Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí Ăn quả nhở kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn

Thứ sáu - 16/10/2020 08:39
Hướng dẫn làm bài văn mẫu tập làm văn lớp 7, đề bài: Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí Ăn quả nhở kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn

Bài 1: Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí Ăn quả nhở kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.

Ca dao xưa có câu:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Để nói lên rằng: bất cứ ai cũng có cội nguồn, gốc rễ và câu ca dao như lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta là hãy biết trân trọng, biết ơn những thế hệ đi trước và đó cũng chính là đạo lí muôn đời được thể hiện ở câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là đạo lí cao đẹp thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với lớp cha anh đi trước, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước, những người đã ngày đêm lao động miệt mài để chúng ta có thể hưởng cuộc sống ấm no đầy đủ. Câu ca dao mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định một lẽ sống có tình nghĩa, thủy chung, ân tình. Truyền thống biết ơn đó đã được gìn giữ phát huy từ xưa cho đến nay.

Đầu tiên có thể kể đến là cha mẹ, những người đã có công sinh thành ra ta nuôi ta lớn khôn. Bố mẹ luôn là người yêu thương chăm sóc ta nhiều nhất ngay từ khi chập chững bước những bước đi đầu tiên, mẹ đã dìu ta bước đi và nâng chúng ta dậy sau mỗi lần ngã, cha mẹ còn là người bên ta động viên an ủi ta trước những thất bại trong cuộc sông. Bố mẹ có thể dốc toàn bộ sức lực của mình để mong ta trở thành người có ích cho xã hội. Và khi đến trường, thầy, cô chính là cha mẹ thứ hai của ta, dạy cho ta những tri thức khoa học, dạy ta nên người nên ta cũng phải biết ơn bằng những việc làm như ngoan ngoãn học giỏi để không phụ lòng tin của cha mẹ, thầy cô giáo.

Đối với chúng ta mỗi khi bưng bát cơm dẻo thơm lại phải nhớ đến công lao của người nông dân “một nắng hai sương” vất vả cấy trồng. Vào những ngày hè thì “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”, những ngày đông giá rét thì “Bầm ra ruộng cấy Bầm run. Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non...”. Để rồi những cái nắng, cái lạnh ấy đem lại cho ra bát cơm ngon ngọt:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Những câu tục ngữ, ca dao nói về sự vất vả của người nông dân để làm ra bát cơm cũng phần nào đã bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với họ.

Còn đối với những người lao động trí óc ta cũng cần biết ơn họ, dẫu họ không làm ra những sản phẩm trực tiếp nuôi sông chúng ta nhưng họ đã góp một phần lớn vào việc làm cho đời sống của chúng ta ngày càng hiện đại, nhàn hạ. Đó là những loại máy móc công nghiệp, những sản phẩm dân dụng, những thiết bị phục vụ cuộc sông. Cuộc sống ngày càng đổi thay, những con đường chúng ta đi, những ngôi nhà chúng ta ở, đều do bàn tay người lao động làm ra. Do đó, chúng ta phải biết ơn họ bằng cách giữ gìn trân trọng những công trình mà họ đã vất vả tạo nên. Hàng năm, chúng ta cũng có những cuộc thi trao giải nhằm tìm kiếm nhân tài, động viên khuyến khích họ trên con đường khoa học.

Đọc một tác phẩm văn học nghệ thuật hay, chúng ta cũng phải biết ơn những người nghệ sĩ đã nhọc nhằn hôm sớm làm ra những sản phẩm tinh thần giúp cho đời sống tâm hồn của mỗi người thêm tươi đẹp. Để biết ơn những người nghệ sĩ ấy, nhà nước ta hàng năm cũng có những chính sách nhằm động viên khuyến khích họ hãy phát huy hơn nữa nguồn sáng tạo của mình để phục vụ cho nhân dân tốt hơn.

Ngày nay được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc chúng ta không được quên những ngày chiến đấu anh dũng của cha anh. Họ đã hi sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân để đem lại hòa bình, tự do cho nhân dân ta. Bởi vậy, chúng ta phải luôn biết ơn họ bằng những hành động cụ thể, thể hiện tấm lòng thành kính đền ơn đáp nghĩa như các ngày 27 tháng 7 là ngày thương binh liệt sĩ, ngày 22 tháng 12 là ngày quân đội nhân dân, các lễ hội như Đền Hùng, lễ hội Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Thánh Gióng... chúng ta lại đến thăm những gia đình thương binh liệt sĩ, động viên, thăm hỏi các anh, các chú những người đã hi sinh một phần xương máu để đem lại niềm hạnh phúc cho con cháu. Đối với những gia đình liệt sĩ, hàng năm, chúng ta cũng tổ chức các cuộc thăm hỏi động viên về mặt tinh thần cũng như vật chất, giúp cho những người thân của gia đình bớt đi phần nào nỗi đau mất người thân. Chúng ta còn có những chính sách như xây dựng nhà tình nghĩa giúp các bố mẹ của các liệt sĩ có nơi ăn chốn ở. Những em học sinh cũng thường xuyên tổ chức các buổi đến giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ họ những công việc vặt để động viên tinh thần. Những hành động đó chính là chúng ta đang thực hiện tốt câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn”.

Tất cả những hành động trên đã thể hiện phần nào lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những người có công với đất nước, đối với xã hội.

Trong xã hội cũng có một số ít những người vì đồng tiền mà bất chấp cả đạo lí làm người, họ luôn coi trọng đồng tiền mà quên đi ơn nghĩa của những người đi trước, quên công lao dưỡng dục của cha mẹ thầy cô, có người cậy có tiền chỉ biết đưa tiền về cho cha mẹ mà chẳng mấy khi chăm sóc, có khi còn cho các cụ vào viện dưỡng lão khiến cha mẹ họ phải sống cô đơn. Họ là những người cần phải lên án, phê phán để từ đó nâng tầm nhận thức của con người đôi với những người có công với đất nước, với cá nhân mỗi con người.

Như vậy, có thể thấy bất cứ thời đại nào thì những người dân Việt Nam vẫn một lòng ghi tạc đạo lí “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là đạo lí ngàn đời chúng ta sẽ mãi mãi tiếp bước. Nó chính là nguồn sức mạnh vô tận giúp cho nhân dân ta đoàn kết vững bước trên con đường dựng xây đất nước.

Bài 2: Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí Ăn quả nhở kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng. ”

Đó là nét đẹp truyền thông của đạo lí làm người, nó thấm sâu vào ý thức của mỗi con người Việt Nam từ xưa đến nay, thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành bài học làm người mà ai cũng phải thực hiện, nó là những câu tục ngữ giàu ý nghĩa nhân văn, được nhân dân ta từ xưa đến nay luôn trân trọng và thực hiện trong cuộc sống.

“Ăn quả” và “Uống nước” là sự hưởng thụ. “Quả ngon”, “nước mát” ở đâu mà có. Phải chăng có quả là nhờ nguồn nước. Nguồn là nơi phát ra dòng nước, nguồn nước không bao giờ vơi cạn. Nhờ có nguồn mà sông, suối, ao, hồ, biển cả quanh năm có nước. Đúng như nhà thơ Quang Huy đã viết:

“Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng nhớ một vùng núi non...”

Hai câu tục ngữ trên đều có từ “nhớ”, lời thơ của Quang Huy cũng có từ “nhớ”, nó thể hiện tấm lòng biết ơn, nhớ ơn của người được hưởng thụ, và đây cũng là phong cách sống của dân tộc Việt Nam.

Đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện ở lòng biết ơn của nhân dân ta. Đó là sự biết ơn tổ tiên, cội nguồn dân tộc, biết ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, biết ơn thầy cô đã cung cấp cho ta kiến thức, biết ơn người lao động đã đem lại những cái ta cần... Lòng biết ơn đó thể hiện rất rõ trong đời sống nhân dân, nó biểu hiện bằng việc làm cụ thể. Nhân dân nhớ ơn cội nguồn nên luôn hướng về cội nguồn dân tộc, “gánh vác phần người đi trước để lại”. Đã mấy nghìn năm lịch sử trôi qua nhưng hình ảnh vua Hùng dựng nước Văn Lang vẫn mãi mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.

“Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cùng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...”

Hình ảnh giỗ Tổ lập đền thờ các vị anh hùng cứu nước, xây dựng lăng tẩm, nghĩa trang... là những tượng trưng của lòng biết ơn, của đạo lí sống có nghĩa, có tình, có nghĩa vụ thiêng liêng. Đây là quan niệm nhân sinh đầy tính người mà nhân dân ta từ bao đời nay luôn thể hiện. Không chỉ có thế, lòng kính yêu Bác Hồ, biết ơn Đảng, biết ơn các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng... là một đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đạo lí ấy không chỉ ở trong tâm khảm mỗi người mà nó thể hiện bằng hành động, việc làm. Đó là hành động sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn quan tâm chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh - liệt sĩ, thăm viếng và tôn trọng nghĩa trang liệt sĩ...

Những việc làm này là biểu hiện của lòng yêu nước, biểu hiện một truyền thông tốt đẹp của nhân dân ta.

Truyền thống tốt đẹp đó không những chỉ có đối với xã hội, cộng đồng dân tộc mà nó biểu hiện ở trong gia đình mỗi người dân. Lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, tổ tiên là một đạo lí sống “Uống nước nhớ nguồn”, là một phong cách sông trữ tình, có nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Tục lệ cúng giỗ, Tết Nguyên Đán với những nén hương thơm tỏa khói khi lên bàn thờ tổ tiên là những lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của mỗi gia đình đối với tổ tiên.

Ngày nay, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi là việc làm không bao giờ dứt, nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng từ đạo lí đó, con cái biết ơn và có trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, tổ tông. Học sinh biết ơn thầy cô giáo, biết ơn nhà trường - nơi đầu tiên đã chắp nên những “đôi cánh ước mơ”, để từ đó khơi dậy trong lòng mỗi người một tình yêu Tố quốc.

Tóm lại đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những việc làm của nhân dân ta luôn thực hiện trên đường đời, nó thể hiện một tình cảm đạo đức đáng trân trọng, nó là truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn.
​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây