Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận về “Hồi trống cổ thành” trong “Tam quốc diễn nghĩa”

Chủ nhật - 29/10/2017 06:49
“Hồi trống Cố Thành” được trích ở hồi 28:

“Chém Sái Dương anh em hoà giải,
Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên”.

“Hồi trống Cổ Thành” đã khắc hoạ đậm nét thêm tấm lòng trọng nghĩa của Quan Công và tấm lòng cương trực thuỷ chung của Trương Phi.
Trương Phi vốn là một con người nóng nảy nhưng ngay thẳng cương trực, lòng dạ trước sau như một, luôn biết phục thiện, dám nhận sai lầm, thiếu sót.
 
Trương Phi đã từng túm tóc Đốc Bưu lôi tuột ra ngoài quán dịch, kéo thẳng về trước huyện trói vào tàu ngựa, bẻ mười cành liễu đánh vào mông Đốc Bưu chỉ vì tên này là một sâu dân mọt nước. Trương Phi đến huyện Lỗi Dương hỏi tội Bàng Thống vì Trương Phi cho rằng Bàng Thống say mê rượu chè, bỏ bê việc nước, nhưng khi thấy Bàng Thống làm việc đâu ra dấy, không sai sót chút nào thì vội vàng xin lỗi: “Tiên sinh thật là bậc cao tài, tiểu tử có mắt mà không biết”.
 
Trương Phi đã ba lần theo Lưu Bị đến Ngoạ Long để mời Khổng Minh ra giúp nước. Trương Phi chán nản, bực tức vì “gã nhà quê kiêu kì” (lời Trương Phi) và đòi đốt lều cỏ của Gia Cát Lượng, nhưng khi thấy Gia Cát Lượng trong lần ra quân đầu tiên chỉ bằng một mẹo nhỏ đã phá tan mười vạn quân của Hạ Hầu Đôn tại Tân Dã, Trương Phi mới vỡ lẽ: “Khổng Minh quả là bậc anh tài”.
 
Những nét tính cách tốt đẹp đó của Trương Phi được thể hiện khá rõ nét và hoàn chỉnh trong đoạn trích: “Hồi trống cổ Thành.”
 
Khi nghe Tôn Càn báo Vân Trường từ Hứa Đô vừa đưa hai phu nhân đến đây, thì Trương Phi chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáo, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc. Khi vừa nhìn thấy Quan Công, Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công, vì Trương Phi nghĩ rằng Quan Công ở với Tào Tháo là giặc, nên Quan Công đã bội nghĩa.
 
Đây là một cuộc đón tiếp thật đặc biệt, hiếm thấy giữa hai anh em kết nghĩa đã từng thề sống chết có nhau. Trương Phi nóng nảy đến nỗi bỏ ngoài tai tất cả lời can gián của Cam phu nhân, Mi phu nhân và Tôn Càn. Trương Phi tiếp tục chửi mắng Quan Công là “thằng phụ nghĩa” rồi múa bát xà mâu hăm hở trở lại đâm Quan Công. Cho đến khi thấy Quan Công lấy đầu Sái Dương (viên tướng của Tào Tháo), và nghe lời kể của một tên lính Tào Tháo thì Trương Phi mới hiểu được lòng dạ trung thực của Quan Công và nhất là khi nghe những việc Quan Công đã trải qua, Trương Phi đã rỏ nước mắt khóc, sụp xuống lạy Vân Trường.
 
Những chi tiết này đã làm hoàn chỉnh tính cách nóng nảy cương trực của nhân vật Trương Phi.
 
Quan Công là người “tuyệt nghĩa”, khi ở với Tào Tháo, Quan Công vẫn một lòng, một dạ với Lưư Bị. Khi ở trong dinh Tào, Tào Tháo đã dùng đủ mọi cách để mua chuộc, nhưng vẫn không được, lòng Quan Công vẫn hướng về Lưu Bị, nghĩ đến mối tình ba anh em kết nghĩa Lưu - Quan - Trương. Quan Công đã qua năm cửa ải, chém sáu tướng của Tào để trở về với Lưu Bị. Quan công trước sau “hàng Hán chứ không hàng Tào”
 
Trong đoạn trích này, để minh oan cho mình, xua tan nghi ngờ, sự hiểu lầm của Trương Phi, Quan Công đã nhận ngay điều kiện mà Trương Phi đưa ra: phải lấy đầu Sái Dương trong ba hồi trống. Không đợi đến hồi thứ ba, chỉ mới xong hồi trống thứ nhất, đầu Sái Dương đã lăn lồng lốc dưới đất. Sở dĩ Quan Công hành động kì tài như vậy là vì ông muốn tỏ rõ ngay tấm lòng trung thực của ông, giải quyết ngay sự hiểu lầm của Trương Phi.
 
Tam quốc diễn nghĩa là một kiệt tác trong nền văn học cổ điển Trung Quốc. Tam quốc đã kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của ba tập đoàn phong kiến cát cứ phân tranh thời Tam quốc là Nguy - Thục - Ngô trong thời gian 97 năm từ năm 184, năm nổ ra các cuộc khởi nghĩa nông dân Khăn Vàng (Hoàng Cân), đầu mối dẫn tới cục diện tranh hùng cát cứ, đến năm 280, họ Tư Mã thống nhất Trung Quốc và lập nên triều đại nhà Tần. Qua đó, La Quán Trung đã lên án chiến tranh, lên án nhứng kẻ gian xảo, bất nhân như Tào Tháo, ca ngợi những con người nhân đức như Lưu Bị, tài trí như Khổng Minh, dùng khí như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân v.v... thể hiện ước mơ của nhân dân muốn có được vua hiền, tướng giỏi.
 
Đoạn trích “Hồi trống cổ Thành” đã khắc hoạ đầy ấn tượng tính cách nóng nảy, nhưng ngay thẳng, cương trực và biết phục thiện của Trương Phi, đồng thời cũng khắc hoạ đậm nét tấm lòng trọng nghĩa của Quan Công.

Nguyễn Hữu Quang

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây