Thuyền của nhà vua xứ Phê-a-ki đưa cha tôi về I-tác, cập bến vào đúng thời điểm mẫu thân tôi đang gặp rắc rối vì bọn cầu hôn thúc ép. Bà tìm cách chối từ, bèn lấy chiếc cung của cha tôi ra, giao hẹn: hễ kẻ nào gương được cung, bắn xuyên qua mười hai cái vòng rìu thì bà sẽ lấy kẻ đó. Tất cả bọn cầu hôn đều thất bại, trừ một người. Ấy chính là cha tôi. Tôi nhận ra ông ngay lập tức bởi thần hình vạm vờ, lực lưỡng cánh tay giương cung nỗi cơ bắp cuồn cuộn, rắn chắc, ánh mắt cháy rừng rực như ngọn lửa mặt trời. Tôi kể nhanh sự tình và cùng cha trừng trị bọn cầu hôn cũng như những gia nhân phản bội. Lúc rửa chân cho cha, nhũ mẫu ơ-ri-clê đã nhận ra người qua vết sẹo ở chân và mặc dù bị cha ngăn lại, nhũ mẫu vẫn đem chuyện kể cho mẫu thân. Thật trái với những gì tôi tưởng tượng, mẫu thân tôi không tin.
Sau bao năm xa cách, lẽ ra giây phút gặp lại, cha mẹ phải ôm hôn nhau thắm thiết, nhưng thật không thể hiểu nổi: cha ngồi dựa vào một cây cột cao, mắt nhìn xuống đất trong khi mẹ bước qua ngưỡng cửa bằng đá đến ngồi trước mặt dựa vào một bức tường dối diện. Giữa hai người là bếp hồng cháy rừng rực. Im lặng. Một sự im lặng khó hiểu đến nghẹt thở khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi thấy mẹ tôi thật bất công với cha bèn buông lời trách bà gay gắt, rằng: người thật độc ác, thật nhẫn tâm, trái tim người là bằng sắt đá...
Mặc dù bị tôi, đứa con yêu trách cứ nặng nề, nhưng Pê-nê-lốp, mẹ tôi, vẫn nói những lời thận trọng. Người nói với tôi để bóng gió với cha rằng họ có những dấu hiệu riêng để nhận ra nhau. Cha tôi nhẫn nại mỉm cười và nói với tôi những lời có cánh. Tôi chỉ biết đáp lại: “Cha thân yêu, việc này xin để tùy cha định liệu, vì xưa nay cha vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan, không một kẻ phàm trần nào sánh kịp”.
Nói rồi, theo lời cha, mọi người tắm rửa, ca hát nhảy múa như trong nhà đang làm lễ cưới. Cha cũng đi tắm và khi từ phòng tắm bước ra, trông người đẹp như một vị thần. Người trở về chỗ cũ, đối diện với mẹ và nói: “Khốn khổ! Hẳn là các thần tiên núi Ô-lem-pơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết... vì một người khác chắc không có gan ngồi xa chồng như thế, khi chồng đi biền biệt hai mươi năm trời, trải qua bao nỗi gian truân, nay mới trở về xứ sở”. Người quay sang nói với nhũ mẫu Ơ-ric-lê: “Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình”. Mẹ tôi vẫn rất thận trọng đáp lời cha tôi và nói với nhũ mẫu: “Ơ-ric-lê! Già hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay Uy-lít-xơ xây nên, rồi lấy da cừu, chăn và vải đẹp trải lên giường”.
Mẹ nói vậy có ý thử cha và cha bỗng giật mình hỏi: “Ai đã xê dịch giường tôi đi chỗ khác vậy? Nếu không có thần linh giúp đỡ thì là người tài giỏi nhất cũng khó lòng làm được việc này”. Cha tôi đã kể liền một mạch về bí mật chiếc giường mà chỉ hai người biết. Sở dĩ chiếc giường không thể xê dịch được là vì một chân giường do chính ta cha làm bởi gốc cây Ô-liu cổ thụ có rễ bám chặt vào lòng đất. Cha còn kể tỉ mỉ về những vật dụng, những đồ trang trí trong phòng khiến mẹ tôi nghe mà bủn rủn cả chân tay. Tới lúc đó người mới chạy lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ cha, hôn lên trán người và nói: “Uy-lít-xơ Xin chàng chớ giận thiếp”. Rồi cứ thế, cha mẹ tôi ôm nhau khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của giây phút đoàn tụ sau hai mươi năm xa cách với muôn vàn sóng gió.
Nhìn cảnh tượng cha mẹ hạnh phúc, tôi cảm động và sung sướng vô cùng. Tôi thầm cảm ơn thần Dớt, vị thần tối cao, cảm ơn các vị thần trên đỉnh Ô- lem-pơ!