Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau: Doanh trại bừng lên ... xây hồn thơ/ Nhớ sao lớp học ... ca vang núi đèo

Thứ ba - 17/03/2020 09:21
Kỉ niệm sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Đặc biệt, đối với người lính, quãng thời gian đáng nhớ nhất chắc có lẽ là khi cùng đồng đội sống, chiến đấu và vượt qua gian khó. Những kỉ niệm ấy được tái hiện lại một cách chân thực nhất qua hai tác phẩm '"Tây Tiến" của Quang Dũng và "Việt Bắc" của Tố Hữu mà tiêu biểu nhất là hai đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giò
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
(Tây Tiến - Quang Dũng)

Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Quang Dũng là nhà thơ xứ Đoài mây trắng. Hồn thơ của ông đậm chất hào hoa, lãng mạn, nhất là những áng thi ca về người lính. Các tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: "Mây đầu ô", "Đôi mắt người Sơn Tây",.... Bài thơ "Tây Tiến" ra đời năm 1948, được in trong tập "Mây đầu ô".

Khác với Quang Dũng, Tố Hữu đến với thơ sớm hơn, ông là nhà thơ của lí tưởng cách mạng, là lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam, hồn thơ trữ tình chính trị. Mỗi cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc đi qua, ông đều cho ra đời một tác phẩm thơ: "Từ ấy", "Việt Bắc", "Ra trận", "Gió lộng", " Máu và hoa". Bài thơ "Việt Bắc" ra đời vào tháng 10/ 1954 khi Trung ương Đảng rời Việt Bắc về lại vói thủ đô Hà Nội.

Đời lính gắn liền với những kỷ niệm, mỗi kỷ niệm trên dặm đường hành quân là một dấu mốc đáng nhớ. Nhưng không có kỷ niệm nào đẹp bằng được sống trong tình quân dân ấm áp nghĩa tình. Cả hai nhà thơ Tố Hữu và Quang Dũng đều là nhũng nhà thơ đã trải qua nhũng kỷ niệm đầy nghĩa tình ấy, chính vì vậy kỷ niệm đã "hóa thơ lưu" trong tâm hồn của mỗi người.

Trước tiên, ta sẽ ghé thăm "doanh trại" của các anh lính Tây Tiến. Gọi là "doanh trại" nhưng kì thực đó chỉ là những căn lều dựng tạm để nghỉ chân. Người lính trong thơ Quang Dũng luôn nhìn đời một cách lạc quan, thế cho nên ví lều như "doanh trại" rộng lớn nghĩa là họ đang quên đi cái nhọc nhằn, vất vả của cuộc hành quân đường dài:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Bốn câu thơ ngắn gọn trên là cả một hồi ức của nhà thơ về đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân. Qua cách miêu tả của Quang Dũng, đoạn thơ trở nên lung linh với "hội đuốc hoa", tiếng cồng chiêng, tiếng khèn và cả nhũng điệu múa uyển chuyển, đẹp mắt của thôn nữ miền sơn cước. "Đuốc hoa" vốn là từ ngữ chỉ cây nến đốt trong phòng cưới đêm tân hôn, được dùng trong văn học cũ. Truyện Kiều có câu:

Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.

Quang Dũng đã khéo léo vận dụng hai chữ "đuốc hoa" - thường để chi sự lãng mạn, riêng tư - vào câu thơ, biến nó thành đêm lửa trại náo nhiệt của đoàn binh Tây Tiến và nhân dân. Ngọn lửa niềm vui ấy "bừng" lên, lan tỏa, kết nối những tâm hồn, làm ấm lòng người chiến sĩ. Động từ "bừng" diễn tả không khí lễ hội với ngập tràn ánh lửa, tiếng nhạc, tiếng khèn đặc trưng của người miền núi và tiếng hát, tiếng nói cười rộn rã. Tất cả đồng loạt vang lên, hòa vào nhau làm nên đêm hội tưng bừng, nhộn nhịp. Sự xuất hiện bất ngờ của những cô gái trong bộ cánh lộng lẫy làm các anh lính phải thốt lên "kìa em xiêm áo tự bao giờ". Chữ "kìa" như một tiếng trầm trồ, ngạc nhiên, tình tứ. Những thiếu nữ Mường, những thiếu nữ Thái, những cô phù xao Lào xinh đẹp, duyên dáng "e ấp", xuất hiện trong bộ xiêm áo rực rỡ, cùng với tiếng khèn "man điệu" đã "xây hồn thơ" trong lòng các chàng lính trẻ. Mọi thứ tương chừng như mới chỉ là ngày hôm qua, xa Tây Tiến rồi, khi người lính nhớ về, thì đây sẽ mãi mãi là kỉ niệm đẹp thời chinh chiến.

Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài vừa sáng tác thi ca, vừa viết nhạc. Vậy nên, thơ của ông mang đậm chất nhạc. Chính điều này, kết hợp với thể thơ thất ngôn đã vẽ nên khung cảnh núi rùng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ. Ngoài ra, bút pháp lãng mạn và sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ nỗi nhớ da diết của tác giả về đêm hội liên hoan đậm tình quân dân.

Cũng giống như người lính Tây Tiến, chiến sĩ cách mạng ở Việt Bắc cũng có những nỗi nhớ không nguôi.

Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan.
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nghệ thuật độc đáo chỉ có ở "Việt Bắc" của Tố Hữu là điệp từ "nhớ". Xuyên suốt bài thơ nói chung và đoạn thơ trên nói riêng, từ "nhớ" được láy đi láy lại nhiều lần, là lời khẳng định tình cảm nhớ nhung tha thiết của người cách mạng về tháng ngày sống và chiến đấu tại chiến khu Việt Bắc. Tác giả tưởng đến lớp học bình dân học vụ mỗi tối, các buổi họp cơ quan cùng những đêm hội trại đậm tình quân dân. Không chỉ vậy, nhà thơ còn gợi lại hồi ức về tháng ngày đồng cam cộng khổ chịu đựng cái khắc nghiệt của thiên nhiên.

Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù.

Và chịu cả sự thiếu thốn về vật chất:

Thương nhau chia củ sắn bùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhưng điều đáng khâm phục nhất đó là dù gian khổ, khó khăn không ngăn được sự lạc quan của người lính "gian nan đời vẫn ca vang núi đèo". Bởi lẽ, ngay tại thời điểm này, không chỉ con người mà cả thiên nhiên cũng đều đồng lòng hướng tới nhiệm vụ chung là đánh đuổi quân xâm lược, thống nhất nước nhà.

Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi.
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá, ta cùng đánh Tây.

Bằng giọng thơ tâm tình ngọt ngào, thể thơ lục bát truyền thống được biến hóa, sáng tạo nhà thơ đã khiến độc giả cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm thắm thiết của bộ đội với nhân dân, núi rừng Việt Bắc. Điệp từ "nhớ" gọi tả những kỉ niệm khó quên của người chiến sĩ về đời lính.

Có thể thấy hai đoạn thơ đều là những hoài niệm đẹp về quá khứ. Niềm hoài niệm đều hướng về tình quân dân sâu nặng. Ngoài ra, cả hai đều làm bật lên tinh thần lạc quan, không ngại khổ, ngại khó của chiến sĩ cách mạng thời chống Pháp. Đoạn thơ trong "Tây Tiến" được nhìn qua lăng kính hào hoa, lãng mạn của các anh lính trẻ Hà Nội mang trong mình dòng máu tiểu tư sản. Thế nên, khung cảnh thơ hiện lên sinh động, đầy màu sắc tươi đẹp. Trái ngược với không khí náo nhiệt của đêm văn nghệ trong "Tây Tiến", đoạn thơ trong Việt Bắc hiện lên với âm điệu nhẹ nhàng, hình ảnh thơ bình dị, gần gũi. Tất cả gợi tâm trạng nhớ nhung tha thiết, tình cảm sâu nặng, vấn vương của tác giả, của bộ đội vào thời khắc chia tay nhân dân Việt Bắc.

Vâng! Đời lính cực là thế, ấy vậy mà người cộng sản có hề kêu than? Ngược lại, họ sống rất lạc quan, xem cái khổ "nhẹ tựa hồng mao". Bây giờ, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Chính sự lạc quan và những kỉ niệm vui ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quân đội cùng tiến lên, quét sạch kẻ thù.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây