Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải thích, chứng minh câu: Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Thứ hai - 23/03/2020 10:44
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi ta vẫn gặp những hiện tượng con cái bất hiếu, vô lễ với cha mẹ. Những hành vi vô đạo đức đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống đạo đức của dân tộc, xúc phạm đến tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng. Để khuyên răn, giáo dục những người con đó, từ xưa ông cha ta đã có một câu ca dao mà hẳn ai cũng biết: “ơn cha nặng lắm ai ơi - Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cựu mang”. Quả thật, câu ca dao là một triết lí, một lời khuyên vô cùng đúng đắn cho chúng ta.
Câu ca dao đã ca ngợi tình yêu bao la vô bờ bến của cha mẹ, đề cao, tỏ lòng tôn kính với những người đã có công sinh thành ra mình, ơn cha không ai cân được, không ai đo được, cũng chẳng ai đong đếm được. Nhưng ai cũng đều cảm thấy mình mang ơn cha rất nặng, công cha không kể xiết! Cha là người dạy ta những bài học làm người đầu tiên trên trường đời, là người bảo ban, chỉ dạy ta khi ta mắc lỗi. giúp ta trưởng thành hơn. Người mẹ cũng vậy, mẹ là người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày ròng rã để sinh ra ta, cưu mang ta ngần ấy ngày tháng. Đến khi con lớn, mẹ cũng là người nuôi nấng, chăm sóc ta từng bữa ăn đến giấc ngủ. Đứa trẻ nào khi bắt đầu cất tiếng nói cũng là tiếng gọi mẹ đầu tiên, đơn giản vì mẹ là người gần gũi, thân thiết nhất với mình. Nghĩa tình của mẹ được so sánh với trời, thể hiện sự bao la. rộng lớn vô bờ bến của tình yêu người mẹ. Bầu trời không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc, nhưng luôn cao vời vợi, hệt như tình yêu của mẹ lớn lao vô tận. Câu ca dao đã cho ta thấy công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái.

Công cha nghĩa mẹ thật to lớn và vô tận biết bao! Tình yêu của cha bao la tha thiết, cha dạy con những bài học làm người đầu tiên. Chẳng thế mà tục ngữ xưa đã nói: “Con có cha như nhà có nóc - Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.” Người cha là trụ cột gia đình, thế nên khi con còn có cha cũng như căn nhà vững chãi vẫn còn nóc nhà che chắn, khi cha mất rồi thì con chơi vơi, hụt hẫng như chú nòng nọc mới sinh đã đứt đuôi. Cha luôn mong muốn cho con mình giỏi giang, trưởng thành hơn, thế nên cha mới nghiêm khắc, mới đánh mắng con, mong con nhận ra khuyết điểm và sửa chữa kịp thời. Công lao của cha còn được so sánh với núi Thái Sơn - một ngọn núi cao nổi tiếng ở Trung Quốc, mà ngày xưa trong thơ văn, các nhà văn, nhà thơ thường mượn hình ảnh này để nói lên sự lớn lao của sự vật. Trong gia đình, cha gánh vác, cáng đáng những công việc nặng nhọc nhất, xông xáo với đời lo xây dựng cơ nghiệp. Đối với nhà, cha là trụ cột vững chắc của vợ con. Công lao của cha nhiều vô kể. Bởi vậy dân gian ta mới có câu so sánh cha như ngọn núi sừng sững hiên ngang. Và nếu chỉ có cha không thì liệu người con có thể hình thành, phát triển và tu dưỡng nhân phẩm một cách hoàn thiện không? Vị trí của người mẹ lại càng không thể thiếu trong gia đình Việt Nam. Mẹ đã mang nặng đẻ đau ra ta, chăm chút cho ta từng li từng tí, từ lúc còn đỏ hỏn cho tới khi trưởng thành. Khi ta mới sinh ra cũng là mẹ cho ta bú, bàn tay mẹ đỡ ta dậy lúc trượt ngã, khi lớn cũng là mẹ khuyên nhủ, bảo ban ta khi ta mắc sai lầm. Một câu ngạn ngữ của Đức đã nói: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”. Những ai khi còn mẹ, có thể vô tâm, không nghĩ đến mẹ, nhưng khi mẹ họ đã mất đi thì họ sẽ không bao giờ tìm lại được một tình thương nào bao la, thiêng liêng như của mẹ. Công nghĩa của mẹ cũng được so sánh với nước trong nguồn - dòng nước chảy không bao giờ cạn, như tình yêu vô tận của mẹ. Mẹ còn dạy ta những bài học đầu tiên bằng sự dịu dàng, nhân hậu của mình. Vị thánh hiền Khổng Tử hồi nhỏ đã từng trốn học đi chơi, mẹ của ông thấy vậy đã cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang học mà bỏ về nhà cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy!” làm Khổng Tử hối lỗi. Người mẹ với lòng nhân hậu đã dạy cho con những bài học thuở ấu thơ. Cha mẹ suốt đời làm việc vất vả nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng, mong các con có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp, tràn đầy tình yêu thương. Lúc về già, cha mẹ cũng chỉ mong được ở cùng con cái cho bớt cô đơn, được ngắm nhìn cháu con sum họp vui vầy trong một gia đình và được con cháu báo hiếu là niềm vui cuối đời. Công lao của cha mẹ thật to lớn xiết bao!

Vậy chúng ta phải làm gì để báo đáp công ơn của cha mẹ? Cha mẹ là người sinh ra ta, đồng thời cha mẹ cũng là người có công nuôi dạy ta bao năm tháng, từ một đứa trẻ ngây thơ trở thành một trang thiếu niên có hiểu biết. Cơm ăn, áo mặc hằng ngày, thuốc thang chữa trị khi ta đau ốm và biết bao vật dụng cho ta, tất cả đều do công sức lao động gian nan, vất vả và mồ hôi công sức của cha mẹ. Ta hiểu biết điều hay lẽ phải, biết cách cư xử trong gia đình, trong xã hội cũng là nhờ công lao dạy bảo, giáo dục của cha mẹ. Để đáp lại sự sinh thành và dưỡng dục ấy, đạo làm con phải giữ tròn chữ hiếu. Đó chính là đền đáp xứng đáng của người con đối với cha mẹ. Ca dao xưa đã dạy: “Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Để tỏ rõ lòng hiếu thảo, chúng ta không cần dâng của ngon vật lạ cho cha mẹ, chỉ cần dành thời gian hỏi thăm, chuyện trò với cha mẹ mỗi ngày là đủ. Người con có hiếu là người yêu thương kính trọng cha mẹ, vâng lời cha mẹ, biết tuân theo những lời chỉ bảo đúng đắn của cha mẹ. Người con có hiếu phải biết làm cho cha mẹ vui lòng bằng cách chăm chỉ học tập, bằng những lời nói và việc làm có đạo dức như đi thưa, về trình và luôn giúp đỡ cha mẹ trong công việc gia đình. Nhất là khi cha mẹ già yếu, ốm đau, người con càng phải hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng với tất cả tình cảm quý trọng của mình. Đó chính là món quà đền đáp trọn vẹn mà bất cứ vị phụ huynh nào cũng muốn được nhận từ con cái.

Qua câu ca dao, chúng ta càng thấm thía thêm về công lao sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ đối với mình. Hình ảnh cha mẹ thật thiêng liêng, cao cả nhưng cũng thật bình dị, gần gũi, thân thương. Câu ca dao vừa ca ngợi công ơn trời bể của cha mẹ, vừa là một lời khuyên cho ta nhớ và trân trọng những công ơn to lớn đó.

Đặng Phan Anh (Trường PTDL LươngThế Vinh)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây