I. Dàn ý
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích.
– Hình tượng Trịnh Hâm và hình tượng ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn một người đại diện cho tội ác, cho sự xấu xa đê tiện, một người đại diện cho cái thiện, cho nhân cách cao đẹp.
2. Thân bài:
a. Hình tượng Trịnh Hâm.
– Hành động độc ác, xấu xa:
+ Giữa lúc đêm khuya tối tăm, vắng vẻ, Trịnh Hâm xô ngay Lục Vân Tiên xuống vời: hành động hại người diễn ra nhanh, gọn, tàn bạo, không chút lưỡng lự -> ta thấy rõ sự độc ác, nhẫn tâm của Trịnh Hâm. Có thể suy luận việc làm hại người khác là việc làm thường xuyên nên được tiến hành rất thuần thục.
+ Sau hành động tàn nhẫn, hắn còn kêu trời rồi lấy lời phui pha: Đây là hành động vừa ăn cắp, vừa la làng muốn che đậy tội ác -> thể hiện sự gian ngoan, xảo quyệt của Trịnh Hâm – một kẻ giả nhân, giả nghĩa.
– Nhân cách đê tiện, hèn hạ.
+ Ghen ghét, đố kị với bạn bè.
+ Bản chất độc ác, đê tiện.
+ Con người lật lọng, lừa lọc, phản bội, bất nhân bất nghĩa.
b. Hình tượng ông Ngư.
– Hành động cứu người:
+ Hành động cứu người khẩn trương (vớt ngay lên bờ), không vụ lợi, không mảy may tính toán thiệt hơn.
+ Tận tình giúp đỡ người bị nạn một cách chu đáo, ân cần (hối con vầy lửa, hơ bụng, hơ mặt).
– Lời nói:
+ Giữ Vân Tiên ở lại để chăm sóc, sẵn sàng giúp đỡ.
+ Làm việc nghĩa không chờ trả ơn.
– Nhân cách cao thượng:
+ Sống trong sạch, không màng danh lợi, hòa mình bầu bạn với thiên nhiên.
+ Ông Ngư là một người lao động chất phác, trọng nghĩa khinh tài, giàu lòng thương người.
c. Quan điểm thiện – ác của Nguyễn Đình Chiểu.
– Nguyễn Đình Chiểu phân định một cách rạch ròi ranh giới giữa thiện và ác. Trịnh Hâm là tiêu biểu cho cái ác, sự xấu xa, đê tiện, thấp hèn; còn ông Ngư là đại diện cho cái thiện, cái đẹp và sự cao thượng.
– Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản một cách triệt để nhằm tô đậm hành động bất nhân bất nghĩa của Trịnh Hâm và ca ngợi, khẳng định hành động cứu người cao đẹp của ông Ngư.
– Quan điểm về thiện và ác của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ quan điểm nhân nghĩa xuyên suốt trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Ông Ngư chính là hiện thân cho vẻ đẹp của quần chúng nhân dân lao động, hiện thân cho vẻ đẹp của chính nghĩa. Hình tượng ông Ngư chính là kết tinh của lí tưởng nhân nghĩa trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
3. Kết bài:
Qua đoạn trích người đọc càng thấy rõ hơn tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Đình Chiểu trong sáng tác văn học:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
II. Bài văn mẫu: Suy nghĩ về quan niệm thiện – ác trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu
Trong tác phẩm Một số tư liệu về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (NXB Khoa học Xã hội, 1965), G. Ô-ba-rê từng nhận định: Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từng được xem là "một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của một dân tộc". Một trong những tình cảm lớn lao ấy là tấm lòng yêu mến, trân trọng cái thiện đồng thời căm ghét, lên án cái ác ở đời. Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn sự đối lập thiện - ác tiêu biểu cho toàn bộ tác phẩm.
Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn" nằm ở phần thứ hai của truyện. Đang bơ vơ nơi đất khách với đôi mắt mù lòa và nỗi đau xót khôn nguôi về người mẹ mới qua đời, Lục Vân Tiên lại gặp Trịnh Hâm thi rớt trở về. Sẵn lòng đố kị, ganh ghét với Vân Tiên từ trước, Trịnh Hâm bèn lợi dụng cơ hội để hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa hẹn sẽ dẫn về quê nhà. Chờ khi đêm tối, Trịnh Hâm mới thực hiện hành động tàn ác của mình.
Qua cách hành xử của các nhân vật khi gặp người bị nạn: Trịnh Hâm gặp Vân Tiên bị mù, ngư ông và gia đình gặp Vân Tiên bị đẩy xuống sông, tác giả đã vạch mặt chỉ tên cái ác - mà đại diện là gã Trịnh Hâm tàn ác, nham hiểm đồng thời ngợi ca cái thiện, tiêu biểu là nhân vật ông ngư cùng gia đình của ông.
Trịnh Hâm là một kẻ có tâm địa hèn hạ, xấu xa. Vốn ghen ghét, với Lục Vân Tiên nhưng đến khi Lục Vân Tiên mù lòa rồi, dã tâm của Trịnh Hâm vẫn chưa thỏa. Lục Vân Tiên đã bị mù, tiền bạc hết, thầy tớ bơ vơ. Với Vân Tiên, Trịnh Hâm lại là người quen cũ. Vậy mà gã họ Trịnh lại đang tâm lừa gạt, hãm hại con người tội nghiệp, đang trong cơn hoạn nạn, cần nhờ cậy sự giúp đỡ của hắn. Giữa lúc đêm khuya tối tăm, vắng vẻ, Trịnh Hâm xô ngay Lục Vân Tiên xuống vời, hành động hại người diễn ra nhanh, gọn, tàn bạo, không chút lưỡng lự cho ta thấy rõ sự độc ác, nhẫn tâm của Trịnh Hâm. Có thể suy luận việc làm hại người khác là việc làm thường xuyên nên được tiến hành rất thuần thục.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.
Không những vậy, Trịnh Hâm còn vừa ăn cướp vừa la làng đầy ghê tởm:
Trịnh Hâm khi ấy kêu trời
Cho người thức dậy lấy lời phôi pha.
Đây là hành động vừa ăn cắp, vừa la làng muốn che đậy tội ác của mình, thể hiện sự gian ngoan, xảo quyệt của Trịnh Hâm – một kẻ bất nhân, bất nghĩa, lật lọng không giữ lời mình nói ra (hứa đưa Vân Tiên trở lại quê nhà) mà còn hãm hại Vân Tiên. Đối với những người quân tử Nho học xưa, lời hứa vô cùng thiêng liêng, đó là bức tượng danh dự cho mỗi người: Lời đã nói ra như dao chém đá, một lời nói nặng tựa chín đỉnh đồng.
Chỉ tám dòng thơ, tác giả đã sắp xếp các tình tiết một cách hợp lí, thể hiện diễn biến hành động rất mau lẹ, có tính toán và rất độc ác của Trịnh Hâm. Cái ác trong con người này tiêu biểu cho cái ác trong toàn bộ tác phẩm. Đó là sự lọc lừa, phản trắc của những Bùi Kiệm, Võ Công,... Chúng đã không chỉ một hai lần hãm hại những tâm hồn lương thiện thanh sạch như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga…
Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không hề bi quan về cuộc đời, dựng lên hình ảnh của cái ác, tấm lòng nhân ái của nhà thơ muốn tạo ra sự đối lập để tôn vinh cái thiện. Cái thiện ấy được thể hiện qua sự hiệp nghĩa và trái tim nhân ái của ông ngư cùng gia đình của ông.
Thấy người bị nạn dưới sông, ông ngư đã ra tay cứu giúp:
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con vầy lừa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Từ "hối" có ý nghĩa là giục giã, thúc giục. Ông ngư cùng vợ con đang rất khẩn trương cứu sống Vân Tiên. Câu thơ mộc mạc, chỉ kể lại sự việc một cách tự nhiên, nhưng ẩn chứa bao ân tình của cả một gia đình vợ chồng, con cái đối với người gặp nạn. Chỉ riêng điều này đã đối lập gay gắt với hành động độc ác, bất nhân của Trịnh Hâm.
Không chỉ vậy, ông Ngư và cả gia đình còn sẵn sàng cưu mang người hoạn nạn: ông chân thành ngỏ ý mời Vân Tiên ở lại cùng sớm hôm chia sẻ cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm tình người:
"Ngư rằng: "Người ở cùng ta
Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui".
Khi Vân Tiên băn khoăn "ông lấy chi nuôi" ngư ông đã thể hiện lòng vị tha, tinh thần trọng nghĩa khinh tài của mình qua câu nói:
"Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn"
Có nghĩa là làm ơn mà không hề trông chờ sự báo đáp. Đó là sự trong sạch vô tư đến tuyệt vời của một tâm hồn lành mạnh khỏe khoắn... Điều đó một lần nữa còn được thể hiện qua cuộc sống lao động của ông Ngư. Đó là một cuộc sống trong sạch, không chạy theo danh lợi, khinh ghét thói đời bạc đen, tráo trả. Cuộc sống của ông gắn với thiên nhiên khoáng đạt, tâm hồn ông thanh thản và thư thái vô cùng:
“Một mình thong thả làm ăn
Tắm mưa trải gió trong vời hàn giang”.
Bằng đoạn thơ trên, tác giả gửi gắm khát vọng và niềm tin vào cái thiện, vào bản chất tốt đẹp của con người lao động bình thường. Cùng với những Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Tiều, ông quán,... ông ngư đã đại diện cho cái thiện trong thiên truyện Lục Vân Tiên. Qua những nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện một cái nhìn tiến bộ, lạc quan đậm chất nhân dân.
Nguyễn Đình Chiểu phân định một cách rạch ròi ranh giới giữa thiện và ác. Trịnh Hâm là tiêu biểu cho cái ác, sự xấu xa, đê tiện, thấp hèn; còn ông Ngư là đại diện cho cái thiện, cái đẹp và sự cao thượng.
Quan điểm về thiện và ác của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ quan điểm nhân nghĩa xuyên suốt trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Ông Ngư chính là hiện thân cho vẻ đẹp của quần chúng nhân dân lao động, hiện thân cho vẻ đẹp của chính nghĩa. Hình tượng ông Ngư chính là kết tinh của lí tưởng nhân nghĩa trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn trích diễn tả đời sống của ngư ông, ngôn ngữ và lời thơ rất thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, ý tình phóng khoáng mà sâu xa. Đọc đoạn thơ, ta có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vật để nói lên cái khát vọng sống của mình.
Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản một cách triệt để nhằm tô đậm hành động bất nhân bất nghĩa của Trịnh Hâm và ca ngợi, khẳng định hành động cứu người cao đẹp của ông Ngư, thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời. Đó cùng chính là cái gốc sâu xa làm nên sức hấp dẫn của toàn bộ tác phẩm này.