Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy giải thích câu nói: Thất bại là mẹ thành công

Thứ sáu - 16/10/2020 08:29
Hướng dẫn làm bài văn mẫu tập làm văn lớp 7, đề bài: Hãy giải thích câu nói: Thất bại là mẹ thành công

Bài 1: Hãy giải thích câu nói: Thất bại là mẹ thành công

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” hàm ý rằng chỉ có sự chăm chi, lòng kiên trì mới giúp con người vươn tới thành công. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu nhắc đến nguồn gốc của thành công nhưng tham thía và sâu sắc hơn: “Thất bại là mẹ thành công”.

Thành công là gì? Đó là mục tiêu chúng ta đạt được mà trước đó ta đã đặt ra trong cuộc sống của mình. Bạn mong muốn năm nay bạn sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi, cuối năm bạn đã đạt được điều đó. Vậy là bạn thành công rồi đấy! Ngược lại, thất bại là khi ta không đạt được mục đích đã đề ra.

Thành công và thất bại, chúng đối lập nhau sâu sắc, tưởng chừng giữa chúng không có mối liên hệ nào. Nhưng kinh nghiệm của dân gian ta đã chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Nghĩa là giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết; nói theo cách khác: thất bại là nhân tố tạo ra thành công.

Thật vậy! Trong thực tế, đề có được thành công, ai cũng từng trải qua thất bại, không ai giành được những thành công lớn ngay từ đầu. Để có được điểm mười tuyệt đối, chắc hẳn bạn đã làm sai dạng bài đó một vài lần. Trước khi cho ra đời những con tiện đẹp mắt, người thợ tiện cũng đã nhiều lần bị trầy xước ở tay và tạo ra những con tiện méo mó, sai kích thước. Những bậc vĩ nhân cũng vậy. A. Nô-ben từng làm nổ phòng thí nghiệm vài lần trước khi chế tạo ra được loại thuốc nổ hoàn hảo của mình. Lu-I Patx-tơ cũng đã vài lần thất bại trước khi tìm ra loại vắc-xin phòng bệnh dại. Hay như A. Anh-xtanh, bộ óc vĩ đại nhất thế kỉ XX, thuở nhỏ ông lại bị coi là chậm phát triển do thành tích học tập quá... “bê bết!”... Nhưng với tất cả mọi người, dù là người thường hay những bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào đó để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, nó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta thực hành thành công.

Không chỉ vậy, thất bại còn là động lực để chúng ta tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Những người thực sự khao khát học hỏi, khám phá thế giới thường có lòng tự trọng rất cao. Trong số họ, ít ai dễ dàng chịu đầu hàng. Thất bại khiến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Chính điều đó thúc đẩy họ tìm tòi, học hỏi và làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện bằng được công việc của mình. Bà Tống Khánh Linh khi sang Mĩ du học, trong kì thi vấn đáp đầu tiên bà bị những người bạn ngoại quốc mỉa mai: “Trung Quốc là một bãi rác, một bãi rác lớn”. Kì thi đó bà thất bại. Nhưng Tống Khánh Linh đã nỗ lực học tập không ngừng và ở kì thi sau bà thi đỗ với số điểm rất cao. Tương tự như vậy, trong thực tế, có những học sinh học kém vì lòng tự trọng, quyết không thua kém bạn bè đã cần cù học hỏi và trở thành học sinh học giỏi, vượt xa nhiều bạn cùng lớp.

Con đường học tập là con đường nhiều chông gai vất vả, rất khó tránh khỏi những thất bại: không giải được bài toán, không viết được bài văn, không được điểm cao trong bài kiểm tra, không đạt danh hiệu học sinh giỏi... Nhưng khi đã thấu hiểu tư tưởng câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” chúng cm sẽ nổ lực để vượt qua những thất bại tạm thời để nỗ lực hơn vì những thành công lớn phía trước.
 

Bài 2: Hãy giải thích câu nói: Thất bại là mẹ thành công

Trong cuộc sống, để đạt được những thành công không phải là một điều dễ dàng bởi bất kì công việc nào cũng đầy những khó khăn, thử thách. Để đạt được thành công nhất định thì một điều quan trọng là phải biết vượt qua khó khăn, thử thách và một trong những khó khăn thử thách đó chính là sự thất bại trong công việc. Trải qua bao thực tế, người xưa đã rút ra câu nói “Thất bại là mẹ thành công”.

Có thể nói thất bại và thành công là kết quả trái ngược nhau khi thực hiện một công việc nào đó. Thất bại chỉ một kết quả xấu khi thực hiện công việc còn thành công là chỉ một kết quả tốt đẹp khi thực hiện một công việc nào đó.

Trong quá trình làm việc, ta có thể gặp thất bại bởi bất cứ một công việc nào, nếu người thực hiện nó không thật sự cố gắng, thiếu kinh nghiệm hoặc có thể do một yếu tố khách quan nào đó. Những khó khăn, thử thách là yếu tố tất yếu đối với bất cứ công việc nào. Chẳng hạn có những bạn học rất chăm chỉ học và mong muốn rằng cuối năm sẽ đạt được danh hiệu học sinh giỏi, song điểm cuối năm lại không cao. Vậy đó chính là sự thất bại. Tuy nhiên, như ta đã biết không có một thành công nào lại không trải qua những that bại dù nhỏ hay lớn, song trước thất bại đó con người không được nản lòng mà cần coi đó là bài học để mình rút kinh nghiệm trong những lần sau. Đối với người học sinh, khi mình thật sự học tập chăm chỉ mà không đạt được kết quả thì không nên nản lòng, không nên cho rằng mình dốt có cố gắng mấy cũng không đạt được kết quả tốt. Nếu mặc kệ và buông xuôi, bạn đó sẽ học ngày càng dốt hơn. Do đó để khắc phục tình trạng trên, người học cần xem lại phương pháp học tập, tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa như học chưa đều các môn, chưa biết cách vận dụng lí thuyết và thực hành trong quá trình làm bài, hoặc không thận trọng khi làm bài... tìm ra những hạn chế, nhược điểm của mình, từ đó khắc phục những hạn chế. Với lòng kiên trì, coi sự thất bại đã qua như một bài học rút ra cho bản thân mình để đem đến những thành công, thành quả tốt đẹp. Như vậy câu nói này muốn nhắc nhở chúng ta phải biết đúc rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã qua. Thông qua những vấp ngã ban đầu, ta cần phải biết rút ra cho mình những bài học cần thiết để tránh những sai lầm có thể lặp lại. Từ đó, chúng ta sẽ có những thành công và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Vì sao lại nói “Thất bại là mẹ thành công”? Bất cứ một kết quả nào cũng có những nguyên nhân và lí do riêng, do đó thất bại cũng có lí do riêng. Muốn thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học cho mình, rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực và cố gắng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã trong những lần tiếp theo và thành công sẽ đến. Cũng từ thực tế đó mà người xưa mới cho rằng “Thất bại là mẹ thành công”.

Vậy vì sao ta phải kiên trì bền bỉ trong quá trình làm việc. Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng mong muốn có được cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, tuy nhiên để làm được điều đó không phải dễ dàng, bởi như ta từng nói bất cứ công việc gì cũng đầy khó khăn, thử thách, muốn đạt được những mục đích cao đẹp trong cuộc sống thì con đường duy nhất giúp ta thành công đó là sự kiên trì quyết tâm theo đuổi mục đích của riêng mình. Trong cuộc sống, ta cũng bắt gặp rất nhiều những con người có ý chí và nghị lực biết vươn lên vượt qua nhiều thử thách để trở thành con người có ích cho xã hội.

 

Bài 3: Hãy giải thích câu nói: Thất bại là mẹ thành công

Tục ngữ là kho báu trí tuệ dân gian. Có biết bao bài học sâu sắc ta tìm thấy trong tục ngữ. Câu “Thất bại là mẹ thành công" vẫn được nhiều người nhắc đi nhắc lại trong cuộc đời để tự động viên mình vươn lên.

Hai chữ "thất bại""thành công" trong câu tục ngữ tương phản nhau. “Thất bại" được nhân hoá thành "mẹ": người con ấy là "thành công" do người mẹ "thất bại" sinh ra. Ông cha ta đã có một cách nói quá thật sắc, thật gọn, thật hay để nêu lên một bài học quý báu khuyên mọi người đừng ngả lòng nản chí mà phải bền gan bền chí, quyết tâm vươn lên sau mỗi lần thất bại. Thành công là hệ quả được tìm thấy trong bài học thất bại:

“Thất bại là mẹ thành công".

Trong cuộc sống, ta luôn luôn đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Bắt tay vào làm một công việc mới ai cũng cảm thấy: "Vạn sự khởi đầu nan". Trong học tập, lao động, chiến đấu,... ta phải đối diện với bao cái khó, ngay những người thông minh, tài trí cũng thế. Có cái khó, ta tìm được cách để vượt qua. Nhưng cũng có cái khó làm ta thất bại.

Có người bị thất bại thì nản chí, hoang mang, trở nên bi quan, tiêu cực. Nhưng cũng có người, sau mỗi lần thất bại, mỗi lần ngã đau, họ đã dũng cảm đứng lên, dám nhìn thẳng vào sự thật, tỉnh táo tìm ra nguyên nhân thất bại, để ý chí, quyết tâm được nâng cao hơn bao giờ hết. Trước mọi thất bại, không nên cay cú, nóng vội, không được chủ quan mà càng phải thận trọng. Bài học thất bại là bài học cay đắng ở đời, ta cần phải biết bình tĩnh, sáng suốt tìm ra được phương pháp, để giành được thành công mới, thắng lợi mới. Sự lớn lên ấy là chân lí mà ta đã tìm được qua câu tục ngữ: "Thất bại là mẹ thành công".

Có thất bại trong chiến đấu phải trả giá bằng xương máu. Có thất bại trong làm ăn phải tốn nhiều tiền của. Có thất bại làm hao mòn trí lực, danh dự, thời gian,... Mỗi một thất bại là một quả đắng! Có thành công nào mà không hề gặp khó khăn, không hề trải qua ít, nhiều thất bại? Phải đổ nhiều công sức, mồ hôi, tâm huyết, thời gian,... ta mới làm nên trái hạnh phúc ngọt ngào. Câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công" dạy ta bài học làm người, làm người chân chính, con người có nghị lực, có bản lĩnh, có niềm tin...

Đọc tiểu sử các vĩ nhân, ta càng thấy rõ những cống hiến của họ cho nhân loại là sự kết tinh của tài năng và ý chí chiến thắng khó khăn, thử thách. Sau hơn một thế kỉ chiến đấu anh dũng và hi sinh to lớn, nhân dân ta mới làm nên Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến tháng 30.4.1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đời học sinh mỗi chúng ta cũng vậy, sau mỗi bài tập, bài kiểm tra, sau mỗi kì thi ai cũng cảm thấy mình "lớn lên" tự tin hơn, càng thấm thía lời dạy bảo của ông cha: “Thất bại là mẹ thành công".

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà cách mạng vĩ dại, là nhà thơ lỗi lạc của đất nước ta đầu thế kỉ XX đã có bài thơ “Thất bại là mẹ thành công" gồm 30 câu thơ, mỗi câu thơ có bốn chữ, viết năm 1926, giản dị mà sâu sắc vô cùng:

..."Càng nhiều thất bại,
Càng chắc thành công.
Xin chớ ngã lòng,
Xin càng bền chí
Ngã rồi liền dậy..."
(Trích Nam quốc dân tu trí)

Đọc bài "Cha tôi" của Đặng Huy Trứ, ta càng thấm thía bài học "Thất bại là mẹ thành công": trong thất bại phải nỗ lực, phải bền chí vươn lên.

Trong cuộc sống, ta phải tỉnh táo để giảm bớt mọi thất bại. Nhưng phải dũng cảm trước mọi rủi ro, thất bại. Phải học tập để nâng cao tầm trí tuệ, phải rèn luyện ý chí và bản lĩnh để khắc phục khó khăn thử thách, vươn lên giành nhiều thắng lợi. Câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công” không chỉ cổ vũ chúng ta dũng cảm đứng vững trước thử thách mà còn nhắc nhở mỗi người gần xa “Thắng không kiêu, bại không nản". Trên con đường học tập đi tới ngày mai của tuổi trẻ, những câu tục ngữ ấy, bài học ấy là vô giá.
​​​

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây