Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau: Dốc lên khúc khuỷu … mưa xa khơi và Nhớ khi giặc đến … rừng vây quân thù

Thứ tư - 18/03/2020 10:21
"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. ”
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Và:
"Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giáng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”
(Việt Bắc- Tố Hữu)
HƯỚNG DẪN
1. Tác giả tác phẩm
a) Quang Dũng là nhà thơ của xứ Đoài mây trắng. Thơ ông là tiếng nói của một hồn thơ hào hoa lãng mạng, nhất là những vần thơ viết về lính. Các sáng tác tiêu biểu của Quang Dũng bao gồm: Mây đầu Ô, Mùa hoa gạo, Đôi mắt người Sơn Tây... Bài thơ Tây Tiến ra đời năm 1948, trích trong tập "Mây đầu Ô" là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
b) Tố Hữu là nhà thơ của lý tương cộng sản, lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam. Ông là người viết sử bằng thơ vì mỗi giai đoạn lịch sử đi qua, Tố Hữu đều  để lại một tập thơ giá trị: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa... Bài thơ Việt Bắc ra đời vào tháng 10-1954 khi trưng ương Đảng rồi chiến khu Việt Bắc vê thủ đô Hà Nội.
2. Cảm nhận hai đoạn thơ
2.1. Đoạn thơ trong bài tho Tây Tiến là hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội, thơ mộng trữ tình.
- Thiên nhiên hùng vì dữ dội ở con đường hành quân nhiều gian khô. Nhiều từ láy được huy động để diễn ta sự hiểm nguy: Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút. Phép nhân hóa "súng ngửi trời" diễn tả tinh tế độ cao. Phép tương phản đối lập diễn tả cành đèo cao, dốc thăm, rừng dày "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống".
- Thiên nhiên trữ tình, thơ mộng "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Câu thơ được dệt nên bởi những thanh bằng gợi cảm giác êm ả, tươi mới. Hình ảnh thơ gợi vẻ đẹp nên thơ.
- Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn cân đối hài hòa giữa các thanh bằng trắc; phép nhân hóa, tương phản, cách sử dụng từ láy tượng hình...
2.2. Đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
- Thiên nhiên gắn bó hài hòa với con người cùng chung mất mát đau thương, cùng chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung "Nhớ khi giặc đến giặc lùng/Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây".
- Con người và thiên nhiên tạo thành một thế trận trùng điệp dồn kẻ thù vào "lũy sắt dày", vào "mênh mông bốn mặt sương mù".
- Thiên nhiên là hậu phương vững chắc và cũng là người bạn chiến đấu của con người.
- Nghệ thuật: Thể thơ lục bát truyền thống, phép tu từ nhân hóa, hình ảnh thơ ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình.
3. So sánh
- Giống nhau: đều là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng trong thời kỳ chống Pháp. Đều được viết bằng bút pháp lãng mạn cách mạng.
- Khác nhau:
+ Thiên nhiên trong Tây Tiến thiên về diễn tả sự khắc nghiệt, dữ dội. Là gian khổ thiếu thốn mà người lính phải vượt qua. Thiên nhiên trong Việt Bắc thiên về miêu tả sự gần gũi và đồng lòng với con người.
+ Thiên nhiên trong Tây Tiến mang hai vẻ đẹp hài hòa: hùng vĩ và lãng mạn. Thể thơ thất ngôn cũng góp phần làm cho bức tranh thơ thể hiện được những nét trên. Trong Việt Bắc, thiên nhiên có chiều hướng gắn với hiện thực cuộc kháng chiến khi ta dựa thế rừng núi để đáp trả lại kẻ thù. Thể thơ lục bát biển hóa linh hoạt mang lại một thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng thật gần gũi.
 
BÀI THAM KHẢO
Cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp lần thứ hai của cả dân tộc đã khép lại trong quá khứ song lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau vẫn được nhắc nhở, được hiểu phần nào về quá khứ hào hùng của cha ông. Hai bài thơ "Tây Tiến" (Quang Dũng) và "Việt Bắc" (Tố Hữu) ra đời trong thời gian này ngoài mục đích cổ vũ tinh thần đấu tranh dân tộc còn thể hiện bút pháp nghệ thuật của tác giả qua việc khắc hoạ bức tranh thiên nhiên đất nước hùng vĩ và thơ mộng. Tài năng của các tác giả được bộc lộ rõ nét qua hai đoạn thơ:

"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."

Và:
"Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che hộ đội, rừng vây quân thù.”

Quang Dũng từng khoác áo lính nên ông hiểu cuộc sống và tình cảm của người lính một cách cặn kẽ. Mỗi lần cầm bút, ông như viết về chính mình và bạn bè. Đó là lý do vì sao những vần thơ của ông vừa chân thực, vừa xúc động lòng người. Quang Dũng còn là nghệ sĩ đa tài. Với tài năng của một họa sĩ, ông đã viết nên những vần thơ giàu tính tạo hình. Mỗi câu thơ của Quang Dũng đều được nhìn nhu một bức tranh với đầy đủ các đường nét, gam màu. Ngoài ra, ông thường đưa chất nhạc vào trong thơ khiến Xuân Diệu nhận xét: "Đọc thơ Quang Dũng, ta như ngậm âm nhạc trong miệng". Bài thơ "Tây Tiến" được viết vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh sau khi nhà thơ rời xa đơn vị cũ không bao lâu.

Khi đến với cách mạng cũng là lúc Tố Hữu bén duyên với thơ. Những bài thơ đầu tay của Tố Hữu chủ yếu là diễn tả cảm xúc của ông khi đón nhận lý tưởng cách mạng. Tác giả làm thơ cũng là làm cách mạng. Ông làm thơ để đấu tranh và ca ngợi nhân dân. Mỗi tập thơ ra đời tương ứng với một giai đoạn cách mạng cụ thể. Bảy tập thơ của Tố Hữu là bảy cuốn biên niên sử bằng thơ, đánh dấu từng chặng đường tiêu biểu của lịch sử đất nước. Bài thơ "Việt Bắc" ra đời vào tháng 10 năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trưng ương Đảng và chính phủ quyết định rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Nhân cuộc chia tay giữa các chiến sĩ cách mạng và nhân dân sau 15 năm gắn bó thân thiết, Tố Hữu viết bài thơ này.

Bài thơ "Tây Tiến" có thể xem như một hiện tượng "xuất thân" của Quang Dũng trong thơ kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, nét độc đáo của thơ Quang Dũng thường lộ rõ khi thơ ông chen giữa hai thái cực: đã hiện thực thì hiện thực đến dữ dội, đã lãng mạn thì lãng mạn đến mộng mơ. Bút pháp này thể hiện rất rõ khi miêu tả thiên nhiên Tây Bắc. Tác giả đã khắc họa khung cảnh rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến bước chân qua, vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ. Tất cả đều được nhà thơ thể hiện ở khoảng cách xa xa, hư ảo với kích thước có phần phóng đại khác thường, nói về cái hiểm trở, tác giả đã dùng những hình ảnh thật độc đáo:

"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."

Sự hoang vu, hiểm trở của núi rừng từng được diễn tả trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn:

"Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao..."

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" với 5/7 thanh trắc làm ta cảm nhận được bước chân và hơi thở trên đường chinh chiến gian lao. Những tầm cao của núi, những chiều sâu của lũng, của suối thử thách chí can trường như chặn bước tiến của đoàn quân. Các từ láy: “Thăm thẳm", "khúc khuỷu", "heo hút" được lựa chọn như ghi lại ấn tượng về một miền núi thật dữ dội và khắc nghiệt. Không phải "súng chạm trời" mà là "súng ngửi trời". Ba chữ là đu đưa ta đến tuyệt đỉnh. Khẩu súng được nhân hóa như người khiến câu thơ có nét hóm hỉnh, tinh nghịch.

Cái độ cao ấy chắc chắn đã thành ấn tượng trong nỗi nhớ của Quang Dũng đối với chiến trường miền Tây đến mức nhà thơ phải nhắc đến hai lần trong một khổ thơ ngắn. Và lần thứ hai lại là một sáng tạo đặc sắc của thơ Quang Dũng:

"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

Bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Tây Tiến được "đo" bằng câu thơ gồm hai vế tiểu đối kết hợp nghệ thuật đối lập và thanh trắc chiếm đa số: "Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống" làm dòng thơ như bẻ đôi để vẽ ra hai dốc núi vút lên và đổ xuống như thẳng đứng, thăm thẳm, thử thách. Từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa. Thanh bằng của từng chữ dàn trải ra, mênh mang, diễn tả cái màn mưa phủ giăng thung lũng, khiến núi rừng như đang bồng bềnh giữa biển khơi.

Vũ Quần Phương nhận xét: "Bút pháp Quang Dũng thích tung hoành trong một biên độ rất rộng, giữa những nét khỏe khoắn, dữ dằn và những nét tinh vi cấp. Ở bài thơ Tây Tiến, bút pháp đó thật đắc dụng với những cặp câu song hành." Ngoài ra, thể thơ thất ngôn cân đối hài hòa giữa các thanh bằng trắc, phép nhân hóa, tương phản, cách sử dụng từ láy tượng hình... đã tạo nên một đoạn thơ tuyệt mĩ bao trùm bởi cảm hứng lãng mạn.

Theo dòng hồi tưởng của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Việt Bắc" những kỉ niệm thời kháng chiến hiện lên đầy hào hùng cùng nghĩa tình quân dân đậm đà thủy chung. Trước giờ khắc quyết định của lịch sử, không chỉ nhân dân mà cả ừng núi cùng chung sức đánh Tây:

"Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che hộ đội, rừng vây quân thù.”

Trong cuộc kháng chiến đầy gian lao của quân và dân Việt Bắc, thiên nhiên đất trời đã trở thành những người bạn, những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của toàn quân. Chỉ với bốn câu thơ, chữ “rừng” và “núi” được lặp đi lặp lại đến năm lần, nó rải kín câu thơ, rải kín đất Việt bắc. Những dãy núi trùng điệp dàn trải tạp tạo lên thế hiếm của trường thành, của lũy thép vây bọc quân thù. Tư thế hiên ngang kiêu hùng của bao vách đá núi làm cho kẻ thù bất lực. Với nghệ thuật nhân hóa, Tố Hữu đã biến núi rừng, thiên nhiên thành những con người Việt bắc anh dũng, kiên cường. dòng thơ nhắt nhịp rất cân đối hài hóa và là một phép tiểu đối độc đáo, các từ “che”, “vây”, … càng làm nổi bật vai trò của những cánh rừng, sự đoàn kết, gắn bó, đồng lòng chung sức của cả con người lẫn thiên nhiên trong kháng chiến.

Thể thơ lục bát truyền thống nhưng đã biến hóa linh hoạt, Nhịp điệu trầm hùng, uyển chuyển càng làm bài thơ thêm trang trọng, giàu chất hồi tưởng kết hợp với việc sử dụng nhiều động từ mạnh và phép nhân hóa. Tố Hữu đã tái hiện được vẻ đẹp của rừng núi Việt Bắc nói riêng và sức mạnh anh hùng dân tộc Việt Nam nói chung. Sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng chính là sức mạnh làm nên chiến thắng.

Cả hai đoạn thơ đều lấy bối cảnh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Đó là địa bàn rừng, núi hùng vĩ, tươi đẹp được viết bằng bút pháp lãng mạn cách mạng. Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên thì nhân dân cũng là con người không ngại khó khăn, gian khổ, tất cả đều vượt lên để hướng tới kẻ thù chung.

Nét riêng ở đây là, thiên nhiên trong Tây Tiến được phác họa bằng thể thơ thất ngôn, tạo cảm giác vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa hùng vĩ vừa lãng mạn. Nói như thế, nhà thơ muốn khắc họa vẻ đẹp của người chiến binh Tây Tiến đã vượt lên trên những khó khăn, gian khổ để dấn thân vào con đường máu lửa. Còn thiên nhiên ở Việt Bắc hiện lên ở thế trận hùng vĩ bởi “rừng cây núi đá”, bởi “Núi giăng thành luỹ sắt dày”, “rừng vây” …Con người đồng lòng đoàn kết. Thể thơ lục bát biến hóa linh hoạt mang lại một thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng thật gần gũi.

Tóm lại, cùng miêu tả khung cảnh thiên nhiên đất trời trên cuộc hành chinh nhưng mỗi bức tranh lại có nét mới lạ, đặc sắc khác nhau. Đó là do cá tính sáng tạo và bút pháp tài năng của người nghệ sĩ được bộc lộ triệt để trên trang giấy, làm nên thành công của tác phẩm. Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng và "Việt Bắc" của Tố Hữu đã góp tiếng thơ riêng trong việc khẳng định và ngợi ca cuộc kháng chiến, sức mạnh anh hùng của quân dân đất Việt.

Nguyễn Thanh Nhi Chuyên Văn Lương Thế Vinh, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây