Khi nhắc đến phong cách của nhà văn là chúng ta nhắc đến tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc sống, con người thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Ở đây, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc miêu tả hình tượng sông Hương, sông Đà vừa có nét chung vừa có nét riêng.
Trước hết là những điểm giống nhau của hai phong cách trong việc dùng ngòi bút của mình để xây dựng hình tượng. Thứ nhất, cả hai nhà văn đều rất tài hoa: luôn nhìn cuộc sống, sự vật, con người ở phương diện, góc độ văn hoá thẩm mĩ nên phát hiện ra nhiều vẻ đẹp của hiện thực cuộc sống.
Đến với văn chương rất muộn nhưng Nguyễn Tuân lại sớm nổi tiếng qua tập truyện "Vang bóng một thời". Sau cách mạng, Nguyễn Tuân đến với thể loại tùy bút "như một cuộc tìm kiếm có ý thức" để rồi nhanh chóng thành công với thể loại này. Tùy bút "Người lái đò Sông Đà" ra đời năm 1960 sau chuyến đi thực tế tại Tây Bắc (1958) của Nguyên Tuân.
Với đôi mắt của nhà văn suốt đời "duy mỹ", Nguyễn Tuân đã nhìn sông Đà ở góc độ thẩm mĩ để phát hiện ra vẻ đẹp trữ tình của con sông. Dưới ngòi bút ấy, sông Đà được miêu tả với nhiều góc độ.
Dòng sông ấy được chiêm ngưỡng từ trên cao nhìn xuống. Hình dáng con sông Đà được ví như một "sợi dây thừng ngoằn ngoèo" và dễ thương, đáng yêu làm sao qua phép so sánh, liên tưởng độc đáo: "Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc, bung nở hoa ban hoa gạo tháng ba...". Đó là cái dáng rất mềm mại, nên thơ khác với sự hung bạo ban đầu mà nhà văn đã miêu tả. Sông Đà quả thực như một người đàn bà kiều diễm đang làm duyên trước điệp trùng thiên nhiên Tây Bắc và cũng nhu đang tuôn chảy dưới ngòi bút dào dạt chất thơ của Nguyễn Tuân.
Chất thơ ấy không chỉ được cảm nhận ở hình dáng, chất thơ còn toát lên từ sắc nước sông Đà. Nhà văn dồn hết bút lực vào việc miêu tả cái màu sắc đó qua những câu văn có cánh: "Qua làn mây mùa xuân tôi nhìn thấy nước sông Đà xanh màu xanh ngọc bích... Qua làn mây mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Yêu làm sao cái màu xanh ngọc bích, sáng trong ngời ngợi giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Yêu làm sao cái màu đỏ thật gợi cảm của làn nước mùa thu trong so sánh "da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Đó đều là những gam màu đẹp trong hội họa thật đẹp, thật lãng mạn.
Đọc văn của Nguyễn Tuân về sông Đà mà ngỡ như đang xem một bộ phim tài liệu về dòng sông ấy. Hai bên bờ sông, khi đã hết thác ghềnh, có sự gợi cảm rất đặc biệt: Hồng hoang của Sông Đà dường như thuở khai thiên lập địa vẫn còn đây "bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Ở đó có chất thơ Đường "yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" gợi cho ta nhớ đến thơ Tản Đà "bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình".
Không chỉ nhìn cảnh vật ở điểm nhìn văn hóa thẩm mỹ, Nguyễn Tuân còn nhìn người lái đò ở góc độ nghệ sĩ để phát hiện ra tài năng trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh :
Sông Đà hung bạo nhưng người lái đò vẫn tự do đi lại trên sông. Tự do là khi nắm được qui luật tất yếu. Ở đây là qui luật của đá và nước sông Đà. Người lái đò nắm chắc được qui luật tất yếu của đá và nước sông Đà nên trên thác hiên ngang một người lái đò Sông Đà có tự do.
Để chứng minh tài nghệ của người lái đò, tác giả đã hư cấu một cuộc vượt thác sông Đà: Sông Đà hung bạo bày trùng vi thạch trận hết súc tinh vi, hiểm độc. Nhiều đội quân tinh nhuệ và thiện chiến được bố trí hết sức hùng hậu.
Trong khi đó, đối lập với sông Đà hung bạo là người lái đò đơn độc, chỉ với một thứ vũ khí thô sơ là mái chèo nhưng đã vượt qua được trùng vi thạch trận của sông Đà với ba vòng liên tiếp, với rất nhiều cửa tử, cửa sinh lập lờ,..- để lại sau lưng tiếng reo hò bất lực của dòng sông. Đó là tài nghệ "tay lái ra hoa" của một người nghệ sĩ có tâm hồn cao thượng, một phong thái ung dung tự tại, một trí thông minh lão luyện và lòng dũng cảm được tôi luyện trong lao động và chiến đấu.
Với Hoàng Phủ Ngọc Tường thì xứ Huế là máu thịt của ông. Khi ông viết tùy bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông" thì ông đã sống ngót nghét bên dòng sông Hương của Huế gần 40 năm. Có thể nói trong số những tác phẩm viết về Huế như "Ngôi sao trên đỉnh Phù Văn Lâu", "Rất nhiều ánh lửa", thì "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là tác phẩm tiêu biểu nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở góc độ văn hoá thẩm mĩ, nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp của dòng Hương giang với những phẩm chất vừa "phóng khoáng" vừa "dịu dàng, trí tuệ".
Lúc ở thượng nguồn Trường Sơn, sông Hương có vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở với dòng chảy rầm rộ, mãnh liệt "cuộn xoáy như những con lốc vào đáy vực bí ẩn". Với nhà văn, sông Hương giống như "một bản trường ca của rừng già" khi nó đi qua giữa lòng Trường Sơn. Thủ pháp nhân cách hóa làm sông Hương hiện lên như một cô gái Di gan đầy cá tính với bản năng "phóng khoáng và man dại" đã chinh phục rừng già, đã được rừng già ban tặng một "tâm hồn tự do và trong sáng".
Có vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ khi sông Hương trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá đất đế đô. Trước đó, nhà văn cũng đã làm nức lòng người qua những câu văn đậm chất thơ văn xuôi để miêu tả tính cách dịu dàng ấy: "có lúc sông Hương dịu dàng say đắm chảy giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Nay, sông Hương đã là "người mẹ phù sa" của Huế. Với con mắt nghệ thuật điêu luyện và tình yêu xứ Huế nặng sâu, nhà văn để cho ngòi bút của mình chở những câu văn đẹp nhất, hoa mĩ nhất để tả dòng chảy ấy. Trước khi về với thành phố tương lai "người tình mong đợi" thì sông Hương quả như người thiếu nữ với "những đường cong thật mềm", "sông mềm như tấm lụa" gợi cảm và đẹp đến mê hồn. Nhất là có vẻ đẹp biến hoá, hư ảo như phản quang nhiều màu sắc trên nên trời tây nam thành phố "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" đã làm nức lòng bao khách viễn du:
"Đã bốn lần đến Huế
Vẫn lạ như lần đầu
Sông Hương lơ đãng chảy
Nắng tím vướng chân cầu "
(Đoàn Thạch Biền)
Góc độ văn hóa thẩm mỹ của nhà văn còn mang đến cho sông Hương vẻ đẹp trầm mặc khi lặng lẽ chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn. Có vẻ đẹp mang màu sắc triết lí, cổ thi khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Có vẻ đẹp vui tươi khi đi qua những bờ bãi xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long. Có vẻ đẹp thật đáng yêu với "đường cong ấy thật mềm như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu". Đó là đoạn sông Hương qua thành phố Huế với điệu chạy "slow" như ngập ngừng muốn đi muốn ở. Có vẻ đẹp mơ màng trong sương khói khi nó rời xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ.
Điểm chung thứ hai của hai nhà văn đó là tính "Uyên bác". Uyên bác là sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vục, nhiều ngành và có thể cung cấp, đóng góp, lí giải nhũng kiến thức đó cho người khác.
Ở Nguyễn Tuân, trong tác phẩm, ông hay vận dụng những tri thức của rất nhiều ngành nghệ thuật, thậm chí cả nhũng ngành không liên quan gì đến nghệ thuật để miêu tả, khám phá, hiện thực. Nó có tác dụng làm cho người đọc nhìn hiện thực ở nhiều góc độ và cung cấp cho người đọc một lượng thông tin hết sức phong phú ngoài văn chương.
Trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà", tác giả đã vận dụng tri thức của rất nhiều ngành để miêu tả tính cách hung bạo cũng như vẻ đẹp trữ tình của dòng sông:
Trước hết là tri thức của những ngành nghệ thuật. Nhà văn huy động vốn kiến thức của ngành điện ảnh khi tác giả miêu tả tính hung bạo của con sông; khi ông tưởng tượng có anh thợ quay phim dũng cam quay cái hút nước. Đó là kiến thức của ngành hội họa khi ông miêu tả màu nước sông Đà. Đó là kiến thức của ngành kiến trúc, điêu khắc khi ông miêu tả sông Đà nhìn từ trên cao; khi miêu tả hình dáng những hòn đá nơi lòng sông bởi thạch đồ trận mà thiên nhiên Tây Bắc trấn yểm trên sông Đà.
Vẫn chưa thỏa mãn, nhà văn lại vận dụng tri thức của những ngành khác tưởng như không liên quan gì đến nghệ thuật để miêu tả dòng sông. Và quả thật tuy không liên quan đến nghệ thuật nhưng những tri thức và ngôn ngữ ấy đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Ông sử dụng ngành địa lí, lịch sử. Đó là khi ông nói tới chiều dài con sông; tên gọi sông Đà qua các thời kì lịch sử. Ngành quân sự, võ thuật, thể dục thể thao đã giúp ông thành công trong việc miêu tả cảnh thuỷ chiến trên sông Đà với rất nhiều thuật ngữ của quân sự, võ thuật, thể dục thể thao (thạch trận, boongke chìm và pháo đài đá, hàng tiền vệ...). Ngành khí tượng thuỷ văn giúp ông miêu tả các con thác và sức nước chảy ví như đoạn "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió" ở quãng ghềnh Hát Loóng. Sự tài hoa của Nguyễn Tuân là ở chỗ đó.
Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông huy động nguồn tri thức phong phú, thuộc các lĩnh vực địa lí, lịch sử, văn hoá, để xây dựng hình tượng sông Hương, vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương là kết quả của nhũng tri thức địa lí và khả năng quan sát sắc sảo của người trần thuật. Sông Hương được nhà văn miêu tả dựa trên thủy trình của nó. Từ Trường Sơn do cấu trúc địa lý phức tạp nên dòng chảy ấy rất dữ dội, mãnh liệt "cuộn xoáy như cơn lốc vào đáy vực bí ẩn". Khi ra khỏi Trường Son sau khi đã sống nửa cuộc đời thì sông Hương lại chảy về cánh đồng Châu Hóa với những dãy núi trùng điệp Tam Thai, Lựu Bào, điện Hòn Chén, Ngọc Trản, Lương Quán... nên dòng sông ấy chợt như cũng mềm mại bởi những đường cong uốn khúc. Đường cong ấy giống như một tấm khăn voan mỏng bay giữa trời xứ Huế.
Sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất, thành phố Huế và nó mang trong mình tính cách Huế, như một cô gái Huế duyên dáng, điểm tô cho vẻ đẹp Huế. Với thành phố Huế, sông Hương là một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu là nàng Kiều trong đêm chí tình trở lại tìm Kim Trọng.
Vè đẹp văn hoá của sông Hương là kết quả của những tri thức văn hóa về một thành phố, từng là chốn đế đô. Sông Hương tự bản thân nó đã mang những phẩm chất văn hoá độc đáo. Nhà văn có sự liên tưởng độc đáo khi cho rằng toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước dòng sông này. Sông Hương gắn với quãng đời Nguyễn Du "lênh đênh trên khúc sông này để những bản đàn đi suốt cuộc đời Kiều" và khúc nhạc Tứ đại cảnh "Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời". Và hơn hết, dòng sông thi ca và âm nhạc ấy là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Sông Hương không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các nghệ sĩ.
Véẻ đẹp lịch sử của sông Hương là kết quả của những tri thức về lịch sử sông Hương gắn với lịch sử anh hùng của xứ Huế, của đất nước... Sông Hương gắn với dòng sông thiêng Linh Giang oai hùng một thuở, gắn với thế kỷ XVIII với người anh hùng áo vải Quang Trung, gắn với cách mạng tháng Tám hào hùng bi tráng, gắn với Mậu Thân rung chuyển cả miền Nam. Thế đấy, sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường không đơn thuần chỉ là một dòng chảy của quê hương, nó còn là dòng sông của lịch sử, của văn hóa, của tình yêu Huế và con người nơi đây.
Bên cạnh sự giống nhau giữa sông Hương và sông Đà trong phong cách nghệ thuật của hai nhà văn thì ở giữa họ cũng có nhiều điểm khác biệt.
Ở Nguyễn Tuân, ông có cảm hứng đặc biệt với cái dữ dội và cái tuyệt mĩ, thiên về cảm giác mạnh. Trong "Người lái đò Sông Đà", nhà văn đã nhìn Sông Đà ở góc độ khắc nghiệt của thiên nhiên để phát hiện ra tính cách hung bạo của con sông.
Sự dữ dội của sông Đà thể hiện ở đá và nước. Đá thì "Dựng vách thành lúc đúng ngọ mới nhìn thấy mặt trời", tuy không nguy hiểm nhưng nó tạo cho người ta cái cảm giác sợ hãi, rợn ngợp trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ, hiểm trở. Đá dưới lòng sông thì trơ thành thạch đồ trận, trùng vi thạch trận. Đá chìa thành các vòng, các lớp. Mỗi lớp đá, hòn đá có một nhiệm vụ khác nhau song tất cả đều nhằm mục đích tiêu diệt tất cả những gì đi trên sông, là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Đó là nhũng boongke chìm và pháo đài đá tinh nhuệ và thiện chiến.
Đá dữ dội như vậy, nước sông Đà cũng không phải vừa. Nó phơi bày lòng dạ độc ác qua những cái hút nước "giống như cái giếng bê tông thả xuống làm móng câu". Thác nước thì hung tợn, mới nghe âm thanh thôi cũng đã rợn người "tiếng nước réo gân mãi lại réo to mãi lên như là oán trách, van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo; rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Lại có lúc, đá và nước phối hợp với nhau làm nên những con sóng kinh hãi: "Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm".
Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngòi bút của ông đậm chất trữ tình, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi. Trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" ngòi bút ấy đã soi bóng một tâm hồn giàu trí tưởng tượng lãng mạn: Sông Hương trong trí tưởng tượng lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc như một cô gái Di gan phóng khoáng và man dại; có lúc trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở; có lúc lại là người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại.
Đặc biệt, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hình dung tưởng tượng hành trình sông Hương đến với thành phố Huế giống như hành trình của người con gái đi tìm gặp người yêu; và trước khi về biển cả, sông Hương đột ngột đổi dòng, rẻ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ giống như Thuý Kiều trở lại tìm Kim Trọng trong đêm tình tự.
Cái tôi ấy, thật giàu tình cảm, say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế: Tất cả những phát hiện về vẻ đẹp của sông Hương, xét đến cùng, bắt nguồn từ tình cảm thiết tha đến đắm say của tác giả đối với cảnh và người xứ Huế. Nếu không có tình yêu đối với xứ Huế thì không thể có những trang văn hay và đẹp đến thế về xứ Huế.
Như vậy, những dòng sông của quê hương đã chảy về trong tâm tưởng ta qua ngòi bút và tâm hồn của hai nhà văn, giúp ta yêu hơn những dòng sông đất mẹ. Điều mà chúng ta thấy sở dĩ giữa họ có những điểm chung trong việc mang đến hai hình tượng nghệ thuật đặc sắc ấy là: cả hai nhà văn đều là những con người có tài, rất mực tài hoa uyên bác. Đều là những con người có tâm, là những trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Đều là những nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đều tìm đến với thể tuỳ bút, bút kí như một sự thoả mãn với tình yêu lớn mà chỉ có những thể loại ấy mới chuyên chở được tình yêu của họ.
Tuy nhiên, điểm khác là ở chỗ cả hai đều là nhũng nhà văn có ý thức cá nhân sâu sắc, có cá tính sáng tạo riêng. Nguyễn Tuân thiên về lối viết duy mỹ, cảm giác mạnh. Hoàng Phủ Ngọc Tường thiên về tự sự trữ tình, cảm xúc nồng nàn yêu thương. Đó cũng chính là qui luật tất yếu của sáng tạo nghệ thuật.
Có thể nói, cả hai nhà văn với những nét giống và khác trong phong cách nghệ thuật đã có những đóng góp không nhỏ để tạo nên sự phong phú, đa dạng mà vẫn thống nhất của nền văn học dân tộc. Người đọc yêu mến, tự hào bởi họ đã góp phần tô điểm cho đất nước bằng những trang văn thật đẹp, thật trữ tình về những dòng sông thi ca bất tận.