Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ về bài thơ Gặt lúa đêm trăng của Huy Cận

Thứ ba - 26/11/2019 10:13
Huy Cận Viết bài “Gặt lúa đêm trăng” tại Việt Bắc vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống giặc Pháp xâm lược đã được 4 năm (1946-1949). Đêm trăng được nói tới là một đêm trăng đầu mùa hè, vụ gặt chiêm bắt đầu. Cảnh gặt lúa thật đẹp và đáng nhớ: “Gió mát trăng đầu hè...”.
Khổ thơ thứ nhất cho biết bộ đội hành quân qua làng, thấy đồng bào đang gặt lúa đêm trăng, các anh đã kéo xuống ruộng giúp dân gặt lúa để “Phòng ngày mai giặc sang”.

Thuở ấy, vùng tự do giáp ranh với vùng tề, vùng giặc chiếm đóng. Giặc Pháp luôn luôn càn quét, cực kì tàn ác và thâm độc, thi hành chính sách “tam quang” (ba sạch): giết sạch, cướp sạch, đốt phá sạch !

Nhân dân ta phải gặt lúa đêm, tranh thủ lấy trăng làm đèn. Phải hối hả gặt nhanh để đề phòng quân giặc càn tới đốt phá, vơ vét.

“Phòng ngày mai giặc sang” là chủ động trong sản xuất, cảnh giác với lũ giặc. Những năm dài kháng chiến chống Pháp, trên mọi miền quê ở vùng tự do, vùng hậu phương, bà con dân cày đã thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Ruộng rẫy là chiến trường / Cuốc cày là vũ khí / Nhà nông là chiến sĩ / Hậu phương thi đua với tiền phương”.

Cảnh bộ đội giúp dân gặt lúa đem trăng thời khói lửa đã cho thấy tình quân dân như cá với nước. Bộ đội đánh giặc để cứu nước cứu dân; bộ đội còn giúp dân sản xuất, chống thiên tai địch họa.

Khổ thơ thứ hai có 6 câu thơ tả cánh bộ đội giúp dân gặt lúa đêm trăng, thêm người thêm tay gặt nên phải thêm nông cụ: “Lấy thêm liềm thêm hái / Mượn thêm gánh thêm quang”.

Số người gặt lúa rất đông, ngoài dân làng còn có nhiều anh bộ đội. Chữ “người” được điệp lại thành “người người” cho biết rõ điều đó. Các anh bộ đội vốn là người nông dân mặc áo lính nên rất giỏi cày cấy gặt hái. Gặt lúa mà “tay khoát khoát lúa vàng”, trông thật nhanh nhẹn, giỏi giang như đang múa.

Tiếng liềm hái sắc ngọt cắt lúa. Bông lúa, ruộng lúa vàng óng trong gió reo lên “rào rào”. Âm thanh ấy gieo vào lòng người, nghe thật vui, đúng như nhà thơ so sánh:

Vui tựa tằm ăn rỗi
Rào rào trong đêm trăng.

Cảnh gặt lúa đêm trăng đông vui nhộn nhịp như hội. Đoạn thơ tả cảnh gặt lúa đêm trăng, rất sống động. Vần thơ thấm đẫm màu sắc lãng mạn, chứa chan thi vị.

Khẽ đọc lên nghe thật thú vị vô cùng:

Lấy thêm liềm thêm hái;
Mượn thêm gánh thêm quang;
Người người cúi xuống ruộng,
Tay khoát khoát lúa vàng,
Vui tựa tằm ăn rỗi
Rào rào trong đêm trăng.

Cảnh gặt lúa đêm trăng đã được canh phòng cẩn mật, ở “mọi ngả”, ở “chân đê”. Bộ đội, dân quân vẫn không rời súng đạn: “Cười nói nấp chân đê / Súng dựng chờ mọi ngả”.

Đây là hai câu đẹp nhất trong bài thơ:
Gió mát trăng đêm hè,
Lúa thơm vào tận dạ.

Cảnh gặt lúa có “Gió mát trăng đầu hè”. Có cảnh nào đẹp hơn, thơ mộng hơn? Dưới ánh trăng và gió mát, đêm hè, hương lúa tỏa khắp ruộng đồng, đem đến cho lòng người bao niềm vui về ấm no, hạnh phúc. Lúa không chỉ đầy bồ đầy kho, mà còn “Lúa thơm vào tận dạ”: “Ai ơi, bưng bát cơm đầy / Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?” (Ca dao).

“Lúa thơm vào tận dạ” vì trong những năm dài kháng chiến, bông lúa, bát cơm dẻo thơm không chỉ thấm bao mồ hôi mà còn có biết bao xương máu của người dân cày đã đổ xuống!

Khổ cuối bài thơ lắng đọng vào lòng người hai chữ “yêu nhớ” Cánh đồng lúa, ruộng lúa đã gặt xong khi trời sắp sáng. Bộ đội lại hành quân lên đường. Bà con, đặc biệt các cô thôn nữ có bao giờ quên được hình ảnh các anh bộ đội gặt lúa đêm trăng ấy:

Sao cuối cùng vừa lặn
Chân ruộng cũng gặt bằng.
Yêu nhớ anh bộ đội
Gặt lúa giùm đêm trăng.

Viết về tình quân dân thời máu lửa, thơ ca Việt Nam còn có một số bài thơ hay và giàu ý nghĩa, mà nhiều người đã nhớ, đã hát: Bộ đội về làng (Hoàng Trung Thông), Cá nước (Tố Hữu), Hơi ấm ổ rơm (Nguyễn Duy),...

Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi biết bao giờ trở lại
Xóm làng tôi, trai gái vẫn chờ mong...
(Bộ đội về làng)

Bài thơ “Gặt lúa đêm trăng” xinh xắn như một bức tranh quê thời kháng chiến. Không khí vừa sản xuất vừa chiến đấu của quân và dân ta được nói đến một cách sông động, chân thực, đầy tự hào.

Huy Cận đã sáng tạo nên một số vần thơ, câu thơ đẹp, ca ngợi tình quân dân, tình cá nước. Chất mộng ảo, chất lãng mạn man mác vần thơ, tạo nên màu sắc trữ tình của bài “Gặt lúa đêm trăng”, làm giăng mắc mãi hồn người.

Thơ đẹp, thơ hay phải có tình. Cái tình được Huy Cận nói tới là tình quân dân thời kháng chiến. Cái tình ấy đã làm nên sức mạnh để vượt qua gian khổ hi sinh và chiến thắng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây