Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 16/10/2020 09:16
Hướng dẫn làm bài văn mẫu tập làm văn lớp 7, đề bài: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường

I. DÀN Ý

1. Mở bài
- Trong những năm gần đây, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
- Vấn đề bảo vệ môi trường đang được cả nhân loại quan tâm.
2. Thân bài
- Nạn phá rừng, đốt rừng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: núi bị sạt lở kéo theo đất đá, lũ bùn, lũ quét, lũ lụt... tàn phá nhà cửa, hoa màu, cướp đi mạng sống của con người và phá vỡ cân bằng sinh thái.
- Nạn đánh bắt trên sông, trên biển bằng những phương tiện nguy hiểm (thuốc nổ, điện, lưới quét...) làm cho nguồn thuỷ hải sản ngày càng cạn kiệt.
- Nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhà máy, xí nghiệp thải ra các khí độc hại làm ô nhiễm bầu khí quyển, thậm chí làm thủng tầng ôzôn bảo vệ trái đất, gây ra những xáo trộn ghê gớm trong quy luật của thời tiết, thiên nhiên... (khí hậu ngày càng nóng lên, giông tố, bão lụt, hạn hán,... liên tiếp xảy ra).
- Ở thành thị: khí thải, nước thải, chất thải... không được xử lí kịp thời trở thành nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém, thể hiện ở các hành vi thiếu văn hóa (xả rác ra đường, xuống kênh, xuống sông, phóng uế bừa bài nơi công cộng...) làm cho cảnh quan đô thị nhếch nhác, kém văn minh.
- Ở nông thôn: sự thiếu hiếu biết về khoa học kĩ thuật cũng gây ra những tác hại không nhỏ trong đời sống hằng ngày. Môi trường mất vệ sinh dẫn đến đau ốm, bệnh tật, giảm sức lao động...
3. Kết bài
- Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường và ý thức đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể : trồng thêm cây xanh, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn thành phố, làng quê xanh, sạch, đẹp.
- Tuyên truyền, vận động mọi người hãy tích cực đóng góp vào việc giữ gìn ngôi nhà chung của thế giới.

II. BÀI LÀM

Bài 1: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường.

Môi trường sống là nơi con người sinh sống và làm việc nên nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, mỗi chúng ta không ai có thể sống mà không cần môi trường sống, chính vì vậy nó là một thành phần dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhất đối với nhân tạo. Giống như trong cuộc sống con người có câu: đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu con người không có ý thức bảo vệ nó.

Câu trên đã mang một ý nghĩa giáo dục sâu sắc về trách nhiệm và ý nghĩa của con người đối với cuộc sống của chúng ta. Môi trường là nơi chúng ta tồn tại và nó bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên như không khí, đất đai, nước, và thiên nhiên tất cả các yếu tố này đều tác động mạnh mẽ đến đời sống của chúng ta, đời sống đó là tất cả các yếu tố gắn liền với cuộc sống của mỗi người. Như chúng ta đều biết con người không thể sống nếu không có nước, nước cung cấp sự sống cho mỗi người, và cả oxi ngoài không khí nữa, chính những điều đó đã tác động rất lớn đến cuộc sống của chúng ta, môi trường tạo ra sự sống và là nguồn cung cấp chủ yếu cho con người về sự tồn tại.

Từ xưa đến nay môi trường sống là một nhân tố mà con người rất quan tâm và bảo vệ, nó chịu ảnh hưởng phần lớn từ con người mà nên, những yếu tố đó không chỉ làm cho nó chịu sự tác động mạnh mẽ, mà ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống và con người của Việt Nam. Môi trường sẽ tạo điều kiện cho con người tồn tại, nhưng muốn nó luôn trong lành thì mỗi người đều cần phải có ý thức về cuộc sống, về môi trường, những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như kinh nghiệm giữ gìn những thứ cần thiết và quan trọng của mỗi con người, mỗi chúng ta những con người trực tiếp chịu sự tác động của môi trường, cũng là những thành phần có đóng góp rất lớn cho việc làm nên một môi trường xanh sạch đẹp.

Mỗi người có một ý thức thì làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, nó không chỉ đem lại sự sống, sự trong lành, một môi trường sống lành mạnh, mà nó luôn bảo vệ được sức khỏe của họ. Mỗi người đều có ý thức thì làm cho cuộc sống của chúng ta có phần được cải thiện và nó tươi đẹp hơn. Mỗi người chúng ta nếu không biết bảo vệ nó, thì môi trường sống sẽ bị hủy hoại và ngày càng bị tàn phá rất nghiêm trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ to lớn đến toàn bộ con người, mỗi chúng ta đều biết và nắm được vai trò của môi trường đối với con người. Và vai trò của nó vô cùng to lớn thì chúng ta cần phải có những hiểu biết một cách sắc bén và nhạy bén về vấn đề này, môi trường là một thành phần dễ bị tổn thương và bị nguy hại nhiều nhất. Bởi trong toàn cầu nó chịu sự tác động mạnh mẽ của con người.

Dân tộc Việt Nam có số lượng dân số vô cùng lớn chính vì vậy con người nếu như không có ý thức với nó, thì nó trở nên bị nguy hại cho sức khỏe của con người, mỗi chúng ta đều biết được điều đó qua ngày nay, khi trái đất ngày càng nóng lên, thời tiết xung quanh chúng ta vô cùng khắc nghiệt.

Thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sức khỏe con người bị ảnh hưởng, thiên tai dịch bệnh, và kéo theo rất nhiều những ảnh hưởng xấu đến con người, ô nhiễm môi trường ngày nay đang ngày càng được gia tăng bởi rác thải do con người thải ra ngày càng nhiều chính những lý do đó làm cho môi trường sống của chúng ta không còn trong sạch và muốn cải thiện lại điều đó, chúng ta cần phải làm những điều có ý nghĩa và giá trị hơn, đó là có ý thức bảo vệ môi trường. Nên trồng nhiều cây xanh, và có ý thức bỏ rác hợp lý không thải những chất thải ra ngoài môi trường bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta đã vô vàn những thách thức được đặt ra và nó cũng luôn luôn đòi hỏi con người cần phải có ý thức trách nhiệm và giải quyết những vấn đề mà họ đã làm ra, những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đó là kêu gọi nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường. Như trong cuộc sống chúng ta đều thấy có rất nhiều tấm gương tốt và những tập thể luôn tích cực gia tăng bảo vệ môi trường sống, họ phát động những việc làm từ thiện, những việc làm như nhặt rác ở nơi công cộng góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm và tác động của nó đến sức khỏe con người ngày càng tốt hơn.

Nhưng bên cạnh những con người luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống lại có những thành phần không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sức khỏe của chính họ. Chúng ta cần có ý thức bảo vệ chính cuộc sống mà chúng ta đang sống.

Chúng ta nên bảo vệ môi trường sống bởi đó là thành phần vô cùng nhạy cảm và chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ nó tốt hơn, như vậy là đang chính bảo vệ cuộc sống của chính mình.


Bài 2: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường.

Trong đời sống xã hội nhiều năm trở lại đây, vấn đề môi trường sống được nhắc đến như là “điểm nóng” của tình hình thế giới. Các hội thảo khoa học, các hội nghị quốc tế, những cuộc thi, những cuộc vận động,… xoay quanh vấn đề môi trường sống đang từng ngày từng giờ được diễn ra, tất cả đều phát đi bức thông điệp khẩn thiết: Hãy cứu lấy môi trường! Vì sao vậy? Vì đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống.

Môi trường sống bao gồm những điều kiện tự nhiên bao quanh con người. Môi trường sống lại được chia nhỏ thành các loại: đất, nước, cây cối, không khí, bầu trời. Môi trường sống có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người, sự xâm hại đến môi trường sống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống.

Đất đai là tài nguyên vô giá không có khả năng sản sinh thêm, đó là điều kiện vật chất cơ bản cho mọi hoạt động sống của con người: trên mặt đất con người sinh sống, dựng nhà cửa, trường học, nhà máy… Và đặc biệt là trên mặt đất, chúng ta trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm: trồng ngũ cốc, rau màu, nuôi gia súc, gia cầm… Nhưng ngày nay, đất đai đang bị phá hoại nghiêm trọng. Diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do việc xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp,…; do bị cát xâm thực, bị nước mặn ăn dần,… Đất cũng đang bị hư hại do các chất thải mà chủ yếu từ bao bì ni lông khó phân hủy. Mặt khác, còn do con người sử dụng quá nhiều phân bón hóa học khiến đất bị chua.

Cùng với mặt đất là nguồn nước sạch của Trái Đất. Đó là hệ thống nước ngầm, nước sông, nước ao hồ. Nước là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống: nước dùng để uống, dùng cho sinh hoạt, cho tưới tiêu nông nghiệp, cho sản xuất công nghiệp,… Nhưng nguồn nước sạch cũng đang dần cạn kiệt. Nước đang bị đe dọa bởi chất thải công nghiệp, bởi rác thải sinh hoạt, bởi nước mặn xâm hại (do hiện tượng mực nước biển dâng lên),… Trong năm 2008, nhiều vụ án môi trường bị phát giác khiến chúng ta không khỏi lo lắng cho nguồn nước sạch của đất nước: vấn đề nước thải sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Tô Lịch,… Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Đã có nhiều kết luận khoa học chính thức về nguyên nhân gây ra các hiện tượng mắc bệnh ung thư hàng loạt ở một số làng là do nguồn nước (ở Thái Bình, Quảng Trị,…).

Cây cối trên mặt đất cũng không tránh được thảm họa bị phá hoại. Cũng như đất, nước, cây cối có vai trò quan trọng đối với con người. Cây thanh lọc không khí, tạo ra cân bằng sinh thái, cây cho giá trị kinh tế (gỗ, thuốc, hoa quả,…). Nhưng cây hiện cũng đang bị đe dọa rất nhiều. Cây rừng đang bị chặt phá bừa bãi, nhiều trận cháy rừng diễn ra ở phạm vi rộng (cháy rừng ở Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, ở Việt Nam có thể kể đến vụ cháy rừng u Minh năm 2003,…). Rừng bị tàn phá, tai họa trước mắt ta có thể nhìn thấy được là những trận lũ lụt ở rừng đầu nguồn gây sạt lở đất đá làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chưa hết, lũ lụt còn đi liền với những trận đại hạn kéo dài làm cây cối chết khô tạo điều kiện cho cháy rừng lan nhanh hơn nữa! Hạn hán rồi lũ lụt, đó tiếp tục là nguyên nhân làm xói mòn, rửa trôi đất màu, đất mùn của nông nghiệp.

 Mặt đất đã như vậy, không khí và bầu trời cũng không được bình yên!

 Không khí là yếu tố sống còn của nhân loại: không khí trước hết cho con người khí oxi để thở và để sống. Nhưng không khí đang bị khí thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tấn công. Đó là khí thải từ các nhà máy công nghiệp, từ các phương tiện giao thông (xe máy, ô tô,…), là các loại vi trùng vi khuẩn bị lây nhiễm từ rác thải. Không khí bị ô nhiễm là nguyên nhân gây ra sự bùng phát của nhiều loại bệnh lây qua đường hô hấp như quai bị, ho lao, cúm,… và đặc biệt gần đây là dịch bệnh Covit-19..

Không khí ô nhiễm nặng nề kéo theo sự suy sụp của cả trời xanh. Khí các- bô-níc quá nhiều tạo ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên gây băng tan ở hai cực. Khí thải công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp sản xuất tủ lạnh) làm thủng tầng ôzôn khiến Trái Đất phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mặt Trời là những tia tử ngoại, tia cực tím vô cũng nguy hại.

Môi trường sống quanh ta, những người bạn thân thiết nhất đối với sự sống đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống. Bởi vậy, chúng ta hãy hành động vì môi trường bằng cách hạn chế những nguyên nhấn hủy hoại môi trường. “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát có sạch đẹp mãi được không? Điều độ tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn thôi!”.


Bài 3: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường.

Trong những năm gần đây, nhiều hội nghị bàn về môi trường liên tục được tổ chức ở phạm vi khu vực và toàn cầu vì nạn ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống đã trở thành vấn đề cấp thiết được toàn nhân loại hết sức quan tâm.

Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh... chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ... kéo theo bao thảm họa không thể lường trước được. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và đem đến bao mất mát, đau thương... tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.

Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây hại cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ phá rừng, phá biển. Chặt cây lấy gỗ, mở mang diện tích trồng trọt, canh tác, đốt rừng làm rẫy, săn bắn thú quý... những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm sẽ làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái. Những vụ phá rừng với quy mô lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên... hay vụ cháy mất hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh ở u Minh là những ví dụ điển hình.

Tục ngữ có câu: tiền rừng, bạc biển, rừng vàng, biển bạc... nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Cây chặt mãi cũng phải hết, tôm cá nào sinh sản kịp với kiều đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện, bằng hóa chất của không ít người tham lam, vô ý thức hiện nay? Nếu khai thác không đi đôi với gìn giữ, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hai môi trường sống chính bị suy thoái thì cuộc sống con người cũng không thể tốt lành.

Nói gần hơn, cụ thể hơn là môi trường quanh ta. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng, khói từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra. Các chất độc từ khói là một trong những nguyên nhân gây bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, thần kinh...

Khí thải, chất thải, nước thải không được xử lí kịp thời cũng là nguồn bùng phát và lây lan bệnh dịch. Có thể nói môi trường ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cuộc sống và tính mạng con người nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Không ít người có thói xấu là vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi... ra nơi công cộng, làm cho cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất quan trọng và cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục.

Nông thôn trước đây thường được coi là không gian trong lành, yên tĩnh nhưng hiện tại, với tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh chóng thì những tính chất ấy không còn nguyên vẹn như xưa. Sự thiếu hiểu biết về khoa học kì thuật của nông dân cũng gây ra nhiều tác hại như việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu... trong trồng trọt, chăm nuôi dẫn đến ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước sạch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sức sản xuất...

Môi trường xanh, sạch, đẹp là môi trường lí tưởng cho cuộc sống con người, bởi thế mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường. Ý thức đó không chỉ dừng lại ở lí thuyết mà phải được biến thành hành động cụ thể hằng ngày như trồng thêm cây xanh, tiết kiệm nước sạch, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng... nhiều việc nhỏ góp lại thành việc lớn. Trách nhiệm ấy cũng không chỉ thuộc về cá nhân mà còn phải là trách nhiệm của tập thể, của xã hội, phải cần được thể chế hóa vì lợi ích của mỗi người, của toàn xã hội.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây