Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ và .phong phú với Bình Ngô đại cáo, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập,...
Côn Sơn ca có thể được viết trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh - Hải Dương).
Đoạn thơ này được trích từ bài thơ Côn Sơn ca rút trong tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi.
Côn Sơn ca vốn được viết bằng chữ Hán nhưng sau đó được dịch bằng thể thơ lục bát. Lục bát nghĩa là sáu tám - thể thơ gồm hai loại câu (một câu sáu chữ, một câu tám chữ) đan xen nối tiếp nhau và không hạn định về số câu. Trong thể thơ này, cách gieo vần được quy định như sau: chữ cuối câu 6 vần với chữ, thứ sáu của câu 8, chữ cuối của câu 8 ở cặp câu trên vần với chữ cuối câu 6 ở cặp câu dưới. Tính chung cứ hai câu thì đổi vần. Thơ lục bát thường dùng vần bằng...
Đoạn thơ có năm từ ta.
Nhân vật ta ở đây chính là nhà thơ.
Nhân vật ta là một người yêu thiên nhiên, là người có tâm hồn phóng khoáng (ngồi trong bóng trúc xanh mát mà ngâm thơ nhàn). Có thể thấy, trong đoạn thơ, nhân vật ta hiện lên như là một người nghệ sĩ thực sự không vướng một chút bận nào của nhân gian.
Tiếng suối chảy được tác giả ví với tiếng đàn, rêu trên đá được ví với chiếu êm, cách ví von này cho thấy tác giả là người giàu tình cảm với thiên nhiên, coi thiên nhiên như những người tri kỉ. Cách miêu tả ấy cũng cho thấy đây là một người nghệ sĩ tinh tế, giàu trí tưởng tượng.
Cùng với hình ảnh nhân vật ta, cảnh tượng Côn Sơn được gợi tả bằng những chi tiết thật đẹp. Đó là một cảnh trí thiên nhiên thật khoáng đạt, thanh tĩnh và nên thơ. Côn Sơn đẹp bởi tiếng suối rì rầm như tiếng đàn ca, bởi bàn đá rêu phơi, bởi rừng trúc xanh màu xanh của lá toả bóng mát cho người thi sĩ ngâm thơ.
Hình ảnh nhân vật ta ngồi ngâm thơ nhàn dưới màu xanh mát của tán trúc che ngang, gợi cho ta nghĩ đến hình ảnh một tiên ông nhàn tản, không chút vấn vương thế sự. Đó một thi sĩ đa tình đang thả trọn tầm hồn với thiên nhiên. Thực ra, trong cuộc đời không kể lúc làm quan mà ngay khi đã về ở ẩn ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi vẫn một lòng lo cho nước, cho dân. Chính vì thế mà chúng ta càng phải cảm phục vẻ đẹp tài họa và tâm hồn thi sĩ của ông. Trong muôn vàn vướng bận, Nguyễn Trãi vẫn dành cho thiên nhiên một tình yêu thật tươi trong và tuyệt đẹp. Đó cũng chính là vẻ đẹp nhất trong tâm hồn cao quý của ông.
Đoạn thơ dùng nhiều điệp từ (ta, Côn Sơn, trong,...). Hiện tượng điệp từ đã góp phần tích cực làm cho đoạn thơ có giọng điệu nhẹ nhàng, thơi thảnh, êm tai.
Tóm lại, đoạn thơ là một bức tranh thiên nhiên đầy gợi cảm bởi nó không chỉ được miêu tả bằng con mắt quan sát tinh tế mà còn bằng cả nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ của nhà thơ Nguyễn Trãi.