B. Bài văn mẫu
Bài 1
Lần thứ năm ông lão ra biển nhờ cá vàng giúp đỡ cũng là lần biển cả nổi cơn dông tố kinh khủng nhất như để phản đối sự đòi hỏi quá mức của mụ vợ. Cá vàng thương ông lão - vị ân nhân tốt bụng của mình mà đã đáp ứng nhiều yêu cầu của mụ.
Lòng tham của mụ vợ ngày càng đi quá xa. Từ một nông dân quèn ngồi bên cái máng lợn cũ sứt mẻ thành một bà nhất phẩm phu nhân rồi nữ hoàng với cung điện nguy nga, lộng lẫy và người hầu kẻ hạ tấp nập. Sự tham lam đã làm mụ mờ mắt mà vô ơn quên đi, đối xử tệ bạc với người chồng tội nghiệp. Tưởng rằng đã thỏa mãn nhu cầu của mụ vợ thì không ngờ một lần nữa ông lão lại lóc cóc đi ra biển. Lần này không bình thường như những lần trước, mụ muốn làm Long Vương ngự trên biển và bắt cá vàng hầu hạ theo ý muốn. Có lẽ được hưởng quá nhiều sự sung sướng của cuộc sống trần gian mà mụ ta muốn được đến một không gian mới. Nhưng mụ đã không biết rằng, cá vàng rất tức giận và sẽ không bao giờ đáp ứng yêu cầu của mụ nữa.
Ông lão vẫn kiên nhẫn đứng trên bờ biển chờ đợi câu trả lời của cá vàng. Mặc dù biết lần này mụ vợ của lão đã quá đáng nhưng ông cũng mong cá vàng sẽ giúp như những lần trước để ông không phải khổ sở vì mụ ta. Một lúc lâu sau, cá vàng xuất hiện. Nhìn ông lão với ánh mắt thông cảm, cá vàng lên tiếng: “ông lão ơi. Tôi rất biết ơn vì ông đã cứu mạng tôi. Nếu không có ông thì tôi cũng không thể vẫy vùng trên biển cả được nữa. Vậy nên tôi rất muốn trả ơn ông, trả ơn thật hậu để đáp đền lòng tốt của ông. Những lần trước tôi đều giúp ông làm cho mụ vợ thỏa nguyện. Nhưng lần này thì không được đâu ông lão ạ. Tôi không thể để mụ vợ ông ngang ngược làm Long Vương, lại càng không thể phục tùng mụ ta Như thế, danh dự của một cá vàng thần kì của biển cả này sẽ bị xúc phạm. Dù không làm được điều ông mong muốn nhưng tôi có cách này giúp ông không bị mụ vợ la mắng...”. Ông lão khuôn mặt rạng ngời xin cá vàng giúp. Ông lão thấy mình cũng không chịu được sự quái ác của mụ ta nữa.
Theo lời cá vàng chỉ dẫn, ông lão đi về nhà. Mụ vợ lúc này đang là nữ hoàng quyền uy nên lớn tiếng quát tháo tất cả mọi người. Thấy ông lão về mà mình vẫn chưa biến thành Long Vương mụ ta lại nổi cơn thịnh nộ, bắt ông đến gần dọa nạt. Ông lão bình tĩnh nhắn lại lời của cá vàng: mụ đừng đòi hỏi gì thêm nữa, hãy yên vị là một nữ hoàng sang trọng đi. Ngay tức khắc, ông lão bị lôi ra đánh và rồi lại lủi thủi đi ra biển. Cá vàng hiện lên “ông lão ơi, ông đừng buồn nhé. Nếu mụ ta không biết trân trọng ông, không biết trân trọng những gì đang có thì mụ ta sẽ mất tất cả. Ông cứ yên tâm quay về đi”. Ông lão nghe lời cá vàng ra về. Và ngạc nhiên chưa, mụ vợ ông không còn là nữ hoàng kiêu sa nữa mà giờ đây trở về là bà nhất phẩm phu nhân rồi. Nhưng ông lão cũng không được yên. Mụ ta giày vò ông, nói cá vàng vô ơn, không đáp ứng được mong muốn của ân nhân mình. Mụ vợ nói nhiều quá khiến ông không chịu được đành phải đi ra biển. Cá vàng lại xuất hiện, khuyên ông lão yên tâm ra về. Và lần này mụ vợ ông không còn ngôi vị gì nữa mà trở về với ngôi nhà nhỏ bên bờ biển. Mụ ta bắt đầu thấy lo lắng. Mỗi lúc mụ ta lại mất đi một thứ vô cùng quý giá, mất hết quyền uy, tiền bạc, mất hết cung điện nguy nga, người hầu kẻ hạ, giờ chỉ còn duy nhất một căn nhà. Mụ ta đang thấy sự trừng phạt của cá vàng. Mụ ta lo sợ rằng nếu còn đòi hỏi nữa chắc sẽ phải quay về với căn lều nát và cái máng lợn sứt mẻ. Mụ ta vô cùng hoang mang, mụ không muốn mình nghèo khổ như xưa, đến một tấm lưới lành lặn cũng không có. Sống trong thiếu thốn, cực nhọc gần hết cuộc đời rồi mụ vẫn chưa một lần được sung sướng. Mụ mong muốn một lần trong đời được hưởng thụ tất cả. Thế nên nhân cơ hội cá vàng trả ơn mụ thực hiện điều ước đó. Mụ không ngờ cả vàng lại hào phóng đến thế nên mỗi ngày đòi hỏi cao thêm. Cuối cùng, mụ nhận ra mình đi quá xa rồi và muốn xin cá vàng một căn nhà rộng, đẹp. Như thức tỉnh sau cơn mê dài, mụ khẩn khoản nhờ ông lão dẫn ra biển gặp cá vàng.
Cá vàng xuất hiện. Không chờ mụ nói gì, cá vàng hô biến và trong chốc lát, mụ ta không chỉ còn cái máng lợn mới, tấm lưới đánh cá lành lặn mà còn cả ngôi nhà rộng đẹp, chắc chắn. Mụ ta ngạc nhiên và sung sướng lắm, tha thiết cảm ơn cả vàng. Cá vàng quẫy đuôi rồi lặn mất xuống đáy biển sâu.
Ông lão cùng vợ trở về nhà, trong lòng biết ơn cả vàng tốt bụng. Mụ vợ đã nhận ra lỗi của mình và xin ông lão tha thứ. Từ đó, dựa vào những gì cá vàng giúp đỡ hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn, sống vui vẻ hòa thuận. Vợ ông lão cũng không còn mơ tưởng đến những gì quá xa xôi nữa.
Bài 2
Ông lão đánh cá lóc cóc đi ra biển, cầu xin cho mụ vợ làm Long Vương ngự trên biển và bắt cá vàng hầu hạ theo ý muốn của mình. Nhưng con cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển. Ông lão đứng mãi trên bờ chờ đợi, không thấy nó lên trả lời, mới đi về. Đến nơi, ông sửng sốt vô cùng. Lâu đài, cung điện, thị vệ, lính hầu,... tất cả biến đâu mất. Trước mắt ông lào lại là túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ.
Đôi mắt ông lão buồn thăm thẳm nhìn chăm chằm vào mụ vợ. Thời gian dường như lắng lại trong phút chóc, ông lão lặng lẽ quay đi về phía bờ biển. Từng con sóng trắng xóa đập vào vách đá vỡ tan. ông lão ngạc nhiên khi thấy bầu trời vẫn xanh trong như mọi ngày và nắng vẫn vàng tươi. Từng hàng cây phi lao rì rào trong gió. Gió thổi từ biển vào đem theo hơi nước mát rượi. Mặt trời khuất dần sau dãy núi xa. Ánh tà dương đỏ rực bao nhiêu thì lòng ông lão lại buồn bấy nhiêu. Trái tim ông đau như cắt. Ai có ngờ đâu người vợ chung sống cùng nhau trong suốt cuộc đời của mình trong phút chốc lại bị mờ mắt bởi cảnh xa hoa, mĩ lệ trong cung điện vàng son. Trời bỗng đổ mưa tầm tã. Mưa nặng hạt dần, ông lào vẫn ngồi dưới gốc cây bên bờ biển. Dường như ông lào muốn cơn mưa rửa trôi hết bao ưu tư, phiền muộn trong lòng. Trong tâm trí ông giờ đây chỉ có duy nhất một suy nghĩ, đó là có nên tha thứ cho mụ vợ hay không, ông lão đứng dậy, bước đi, mặc cho cái lạnh tê tái dưới cơn mưa. Con đường quen thuộc về nhà sao hôm nay ông lại muốn nó dài, dài mãi. Nhưng không! Túp lều rách nát xưa đã hiện ra trước mắt ông. Mụ vợ vẫn đang ngồi nhìn trời mưa tầm tã, hi vọng ông lào sẽ tha thứ cho mình, ông lão lẳng lặng bước vào trong túp lều. Túp lều tuy rách nhưng xưa kia nó ấm áp biết chừng nào, giờ tại sao lại trở nên hiu quạnh, trống vắng. Mưa ngoài trời đã ngớt. Ông lão nằm trong túp lều mà lòng lo lắng, không biết mụ vợ làm gì giữa trời giá rét. Ông trăn trở, suy nghĩ và thiếp đi lúc nào không biết. Bình minh thật đẹp! Ánh nàng ban mai chiếu xuống khoảng sân trước túp lều của vợ chồng ông lão. Lúc này, ông lão đã tỉnh giấc và bước ra ngoài sân. Đôi mắt ông lão ánh lên vẻ hốt hoảng, lo sợ. Mụ vợ đã ngất lịm trước sân. Đôi môi mụ tím tái. Chân tay lạnh ngắt. Đôi mắt ông lão đỏ hoe. Nhìn mụ vợ mà ông lão lại thấy thương. Ông lão chạy ra bờ biển và hét to:
- Cá vàng ơi! Hãy cứu mụ vợ của tôi với! Đời này, kiếp này tôi sẽ không quên ơn cá vàng đâu! Cá vàng ơi cá vàng! Mụ ta đã hối cải rồi. Cá vàng ơi! Tôi xin cá vàng!
Tiếng kêu tuyệt vọng của ông đã làm cá vàng nổi lên. Cá vàng nói:
- Ông lão! Đây là lần cuối cùng tôi giúp ông. Hi vọng từ sau vụ việc này mụ vợ ông lão sẽ làm ăn lương thiện. Còn bây giờ, ông lão hãy về đi! Mụ vợ ông lão đã được cứu sống rồi!
Vừa dứt lời, cá vàng đã lặn xuống lòng biển sâu. Ông lão đi về nhà. Mụ vợ đã được cứu sống. Như lời cá vàng nói, từ đó trở đi mụ vợ ông lão làm ăn lương thiện, đối xử tốt với ông lão. Sự cố gắng lao động của hai vợ chồng ông lão đã được đền đáp. Rồi gia đình ông xây được một căn nhà thay cho túp lều xưa và sống hạnh phúc đến hết đời.