Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh

Thứ ba - 17/09/2019 13:48
Bài thơ Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) Bác viết năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta mới trải qua hơn một năm còn gặp nhiều khó khăn chồng chất. Thế nhưng những khó khăn ấy không để lại một nét gợn nào trong bài thơ. Bài thơ trong suốt, biểu hiện một vẻ đẹp hoàn chỉnh một đêm trăng rằm tháng giêng, nhưng đẹp hơn là vẻ đẹp lung linh của một tâm hồn lớn.
Cảm hứng sáng tạo của nhà thơ trước hết dậy lên từ cảnh một đêm rằm tháng giêng, nghĩa là một đêm trăng, lại trăng rằm, vầng trăng đang độ tròn đẹp nhất, cảnh vật ở đây phơi phới lồng lộng, đù đó là cảnh ban đêm ở chiến khu Việt Bắc. Đất trời sông nước tràn ngập ánh trăng, tràn ngập sắc xuân, sức xuân.

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
(Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên.)

Cái nhìn khoẻ khoắn của nhà thơ bao trùm lên cảnh vật thiên nhiên. Vầng trăng đang độ tròn nhất, sáng nhất (nguyệt chính viên) hoà hợp với mùa xuân đầy cả đất trời : Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên (Sông xuân, nước xuân tiếp nối với trời xuân) có ba chữ xuân nối tiếp nhau cứ như ùn ùn trỗi dậy sắc xuân, sức xuân. Mùa xuân kết liền mặt nước và bầu trời. Mùa xuân không tĩnh mà đang chuyển động, mùa xuân sống động chứ không phải là mùa xuân yên lặng.

Nhà thơ Hồ Chí Minh biểu hiện một tư thế ung dung trước cảnh vật, cao hơn cảnh vật, tư thế của một người làm chủ thiên nhiên, xã hội. Tâm hồn Bác chan hoà với cảnh sắc đất trời sông nước mùa xuân nhưng bao giờ cũng chủ động trùm lên tất cả. Sông xuân (xuân giang, xuân thuỷ) là cái hữu hạn ; trời xuân (xuân thiên) là cái vô hạn. Cái nhìn đồng nhất hữu hạn và vô hạn ấy của nhà thơ làm cho không gian thơ rộng mở không cùng và hình ảnh thơ, ý thơ càng thêm bát ngát, cảnh trăng lồng lộng nối liền trời nước là một cảnh trăng rất say và rất mộng. Ánh trăng đã thành cảm hứng thường trực của nhà thơ. Trăng vào thơ – đó là truyền thống phương Đông. Thơ Bác đầy trăng đã nói lên tâm hồn nghệ sĩ phương Đông của Bác. Nhưng trong truyền thống thơ ca, chúng ta gặp cảm xúc trước thiên nhiên, trước ánh trăng của các nhà thơ thường nảy nở trong một tư thế nhân sinh tĩnh tại, an nhàn. Các nhà thơ đến với trăng là để ngắm trăng, để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, ở Bác Hồ, tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh giữa cảnh đất trời sông nước đầy trăng như thế phải đâu chỉ là chuyện đi thưởng xuân ! Bên cạnh cái cảm hứng thiên nhiên còn là cảm hứng lớn hơn, cao đẹp hơn ; cảm hứng về vận mệnh đất nước. Hai câu thơ sau, đặc biệt câu thơ thứ ba là tâm điểm của bài thơ, của tư thế nhà thơ, tâm hồn nhà thơ :

Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.)

Yên ba thâm xứ – nơi tận cùng của khói sóng vừa kín đáo vừa yên tĩnh, những người lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đang bàn bạc việc quân, đến nửa đêm trăng sáng đầy thuyền.

Vẫn một con thuyền, với khói sóng, với trăng đêm,… nhưng không có sương khói mung lung, không có cái buồn của ánh lửa chài bên sông, không có cái huyền bí mơ màng của một tâm sự u uẩn trong một bài thơ cổ, một bài thơ Đường thi của Trương Kế :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tư,
Dạ bản chung thanh đáo khách thuyền.
(Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.)

Và cái yên ba thâm xứ ở câu thơ thứ ba còn gợi lên phảng phất âm hưởng ở một vài bài thơ nào đó nữa :
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.)
(Thôi Hiệu)

hoặc của Cao Bá Quát :
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn          
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.

(Cuộc đời lên xuống anh đừng hỏi
Trong khói sóng có một con thuyền.)

Cái khói sóng nghìn xưa đã gợi một nỗi buồn li quê của khách giang hồ và gợi một nỗi đau tuyệt vọng của một tài tử bế tắc trước cuộc đời. Nhưng với Bác Hồ, cảnh xưa kết hợp với thực tại một cách tài tình. Câu bàn bạc việc quân đã xoá đi nỗi buồn muôn thuở của khói sóng. Ba chữ đàm quân sự như một yếu tố có tính chất khác biệt thơ Bác và thơ của những nhà thơ cổ điển khác. Và câu thơ cũng cho chúng ta thấy rõ việc quân đâu phải là việc khô khan ầ cũng là một công việc nên thơ. Thơ đến với mùa xuân, với trăng, với sông nước, thơ cũng đến cả với công việc cách mạng. Với Bác Hồ, không có nơi nào là “khu rừng cấm của thơ ca”.

Nửa đêm trăng sáng, nên thơ. Một không gian yên ả như thế thường gợi lên một tiếng chuông chùa xa đưa thoát tục. Bác Hồ đã đưa cảnh nửa đêm trở về với đời thực, bàn bạc việc quân. Cũng như trong cảnh nằm chợp mắt sau gần một đêm không ngủ được, người ta cũng dễ mơ đến những gì thuộc về cuộc sống đời thường nhưng Bác Hồ thì lại mơ đến ngôi sao năm cánh, cảnh yên ba thâm xứ như đối lập với cảnh đàm quân sự nhưng sư đối lập này lai được đồng nhất ở câu thơ sau : Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền). Cái mơ và cái thực hoà chung trong một con thuyền chở đầy trăng.

Bài thơ Rằm tháng giêng là cả một sư hài hoà tuyệt đẹp. Hài hoà giữa cái dáng vẻ cổ điển (cũng là cảnh đêm trăng, cảnh sông nước, cảnh xuân,…) và thi nhân mà thơ xưa vốn có với cái dáng vẻ hiện đại bởi ở đây thi nhân không tan biến vào tạo vật mà xuất hiện với tư thế của một người đang cùng nhân dân, lãnh đạo nhân dân trù hoạch công việc kháng chiến, giữ vững nền độc lập, tư do của dân tộc. Bài thơ còn là sự hài hoà giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ trong một con người Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là một trong những bài thơ hay nhất của Bác viết trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc gian khổ, thiếu thốn nhưng tràn đầy lạc quan cách mạng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây