Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên

Thứ bảy - 17/10/2020 10:42
Hướng dẫn làm bài văn mẫu tập làm văn lớp 7, đề bài: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên

Bài 1: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên.

Sống phải có bản lĩnh. Nhờ có bản lĩnh mà ta có thể vượt qua mọi thử thách trên đường đời và đi tới thành công. Nói về bản lĩnh sống, dân gian có câu tục ngữ thật là chí lí: "Có chí thì nên".

"Chí" là lòng quyết tâm, sự kiên trì nhẫn nại. Chí cũng là tự minh phấn đấu, vươn lên, không ỷ vào người khác. Chí là chí khí, sự bền bỉ. "Nên" có nghĩa là thắng lợi, thành công, sự tốt đẹp mà ta thu được. "Có chí" là điều kiện, là nguyên nhân; "nên" là hệ quả, kết quả. Câu tục ngữ thật cô đúc, ngắn gọn chỉ có 4 từ mà nêu lên một bài học sâu sắc, nhắc nhở mọi người hãy rèn luyện ý chí, tình thần bền bỉ, lòng quyết tâm để vượt qua mọi thử thách, khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi và gặt hái được nhiều thành công. Có chí tức là đã có bản lĩnh sống rất đẹp.

Không được nhầm lẫn "chí" với "trí". "Trí" là trí tuệ, lí trí, trí khôn, sự hiểu biết, trí thông minh. Nhờ học hỏi mà ta có trí. Nhờ rèn luyện trong thử thách và gian khổ mà ta có chí. Trí và chí là hai phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Mọi tài năng lỗi lạc xưa nay đều có chí và có trí hơn người.

"Có chí" thì mới có thể chịu đựng được, đứng vững được trước mọi thử thách khó khăn, không bị gục ngã trước thất bại tạm thời. Đi học, đi làm, sản xuất, kinh doanh, v.v… đều cần có chí. Chí càng cao sức càng bền mới đi tới thành công. Đường đời khó khăn (thế lộ nan) nên ta phải có chí. Đường xa, núi cao, dốc thẳm, sông sâu, tuyết dày…phải có chí mới vượt qua được. Đi thi là phải có chí "cá vượt Vũ Môn". Kéo pháo vào đánh Pháp ở Điện Biên, bộ đội ta đã thể hiện quyết tâm: "Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi". "Nước chảy đá mòn", "Kiến tha lâu cũng đầy tổ", "Có công mài sắt có ngày nên kim", tất cả đều nói lên cái chí.

Tuổi trẻ chúng ta trên đường học tập, tiến quân vào mặt trận khoa học kĩ thuật cũng phải có chí mới có thể thực hiện được ước mơ hoài bão của mình, mới có thể đem tài sức góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học tập câu tục ngữ "Có chí thì nên" ta càng thêm thấm thía lời dạy của Bác Hồ:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên"


Bài 2: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên.

Từ xưa đến nay, ý chí và nghị lực luôn là một phẩm chất cao quý cần có của mỗi người trong cuộc sông. Nói về ý chí nghị lực nhân dân ta có câu tục ngữ “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ đã đề cao ý chí, nghị lực trong cuộc sống và khuyên nhủ chúng ta sông cần phải có ý và nghị lực. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về câu tục ngữ này.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu chí ở đây nghĩa là gì? Chí chính là nghị lực, ý chí của mỗi con người, nó giúp cho con người có thể vượt qua những khó khăn thử thách để tiến tới đích, tiến tới thành công.

Từ thời xưa, ý chí nghị lực đã được tìm thấy trong mỗi người Việt. Trong bao cuộc chiến tranh chống xâm lược thực dân, tinh thần, ý chí, nghị lực của nhân dân ta được phát huy cao độ. Với những cuộc xâm lược của những đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mĩ, chúng ta đứng trước một tình thế vô cùng nguy cấp. Song với ý chí nghị lực vượt khó nhân dân ta đã cùng đồng lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Dù phải chịu rất nhiều gian khổ thậm chí là hi sinh nhưng nhân dân ta vẫn không hề lùi bước. Chúng ta đã chiến thắng và đánh đuổi được thực dân Pháp, đế quốc Mĩ ra khỏi đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc ta. Chiến thắng đó chính là chiến thắng của ý chí, nghị lực.

