Phép tương phản (còn gọi là đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau làm bật một ý tưởng bộ phận hoặc tư tưởng chính của tác phẩm. Trong truyện, có hai mặt tương phản cơ bản là: hình ảnh giữa quan với dân và trách nhiệm của quan với thái độ của quan. Cùng là lúc một giờ đêm nhưng đối với dân, đó là lúc công việc nguy cấp. Đối với quan lại, một giờ đêm lại thể hiện sự ăn chơi thâu đêm suốt sáng, ở khúc đê sắp vỡ. “nước sông Nhị Hà lên to quá”, “dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên”. Còn ở trong đình - nơi vững chãi, cao rá, “đèn thắp sáng trưng”, nha lộ, kẻ hầu đi lại rộn ràng. Ngoài đó, hàng trăm dân phu vất vả chống đê vỡ. Ở đình, mọi người chỉ toàn là các chức sắc: quan phụ mẫu, nha lại, thầy đề, thầy đội, chánh tổng, thầy thông nhì. Một nơi thì toàn người dân khổ cực còn một nơi chỉ có quan lại. Dân “chân lấm tay bùn”, “lướt thướt như chuột lột”, “ai ai cũng mệt lừ”. Trong khi đó, quan nhàn hạ chơi bài. Quan phụ mẫu “uy nghi, chễm chệ ngồi trên sập mới kê ở gian giữa”. Hắn có người gãi chân, người quạt lại có người chực điếu đóm. Hắn còn mang cả bát yến híp đường phèn, đồng hồ, ống thuốc bạc, ngoáy tai, vỉ thuốc. Thật là sung sướng đủ điều! Khi đê vỡ, dân buồn thảm vì “nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết”, “kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn”. “chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu”. Họ bị nỗi đau mất vật chất lẫn tổn hại về tinh thần mất người thân, mất mùa.... Trong lúc đó, quan lại cười hả hê vì thắng ván bài. Trách nhiệm của quan với thái độ của quan là mặt tương phản thứ hai. Trách nhiệm của quan là đốc thúc, điều hành việc hộ đê. Có quan thì nhân dân sẽ phấn chấn hơn, có thể công việc sẽ hiệu quả hơn. Mang danh nghĩa là đi hộ đê nhưng quan lại chơi bài, chẳng thèm quan tâm dân làm việc thế nào. Lúc đê sắp vỡ đến lúc đê vỡ, quan đều gắt lên: “Mặc kệ”. Việc đe dọa đến tính mạng con người lại thuộc chức trách của quan phụ mẫu vậy mà hắn cũng mặc kệ. Không những mặc kệ mà quan còn bắt phái giữ phép tắc: “Không còn phép tắc gì nữa à?”, đê vỡ thì xứ tội dân: “thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày”. Đây là thái độ vô trách nhiệm, lại còn đẩy trách nhiệm cho dân. Qua hai mặt tương phản, hình ảnh tên quan đi hộ đê được tác giả khắc họa rất rõ ràng. Hắn đi hộ đê nhưng lại mang những đồ như là đi du lịch thể hiện lối sống xa hoa vô độ. Dân thì vất vả “đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn” còn quan lại nhàn hạ chơi bài. Điều này không chỉ làm nổi bật sự vô trách nhiệm mà còn nhấn mạnh lòng lang dạ sói của tên quan. Quan nhàn hạ sung sướng thế rổi còn hách dịch với kẻ dưới: hay gắt lên, sai: “điếu, mày!”, “ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi”. Như vậy, tác giả dựng cảnh tương phản nhằm làm nổi bật sự vất vả khốn cùng của dân, làm nổi bật bản chất xấu xa của tên quan.
Tác giả không chỉ sử dụng nghệ thuật tương phản trong bài văn mà còn kết hợp tăng cấp rất tài tình. Phép tăng cấp là lần lượt đưa thêm chi tiết và chi tiết sau phải cao hơn chi tiết trước, qua đó làm rõ thêm bản chất một sự việc, một hiện tượng muốn nói. Tác giá sử dụng phép tăng cấp trong việc miêu tả mức độ thiên tai đồng thời là sự vất vả của dân và trong việc miêu tả mức độ “lòng lang dạ thú” của quan. Thiên tai dữ dội là nỗi lo lớn của dân. Đầu tác phẩm tác giả giới thiệu hoàn cảnh: “Trời mưa tầm tã”, sau đó lại viết: “Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống” rồi “ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm”. Trời cứ mưa làm nước càng dâng cao: “Nước sông Nhị Hà lên to quá”, “dưới sóng thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên” cuối cùng đê vỡ “nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu”. Nước càng dâng cao đồng nghĩa với việc nguy cơ đê vỡ càng cao: “hai ba đoạn đã thấm lậu, khéo thì vỡ mất” rồi “đê vỡ mặc đê”, “mấy mươi đê lở, ruộng ngập”, cuối cùng thì đê vỡ. Sự vất vả của dân cũng tăng cấp. Từ chiều đến lúc một giờ đêm, ai nấy “hết sức giữ gìn”, “lưới thướt như chuột lột”, “ai ai cũng một lử cả rồi”. Sau đó tác giả lại đưa thêm các chi tiết “chân lấm tay bùn”, “dân phu rối rít”, “tiếng người kêu rầm rì”. Việc miêu là mức độ “lòng lang dạ thú” của quan cũng được tăng cấp. Hắn đã vô trách nhiệm chơi bài trong đình. Khi có người báo đê sắp vỡ, hắn còn mặc kệ. Đến khi đê vỡ, hắn còn dọa cắt cổ, bỏ tù, đổ trách nhiệm cho dân được. Khi quan ù ván bài to khi đê vỡ, hắn còn cười hả hê được, không cần biết trong khi đó hàng trăm nghìn người đang đau khổ một phần là do mình. Hắn ham mê cờ bạc đến mức mặc kệ tất cả moi thứ xung quanh. Từ đó, nghệ thuật tăng cấp khắc họa sâu sắc bản chất xấu xa của tên quan.
Trong tác phẩm Sống chết mặc bay, tác giả đã lựa chọn nghệ thuật tương phản và tăng cấp rất hợp lí rồi đan xen rất khéo léo hai nghệ thuật làm cho bài văn sâu sắc lại không mất đi tính tự nhiên. Việc kết hợp này làm nổi bật nổi khổ của dân và bản chất xấu xa của tên quan. Từ đó, ta thêm hiểu về tác giả không chỉ tinh tế. thương dân mà còn rất tài tình. Nghệ thuật của bài văn fặc biệt làm cho tác phẩm có giá trị để đời.