I. Dàn ý
1. Mở bài:
Đoạn này trích ở phần giữa truyện. Nghe tin mẹ mất, Vân Tiên bỏ thi trở về chịu tang mẹ cùng với tiểu đồng. Quá đau đớn chàng nhuốm bệnh rồi bị mù. Thi xong trên đường về, Trịnh Hâm gặp lại thầy trò Vân Tiên. Tên phản bạn này dụ trói tiểu đồng vào một gốc cây trong rừng. Sau đó, hắn xô Vân Tiên xuống sông hòng hại chết chàng .
2. Thân bài:
a) Ý chính của đoạn thơ này là sự đối nghịch giữa cái thiện và cái ác. Tám câu đầu là hành động tội ác tàn bạo thể hiện tâm địa độc ác của Trịnh Hâm đối với bạn mình là Lục Vân Tiên. Đoạn sau miêu tả việc làm nhân đức của Ngư ông cùng gia đình đã vớt Vân Tiên và chạy chữa cho chàng đồng thời miêu tả cuộc sống lao động trong sạch và nhân cách cao cả, đáng kính của ông Ngư.
b) Hành động tội ác của Trịnh Hâm
Chỉ trong tám câu thơ, tác giả đã nêu ra tâm địa độc ác của Trịnh Hâm. Trước cảnh mù lòa của Lục Vân Tiên, hắn đã không hề có một chút thương cảm. Từng là bạn bè với nhau khi cùng đến trường thi giờ gặp lại bạn trong lúc khó khăn, bệnh hoạn lại hết lòng tin cậy “Tình trước ngãi sau. Có thương xin khá giúp nhau phen này” và chính miệng hắn cũng đã khăng khăng: “Đương cơn hoạn nạn gặp nhau. Người lành nỡ bỏ người đau sao đành”. Vậy nhưng hắn lại làm ngược lại. Một kẻ bất nhân bất nghĩa. Hắn đã lừa tiểu đồng vào rừng sâu và trói vào gốc cây bỏ cho thú dữ ăn thịt.
Hơn thế nữa, Trịnh Hâm là một kẻ xảo trá. Hành động tội ác của hắn không phải là vô tình mà là một âm mưu khá tinh vi đã được hắn hoạch định trước. Đưa Vân Tiên xuống thuyền với lời hứa sẽ đưa về tận nhà, đợi khi trời tối đẩy Vân Tiên xuống sông cho dòng nước cuốn trôi rồi lại giả tiếng kêu trời nhằm lừa mọi người hòng che giấu tội ác của mình. Trịnh Hâm là mẫu người tiêu biểu cho cái xấu, cái ác của xã hội lúc đó.
Động cơ thủ ác của hắn là gì? Chẳng quen biết, thù hằn gì, chỉ gặp nhau trên đường đi thi, trong lần uống rượu làm thơ trong quán nhưng chỉ vì thấy Vân Tiên đức cao, tài giỏi đã sinh lòng đố kị, ganh ghét:
Kiệm, Hâm là đứa so đo,
Thấy Tiên dường ấy âu lo trong lòng.
Khoa này Tiên ắt đấu công,
Hâm dầu có đậu cũng không xong rồi.
Chỉ vì danh vọng thấp hèn mà hắn trở nên tàn bạo như thế. Nhưng cái ác hiện hình đó không hề làm mất lòng tin nơi con người của nhà thơ. Bằng chứng là phần chủ yếu của đoạn trích tác giả đã miêu tả và ca ngợi tấm lòng nhân hậu và cao thượng đầy chân tình của ông Ngư khi cứu vớt và tận tình chăm sóc Vân Tiên.
c. Hình ảnh ông Ngư
Hình ảnh miêu tả cho thấy gia đình ông Ngư thật đẹp, đẹp từ quan niệm sống đến việc làm nhân đức. Thấy người bị nạn ông đã lập tức cứu giúp và cả nhà ông tận tình cứu sống người bị nạn dù không hề biết họ là ai:
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hồi con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Các câu thơ bình dị, tự nhiên trên không những đã kể lại một hành động nhân nghĩa mà còn gợi tả hết mối chân tình của cả gia đình ông Ngư đối với người bị nạn.
Cứu sống Vân Tiên, ông còn lưu giữ chàng ở lại gia đình mình. Dù gia cảnh ông rất nghèo nhưng ông sẵn lòng đùm bọc kẻ tật nguyền không chốn dựa nương. Ông Ngư đã không hề tính toán đến ơn cứu mạng mà Vân Tiên không lấy gì báo đáp:
Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhơn nghĩa, há chờ trả ơn?
Lời nói ý nghĩa này của ông làm ta nhớ lại lời Vân Tiên khi cứu Nguyệt Nga “làm ơn há dễ trông người trả ơn”.
Không chỉ việc làm, quan niệm sống và cả phong cách sống của ông Ngư cũng rất đẹp: nghèo mà trong sạch, không màng danh lợi. Ông sống ung dung tự do, tự tại, kiếm sống bằng chính sức lao động của mình: “Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm”. Quả là một cuộc sống rất mực thanh cao, vui cùng bầu trời, vui cùng gió trăng sông nước: “Một bầu trời đất vui thầm ai hay”, “Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng”.
Rất đẹp kể cả từ hành động đến quan niệm sống. Ông Ngư là hình ảnh tiêu biểu của người dân lao động, cho đạo đức cao đẹp và trong sáng của nhân dân.
Đoạn thơ trích nêu lên sự đối lập giữa thiện và ác; giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện lòng tin của tác giả đối với người dân lao động. Một đoạn thơ giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã.
3. Kết bài:
Qua đoạn trích này, ta thấy rõ sự đối lập giữa thiện và ác. Thái độ tác giả ở đây cũng rất rõ ràng: Ông hết lòng thương yêu những con người có nhân cách cao thượng như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Ông Ngư,… và ông cũng ghét cay ghét đắng những kẻ xấu, kẻ ác như bọn cướp, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm… Nhà thơ đã hết lòng tin tưởng nơi nhân dân lao động, những người tuy nghèo khổ nhưng đầy lòng nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài.
II. Bài văn mẫu:
Bài 1: Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.
Văn học Việt Nam có rất nhiều cây bút tài hoa, nghị lực hơn người. Văn xuôi chúng ta có một Nam Cao bản lĩnh vượt lên gánh nặng áo cơm để sống và sáng tạo nghệ thuật. Còn thơ ca, chúng ta có Nguyễn Đình Chiểu dũng cảm hơn người, vượt lên trên cuộc đời bất hạnh với đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, ông đã cống hiến cho nền văn học nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Truyện Lục Vân Tiên với đoạn trích ấn tượng “Lục Vân Tiên gặp nạn”. Thông qua tình huống khó khăn của Lục Vân Tiên, đoạn trích đã tái hiện sự đối lập giữa thiện và ác, ngợi ca vẻ đẹp, lòng nhân hậu cũng như tình yêu thương ở con người. Đồng thời tố các tội ác, sự tàn nhẫn của những kẻ giả tạo, hai mặt, ích kỷ tham lam.
Mở đầu đoạn trích, nhà thơ vạch trần hành động xấu xa, mờ ám của kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm với âm mưu toan tính đẩy Lục Vân Tiên vào tình cảnh hiểm nguy.
“Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời"
Lộ phí đã hết, hai mắt đã mù. Thời điểm bấy giờ, thầy trò Vân Tiên gần như đã đi đến bước đường cùng nơi đất khách quê người. Vân Tiên gặp Trịnh Hâm, vui mừng khi nghe hắn hứa sẽ đưa về tận nhà, những tưởng bản thân đã được giúp đỡ. Nào ngờ, Trịnh Hâm lừa tiểu đồng vào rừng, trói gốc cây rồi gạt Vân Tiên tiểu đồng đã bị cọp vồ. Lợi dụng tình cảnh lẻ loi trơ trọi của chàng, kẻ tiểu nhân thực hiện hành vi tàn độc.
Âm mưu được sắp đặt tỉ mỉ, Trịnh Hâm thâm hiểm, mưu mô lựa chọn thời gian “đêm khuya”, khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ và không gian “vắng lặng”, “mịt mờ sương bay” để ra tay. Hắn không chút mảy may do dự, tàn độc đẩy Vân Tiên xuống hồ khiến chàng không kịp phản kháng. Không những thế, ngay sau đó, kẻ bất nhân còn giả tạo than khóc, cầu xin giúp đỡ, ngụy tạo những lời nói dối để mọi người đồng cảm, che đậy hành động đáng khinh của mình:
“Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời
Cho người thức dậy, lấy lời phôi pha”
Khá khen cho kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”, kẻ hại người lại cầu được thương xót, tỏ vẻ nhân nghĩa biết bao! Kế hoạch Trịnh Hâm sắp đặt quả thực quá hoàn hảo khi khiến mọi người nghĩ rằng Vân Tiên chẳng may gặp nạn còn bản thân là người thấy và kêu cứu. Hắn giả tạo đến nỗi mọi người nhìn vào không ai nghi ngờ, tất cả chỉ xôn xao hoảng hốt:
“Trong thuyền ai nấy kêu la
Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”
Ai nấy xót thương cho chàng Vân Tiên hiền lành, tốt bụng. Chỉ riêng Trịnh Hâm tàn nhẫn, hẹp hòi, chỉ vì thù riêng, vì ích kỷ mà rắp tâm hãm hại huynh đệ giữa lúc khó khăn. Hại người vốn đã xấu xa, hại người thân cận, tin tưởng mình lại càng độc ác dơ bẩn biết nhường nào. Tám câu thơ đầu đã vạch trần bộ mặt gian xảo, mưu mô của Trịnh Hâm, phơi bày nội tâm xấu xa của kẻ bất nhân bất nghĩa đến đáng khinh thường.
Thế nhưng, cha ông xưa có câu “Ở hiền gặp lành”. Vân Tiên bị Trịnh Hâm tàn ác đẩy vào kiếp nạn nhưng lại may mắn gặp được Ngư Ông hiền lành, tốt bụng.
“Vân Tiên mình lụy giữa dòng,
Giao long dìu dắt vào trong bực rày.
May vừa trời đã sang ngày,
Thuyền chài xem thấy vớt ngay lên bờ.”
Ngư Ông chính là đại diện cho những người dân lao động nghèo, biết yêu thương giúp người, giúp đời, lương thiện chất phác. Vô tình nhìn thấy Vân Tiên trôi nổi giữa dòng nước, ông chẳng hề do dự nhanh chóng vớt chàng lên rồi hối thúc thành viên trong gia đình giúp đỡ.
“Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”
Những người thân của Ngư Ông cũng nhân hậu như ông, không tính toán, không so đo, hành động hào hiệp, trượng nghĩa. Họ không biết Vân Tiên là ai, kẻ ác hay người tốt vẫn chung tay cứu người. Hành động của Trịnh Hâm ghê tởm bao nhiêu thì hành động của họ đáng trân trọng ngợi ca bấy nhiêu!
Vân Tiên tỉnh lại, biết rõ hoàn cảnh éo le của chàng Ngư Ông càng thêm cảm thông, thương xót, ngỏ lời mời Vân Tiên ở lại. Dẫu gia cảnh chẳng hề khá giả, những con người nghèo khổ vẫn sẵn sàng giang tay giúp đỡ người. Thậm chí khi Vân Tiên trăn trở không biết làm sao báo đáp ơn cứu mạng, Ngư Ông vẫn ân cần:
“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”
Lời Ngư Ông bộc trực, khảng khái, đậm chất cá tính của người dân Nam Bộ ngay thẳng. Trong suy nghĩ của con người giàu lòng nhân nghĩa, làm việc tốt là điều cần thiết, là nghĩa vụ và hành động nên có của mỗi người. Không những thế, lão Ngư còn có một tâm hồn và lối sống cao đẹp. Lão không màng vật chất cao sang, chẳng màng phú quý danh lợi, chỉ cần cuộc sống tự do, ung dung là đủ:
“Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm,
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay”.
Một đoạn thơ ngắn với ý thơ phóng khoáng, sâu sa, lời thơ uyển chuyển, thanh thoát đã gợi lên bức tranh về một cuộc sống đầy ung dung, tự tại. Vũ trụ bao la hòa hợp với con người. Con người không chút lẻ loi, cô độc, chơi trăng, hứng gió. Tâm hồn “vui vầy”, “thong thả”, nghêu ngao,... Bỏ qua mọi danh lợi để tìm về cuộc sống sông nước sạch trơn, tấm lòng Ngư Ông sáng lấp lánh như sao trời.
Cặp từ “hứng gió, chơi trăng” cùng nhịp thơ 2/2/2 (dòng lục) và 4/4 (dòng bát) đã phác họa chân dung người lao động có tâm hồn thơ mộng, lãng mạn cùng phong thái chủ động, dung. Cuộc sống tự do tự tại thất hạnh phúc, vui vẻ biết bao:
“Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”.
Chiếc thuyền nan tuy bé nhỏ, mong manh, nổi trôi giữa biển rộng sông dài vẫn không sợ đắm chìm. Cuộc đời Ngư Ông cũng như chiếc thuyền ấy, đẹp đẽ biết bao. Hình ảnh của ông và gia đình là hình ảnh tiêu biểu cho những người lao động bình thường nhưng lương thiện, nhân nghĩa. Họ mang trong mình những tấm lòng nhân ái, bừng sáng nhân cách tươi đẹp, cao thượng.
Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” được xây dựng khéo léo theo kết cấu truyền thống của truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu đã thành công sử dụng bút phát hiện thực kết hợp bút pháp ước lệ tượng trưng, nhịp thơ nhẹ nhàng, có điểm nhấn, ngôn ngữ bình dị, gần gũi. Đoạn trích qua đó đã gửi gắm niềm tin về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp với những người lương thiện, ngợi ca vẻ đẹp ẩn giấu từ lòng trắc ẩn trong trái tim con người, lên án và phê phán những kẻ tiểu nhân mưu mô xảo quyệt, sẵn sàng đẩy người khác vào chỗ chết để đạt được mục đích cá nhân.
“Lục Vân Tiên gặp nạn” đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của cả tác phẩm và ghi dấu phong cách hồn thơ Nguyễn Đình Chiểu trong văn học Việt Nam. Không chỉ chứa đựng giá trị văn chương sâu sắc, nó còn nâng niu một đạo lý truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc – Ở hiền gặp lành.
Bài 2: Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn
Với quan niệm “Văn dĩ tải đạo” đã trở thành chức năng phản ánh của văn học. Điều này đã hiện thực hóa trong quá trình sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Trong hệ thống thi phàm của mình mà cụ thể là Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu xây dựng hai tuyến nhân vật: Thiện và ác, đạo đức và gian tà. Ông Quán, Ông Ngư, chú tiểu đồng, Hớn Minh… đều được Nguyễn Đình Chiểu trân trọng đề cao. Họ là những con người lương thiện, giàu lòng thương người, trọng nghĩa khinh tài.
Mặt khác, ông cùng kịch liệt lên án vạch mặt bọn người có tâm địa, xảo quyệt như cha con Võ Thế Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm… Trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nổi bật lên hai hình tượng đối lập giữa cái thiện và cái ác. Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Đình Chiểu khắc họa chân dung Trịnh Hâm là điển hình của cái xấu, cái ác:
Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghênh ngang sao mọc núi mờ sương bay
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị ngã xô ngay xuống vời
Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời
Cho người thức dậy lấy lời phui pha.
Ghen ghét, đố kị là thói xấu của con người. Nhưng sự ghen ghét, đố kị, độc ác như Trịnh Hâm thì cũng thật là hiếm. Hắn đan tâm hãm hại một con người đang lúc mù lòa, ốm đau, không nơi nương tựa, không có gì để chống đỡ. Hành động tàn ác của hắn cốt do trả thù cho nỗi hận rất nhỏ nhen, thỏa mãn lòng ghen ghét, đố kị cái tài của Lục Vân Tiên trong một cuộc hội ngộ uống rượu giữa bốn người gồm có: Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.
Một con người cũng mang danh sĩ tử, theo nghiệp bút nghiêng cũng đọc sách thánh hiền như Trịnh Hâm mà lại có mưu đồ đen tối ngay cả khi Vân Tiên đã không còn có thể đe dọa đến bước đường công danh của hắn thì ắt sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Để thê hiện hành động đen tối của mình, hắn đã nghi “Hại Tiên phải dạng mưu này mới xong”. Trước đoạn truyện này, hắn đã lập mưu trói tiểu đồng vào gốc cây cho hổ ăn thịt.
Rồi sau đó giả bộ thương xót đưa Vân Tiên xuống thuyền, khi ra đến giữa “vời”, trong đêm tối mịt mùng “nghênh ngang sao mọc, mịt mờ sương bay”, hắn mới “ra tay” hành động.
Hai chữ “ra tay” ở câu trên ứng với hai chữ “xô ngay” ở câu dưới đã thực sự tô cáo hành động gian ác, trắng trợn của hắn. Hành động kiên quyết đó lại được che đậy trong một cái ác xảo quyệt của loại người “ném đá giấu tay” bằng cách “giả tiếng kêu trời”. Cái hành động “giả tiếng kêu trời” đã khái quát được cái chân tướng của kẻ giả nhân giả nghĩa. Hắn là hiện thân của cái ác, cái lưu manh trong xã hội thời ấy.
Một con người được coi là kẻ có học như hắn mà có cái ác trú ngụ thì thật là nguy hiểm và ghê tởm. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh cùng có nhận xét: “Mỗi oán thù nhân một câu chuyện gọi bằng văn chương trong tâm địa của một tiểu nhân đã dẫn đến những chuyện không ngờ”.
Đối lập với cái ác của Trịnh Hâm là nhân vật ông Ngư, một con người giàu lòng nhân đức và cao thượng. Sau khi được Giao Long dìu Vân Tiên vào bờ, ông Ngư ra tay cứu vớt kịp thời và hết lòng tận tình cứu chữa.
Hôi con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Câu thơ mộc mạc, chân thành, không chút đèo gọt, chỉ thuần túy là kể lại sự việc một cách tự nhiên, giản dị, trong việc cứu chữa bằng phương thức dân dã “vầy lửa”, “hơ bụng”, “hơ mặt mày” tất cả gợi lên sự chân thành, tự nguyện, thương yêu của cả gia đình đói với người bị nạn. Họ là hình ảnh đẹp đẽ của quần chúng nhân dân lao động, những người luôn đứng về phía chính nghĩa.
Trong bức tranh thư đậm màu sắc dân gian này, ta thấy ở họ không chỉ có tấm lòng và niềm vui trong lúc cứu người bị nạn mà còn là hành động vô tư không còn tính toán, không cần trả ơn. Hiểu được hoàn cảnh của chàng, ông Ngư có lời đề nghị Vân Tiên ở lại, sẵn sàng giúp đỡ chàng.
Ngư rằng: người ở cùng ta
Hôm mai, hâm hút một nhà cho vui.
Cuộc sống “hâm hút” của ông Ngư thì có gì là thoải mái về vật chất, ông phải vật lộn với biển cả để giành lấy cuộc sống, giành lấy phần đời trước những bão giông của cuộc đời khốn khó. Ông giúp người không đòi sự trả ơn, bởi ông lấy việc nhân nghĩa làm lẽ sống: Dốc lòng nhân nghĩa chẳng nhờ trả ơn.
Tư tưởng nhân nghĩa không chỉ có một lần Nguyễn Đình Chiểu, đề cập ở đoạn truyện này mà nó bao trùm lên toàn bộ tác phẩm ở một đoạn truyện khác, Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi anh hùng hảo hán Lục Vân Tiên đã ra tay cứu giúp Kiều Nguyệt Nga ra khỏi cơn hoạn nạn mà không hề chút tính toán. Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Hoặc ông Tiều sau khi cứu Vân Tiên ra khỏi hang cũng đáp lời tạ ơn chàng: “Làm ơn mà lại trông người hay sao”.
Đối với ông Ngư, quan niệm về nhân nghĩa căn bản giống với quan niệm của Lục Vân Tiên, nhưng có điều hơi khác là ở chỗ là, khi quan niệm ấy gắn với người dân lao động như ông Ngư thì ý nghĩa của quan niệm này lại càng mang tính nhân dân sâu sắc.
Thấy việc nghĩa là làm, là nét đẹp nhân cách của ông Ngư. Nhân cách ấy còn được biểu hiện trong cuộc đời lao động của ông mà Nguyền Đình Chiểu đã cảm nhận bằng cả trái tim và khối óc của mình. Đó là cuộc sống trong sạch, ngoài vòng danh lợi.
Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi cho sờn lòng đây.
Ông Ngư là người không một chút bận tâm đến cái vòng danh lợi giữa cuộc đời đầy ô trọc, ông dành phần đời của mình để vui với cái nghề chài lưới, tự do giữa thiên nhiên cao rộng, hòa nhập với thiên nhiên, bầu bạn với thiên nhiên, cho nên đối với ông không gì hơn là:
Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chài kéo; mệt quăng câu dầm,
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay
Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang.
Phải nói rằng, thi nhân có những trăn trở, gắn bó với cuộc đời nay lắm mới có cái cảm hứng ngợi ca dạt dào những hình ảnh con người có cái “thung dung dưới thế” lại có cái “vui say trong đời” như ông Ngư, với ông Ngư có cuộc sống thoải mái “ngày hứng gió, đêm chơi trăng, nghêu ngao nay chích mai dầm”… và cuối cùng là một hình ảnh rất đẹp: “Thuyền nan một chiếc ở đời – Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang”. Những hình ảnh được nói đến trong thơ đều nhằm tôn lên vẻ đẹp nhân cách và quan niệm sống của ông Ngư.
Đây là đoạn thơ hay của tác phẩm, bởi Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi gắm một quan niệm sống, một niềm mơ ước thiết tha của mình qua nhân vật ông Ngư và qua đó, Nguyễn Đình Chiểu cùng muốn nói lên một sự thực của xã hội thời ông đang sống – bên cạnh những cái xấu cái ác thường lẩn khuất sau những mũ cao, áo dài của bọn người có địa vị cao sang như thái sư đương triều, Võ Công, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.
Cũng còn rất nhiều cái tót, dáng kính trọng, đáng khao khát, tồn tại bền vừng nơi những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài như ông Ngư, ông Tiều, tiểu đồng, bà lão dệt vải trong rừng,., Nhà thơ Xuân Diệu đã nói rất đúng: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu" (dẫn theo SGV, tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục).
Đoạn truyện đã xây dựng thành công hai tính cách nhân vật đối lập, một kẻ lòng lang dạ thú dưới cái bộ mặt kẻ sĩ và một người có tâm hồn cao thượng trong cuộc đời bình dị. Nhân vật được miêu tả qua hành động, ngôn ngữ bình dị dân dã. Đặc biệt sự thành công của Nguyễn Đình Chiểu là ông đã để lại một ấn tượng đẹp về nhân vật ông Ngư. Một hình tượng nghệ thuật mang quan điểm trần thuật của tác giả.
Bài 3: Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.
Trong tác phẩm Một số tư liệu về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (NXB Khoa học Xã hội, 1965), G. Ô-ba-rê từng nhận định: Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từng được xem là "một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của một dân tộc". Một trong những tình cảm lớn lao ấy là tấm lòng yêu mến, trân trọng cái thiện đồng thời căm ghét, lên án cái ác ở đời. Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn sự đối lập thiện - ác tiêu biểu cho toàn bộ tác phẩm.
Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn" nằm ở phần thứ hai của truyện. Đang bơ vơ nơi đất khách với đôi mắt mù lòa và nỗi đau xót khôn nguôi về người mẹ mới qua đời, Lục Vân Tiên lại gặp Trịnh Hâm thi rớt trở về. Sẵn lòng đố kị, ganh ghét với Vân Tiên từ trước, Trịnh Hâm bèn lợi dụng cơ hội đế hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa hẹn sẽ dẫn về quê nhà. Chờ khi đêm tối, Trịnh Hâm mới thực hiện hành động tàn ác của mình.
Qua cách hành xử của các nhân vật khi gặp người bị nạn: Trịnh Hâm gặp Vân Tiên bị mù, ngư ông và gia đình gặp Vân Tiên bị đẩy xuống sông, tác giả đã vạch mặt chỉ tên cái ác - mà đại diện là gã Trịnh Hâm tàn ác, nham hiểm đồng thời ngợi ca cái thiện, tiêu biểu là nhân vật ông ngư cùng gia đình của ông.
Trịnh Hâm là một kẻ có tâm địa hèn hạ, xấu xa. Vốn ghen ghét, với Lục Vân Tiên nhưng đến khi Lục Vân Tiên mù lòa rồi, dã tâm của Trịnh Hâm vẫn chưa thỏa. Lục Vân Tiên đã bị mù, tiền bạc hết, thầy tớ bơ vơ. Với Vân Tiên, Trịnh Hâm lại là người quen cũ. Vậy mà gã họ Trịnh lại đang tâm lừa gạt, hãm hại con người tội nghiệp, đang trong cơn hoạn nạn, cần nhờ cậy sự giúp đỡ của hắn:
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời
Không những vậy, Trịnh Hâm còn vừa ăn cướp vừa la làng đầy ghê tởm:
Trịnh Hâm khi ấy kêu trời
Cho người thức dậy lấy lời phôi pha.
Chẳng những không thực hiện lời mình nói (hứa đưa Vân Tiên trở lại quê nhà) mà còn hãm hại Vân Tiên. Đó là sự phản bội bạn bè, phản bội lời hứa của chính mình. Đối với những người quân tử Nho học xưa, lời hứa vô cùng thiêng liêng, đó là bức tượng danh dự cho mỗi người: Lời đã nói ra như dao chém đá, một lời nói nặng tựa chín đỉnh đồng. Do vậy, hành động của Trịnh Hâm lột rõ tâm địa vừa bất nhân vừa bất nghĩa, vừa gian ngoan vừa xảo quyệt của hắn. Tất cả cũng vì lòng ganh ghét, vì sự đố kị tài năng với Vân Tiên. Nọc độc ấy ngấm vào xương tuỷ, trở thành bản chất độc ác của Trịnh Hâm.
Chỉ tám dòng thơ, tác giả đã sắp xếp các tình tiết một cách hợp lí, thể hiện diễn biến hành động rất mau lẹ, có tính toán và rất độc ác của Trịnh Hâm. Cái ác trong con người này tiêu biểu cho cái ác trong toàn bộ tác phẩm. Đó là sự lọc lừa, phản trắc của những Bùi Kiệm, Võ Công,... Chúng đã không chỉ một hai lần hãm hại những tâm hồn lương thiện thanh sạch như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga…
Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không hề bi quan về cuộc đời, dựng lên hình ảnh của cái ác, tấm lòng nhân ái của nhà thơ muốn tạo ra sự đối lập để tôn vinh cái thiện. Cái thiện ấy được thể hiện qua sự hiệp nghĩa và trái tim nhân ái của ông ngư cùng gia đình của ông.
Thấy người bị nạn dưới sông, ông ngư đã ra tay cứu giúp:
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con vầy lừa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày
Từ "hối" có ý nghĩa là giục giã, thúc giục. Ông ngư cùng vợ con đang rất khẩn trương cứu sống Vân Tiên. Câu thơ mộc mạc, chỉ kể lại sự việc một cách tự nhiên, nhưng ẩn chứa bao ân tình của cả một gia đình vợ chồng, con cái đối với người gặp nạn. Chỉ riêng điều này đã đối lập gay gắt với hành động độc ác, bất nhân của Trịnh Hâm.
Không chỉ vậy, ông Ngư và cả gia đình còn sẵn sàng cưu mang người hoạn nạn: ông chân thành ngỏ ý mời Vân Tiên ở lại cùng sớm hôm chia sẻ cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm tình người:
"Ngư rằng: "Người ở cùng ta
Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui".
Khi Vân Tiên băn khoăn "ông lấy chi nuôi" ngư ông đã thể hiện lòng vị tha, tinh thần trọng nghĩa khinh tài của mình qua câu nói:
"Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn"
Có nghĩa là làm ơn mà không hề trông chờ sự báo đáp. Đó là sự trong sạch vô tư đến tuyệt vời của một tâm hồn lành mạnh khỏe khoắn... Điều đó một lần nữa còn được thể hiện qua cuộc sống lao động của ông Ngư. Đó là một cuộc sống trong sạch, không chạy theo danh lợi, khinh ghét thói đời bạc đen, tráo trả. Cuộc sống của ông gắn với thiên nhiên khoáng đạt, tâm hồn ông thanh thản và thư thái vô cùng:
“Một mình thong thả làm ăn
Tắm mưa trải gió trong vời hàn giang”.
Bằng đoạn thơ trên, tác giả gửi gắm khát vọng và niềm tin vào cái thiện, vào bản chất tốt đẹp của con người lao động bình thường. Cùng với những Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Tiều, ông quán,... ông ngư đã đại diện cho cái thiện trong thiên truyện Truyện Lục Vân Tiên. Qua những nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện một cái nhìn tiến bộ, lạc quan đậm chất nhân dân.
Giống như toàn bộ tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn không có điều kiện để được Nàng Thơ trau chuốt về hình thức song chính sự giản dị, mộc mạc đậm chất Nam Bộ của ngôn ngữ đã mang đến cho đoạn trích sự chân thành chẳng những diễn tả thành công tính cách các nhân vật mà còn bộc lộ tấm lòng nhân ái, lạc quan của nhà thơ.
Đặc biệt, đoạn trích diễn tả đời sống của ngư ông, ngôn ngữ và lời thơ rất thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, ý tình phóng khoáng mà sâu xa. Đọc đoạn thơ, ta có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vật để nói lên cái khát vọng sống của mình.
Qua sự đối lập giữa thiện và ác trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn, tác giả đã thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời. Đó cùng chính là cái gốc sâu xa làm nên sức hấp dẫn của toàn bộ tác phẩm này.