Không chỉ có vậy, ta còn thấy được ý chí nghị lực của người Việt qua bao nhiêu tấm gương sáng vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Trong những tấm gương đó có tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Kí. Anh là một người bị liệt hai tay từ nhỏ, hai bàn tay của anh không thể viết được. Thấy các bạn cùng trang lứa được đi học còn anh thì ở nhà, anh rất buồn và thấy mình bất hạnh. Nhưng với ý chí nghị lực của mình, anh không cam chịu số phận, anh đã tập viết bằng chân rất khó khăn, anh viết chữ không thành chữ và rất xấu. Song anh không nản lòng, anh vẫn cố gắng, miệt mài ngồi tập viết. Sau một thời gian anh đã viết được và chữ của anh ngày càng tiến bộ hơn. Sau này, người ta nói rằng chữ của anh chẳng khác gì với chữ của người viết bằng tay và thậm chí còn đẹp hơn nhiều người. Kết quả anh đã trở thành người thầy giáo giỏi. Anh Nguyễn Ngọc Kí chính là một tấm gương sáng ngàn đời cho chúng ta học tập và noi theo. Với ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh đã hòa nhập được với mọi người và đã trở thành một con người có ích cho cộng đồng.

Còn trong ngày nay, ý chí và nghị lực cũng rất cần thiết đối với mỗi người. Nó cũng được phát huy ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong lao động sản xuất, có rất nhiều gia đình từ nghèo đói đã vươn lên làm giàu và có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngay trong học tập, đã có biết bao tấm gương sáng vượt khó vươn lên học giỏi và trở thành một người tài có ích cho đất nước như chị Nguyễn Thị Thảo. Chị nhà rất nghèo nhưng không vì nghèo mà chị nản lòng, chị đã vươn lên, vượt qua hoàn cảnh bản thân và chị đã được học bổng, được đi du học ở nước ngoài. Hiện nay chị đang là một giảng viên giỏi một trường Đại học. Đó mới chỉ trong vài lĩnh vực, còn rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống mà không ít những tấm gương thể hiện nghị lực. Nhưng nói chung là tất cả những con người trong những lĩnh vực đó đều vươn lên bằng ý chí nghị lực của bản thân và có được hạnh phúc trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng nhận thức được vai trò của ý chí, nghị lực với cuộc sống của mỗi người. Có những người chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến người khác. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, những thanh niên hư hỏng thường gây ra rất nhiều tệ nạn xã hội. Họ không vững vàng và họ đã sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện hút, đua xe... do những người xấu rủ rê. Nếu có ý chí, nghị lực vững vàng thì có lè họ đã tránh những tệ nạn đó.

Những con người có ý chí, nghị lực thì họ nhận được hạnh phúc và luôn thành đạt. Còn những con người không có ý chí nghị lực thì cuộc đời họ như đã chết, chẳng còn ý nghĩa gì cả mà cuộc sống trở lên tầm thường tẻ ngắt và không có mục đích lí tưởng, ý chí vươn lên. Thậm chí, họ sống có hại cho gia đình, cho đất nước và xã hội ngày nay. Cũng bởi vậy, mỗi chúng ta sống cần phải có ý chí nghị lực, có vậy thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, có sự cạnh tranh công bằng, đất nước ngày càng phát triển và xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, không còn những tệ nạn xã hội.
Những người có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống họ đều xuất phát từ những hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương hơn những người khác. Cũng xuất phát từ đó mà họ đã có ý chí vươn lên và họ thành đạt. Còn những người không có ý chí nghị lực là những người xuất phát từ sự ngu muội, không vững vàng vào lòng tin của chính mình và những người ấy lại có một kết cục bi thảm và đau thương hơn những người khác. Họ bị xã hội phê phán, lên án và chán ghét.

Từ nhận thức trên chúng ta hiểu rằng sống cần phải có ý chí nghị lực. Có như vậy thì cuộc sống mới có ý nghĩa và chúng ta sẽ trở thành những người thành đạt, là những người có ích, không thổ thẹn với bản thân, với mọi người và với đất nước.

Tóm lại, câu tục ngữ đã đề cao tinh thần sống có ý chí nghị lực. Ý chí nghị lực cũng cần được giữ gìn và phát huy. Ta nhận định rằng câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng.


Bài 3: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên. 

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói ngắn gọn nhưng lại được đúc kết từ bao kinh nghiệm xương máu của các thế hệ đi cha anh. Nó dạy bảo, chỉ dẫn chúng ta biết bao điều hữu ích trong cuộc sống. Và để nói về lòng kiên trì, về ý chí vượt khó thì câu tục ngữ “Có chí thì nên” là một ví dụ điển hình.

Vậy ở đây “chí” nghĩa là gì? Trước tiên, phải khẳng định rằng, chí là ý chí, là quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để vươn đến mục tiêu. Là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, là nguồn động lực để ta thực hiện mơ ước, mục đích của bản thân. Chí là điều cần thiết mà mỗi người nên có. “Nên” là thành công, là kết quả tốt đẹp của quá trình miệt mài đèn sách, cố gắng vươn lên. Có kiên trì, có ý chí ắt sẽ có thành công. Và thành công không bao giờ được gây dựng nếu không có ý chí. Chúng là hai phạm trù luôn song hành cùng nhau và không thể tồn tại cái này nếu không có cái kia.
 
Trong quá trình học tập hay làm bất kì một điều gì đó dù nhỏ bé hay lớn lao, chúng ta đều cần phải vạch rõ cho mình một mục tiêu nhất định và dĩ nhiên sẽ phải vẽ ra một hướng đi rõ ràng để đạt tới mục tiêu đó. Trên con đường đi đến đích, không một ai có thể thiếu đi trong mình một lòng quyết tâm và sự kiên trì. Có thể ban đầu ai cũng hăng hái, ai cũng hào hứng với mục tiêu của mình nhưng không phải ai cũng may mắn có được một con đường bằng phẳng, dễ dàng. Trên con đường đi đến thành công, chúng ta sẽ không tránh khỏi những chông gai, thử thách. Chỉ khi có ý chí sắt đá, không bỏ cuộc chúng ta mới có thể vững vàng bước tiếp. Có rất nhiều người, vì không kiên trì nên đã từ bỏ ước mơ giữa chừng. Khi gặp mọt trắc trở nào đó, họ không kiên trì tìm ra cách vượt qua mà chấp nhận buông xuôi và do đó họ sẽ chẳng thể nào đạt được ước mơ mà chính họ vẽ ra trước đó. “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Thực tế cho thấy rằng, những người thành công không phải do họ may mắn, không hải do họ được dâng sẵn thành quả mà thành công ấy được dệt lên từ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí có người còn dám hy sinh, đánh đổi những thứ quan trọng. Và ngược lại, với những kẻ lười biếng, họ sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được thành quả. Thành công đối với họ mãi mãi chỉ là ước mơ không bao giờ chạm tới.

Trong cuộc sống có khá nhiều những tấm gương cho sự kiên trì, không ngừng cố gắng. Đó là câu chuyện “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Là tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Kí ngày đêm miệt mài tập viết bằng đôi chân. Ông đã phải trải qua biết bao đau đớn và nước mắt để có được ngày hôm nay. Một người bình thường vốn cũng cần cố gắng rất nhiều mới có được thành công ấy, nhưng với ông, với một người bị bại liệt hai tay từ bé, sự kiên trì, chịu khó và ý chí phải lớn biết bao mới có thể trải qua con đường đầy chông gai như vậy. Ông đã vượt qua chính mình, vượt qua số phận bằng một nghị lực phi thường mà ai cũng phải ngưỡng mộ.

Đối với học sinh chúng ta, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng phải gây dựng cho mình lòng kiên trị, chịu khó và ý chí chiến thức trước những khó khăn. Không phải khi gặp bài khó là dễ dàng bỏ cuộc mà phải tìm tòi từ nhiều nguồn tài liệu hay từ thầy cô, bạn bè để có được lời giải chính xác. Phải cố gắng từng ngày và không ngừng học hỏi từ những người xung quanh, có như thế chúng ta mới có được thành công và thực hiện được ước mơ của mình. Nếu mãi mãi lười nhác và dễ dàng bỏ cuộc, chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ thậm chí là thụt lùi. Như vậy thì những cố gắng trước giờ, những hy vọng của mẹ cha đều trở nên vô nghĩa.

Tóm lại, ý chí là một điều cực kì quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Muốn thành công chúng ta phải nỗ lực, không ngừng học tập để có được tri thức. Không nên dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn mà phải biết vươn lên, vượt qua khó khăn ấy để chinh phục ước mơ của chính bản thân mình.


Bài 4: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên.

Một con người chỉ thực sự trưởng thành khi vượt qua được những gian nan thử thách của cuộc đời và điều ấy đòi hỏi phải có niềm tin, ý chí, nghị lực thật lớn. Ông cha ta từ ngàn đời xưa đã hiểu nguyên tắc sống ấy nên đã răn dạy con cháu trong câu tục ngữ: “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ vô cùng súc tích, ngắn gọn mà chứa đựng bài học thật quý báu, đó là chìa khóa dẫn tới thành công của cuộc đời.

Vậy ta nên hiểu câu tục ngữ “Có chí thì nên” như thế nào? Nên phân biệt rõ ràng giữa “tr픓chí”. “Trí” là sự thông minh, hiểu biết của con người, có được sau quá trình nỗ lực học tập. “Chí” chính là lòng quyết tâm, là ý chí, sức mạnh tinh thần giúp con người ta dũng cảm làm điều gì đó, có được sau quá trình rèn giũa bản thân. “Nên” ở đây được hiểu là sự thành công khi có nghị lực “chí”. Đó chính là thành quả lao động, những trái ngọt mà ta phải đánh đổi bao vất vả, cố gắng để đạt được. Vậy câu tục ngữ khuyên dạy ta rằng: nếu có lòng quyết tâm, hoài bão, sự cố gắng không ngừng nghỉ thì ta sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu, ước mơ của bản thân đề ra. Những điều tốt đẹp nhất sẽ chỉ xuất hiện khi nó được đánh đổi bằng nỗ lực, phấn đấu. Thiếu đức tính này, ta sẽ nhanh bị chán nản, mệt mỏi khi đối mặt với những khó khăn. Nghĩa chung của câu tục ngữ này cũng tương tự như câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Nước chảy đá mòn” vậy.

“Sức mạnh không đến từ thể chất, nó đến từ ý chí bất khuất” (Mahatma Gandhi). Ý chí chính là động lực lớn lao giúp ta tiến thẳng đến mục tiêu bản thân mà không chút ngần ngại, e sợ. Cuộc đời sẽ không bao giờ báo cho ta biết những khó khăn, vất vả sắp tới nên muốn thành công thì cần tôi luyện cho bản thân một tinh thần thép. Tuyệt vời hơn, ý chí còn là ngọn đèn trong đêm tối mỗi khi ta cảm thấy muốn buông xuôi, gục gã. Nó sẽ nhắc nhở cho ta lí do mà ta bắt đầu, tiếp thêm sức mạnh cho ta bước tiếp những chặng đường sau này.

Nhìn vào cuộc sống, ta sẽ bắt gặp vô vàn tấm gương với ý chí phi thường. Họ đã làm được bao điều lớn lao cho đời, thật đáng ngưỡng mộ. Ông Cao Bá Quát xưa tuy có tài năng văn phú hơn người nhưng vì chữ xấu mà luôn thấy xấu hổ với mọi người. Ông đã tự răn mình bằng cách thường xuyên thức khuya rèn chữ, buộc tóc lên trần nhà, ngủ gật thì tóc sẽ giật đau, tỉnh dậy lại rèn chữ tiếp. Nhờ sự kiên trì nỗ lực, ông để lại tiếng thơm muôn đời không chỉ bởi văn chương tài ba mà còn bởi chữ viết như “rồng bay phượng múa.” Trông rộng ra hơn một chút, ở nước ngoài, Thomas Edison – nhà sáng chế với hơn 1000 lần thất bại – tìm ra chất liệu cho dây tóc bóng đèn. Tự hỏi rằng nếu ngày ấy từ bỏ sớm, liệu nhân loại sau này có thể được hưởng nền văn minh như bây giờ? Và có lẽ, đáng ngưỡng mộ hơn cả là Bác Hồ. Hơn ba mươi năm trời người đi khắp bốn bể năm châu để đi tìm con đường cứu nước: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng về tổ quốc / Chẳng yên lòng khi ngắm một cành hoa” (Chế Lan Viên). Cả một đời Người cố gắng vì dân vì nước và đã đánh đổi tất cả cho chúng ta hưởng sự yên bình của hôm nay.

Thật đáng thương cho những người dễ nản chí, nhụt chí, thấy khó khăn đã vội chùn bước mà không nghĩ đến cách giải quyết nó. Họ sẽ dễ có những cái nhìn bi quan về cuộc sống, cảm thấy áp lực với mọi việc xung quanh. Họ sống không mục đích, không lí tưởng mà dễ trở nên oán trách xã hội, quay lại hại những người khác. Điều đó thật đáng sợ biết bao! Tự họ lại biến thành gánh nặng của người khác, làm chậm lại quá trình phát triển của xã hội.

Cần làm gì để ta có thể tránh được tình trạng trên? Mỗi người chúng ta hãy trân trọng bài học mà câu tục ngữ “Có chí thì nên” gửi gắm. Đừng hiểu nó là điều gì quá đỗi lớn lao hay xa xôi. “Chí” ấy có thể bắt nguồn từ những việc đơn giản nhất. Hôm nay, bạn quyết tâm tìm cách giải một bài toán khó, đề ra và quyết tâm thực hiện mục tiêu học tập của mình,… đã là đáng khen ngợi. Phải rèn luyện cho bản thân tính nhẫn nại và nỗ lực hoàn thành ước mơ, khi ấy ta mới có thể trở thành con người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Câu tục ngữ “Có chí thì nên” thực sự là lời dạy vô cùng quý giá mà ông cha ta đã dạy dỗ cho thế hệ sau. Cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt nếu không có mục tiêu và phương hướng rõ ràng, và sẽ càng tẻ nhạt hơn nếu ta không đủ nghị lực để đạt được những mục tiêu đó. Sự cố gắng sẽ mặn vị của mồ hôi, thậm chí là nước mắt nhưng thành quả lại vô cùng ngọt ngào, tươi mát. Bạn có muốn được nếm vị ngọt ngào đó? Vậy hãy cố gắng ngay từ hôm nay thôi, từ khi ta vẫn là học sinh vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy cố gắng từ những điều nhỏ nhất, để mang những điều tốt đẹp cho bản thân và rộng hơn là cho đời.


Bài 5: Bình luận câu tục ngữ Có chí thì nên.

Trong cuộc sống của chúng ta, để có được miếng cơm manh áo ai cũng phải lao động hết mình mới có được. Hạnh phúc chỉ dành cho những người biết phấn đấu vươn lên, chứ không dành cho những kẻ lười biếng, chỉ than vãn mà mong cuộc sống tốt. Để có được như vậy họ đã phải trải qua bao nhiêu gian khổ và vất vả, nếu không có một ý chí kiên định thì khó có thể làm được, vì vậy từ người ta đã có câu tục ngữ : “Có chí thì nên”, để làm động lực cho những ai có ý chí nhất định sẽ có ngày thành công.

Vậy “chí” là gì ? “Chí” được hiểu là ý chí, hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, nghị lực, sự kiên trì của con người. “Nên” là thành quả, là cái đạt được khi họ cố gắng hết mình. Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi chúng ta làm bất cứ việc gì, nếu chúng ta có ý chí và kiên trì vượt qua mọi thách thức, khó khăn thì nhất định sẽ thành công như người xưa đã đúc kết “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Ý chí nghị lực là một đức tính không thể thiếu được trong cuộc sống khi ta làm bất cứ, việc gì, muốn thành công đều phải trở thành một quá trình, một thời gian đến luyện lâu dài. Có khi thành công đó được rút ra từ những thất bại thảm họa, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Càng gian nan chịu đựng bao nhiêu thì thành công đó lại càng vinh quang và đáng tự hào bấy nhiêu. Thành công sẽ không đến với những người chưa cố gắng đã bỏ cuộc.

Từ xa xưa, ý chí đã thể hiện rất rõ, trạng nguyên Nguyễn Hiền nhà rất nghèo, nhưng ham học, không quản gió mưa, bão tát vẫn hàng ngày đứng ngoài cửa nghe thầy giảng bài, đi chăn trâu, ngồi trên lưng trâu đọc bài, luyện viết chữ trên lá chuối. Và rồi ông đã đỗ Trạng nguyên và trở thành vị trang nguyên trẻ tuổi nhất. Nếu không có một ý chí phi thường thì liệu có làm được như vậy không, đó là ý chí quyết tâm theo đuổi đam mê học tập. Nhân dân ta nhờ ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ chống lại kẻ địch, vì vậy mà ngày nay ta đã được hưởng hòa bình, sống trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu như không có ý chí một lòng như một thì liệu chúng ta có được như ngày hôm nay không.

Hay như, Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai tay từ bé, gia đình lại khó khăn, nếu là người không có ý chí thì sẽ trách số phận và tự ti sống. Nhưng ông luôn cố gắng luyện chữ bằng chân, học như các bạn bình thường, có lúc bị chuột rút đau điếng nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Ngoài việc cố gắng học tập, ông luôn giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Một người bình thường chưa chắc đã làm được như vậy, vì ông muốn thay đổi số phận mình, luôn miệt mài học tập và cuối cùng trở thành một thầy giáo tài giỏi, người người ngưỡng mộ.

Trên thế giới, có rất nhiều tấm gương chúng ta phải học tập như là Hê-len cuộc sống của ta không hề có âm thanh và ánh sáng, nhưng ý chí phi thường trong con người bà đã đánh gục tất cả. Sau này bà đã trở thành đại sứ hoa bình cho nhân loại. Trong cuộc sống có rất nhiều có chí hướng đã thành công vinh quang, từ người nghèo trở thành giám đốc, một người nhỏ đã có tiếng tăm lừng lẫy…

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người ý chí chưa tôi luyện tốt, mới thất bại một hai lần đã bỏ cuộc, đã sa ngã, và không muốn cố gắng nữa. Hay có những người ngay từ đầu họ đã không hề có bất kì một chí hướng gì cho bản thân, luôn phụ thuộc vào người khác. Họ không thể tự lập bản thân, không biết cố gắng hoàn thiện bản thân, những người như vậy đáng bị lên án. Người có chí sẽ luôn tự tin, làm chủ suy nghĩ và hành động, trưởng thành và nghiêm túc. Có chí thì ắt sẽ thành công, không có chí thì chỉ có thất bại.

Chí là điều rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta, một học sinh cần tôi luyện ý chí để có thể đem lại những thành công cho bản thân. Chỉ cần trong giờ học lắng nghe cô giáo giảng bài, chép bài đầy đủ,  học thuộc bài cũ, chuẩn bị bài mới. Khi gặp vấn đề khó khăn đừng bỏ cuộc mà hãy tìm các cách giải quyết tốt nhất. Nếu đã cố gắng hết mình, nhưng điểm vẫn thấp, vẫn không có điều gì như ý muốn thì đừng nản chí, xem lại mình làm sai chỗ nào, sửa chữa và cố gắng lần sau. Đâu phải cố gắng một lần là thành công, phải cố gắng thật nhiều mới được .

Việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải được tiến hành thường xuyên liên tục. Kinh nghiệm của thế hệ đi trước là lời khuyên quý báu cho thế hệ trẻ, lời cẩu vũ cho thanh niên vững bước trên con đường xây dựng tương lai.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây