Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Có ý kiến cho rằng Tình yêu trong Sóng là tình yêu hiện đại nhưng có ý kiến khác lại cho rằng đó là tình yêu truyền thống

Thứ ba - 17/03/2020 09:37
Hãy Phân tích Sóng - Xuân Quỳnh để chứng minh cho hai ý kiến trên.
BÀI LÀM
Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là "ông hoàng của thi ca tình yêu" thì Xuân Quỳnh xứng đáng được đánh giá là "nữ hoàng thơ tình". Nữ tác giả đã để lại cho đời những tác phẩm giàu nhân văn nói về tình yêu đôi lứa nồng thắm. Điểm đặc sắc trong thơ Xuân Quỳnh cũng chính là yếu tố tạo nên danh xung "nữ hoàng thơ tình" đó là: trong "dáng thơ" của Xuân Quỳnh luôn tồn tại hai vẻ đẹp – vẻ đẹp truyền thống và vẻ đẹp hiện đại – ẩn trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Điều này được thể hiện rõ qua "Sóng" - tác phẩm tiêu biểu cưa đời thơ Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ khi yêu, nhiều trắc ẩn- vừa hồn nhiên, tươi tắn lại vừa đằm thắm, chân thành. Nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh đều là nhùng người phụ nữ mạnh mẽ, luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ "Sóng" ra đời trong chuyến đi thục tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là thi phẩm đặc sắc, đậm chất phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Có thể nói, "Sóng" là tác phẩm luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Nhận xét về bài thơ "Sóng", có ý kiến cho rằng: "Sóng" đã thể hiện vẻ đẹp truyền thống của tình yêu muôn đời. Nghĩa là, tác giả đề cập đến tình yêu truyền thống, gắn liền với những xúc cảm của bất kì người phụ nữ nào khi yêu. Đó là nỗi nhớ, lòng thủy chung, đợi chờ, niềm tin mãnh liệt cùng như sự phấp phỏm, lo âu. Mặt khác, ẩn sau chất truyền thống ấy là "tính hiện đại của tình yêu hôm nay". Người phụ nữ thế kỉ mới có cá tính mạnh mẽ, dám bứt phá truyền thống, vươn tới hạnh phúc tình yêu. Người ta quan niệm, tình yêu hiện đại là tình yêu tự do chứ không phải là thứ tình yêu "chim trong lồng, cá trong chậu" như thời xưa.

Trước hết, ta sẽ đi khám phá vẻ đẹp truyền thống qua bài thơ "Sóng". Tình yêu bắt đầu khi chàng trai ngỏ lời yêu, khi cô gái biết đỏ mặt thẹn thùng, khi "Đêm đêm khêu ngọn đèn loan/ Nhớ chàng quân tử mấy lời". Người phụ nữ đang yêu là thế, tâm trạng ngổn ngang trăm mối và phải trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Nữ sìĩ Xuân Quỳnh đã sử dụng hình ảnh "sóng" để diễn tả trái tim yêu của phụ nữ:

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ.

Tác giả chọn "sóng" với những đặc điểm vật lý của nó để tạo nên hình tượng ẩn dụ vừa hóa thân, vừa hòa nhập với chủ thể trữ tình. Con sóng lúc "dữ dội, ồn ào", lúc "dịu êm, lặng lẽ". Con gái khi yêu cũng vậy. Nàng dẫu nhẹ nhàng và ngọt ngào đến mấy thì vẫn có đôi lần ghen tuông, dỗi hờn vô cớ.

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Ôi tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đúng yên?
(Xuân Quỳnh)

Nhưng chất nữ tính ẩn bên trong sẽ là mầm non nuôi dưỡng tình yêu. Bởi lẽ, hơn ai hết, người con gái hiểu rằng cần phải biết thu mình về lại với nét dịu dàng, lặng im, đúng thời điểm, mới giữ cho tình yêu bền vững. Đinh Thu Hiền đã có lần đã nói hộ Xuân Quỳnh;

Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ào là thứ dễ lãng quên.


Hai trạng thái chuyển động của sóng chính là trạng thái cảm xúc trong tâm hồn phức tạp, mẫu thuẫn nhưng lại thống nhất, hài hòa của phụ nữ đang yêu. Nếu để ý trong cách dùng từ của nhà thơ, người đọc dễ dàng nhận ra, giữa hai thái cực đối lập được nối bằng từ "và" thay vì từ "nhưng". Điều này khiến cho câu thơ có vẻ tương phản nhau mà thực chất lại không phải. Vì, trong cái dữ dội có cái dịu êm, trong cái ồn ào có đôi phút yên lặng. Sự cân bằng giũa hai trạng thái cảm xúc, làm cho tình yêu truyền thống càng thêm đẹp.

Tuổi trẻ với tim yêu mãnh liệt, từ xưa đến nay mãi không thay đổi. Tuổi trẻ khao khát tình yêu - điều kì diệu luôn làm xốn xang bao trái tim của các chàng trai, cô gái. Nó cũng giống như sóng, ngày đêm xô bờ không hoài nghi.

Ôi! Con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

"Ngày xưa", "ngày sau", vẫn thế - ba từ nói lên cái quy luật ngàn đời của sóng. Sóng bất biến, sóng không bao giờ đổi thay. Nó luôn mang trong mình tính chất dữ dội, ồn ào, lặng lẽ, dịu êm. Tình yêu của tuổi trẻ cũng cháy bỏng, cũng đong đầy cảm xúc như thế. Người ta nói tuổi trẻ sinh ra là để yêu và tình yêu đóng vai trò đặc biệt đối với tuổi thanh xuân của mỗi người. "Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu đã không ít lần khẳng định điều này:

Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào. 

Hay: 
Hãy để trẻ nhỏ nói vị ngọt của viên kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ lời yêu.

Ai đã từng đi qua cái tuổi mười tám, đôi mươi, không thể nào không trải qua cảm giác xuyến xao rung động. Tình yêu khiến con tim ta bổi hổi, bồi hồi. Tình yêu dấy lên trong tâm hồn ta "khát vọng" hạnh phúc đến cồn cào. Tình yêu làm ta điên đảo vì nhớ nhung, vì giận hờn. Tình ấy mới là tình đẹp, bởi yêu là phải cảm thấy "bồi hồi trong ngực trẻ", phải biết "chết trong lòng một ít".

Người phụ nữ khi yêu tâm trạng rất rối bời, trong đầu xuất hiện rất nhiều câu hỏi:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?


Biển bao la, rộng lớn, vô cùng tận. Còn em, em chỉ là nhũng con sóng nhỏ giũa mênh mông muôn trùng. Bỗng nhiên, người con gái thấy mình thật nhỏ bé trước bể lớn tình yêu. Để từ đó, nàng luôn phân vân, lo nghi. Điệp ngữ "Em nghĩ" ở hai câu ba và bốn của khổ thứ ba, khiến cho độc giả cùng đồng cảm với sự trăn trở, suy tư của nhân vật "em". Tình yêu vốn dĩ là vậy, rất khó hiểu, khó đoán. 

Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu ?

Câu hỏi về nguồn gốc của sóng gió được đặt ra cũng chính là những thắc mắc trong lòng em về tình yêu muôn thuở. Nhưng các câu hỏi nào có câu trả lời, người con gái chỉ biết lắc đầu nhè nhẹ và thốt lên: "Em cũng không biết nữa". Chao ôi! Sự ngúng nguẩy, "giả nai" đáng yêu của người con gái, há chẳng phải nét bí ẩn, quyến rũ mà các chàng trai vẫn mãi tìm kiếm đấy sao? Xuân Quỳnh còn gửi gắm vào trong thơ của mình thông điệp: tình yêu muôn đời luôn là một ẩn số. Nó tựa hồ như là bản nhạc không có nốt kết, là bài toán chẳng có đáp số. Không ai định nghĩa chính xác được tình yêu, ngay cả "ông hoàng thơ tình" cũng khó lòng cắt trọn nghĩa chữ "yêu":

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
(Xuân Diệu)

Càng yêu say đắm, càng yêu nồng nàn, con người lại như bị cuốn vào mê cung, không thể tìm được lối ra. Đó là biểu hiện của tình yêu chân thành, không toan tính, không chút vụ lợi. Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh đã yêu như thế. Quả thật, đáng trân trọng.

Cốt lõi của tình yêu truyền thống đó là nôi nhớ và sự thủy chung. Nếu như thủy chung là thước đo của tình yêu, thì nỗi nhớ được ví như men nồng thắp lửa tình yêu.

Con sóng dưới lòng sân
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đế anh
Cả trong mơ còn thức.

Đây là khổ thơ dài nhất trong toàn bài thơ. Có lẽ là vì Xuân Quỳnh nhận thấy được tầm quan trọng của nỗi nhớ trong tình yêu. Người ta bảo rằng: "Một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu, còn một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn". Nỗi nhớ là gam màu chủ đạo trong tình yêu, nó có sức mạnh vượt xa mọi nỗi nhớ khác. Và nếu như nỗi nhớ của Nguyễn Bính chỉ hiện trên bề nổi:

Thôn Đoài ngôi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Thì nỗi nhớ của Xuân Quỳnh được nâng lên một tầm cao hơn, bao trùm cả tứ phương tam diện. Sóng "trên mặt nước" – chiều rộng, sóng "dưới lòng sâu" - chiều sâu đều nhớ bờ, khát khao chạm tới bờ đến "ngày đêm không ngủ". Sóng vốn là thế, có khi nào thôi vỗ? có khi nào thôi cồn cào? Ví như bỗng một ngày sóng lặng im, thì lúc ấy, sóng đã chẳng còn là sóng. Cũng như em, ồn ào là vậy nhưng dẫu ra sao vẫn thương vẫn nhớ về anh. Niềm nhung nhớ của người phụ nữ là mãnh liệt hơn cả. Ở hai câu cuối khổ, tác giả mở đầu bằng một từ rất đắt - "lòng". Lòng là nơi sâu thẳm, chôn giấu những cảm xúc, suy nghĩ của em; lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài với biết bao thử thách. Người con gái dũng cảm, không ngần ngại bộc bạch tấm chân tình của mình

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Hình ảnh nhớ "cả trong mơ còn thức" đã đẩy nỗi nhớ đến đỉnh điểm. Con người cần có một ý thức để biết nhớ, biết thương. Vậy mà đối với nữ tác giả, ngay cả khi vô thức, niềm nhớ vẫn không thôi da diết, cồn cào. Hình bóng của người tình cứ ám ảnh trong tâm trí cô gái, khiến em mãi "ra ngẩn vào ngơ một mình". Người ta bảo nỗi nhớ của Xuân Quỳnh là nỗi nhớ "nghiêng". Đó là bởi vì nhân vật trữ tình trong "Sóng" đã dốc cạn lòng về hướng người mình yêu dấu.

Như đã nói, tình yêu truyền thống hẳn không thể thiếu sự thủy chung. Một người phụ nữ khi đã yêu cả trái tim thì tình cảm thương yêu đối với họ là vô cùng quan trọng. Mất hết yêu thương đông nghĩa với trắng tay. Ấy vậy mà, dù ở đâu đi nữa, tấm lòng này vẫn luôn hướng về các anh

Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương.

Theo lẽ tự nhiên thì phải là "xuôi Nam, ngược Bắc", nhưng ở đây tác giả lại sử dụng cú pháp "xuôi Bắc, ngược Nam", đồng thòi kèm theo điệp từ "dẫu" ở hai câu đầu. Đây giống như là một lời khẳng định chắc nịch: phương hướng địa lí có đảo lộn như thế nào không quan trọng, quan trọng nhất là em vẫn yêu anh, nghĩ đến anh. "Hướng về anh" là sự toàn tâm toàn ý lại chêm dấu gạch nối ở giữa và chữ "một phương" thêm một lần nữa nhấn mạnh tình cảm chân thành, tấm lòng chung thủy không bao giờ đổi thay của người con gái.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Dẫu ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
(Xuân Quỳnh)

Người phụ nữ trong tình yêu truyền thống đã yêu là tin. Đơn giản là vì phải biết tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể vun đắp, gìn giữ tình yêu. Đức tin của cô gái được gửi gắm vào từng con sóng.

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.

Đúng nhu quy luật của tạo hóa, sóng lớn sóng nhỏ hằng ngày đều đặn xô vào bờ. Đôi khi sóng cũng gặp biết bao khó khăn, chẳng hạn như một cơn giông bão cũng kéo sóng ra xa bờ rồi. Ấy thế mà có bao giờ sóng chịu ngưng, nó cứ kiên trì vỗ đập, vì bản thân sóng "tin" rằng "dù muôn vời cách trở, con nào chẳng tới bờ". Em cũng như sóng, luôn cố gắng để được gần anh, để được ấp ôm nỗi yêu thương. Cấu trúc của khổ thơ thứ bảy vô cùng đặc biệt, ta đọc xuôi, đọc ngược, đọc đảo các câu thơ thì ý nghĩa của đoạn thơ vẫn không thay đổi. Tù đó, độc giả cảm nhận được người phụ nữ với niềm tin và sự nổ lực mạnh mẽ của mình, vượt qua thử thách để đạt được hạnh phúc. Tuy vậy, trước viễn cảnh đẹp của tình yêu, người phụ nữ, hẳn không tránh khỏi những dự cảm về tương lai phía trước. Những từ ngữ "tuy dài thế" - "vẫn đi qua" - "dẫu rộng" chất chứa trong đó ít nhiều âu lo. Biển xanh dù có mênh mông đến nhường nào cũng khó níu nổi áng mây trôi. Bởi vì như Xuân Diệu đã nói:

Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt.

Xuân Quỳnh yêu sâu đậm, yêu chân thành nhưng vẫn tỉnh táo, dùng lí trí để nhận thức những chông gai, trắc trở trong tình yêu. Tuy nhiên, chị vẫn một mực tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu sẽ giúp người phụ nữ đến với bến bờ hạnh phúc. Trong hai đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng chuỗi hình ảnh ẩn dụ, được sắp xếp tương phản, đối lập. Một mặt là để nêu lên khó khăn, thách thức trong tình yêu; mặt khác lại đề cao niềm tin và sự nổ lực xây đắp và nuôi dưỡng tình yêu của người phụ nữ.

"Sóng" của Xuân Quỳnh còn mang trong mình vẻ đẹp của tình yêu hiện đại

Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.

Hai câu thơ thể hiện rõ nét đẹp của người phụ nữ hiện đại khi yêu. Đã qua rồi cái thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", cái thời mà không biết bao "phận má hồng" phải rơi lệ vì cảnh

Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
(Ca dao)

Bây giờ, những cô gái, có thể tụ do đi tìm tình yêu đích thực cho bản thân. Họ không chấp nhận thứ tình yêu vị kỉ, họ sẽ chẳng bao giờ gửi gắm tấm thân mình cho nhũng người đàn ông gia trưởng, vũ phu, không thương yêu họ thật lòng. Câu thơ tựa như lời cảnh báo: em sẵn sàng ra đi tìm hạnh phúc mới nếu tình yêu của anh là thứ tình cảm nhỏ nhen, tầm thường. Nữ thi sĩ đã sử dụng ba hình ảnh "sông, sóng, bể" nhằm minh họa cho điều này. Sóng nào cam chịu sống trong lòng sông chật hẹp, tù túng. Vì thế nên, "sóng tìm ra tận bể", để thỏa sức vẫy vùng, để "tận hưởng tình yêu tự do, phóng khoáng".

Tình yêu hiện đại còn là sự hiến dâng, hi sinh vì nhau

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Tình yêu của Xuân Quỳnh đến đây đã trở thành tình yêu lí tưởng. Cụm từ "tan ra" nghĩa là hòa quyện vào biển lớn của tình yêu của nhân loại. Chỉ có như thws thì tình yêu cá nhân mới mãi bất tử, trường tồn. Sức hấp dẫn của toàn bài thơ, chính là nét hiện đại độc đáo của người phụ nữ mà từ xưa đến nay, không ai có thế khai thác được. Người con gái trong thơ của Xuân Quỳnh luôn biết chủ động, đấu tranh cho tình yêu tuyệt đích của bản thân, luôn yêu hết mình, nhưng vẫn biết lo âu cho những điều sắp xảy ra trước mắt.

Vậy, rõ ràng, "Sóng" của Xuân Quỳnh vừa mang tính truyền thống vừa đậm chất hiện đại. Người con gái trong bài thơ đã yêu chân thành và trải qua những xúc cảm đời thường của kẻ đang say trong men tình - ấy là chất truyền thống. Bên cạnh đó, tình yêu của họ rất táo bạo, tựa hồ nhu làn gió mới len lỏi vào tâm hồn của các chàng trai - đó chính là nét hiện đại.

Bài thơ "Sóng" đem đến cho độc giả thông điệp nhân văn: trong thời đại mới, tình yêu đẹp là sự hòa quyện, kết hợp giữa những giá trị biểu cảm cao đẹp truyền thống và sự bứt phá, mới mẻ hiện đại. Tình yêu ấy là mới thực sự là tình yêu đáng trân trọng.
 

Phùng Nam Phương Chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây