Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Mưa xuân trên sân trường của tác giả Ngô Cẩn

Thứ bảy - 23/11/2019 12:03
Cái sân trường của tuổi thơ thật đáng yêu. Lúc nào cũng đáng yêu. Buổi sáng trước giờ học, từng đoàn trẻ nhỏ, nối nhau để vào sân trường. Vào giờ học, sân trường êm đềm, chỉ có ba, bốn con chim sẻ bay nhảy, hót ríu rít. Giờ ra chơi, sân trường đông vui như hội. Học trò chạy nhảy, vui đùa, cười nói rộn ràng. Giờ tan học, sân trường náo động hẳn lên,...
Ngô Cẩn lại có bài thơ “Mưa xuân trên sân trường” viết theo thể thơ năm chữ. Có biết bao chi tiết đáng yêu, nhiều ý vị.

Mưa xuân còn gọi là mưa bụi. Nguyễn Bính có câu thơ tả cảnh mưa xuân trong ngày hội xuân: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” Ngô cẩn lấy sắc màu “trắng xốp”, lấy bụi phấn để tả, để so sánh với mưa xuân. Hạt mưa xuân vương vào áo, vào mái tóc xanh của đàn em nhỏ:

Những hạt mưa trắng xốp
Bụi phấn vương áo ai?

Trải qua ba tháng mùa đông, cây phượng cũng như cây bàng co ro đứng giữa sân trường, vỏ cây bị sẫm lại, nay được “tắm mát” hạt mưa xuân mà trở nên dịu dàng: “Vỏ cây phượng sẫm lại / Vệt nước mưa chảy dài”. Sau đợt mưa xuân phượng sẽ xanh cành tươi lá, nở hoa đỏ rực sân trường.

Mưa xuân mà sân trường, hiên trường, hiên lớp đông vui, rộn ràng. Các em nhỏ “xòe tay” hứng làn mưa bụi “trong vắt”. Bầy chim chích kéo về, kéo đến sân trường “ríu ran” hót, chơi đùa.

Cảnh mưa xuân trên sân trường đã làm cho tình bạn tuổi thơ thêm “quấn quýt”. Các em nhỏ đã tìm được bao điều thích thú, bao niềm vui trước cảnh mưa xuân trên sân trường. Đây là đoạn thơ hay nhất hội tụ bao chi tiết hồn nhiên, yêu đời của các em thơ:

Rơi đầy hiên tiếng cười
Em học sinh xòe tay
Hứng nước mưa trong vắt.
Từ đâu con chim chích
Cũng bay về ríu ran
Sân trường ngày mưa xuân
Những hạt mưa quây quần
Như bạn bè quấn quýt...

Mưa xuân là tín hiệu “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” như thi sĩ Xuân Diệu đã cảm nhận. Thời tiết đang ngập ngừng. Cái gió rét mùa đông không còn nữa, nhưng trong gió, trong làn mưa xuân vẫn còn “giá buốt”. Một nhận xét tinh tế về mưa xuân (trên miền Bắc nước ta):

Đã qua mùa gió rét
Nhưng giá buốt vẫn còn.

Mưa xuân không chỉ đem lại bao niềm vui yêu thích cho tuổi thơ mà còn làm cho cô gái trẻ như trẻ lại, dạt dào bao mơ ước và khát vọng với mùa xuân xanh. Khép lại bài thơ là một hình ảnh rất thơ:

Cô giáo trẻ khẽ hát
Một mùa xuân mênh mang...

Ngô Cẩn là một nhà giáo. Anh có nhiều bài thơ hay viết về các em học trò nhỏ: Con theo mẹ đến trường, Mưa xuân trên sân trường, Tiếng chim, Buổi học ngày giáp Tết, v.v...

Cái ý vị và chất thơ của bài “Mưa xuân trên sân trường” là ở những chi tiết nghệ thuật chọn lọc rất trong sáng và hồn nhiên. Đó là hạt mưa xuân trắng xốp, vỏ cây phượng sẫm lại thâm vệt nước mưa, là em học trò nhỏ đứng trên hiên lớp học xòe tay hứng giọt nước mưa xuân, là tiếng hót ríu ran của con chim chích, tiếng cười của em thơ, là tiếng hát của cô giáo trẻ,... Tất cả đều bình dị, thân thuộc, thân quen với mọi người.

Sống thì phải có tình, phải có ý. Không thể sống vô tình vô ý. Thơ cũng như người làm thơ phải giàu tình, ý. Nếu không sẽ vô vị, nhạt nhẽo, dung tục, tầm thường.

“Mưa xuân trên sân trường” được bạn đọc nhớ và yêu thích vì giàu ý, tinh, đậm đà vẻ đẹp nhân văn.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây