Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Em hãy đóng vai bà đỡ Trần để kể lại câu chuyện “Con hổ có nghĩa” (phần truyện thứ nhất).

Thứ sáu - 06/09/2019 20:52
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu kể lại truyện Con hổ có nghĩa (phần truyện thứ nhất) bằng lời của nhân vật bà đỡ Trần (đóng vai bà đỡ Trần kể chuyện).
- Các chi tiết, sự việc trong truyện được lấy từ truyện Con hổ có nghĩa (phần truyện thứ nhất) và sự tưởng tượng của bản thân về những suy nghĩ của nhân vật bà đỡ Trần.
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, người kể chuyện tưởng tượng mình là bà đỡ Trần - một nhân vật trực tiếp tham gia vào truyện - để kể lại truyện, xưng “tôi” hoặc “ta”. Chú ý rằng ngoài việc kể lại truyện trên cơ sở những chuyện đã có cần sử dụng phương thức biểu cảm để tưởng tượng những suy nghĩ của bà đỡ Trần.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Người kể chuyện (bà đỡ Trần) tự giới thiệu về mình (tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp...).
+ Giới thiệu một chuyện kì lạ đã từng gặp: chuyện về con hổ có nghĩa.
Thân bài:
+ Hoàn cảnh gặp hổ: đêm tối trời, nghe tiếng gõ cửa nên nghĩ là có người nhờ đỡ đẻ bèn giắt vội gói thuốc rồi mở cửa, bị hổ cõng chạy đi
-> Tâm trạng lo lắng, hoảng hốt.
+ Cảnh tượng kì lạ: hổ cái đau đẻ, hổ đực nhìn như van xin -> hiểu ý hổ nhờ giúp vợ đẻ.
+ Hành động: xoa bụng hổ cái, cho hổ cái uống thuốc, giúp hổ cái sinh con.
* Thái độ, hành động của hổ: Nhìn bà cảm ơn, lấy bạc cho bà, đưa bà về,...
* Nhờ bạc hổ cho mà bà qua cơn khó khăn, giúp đỡ được nhiều người.
Kết bài:
* Suy nghĩ về thái độ, tình cảm của hổ dành cho vợ, dành cho mình.
- Bài học về tình cảm giữa người với người.

B. Bài văn mẫu
Tôi vốn họ Trần, làm nghề hộ sinh ở huyện Đông Triều. Mọi người vẫn quen gọi tôi là bà đỡ Trần. Một câu chuyện kì lạ đã đến với tôi. Chuyện xảy ra cách đây khá lâu mà tôi vẫn nhớ rõ ràng như mới vừa hôm qua vậy.

Một đêm nọ, tôi đang ngủ thì chợt nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi tưởng trong làng có ai trở dạ, người nhà đến gọi nên vội vã ra mở cửa. Nhưng thật kì lạ, khi tôi ra ngoài thì chẳng có một ai. Đứng một lát thì chợt có một cái gì lông lá xông tới cõng tôi lên lưng và lao đi vun vút. Khi tôi nhận ra là mình đang ngồi trên lưng hổ thì đã muộn. Tôi sợ đến mức không nói được câu gì, ngất lịm đi.

Một lát sau, tôi tỉnh lại, thấy hổ dùng chân ôm người tôi chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối chạy vào rừng sâu. Một lát, hình như đã tới nơi, con hổ đặt tôi xuống. Tay chân tôi run rẩy đứng mãi mới vững. Định thần lại, tôi nhìn thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất. Tôi tưởng hổ đực định ăn thịt mình nên run sợ, không dám nhúc nhích. Lúc sau, hổ đực tiến lại, cầm tay tôi nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh này bao giờ. Nhưng lương tâm nghề nghiệp trong tôi trỗi dậy. Tôi bạo dạn nhìn kĩ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ cái sắp đẻ.

Sẵn có thuốc luôn mang theo bên mình, tôi liền hoà với nước suối cho hổ cái uống, lại xoa bụng hổ. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mỏi mệt lắm. Rồi hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc. Tôi đoán hổ tặng mình, bèn cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn tôi. Tôi nghĩ bụng chắc hổ định chỉ đường cho tôi về nhà, nên đi theo. Đi được mươi bước thì trời hừng hừng sáng. Tôi bèn chắp tay nói: “Xin chúa rừng quay về”. Hổ vẫn cúi đầu vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Khi tôi đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng như cảm ơn tôi một lần nữa rồi bỏ đi.

Tôi về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa đói kém, nhờ số bạc ấy mà tôi và gia đình mới sống qua được, lại còn có thể giúp đỡ chút ít cho bà con trong làng.

Có lẽ bây giờ, những hổ con mà tôi đỡ cũng đã thành những con hổ trưởng thành. Không biết cuộc sống của chúng như thế nào. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ ngợi, loài ác thú như hổ mà còn có tình có nghĩa thế, con người chúng ta càng phải nhủ mình sống sao cho xứng làm người.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây