổ ra bến thiện lương.

Trước hết ta phải kể đến đặc sắc về kết cấu của truyện, đó là kết cấu vòng xoáy với hai vòng xoáy đồng tâm.

Tiếp nữa đó là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật: nhân vật được miêu tả chủ yếu qua tâm lí, với nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật đặc sắc. Một vài nét phác họa chân dung chỉ là hỗ trợ cho việc lột tả tâm lí nhân vật. 

Nam Cao còn rất khéo léo, nhuần nhị tài tình khi đưa vào trong tác phẩm những quan điểm nghệ thuật tiến bộ và sâu sắc của mình, không cần tranh luận, bút chiến trên diễn đàn, những quan điểm đó vẫn được thế hiện sâu sắc, cụ thể, dễ vào lòng người.
 
Nguyễn Thị Thu Trường chuyên Hậu Giang
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây