Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Dàn ý và bài văn mẫu: Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên

Thứ sáu - 27/11/2020 09:24
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu.

I. Dàn ý

1. Mở bài:
Giới thiệu sơ lược về tác giả và tác phẩm:
- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là nhà thơ yêu nước nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, thời kì thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta.
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân.
- Truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm được nhân dân cả nước yêu thích vì nó đề cao và ca ngợi đạo làm người.
- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu tác phẩm.

2. Thân bài:
* Phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên:
+ Anh hùng hào hiệp
Trên đường đi thi, gặp cảnh dân chúng hoảng sợ bỏ chạy trước bọn cướp Phong Lai, Vân tiên dừng lại hỏi han và bày tỏ quyết tâm trừng trị bọn cướp dữ để bảo vệ dân lành.
Mặc cho mọi người ngan cản, Vân Tiên vẫn: Bẻ cây làm gậy nhàm làng xông vô.
Lớn tiếng cảnh cáo tướng cướp Phong lai: Kêu rằng bớ đảng hung tàn, chớ quen làm thói hồ đồ hại dân. Vân Tiên một mình múa gậy tả đột hữu xông, đánh tan bọn cướp, giết chết tướng cướp.
+ Trọng nghĩa khinh tài:
- Ân cần thăm hỏi người bị nạn ( Nguyệt Nga và Kim Liên)
- Không nhận sự đền ơn: Làm ơn hà dễ trông người trả ơn.
- Bày tỏ quan điểm của mình về phận sự nam nhi: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

3. Kết bài:
- Trong đoạn trích nhà thơ đã khắc họa thành công chân dung mẫu người anh hùng lý tưởng của nhân dân, giàu lòng nhân ái, dám xã thân vì việc nghĩa.
- Nghĩa và nhân là nền tảng đạo đức, được nhân dân lao động đề cao. Hình tượng Lục Vân Tiên tiêu biểu cho quan niệm đúng đắn ấy.

II. Bài văn mẫu: Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu.

Bài 1:
Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một thầy thuốc, một thầy giáo mà ông còn là một nhà thơ đã để lại cho đời những áng thơ bất hủ và luôn hướng con người đến vẻ đẹp của chân - thiện - mĩ. Tác phẩm truyện Nôm "Truyện Lục Vân Tiên" là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu. Đọc tác phẩm "Truyện Lục Vân Tiên" nói chung, đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" nói riêng, người đọc sẽ cảm nhận được rõ nét những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân quý của nhân vật Lục Vân Tiên.

Trước hết, trong đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" nhân vật Lục Vân Tiên hiện lên là một người mang tinh thần hảo hán, nghĩa hiệp khi đánh bọn cướp Phong Lai.

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".

Trước hết, tác giả miêu tả Lục Vân Tiên qua hành động "ghé lại bên đàng", qua đó cho thấy chàng không một chút băn khoăn, do dự khi quyết định đánh bọn cướp Phong Lai. Hành động ấy phù hợp với tinh thần hăm hở của chàng trai trẻ vừa rời ghế nhà trường muốn được lập công danh, thi thố tài năng để giúp người, giúp đời. Bởi lẽ đó nên việc gặp bọn cướp Phong Lai như một cơ hội để chàng có thể chứng tỏ được bản lĩnh, tài năng của mình. Thêm vào đó, hành động của chàng diễn ra vô cùng mau lẹ "bẻ cây làm gậy" đã chứng tỏ chàng không màng tới an nguy của bản thân mình. Có thể thấy, hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên xuất phát từ tinh thần chính trực và tấm lòng nhân nghĩa, sẵn sàng bênh vực cho kẻ yếu hèn, bảo vệ lẽ phải của chàng.

Thêm vào đó, Lục Vân Tiên còn hiện lên là một người quả cảm và có võ nghệ cao cường.

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng
Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây
Trước gây việc dữ tại mầy
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng
Vân Tiên tả đột hữu xung
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khéo léo đặt nhân vật Lục Vân Tiên vào một trận đánh không cân sức, giữa một bên là tướng cướp hùng hổ, đông đúc, hung dữ, trang bị đầy đủ vũ khí với một bên là một mình Lục Vân Tiên, thân cô thế cô. Và để rồi, chính sự đối lập ấy là càng tô đậm thêm sự quả cảm, dũng mãnh của Lục Vân Tiên. Hình ảnh Lục Vân Tiên xung trận được miêu tả như một dũng tướng với khí thế áp đảo so với bọn tướng cướp. Cụm từ "tả đột hữu xung" giàu giá trị tạo hình đã cho thấy sự chủ động làm chủ tình thế và tung hoành đánh cướp của Lục Vân Tiên. Thêm vào đó, nhà thơ còn so sánh Lục Vân Tiên với một chiến tướng thuộc loại bậc nhất trong "Tam quốc diễn nghĩa" - Triệu Tử Long càng tô đậm thêm vẻ đẹp quả cảm, võ nghệ cao cường của chàng. Để rồi, đến cuối cùng, Vân Tiên đã dành chiến thắng vẻ vang, một chiến thắng khiến cả một đảng cướp "trở chẳng kịp tay", hoảng sợ bỏ chạy.

Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai chẳng kịp trở tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Không chỉ dừng lại là một người có võ nghệ cao cường, tinh thần trường nghĩa mà Lục Vân Tiên còn hiện lên là một con người giàu lòng nhân hậu.

Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi: "Ai than khóc ở trong xe này".

Sau khi đánh tan bọn cướp, Lục Vân Tiên đã tìm cách để trấn an nỗi lo lắng, sợ hãi của Kiều Nguyệt Nga bằng cách khẳng định với họ lũ cướp đã bị đánh và hỏi han rất ân cần, khiêm nhường.

Đồng thời, chàng còn là một người biết trọng lễ nghĩa, điều đó thể hiện rõ nét qua cách cư xử và lối xưng hô của chàng.

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai.

Thông qua lời đối đáp ấy có thể thấy Lục Vân Tiên đã một mực giữ khuôn phép, lễ nghĩa của xã hội phong kiến khi một mực không để Kiều Nguyệt Nga xuống xe. Cùng với đó, lối xưng hô "nàng" - "ta" đã cho thấy tấm lòng trân trọng mà Lục Vân Tiên dành cho Kiều Nguyệt Nga, cũng như thái độ lịch sự của một con người có học, có đọc sách thánh hiền.

Cuối cùng, qua đoạn trích, Lục Vân Tiên hiện lên là một người hào hiệp, nghĩa khí, chính trực.

Vân Tiên nghe nói liền cười:
"Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng".

Sau khi đánh cướp giúp Kiều Nguyệt Nga và được nàng bày tỏ mong muốn trả ơn, Lục Vân Tiên liền cười, tiếng cười ấy của chàng là một tiếng cười vô tư, sảng khoái, làm ơn không màng đến việc được đền ơn. Đồng thời, sự nghĩa khí của Lục Vân Tiên còn thể hiện qua quan niệm về người anh hùng của chàng. Với Lục Vân Tiên, người anh hùng phải làm việc nghĩa như một lẽ tự nhiên của người chân chính.

Qua đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên. Có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật Lục Vân Tiên đã được khắc họa theo mô típ nhân vật của truyện Nôm truyền thống với nhiều vẻ đẹp phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, đáng trân trọng.

Bài 2:
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, nhà thơ Nam Bộ nổi tiếng thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Văn chương của Đồ Chiểu chân chất, mộc mạc giản dị nhưng vẫn thấm đượm được hương vị của tình người, thể hiện được những nét đặc trưng trong tính cách của con ngươi Nam Bộ, đọc văn của ông ta thường cảm nhận được cái mộc mạc, chân thực trong từng áng thơ văn. Và một trong những tác phẩm điển hình cho cảm hứng, tư tưởng văn học của cụ Đồ Chiểu ta có thể kể đến ở đây đó chính là tác phẩm Lục Vân Tiên, hình ảnh của Lục Vân Tiên cũng chính là hình ảnh của những con người Nam Bộ đầy nhân nghĩa, mang trong mình những phẩm chất vô cùng đáng quý, ta có thể thấy rất rõ những phẩm chất, tính cách của nhân vật này qua trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của tác phẩm Lục Vân Tiên, đồng thời cũng là nhân vật mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng để kí thác những tư tưởng, quan điểm cũng như thể hiện một ước mơ về thế giới công bằng, con người sống với nhau bằng tình nghĩa chứ không phải bằng những thứ vật chất thông thường. Có thể nói trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là trích đoạn thể hiện được rõ nét và sâu sắc nhất được những phẩm chất đáng quý ở Lục Vân Tiên, cũng là một trong những trích đoạn hay nhất của “Lục Vân Tiên”.

Trước hết, hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên trước mắt của người đọc đó chính là hình dáng của một con người anh hùng, mang trong mình tinh thần chính nghĩa, căm ghét những cái xấu xa làm tổn hại đến cuộc sống của nhân dân, bênh vực, bảo vệ người dân thường vô tội khỏi những thế lực tàn ác:

“Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm đàng xông vô
Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Ấn tượng đầu tiên của ta về Lục Vân Tiên đó chính là một con người nhân nghĩa, ngay thẳng cùng với lí tưởng sống đầy cao đẹp. Trên đường đi, Lục Vân Tiên đã chứng kiến cảnh bọn cướp Phong Lai giữa ban ngày hoành hành cướp bóc của người dân vô tội. Chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” đó, Lục Vân Tiên không thể khoanh tay đứng nhìn, chàng không mảy may suy nghĩ mà bẻ cây bên đường rồi xông vào giữa đám cướp. Hành động bẻ cây bên đường tuy chỉ miêu tả phác qua, ta ngỡ như không có gì đáng nói lắm, nhưng chính những chi tiết nhỏ như vậy lại thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên.

Tâm lí thông thường của con người đó là thường e ngại trước những việc bao đồng, sợ sẽ ảnh hưởng đến bản thân mình. Nhưng hình ảnh của Lục Vân Tiên ở đây lại khác hẳn, nhìn thấy lũ cướp hoành hành tác quái, gây đau khổ cho người dân vô tội, chàng không mảy may suy nghĩ thiệt hơn dù chỉ một khắc mà bẻ cây làm gậy, hành động có phần vội vàng, nông nổi nhưng lại thể hiện được khí thế quyết liệt và tình thế khẩn trương của sự việc, chàng không ngần ngại xông vào một đám cướp mà tên nào cũng to lớn, khỏe mạnh, hung hãn. Câu nói “Kêu rằng bớ đản hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” đã thể hiện được lí tưởng, quan điểm sống của Lục Vân Tiên.

Làm người thì phải mang đến những điều tốt đẹp, phải giúp đỡ những người xung quanh chứ không phải gây ra đau khổ cho họ. Câu nói của Lục Vân Tiên cũng chính là lời tuyên chiến giữa chính nghĩa đối với thế lực phi chính nghĩa. Sau khi dẹp được lũ cướp Phong Lai, Lục Vân Tiên còn vô cùng ân cần, quan tâm đến người bị hại, muốn hỏi thăm, động viên để họ an tâm. Hành động này thể hiện được sự ấm áp trong tính cách, ở tình yêu thương mà Lục Vân Tiên dành cho những người xung quanh mình, vì sự giúp đỡ với chàng không phải là hời hợt, qua loa, mà giúp cho ra giúp:
 
“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi ai than khóc ở trong xe này?”

Nghe tiếng khóc ở trong xe, Vân Tiên đã đến gần để hỏi han quan tâm nhưng cũng là để thông báo cho người nọ yên tâm vì giờ lũ cướp đã bị dẹp tan, không còn mối đe dọa nào có thể đe dọa nữa. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga kể về sự tình cũng như thể hiện lòng biết ơn cứu giúp của Lục Vân Tiên đối với mình bằng cách muốn quỳ lạy tạ ơn. Lục Vân Tiên động lòng bởi một cô gái yếu đuối gặp phải chuyện không hay giữa đường, nhưng nghe thấy cô gái muốn ra gặp để lạy tạ ơn thì Lục Vân Tiên lập tức ngăn cản bằng lời nói có phần gấp gáp:

“ Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai
Tiểu thơ con gái nhà ai
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì”.

Như vậy, qua những câu thơ này, ta còn phát hiện ra những phẩm chất đáng quý nữa ở Lục Vân Tiên, đó là một con người coi trọng lễ tiết. Hành động ngăn cản của Lục Vân Tiên đối với Kiều Nguyệt Nga vừa là từ chối việc tạ ơn của nàng. Hơn hết là Lục Vân Tiên đề cao chữ lễ, trong xã hội phong kiến xưa, nam nữ không được tùy tiện gặp mặt, nói chuyện bởi quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân”, đặc biệt với người con gái, sự giao lưu, tiếp xúc với những người nam nhân không phải chồng của mình sẽ bị đánh giá về phẩm chất, từ đó thì cũng không được coi trọng.

Hiểu như vậy ta mới thấy được, Vân Tiên ngăn cản Kiều Nguyệt Nga bước ra hoàn toàn là vì phẩm tiết của nàng, Vân Tiên không muốn làm ảnh hưởng đến danh tiếng của một cô gái, những khuôn phép lễ giáo này đối với chúng ta ngày nay có thể thấy hơi cứng nhắc, nực cười, nhưng trong xã hội xưa lại không vậy. Một con người không chỉ có lòng nhân nghĩa mà còn đề cao những lễ giáo đạo đức thì quả là đáng quý, đáng được trân trọng. Một phẩm chất càng đáng quý hơn nữa, đó chính là quan niệm của chàng về việc nhân nghĩa. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga muốn báo đáp ơn cứu mạng thì Lục Vân Tiên khảng khái từ chối và nói ra phương châm sống của mình:

“Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đã rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Theo quan điểm của mình, Vân Tiên cho rằng làm ơn vốn xuất phát từ tinh thần chính nghĩa tự nguyện đầy chân thành, mong muốn chỉ là giúp người chứ không phải mong báo đáp, hàm ơn. Nay đã biết được rõ đầu đuôi câu chuyện thì cũng không nên tính toán thiệt hơn, bởi quan niệm của Lục Vân Tiên là làm việc nghĩa xuất phát từ tấm lòng, mà kiến nghĩa thì bất vi. Những người làm ơn vì lợi lộc vốn chẳng phải anh hùng.

Như vậy, trên trang văn hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên thật đẹp, thật đáng trân trọng, đó là hình ảnh của một người anh hùng luôn mang tinh thần chính nghĩa, chính trực, trọng lễ tiết và có lí tưởng sống đầy cao đẹp. Chính những phẩm chất ấy đã khiến cho hình ảnh của Lục Vân Tiên hiện lên càng cao đẹp biết bao.​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây