Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ của em về bài thơ Đêm ở làng của tác giả Bàng Bá Lân (Tiếng sáo diều)

Thứ ba - 26/11/2019 10:17
Bài thơ “Đêm ở làng” của Bàng Bá Lân gồm có 12 câu thư lục bát, chia đều thành ba khổ thơ, tả cảnh một đêm đẹp trời ở làng quê ngày xưa. Chắc đó là một làng nằm cạnh con sông Thương hay dòng sông Lục Nam thuộc vùng Kinh Bắc trước năm 1945. Đêm ở làng có 3 phiên cảnh: Cảnh ngày tàn, cảnh đầu hôm và cảnh đêm khuya. Một đêm thu đẹp và êm đềm.
Khổ thơ thứ nhất tả cảnh ngày tàn. Tiếng chuông buồn từ chùa xa vẳng lại. Không gian đất trời bao phủ một màu vàng; vàng của hoàng hôn như “muôn dải lụa thướt tha” rất đẹp. Tiếng sáo và lời hát của mục đồng vang lên; đó là lời ca muôn đời của đồng quê lưu truyền lại. Chất thơ, điệu thơ mơ màng, man mác buồn như thấm sâu vào lòng người và cảnh vật:

Chùa xa chuông khóc ngày tàn
Chiều như muôn dải lụa vàng thướt tha.
Lưng trâu mục tử vang ca,
Lời thơ tự mấy đời qua lưu truyền.

Chữ “khóc” (chuông khóc) là cách nói mới. Các thi liệu về chuông chùa, lời ca của mục đồng, màu hoàng hôn như dải lụa là ước lệ tượng trưng. Người đọc nhớ tới những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan nói về hoàng hôn:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
(Chiều hôm nhớ nhà)
Vàng tỏa non tây bóng ác tà
(Nhớ nhà)

Trong bài “Hoàng hôn” (Nhật kí trong tù) nhà thơ Hồ Chí Minh cũng nói tới tiếng chuông chùa và tiếng sáo mục đồng:

Chùa xa chuông giục người nhanh bước,
Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay.
(thơ dịch)

Vần thơ của Bàng Bá Lân chấm phá một vài nét khá sống động nên thơ về khoảnh khắc hoàng hôn nơi làng quê ta ngày xưa. Rất bình dị, thân thuộc, dân dã và đáng yêu đối với mỗi chúng ta.

Khổ thơ thứ hai nói về cảnh đầu hôm. Khi mặt trời vừa lặn, tiếng hát mục đồng cũng vừa tắt thì trăng lưỡi liềm đã treo trên ngọn tre làng. Rất hữu tình và nên thơ. Trăng lưỡi liềm là trăng đầu tháng “Mùng một lá trai / Mùng hai lá lúa / Mùng ba câu liêm / Mừng bốn lưỡi liềm...” (Đồng dao).

Hình ảnh “đòn gánh cong mềm bước mau” cho biết các cô hàng xén rất giỏi giang, hay lam hay làm và chịu khó buôn bán, tần tảo, đi sớm về khuya:

Mấy cô hàng xén về đêm,
Dưới cây đòn gánh cong mềm bước mau.

Khổ thơ thứ ba tả cảnh đêm khuya, cổng làng đã đóng kín từ lâu. Sương đã bao phủ trắng đất trời. Tiếng chó sủa đã “im dần”. Cảnh làng xóm trở nên yên tĩnh êm đềm. về khuya, trăng càng sáng, trăng được nhân hóa “thao thức” suốt những canh dài. Các cô gái trằn trọc, cũng thao thức như trăng. Vần thơ đầy ý vị khi nhà thơ nói về những trằn trọc, mộng mị của các cô gái quê về hạnh phúc tình duyên:

Làng tre cổng kín từ lâu,
Trong sương chó sủa bớt mau, im dần...
Trời khuya trăng thức tần ngần,
Lòng tơ bao gái cũng gần như trăng! 

Bài thơ “Đêm ở làng” như một bức tranh tĩnh vật, êm đềm, thơ mộng, thanh bình. Một đêm thu trăng sáng, sương đầy trời. Cảnh vật và con người (cô hàng xén, cô gái tơ) được thi vị hóa, ai cũng có tâm hồn đẹp.

“Đêm ở làng” là điểm sáng về chất tài hoa, lãng mạn của Bàng Bá Lân khi nói về tình quê và hồn quê.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây