Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua những tác phẩm đã học trong chương trình phổ thông

Thứ bảy - 28/03/2020 13:08
Có thể nói đề tài về người phụ nữ như một mảnh vườn mà biết bao thi sĩ đã nhọc công cày xới, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử nền văn học Việt Nam. Đại văn hào Nga Macxim Gorki đã viết: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ, hỏi còn đâu? ". Vâng, người phụ nữ có một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Họ là ai? Họ là những người mẹ nhân hậu, người vợ đảm đang, người tình chung thuỳ. Tuy hoàn cảnh, số phận là khác nhau nhưng ở họ đều toát lên những nét đẹp tâm hồn đáng quí của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh của họ hiện lên trên biết bao trang thơ, trang văn đã đi vào lòng người đọc bao thế hệ.
Tự cổ chí kim, người phụ nữ luôn là một cảm hứng vô tận, không ngừng thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút. Đó là những kiếp người mang thân phận nhỏ bé, thấp hèn dưới đáy xã hội phong kiến đầy bất công xua. Một nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng trớ trêu thay, kết cục tất yếu của tài và sắc ấy lại là một cuộc đời bất hạnh, lênh đênh trong suốt mười lăm năm lưu lạc; một Hồ Xuân Hương khát khao hạnh phúc mãnh liệt mà trọn đời ngao ngán bởi phận "làm lẽ", "kiếp chồng chung"... Và còn biết bao người phụ nữ cũng cùng số phận như vậy khiến Nguyễn Du - đại thi hào dân tộc phải đau đớn mà thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Còn là một chị Dậu đáng thương bị xã hội thối nát vùi dập đến nỗi phai đứt ruột bán chính đứa con của mình. Đó còn là những người mẹ, người vợ bao lần gạt nước mắt tiễn con, tiễn chồng ra chiến trận; những người "mế'" hết lòng chăm sóc chiến sĩ như chính con ruột của mình "Con với mế không phải hòn máu cắt/ Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi". Hay là những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi như mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc... Máu của các chị đã đổ vì một dân tộc độc lập tự do. Đến giai đoạn văn học cách mạng 1945-1975, hình tượng người phụ nữ đã bước sang một trang mới. Họ không đầu hàng trước số phận mà chính họ sẽ làm nên số phận của riêng mình. Họ không chỉ ám ảnh người đọc bởi số phận mà còn bởi những vẻ đẹp đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Họ - người phụ nữ mang trái tim yêu chân thành, thủy chung, mãnh liệt, người phụ nữ không cam chịu số phận mà vùng lên đấu tranh, khát khao hạnh phúc, tụ do, người phụ nữ với tấm lòng nhân ái, giàu tình thương và niềm tin vào cuộc sống. Quả là những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, khiến ta không khôi trân trọng.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Dẫu ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

"Khi đang yêu, con người ta rất đẹp". Đó không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình mà còn là nét đẹp tâm hôn. Đó là trái tim yêu mãnh liệt "yêu anh cả khi chết đi rồi", yêu chân thành, đằm thắm, thủy chung, là tâm hồn giàu khát vọng một tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu là thứ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người, nhất là với người phụ nữ. Ai cũng khao khát yêu và được yêu, nhưng mấy ai có thể mạnh dạn bộc bạch tình yêu của mình như người phụ nữ trong bài thơ "Sóng" của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đó là một tình yêu nồng nàn và đắm say:

Ôi cơn sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Sóng là thế, muôn đời vẫn thế, vẫn "dữ dội, dịu êm", vẫn "ồn ào, lặng lẽ", như tình yêu của tuổi trẻ có bao giờ đứng yên. Tình yêu mãi là khát vọng của bao người, nó làm bồi hồi, xao xuyến trái tim người phụ nữ. Bởi "Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào". (Xuân Diệu).

Cái xao xuyến ấy chỉ là cảm giác của buổi ban đầu, với Xuân Quỳnh, tình yêu không chỉ dùng lại ở đó mà nó còn phải là một tình yêu chân thành, đằm thắm, tràn ngập nhớ nhung.

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Có ai đó đã từng nói rằng: "Một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu còn một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn". Tinh yêu thì luôn gắn liền với nỗi nhớ. Sóng nhớ bờ không ngủ được cũng như em nhớ anh "cả trong mơ còn thức".

Tấm lòng thủy chung, son sắt luôn là một vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam tự bao giờ:

Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.

Sóng đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái, khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thuỷ chung. Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc; nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy nhà thơ lại dùng ngược lại. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Cuộc đời dẫu có ra sao, dẫu phải trải qua bao nhiêu khó khăn, gian nan hay phải vượt qua bao nhiêu xa xôi cách trở, lòng em vẫn luôn hướng về anh.

Sóng luôn vận động như tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ nhung da diết, với sự bền vững thủy chung, và hơn thế nữa, còn với những khát khao đến cồn cào ước vọng về một tình yêu vĩnh hằng. Đó là khát vọng muôn đời của người phụ nữ.

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Tình yêu đó là vĩnh cửu, là bất tử cùng với thời gian, và nó càng tô đậm vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi tình yêu ấy không chỉ là tình cảm riêng mình mà còn là tình yêu chung của cả nhân loại. Một tình yêu cao thượng đến tuyệt vời. Người phụ nữ luôn khao khát được "tan ra", hòa mình vào, dâng trọn tất cả tình yêu để ngàn đời sau, tình yêu vẫn còn mãi.

Bên cạnh đó, trong khó khăn gian khổ, người phụ nữ Việt Nam lại toát lên một vẻ đẹp đáng trân trọng, ngợi ca hơn nửa. Họ đáng thương đó, khốn cùng đó, nhưng họ không đâu hàng trước số phận. Trong họ luôn ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, một khát khao được sống, được tụ do, hạnh phúc đến cháy bỏng.

Có lẽ nhân vật Mị của Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ" là tiêu biểu nhất cho súc sống tiềm tàng, ẩn giấu bên trong người phụ nữ. Nó giống như hòn than âm ỉ cháy trong lớp tro tàn nguội lạnh, khi gặp điều kiện, nó sẽ vượt lên sự tiềm ẩn ấy mà bùng cháy dữ dội. Mị chỉ mang danh nghĩa là con dâu nhà thống lí Pá Tra nhưng thực chất là một thứ nô lệ không công. Tù đó, Mị phải sống những chuỗi ngày đau thương, mỗi ngày trôi qua với Mị như một cơn ác mộng. Mị không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị đày đọa về tinh thần. Thế nhưng, sức sống mạnh mẽ trong cô bỗng trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo gọi bạn tình đã thổi vào tâm hồn lạnh lẽo, giá băng của Mị, khiến trái tim Mị "thiết tha, bồi hồi", làm thức dậy bao kí ức tươi đẹp ngày trước, rồi xô Mị đến những hành động nổi loạn. "Mị uống rượu, uống ực từng bát", rồi "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước". Mị nhận thức được mình còn trẻ lắm "Mị muốn đi chơi". Một loạt những hành động gấp gáp thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của cô "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị làm tất cả thật thản nhiên, Mị không sợ nữa, bóng ma thần quyền không thể ngăn nổi lòng ham sống của Mị nữa rồi. Tàn nhẫn thay, bọn giai cấp thống trị miền núi độc ác đã dập tắt cái khát vọng ấy trong Mị. "Mị cựa quậy xem thử mình còn sống hay đã chết". Sợ chết chính là biểu hiện cao độ của lòng ham sống. A Sử có thể trói buộc thể xác Mị nhưng không thể làm lụi tàn súc sống trong cô.

Một lần nữa, khát vọng tự do lại cháy lên trong tâm hồn Mị. Đó là đêm cởi trói cho A Phủ - cũng là một nạn nhân của chính sách cho vay nặng lãi, cùng cảnh ngộ đáng thương với Mị. Ban đầu, tâm hồn Mị gân như chai sạn, dửng dưng, vô cảm. A Phủ bị trói đứng như thế nhưng Mị lại bình thản vô cùng. Những giọt nước mắt A Phủ đã rớt vào trái tim Mị, làm tan đi lớp băng vô cảm, đánh thức lòng thương người của Mị. Sức sống trong Mị lại hồi sinh mạnh mẽ. Mị quyết định cởi trói cho A Phủ. Dù phải chết trên cái cọc ấy, Mị cũng không sợ. Phải chăng lòng thương người đã lớn hơn tất cả mọi nỗi sợ hãi. Cuối cùng tiếng gọi tự do đã đưa đôi chân của Mị chạy theo A Phủ, thoát khỏi kiếp nô lệ, vươn tới ánh sáng của tương lai tươi đẹp. Nhân vật Mị đã được Tô Hoài khắc họa rất thành công, không chỉ để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp về một sức sống tiềm tàng đáng trân trọng mà còn là vẻ đẹp của lòng nhân đạo sâu sắc của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Cũng như Mị, người vợ nhặt trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân, tuy đang ở bờ vực của cái chết, nhưng thị vẫn khát khao được sống đến cháy bỏng. Tác phẩm lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945. Và người vợ nhặt cũng là một trong những nạn nhân ủa nạn đói ấy. Cuộc đời của thị là một con số không tròn trĩnh, không tên không tuổi, không nhà không cửa, không người thân thích, không nơi nương tựa, sống một cuộc đời trôi nổi, vất vưởng, bấp bênh. Thị bất chấp tất cả để được ăn, ăn để được tồn tại. Đó là ý thức bám lấy sự sống của thị. Chỉ vài ba bận "tầm phơ tầm phào" với "bốn bát bánh đúc" và câu nói đùa "có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân đồ lên xe rồi ta cùng về", vậy mà người đàn bà ấy đã trở thành vợ của Tràng. Thị nào có biết Tràng là ai, người như thế nào, tốt hay xấu, quê quán, gốc tích ra sao. Phải chăng thị quá dễ dãi, hời hợt. Nhưng không, đó đơn thuần chỉ là hành động xuất phát từ lòng khát khao sống trong thị. Nói như Kim Lân "Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cành khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai". Vì thế, vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng của thị là ở chỗ đó. Bên cạnh đó, ta thấy thị cũng là người giàu lòng tự trọng. Trên đường theo Tràng về nhà, thị đã thay đổi hẳn, không còn chao chát, chỏng lỏn mà ngượng ngùng, e dè trước ánh mắt tò mò của xóm ngụ cư. Vào nhà, thị e thẹn, dè dặt "ngồi mớm" ở mép giường. Thị ý tứ, cung kính, lễ phép chào bà cụ - mẹ Tràng. Sáng hôm sau thị đã trở thành "người đàn bà hiền hậu, đúng mực", biết lo toan, dọn dẹp, vun vén nhà cửa. Có thể nói, thị không chỉ ham sống mà còn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc. Đến với Tràng tuy vội vã nhưng là một quyết định đúng đắn. Song, cũng chính thị đã thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống tăm tối của gia đình Tràng. Người phụ nữ Việt Nam dẫu sống trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng ở họ vẫn ngời lên nét đẹp tâm hồn đáng quí, khát khao được sống và được hạnh phúc, luôn hướng vê tương lai vói niềm tin vào cuộc sống.

Người phụ nữ Việt Nam bên cạnh hình ảnh của một người tình chung thủy, người vợ đảm đang, còn là một người mẹ với tấm lòng nhân ái, trái tim yêu thương, bao dung, và tinh thần lạc quan, giàu niềm tin vào cuộc sống. Nếu Mị cũng thương người, đồng cảm cho thân phận mà cứu sống A Phủ thì bà cụ Tứ cũng sẵn sàng mở lòng đón nhận, cưu mang người đàn bà đói khổ hơn mình trong cơn hoạn nạn. Lòng nhân ái bao la của họ khiến ta không khỏi trân trọng, ngợi ca. Bà là một người mẹ nghèo khổ, cuộc đời trải qua nhiều sóng gió và rất đổi thương con. Tình thương ấy được Kim Lân miêu tả qua diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của bà.

Thoạt đầu, bà cụ "đứng sững lại", vô cùng ngạc nhiên "sao lại có người đàn bà nào lại đứng đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?". Rồi một nỗi tủi hờn, xót thương trào dâng trong lòng bà "chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi,... còn mình thì..". Bà tủi thân là vì chưa làm tròn trách nhiệm và bổn phận của người mẹ. Lòng bà đầy lo lắng "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Từ tủi cho mình, bà chuyển sang xót thương cho các con, thương thằng con trai mình vì hiểu rằng người ta phải gặp bước đói khổ lắm mới lấy con mình. Và bằng tấm lòng nhân ái, bao dung, bà cảm thông cho thân phận, tình cảnh khốn cùng của người đàn bà kia và chấp nhận thị "thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Không chỉ vậy, bà cụ Tứ còn là người mẹ giàu tinh thần lạc quan, giàu niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Bằng sự từng trải của người mẹ, bà khuyên nhủ, động viên các con với niềm tin vào triết lý "ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Và câu chuyên đàn gà mà bà đem lại là niềm tin vào sự sinh sôi nảy nở không ngừng, sự sống nảy mầm trong sự huỷ diệt. Bà tin rằng rồi mai đôi vợ chồng trẻ sẽ vượt qua được nạn đói, sẽ vươn được tới tương lai tươi sáng. Giữa lúc cái đói khủng khiếp đang tràn về thì tinh thần lạc quan và niềm tin như bà cụ Tứ là rất hiếm hoi. Thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ người mẹ nhân hậu ấy. Nhà văn đã xây dựng nhân vật và cụ Tứ như một biểu tượng cho người mẹ Việt Nam xưa và nay với vẻ đẹp tâm hôn vô cùng đáng quý.

Không chỉ Mị, người vợ nhặt, bà cụ Tứ mà còn rất nhiều người phụ nữ trong văn học Việt Nam như Chiến gan góc, dũng cảm nhưng cũng giàu tình cảm yêu thương gia đình trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Hay đức tính nhẫn nhịn, tấm lòng hi sinh, yêu thương con vô bờ bến của người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Tất cả họ đã dựng nên hình tượng người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời toả sáng trên bao trang văn, trang thơ của biết bao thi sĩ xưa và nay.

"Phụ nữ là một nửa thế giới", "phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời." Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta không thể thiếu vắng hình ảnh những người phụ nữ. Văn học Việt Nam cũng vậy, luôn tôn vinh, ngợi ca vẻ hình tượng người phụ nữ với tất cả những gì tốt đẹp nhất và phụ nữ cũng giống như những bông hoa vậy, tuy mong manh, dễ thương tổn nhưng không kém phần kiên cường, nghị lực, vượt lên trên tất cả để tụ viết lên số phận của chính mình.

Đỗ Ái Trâm, 12 chuyên Văn, Lương Thế Vinh (2012-2015)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây