2. Thân bài
- Cây đa bề thế, bệ vệ, to cao vời vợi. Các cành cao thả dài xuống đất rồi lại sinh ra rễ mẹ, rễ con, bền vững và đầy sức sống.
- Cây đa xòe tán xanh và rộng để che nắng, che mưa cho mọi người.
- Cây đa là điểm, ghi nhớ, điểm đánh dấu nổi bật, đại diện cho một nơi chốn đáng được lưu ý.
- Cây đa là hình ảnh cao đẹp, là cả một bức tranh hoành tráng gắn bó với mái đình, chùa, miếu, giếng thơi... dựng nên cả một thế giới tinh thần bền vững cho mọi người thì khi còn trẻ thơ cho đến lúc về già.
- Cây đa tượng trưng cho vẻ đẹp quê hương. Nó góp thêm màu sắc, âm thanh cho làng quê êm đềm. Nó vẫy gọi những đàn chim nhiều màu đến hội tụ, làm tổ, rỉa quả đa chín.
- Thỉnh thoảng vào những buổi đẹp trời, từ những cành đa nhằng nhịt, tung ra những trận mưa chim.
3. Kết bài
- Cây đa là một vẽ đẹp, là biểu tượng, là hình ảnh sinh động của làng quê Việt Nam. .
- Nó góp phần làm cho văn hóa làng xã thêm đậm đà, lấp lánh.
Bài làm:
Xung quanh Đền Bà ở làng Ý La, Tuyên Quang có mấy cây đa khổng lồ nổi cộm lên như những ngôi nhà lầu nối tiếp nhau. Chúng đan kết lại với nhau bằng những chùm rễ phụ bạt ngàn, bao la. Chúng đu đưa trước gió như những chiếc võng treo thờ ở các đền Mẫu, phủ Mẫu. Đây là hình tượng gợi ý cho các bà mẹ thời xa xưa làm ra dưới bắt cá, tết võng và làm nghề dệt vải. Thạch Sanh ngày xưa có một túp lều tranh dưới gốc cây đa. Ông Bụt nhân từ cũng từ những cây đa hiện ra.
Cây đa bề thế, bệ vệ, to cao vời vợi. Các cành cao thả dài xuống đất rồi lại sinh ra rễ mẹ, rễ con, bền vững và đầy sức sống.
Cây đa yêu đời, đẹp đẽ. Nó tượng trưng cho sự phồn vinh và tuổi thọ. Biểu tượng của “Hội những người cao tuổi thế giới” được thể hiện qua hình ảnh một cây đa cổ thụ. Cây đa trần trụi với vẻ nguyên thủy, có những điều ẩn chứa, có những điều rối rắm và huyền ảo. Nó tượng trưng cho sự trống trải, cho sức mạnh vật lí và địa lí. Nó thu hút vào mình những tia sét, những dòng điện trường. Những đêm mưa to gió lớn, cây đa đã chống chọi với gió bão, dũng cảm phi thường. Cây đa xòe tán xanh và rộng ra để che nắng, che mưa cho mọi người. Nó che chở cho mọi người. Nó là cây mẹ, làm cho con người yên tâm với nụ cười, nước mắt, hướng về vĩnh cửu.
Người ta gọi cây đa làng, cây đa huyện, cây đa bãi, cây đa bên sông, cây đa xóm, cây đa chợ,... Cây đa là điểm ghi nhớ, điểm đánh dấu nổi bật, đại diện cho một nơi chốn đáng được lưu ý.
Cây đa chứng kiến những thăng trầm của các lớp người, trong tín ngưỡng dân gian, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa thường có một cái miếu nhỏ đặt bát hương, những chiếc bình vôi để hương khói cho thần cây đa: “Thần cây đa, ma cây gạo”.
Cây đa là hình ảnh cao đẹp, là cả một bức tranh hoành tráng gắn bó với mái đình, chùa, miếu, giếng khơi... dựng nên cả một thế giới tinh thần bền vững cho mọi người từ khi còn trẻ thơ cho đến lúc về già. Cây đa tượng trưng cho vẻ đẹp quê hương. Nó góp thêm màu sắc, âm thanh cho làng quê êm đềm. Nó vẫy gọi những đàn chim nhiều màu đến hội tụ, làm tổ, rỉa quả đa chín. Và thỉnh thoảng vào những buổi đẹp trời, từ những cành đa nhằng nhịt, tung ra những trận mưa chim.
Người ta nhìn lên mặt trăng huyền ảo, thấy những nét đậm nhạt mà nghĩ ngay ở đó có hình ảnh cây đa và chú cuội. Thế rồi cái huyền thoại ấy ăn sâu vào lòng người: “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ”.
Ngày xưa, ở trên thân cây đa thường có những tờ cáo, thị, yết thị. Thời kì cách mạng xuất hiện những tờ hiệu triệu đồng bào sản xuất chiến đấu, đoàn kết... Người quan họ có bài “Lí cây đa” nổi tiếng. Đó là một bài hát rất hay nói về anh trai làng đi đến gần gốc đa, nhìn thấy cô gái thắt lưng xanh mà đem lòng yêu mến...
Sau một ngày làm việc vất vả, buổi chiều mát mẻ, người ta thường tụ tập nhau bên gốc đa. Họ uống chè vối, hút thuốc lào rồi kể chuyện với nhau, bàn bạc và bình luận về cuộc sống. Đôi khi, bên quán nước nhỏ cạnh gốc đa có đôi vợ chồng xẩm kéo nhị, hát lên bài “Anh khóa” làm bâng khuâng cả đám đông người nghe.
Nhà nghiên cứu người Pháp M.Colami đã viết hẳn một cuốn sách về cây đa ôm tảng đá tại làng Thanh Khê, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Cây đa Tân Trào là hình ảnh quê hương cách mạng mùa thu không bao giờ phai mờ trong tâm trí người Việt Nam qua câu thơ “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”.
Người Hà Nội thường hay nhắc đến cây đa cổ thụ nổi tiếng: cây đa nhà Bò. Xưa kia, ở ngay cạnh nó là nhà đúc tiền. Bây giờ có một nhà hộ sinh. Qua, hai cuộc kháng chiến trường kì, cây đa cũng gánh chịu trên mình đầy những vết thương chiến tranh. Cây đa ở phố Hàng Bông có những chuyện kể quái dị kiểu Liêu trại chí, dị.
Chuyện kể rằng cứ chập tối, thỉnh thoảng có những cô gái rất đẹp ngồi trên những chiếc xe tay có người kéo, đi thăm các cây đa quanh vùng Hà Nội rồi biến mất lúc nào không biết. Ngày hôm sau, người phu xe sẽ rất đắt khách. Cây đa chùa Hai Bà ở Đồng Nhân phải cần đến hơn mười sải tay mới ôm xuể.
Cây đa ở làng Vân Hồ .có hàng trăm rễ rủ xuống đất như một chiếc mành mành lớn, đeo trên mình hàng trăm chiếc bình vôi cổ kính và những bát hương lập lòe ánh lửa và khói. Ở quanh nhà Bác cổ nay là Viện Bảo tàng lịch sử có sáu cây đa lớn. Gần Hồ Tây, quãng đầu Thụy Khuê có cây đa gọi là cây đa Cô Son, bên cạnh miếu Cô Son. Đó là nơi anh Khóa Hồng và Cô Son gặp gỡ và chia tay nhau. Cây đa chùa Bà Đanh nguy nga như một lâu đài. Tại phố Quán Thánh có ba cây đa chụm lại gần nhau, rợp bóng cả một khu phố. Người ta dựng ngay cạnh đó một quán cà phê gọi là “Quán cà phê cây đa Quán Thánh”. Người ta cũng thường nhắc đến cây đa làng Lủ, cây đa sông Tô Lịch, cây đa Hàng Gai...
Những vị cao tuổi uyên thâm, đức độ, được mọi người tôn kính gọi là các vị cây đa cây đề. Lại có cả những cụm từ cửa miệng như: Cúng cháo lá đa, trạch đẻ ngọn đa, con nhà sãi chùa đi quét lá đa, cậy thần phải nể cây đa...
Cây đa là vẻ đẹp, là biểu tượng, là hình ảnh sinh động của làng quê Việt Nam. Nó góp phần làm cho văn hóa làng xã thêm đậm đà, lấp lánh.