Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa đã để lại trong tâm hồn em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Thứ bảy - 23/11/2019 11:40
Bài thơ “Hạt gạo làng ta” được Trần Đăng Khoa viết năm 1969, khi đó nhà thơ thần đồng này đang học Tiểu học tại một làng quê ven con sông Kinh Thầy thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Bài thơ có lời đề từ rất trang trọng: “Kính tặng chú Xuân Diệu”.
Viết theo thể thơ bốn chữ gồm có 38 câu, chia thành năm khổ thơ. Bài thơ có nhạc điệu thiết tha, ngọt ngào vang lên như một khúc đồng dao. Nó đã được phổ nhạc thành ca khúc mà tuổi thơ chúng em thường hát.

Khổ thơ thứ nhất ca ngợi hạt gạo mang hương vị quê hương và sâu nặng ân tình của mẹ hiền. Vị phù sa của dòng sông Kinh Thầy, hương sen thơm nơi hồ làng, lời hát ngọt bùi đắng cay của mẹ đã luyện vào chất dẻo thơm của hạt gạo làng ta. Vần “a” và vần “ây” tạo nên nhạc điệu, âm điệu vang ngân dào dạt của những câu thơ đẹp:

“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay”

Ca dao có câu:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Trần Đăng Khoa cũng có một cách nói hồn nhiên mà sâu nặng ân tình về chất “đắng cay” đã luyện vào hạt gạo quê hương: Có bão, có mưa, có nắng hạn, có mồ hôi của bà con và của mẹ,... đã trải qua những tháng ngày cày cấy dãi dầu mưa nắng. Sự suy nghĩ của tuổi thơ biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc. Điệp ngữ “có” và hình ảnh so sánh “nước như ai nấu” đã diễn tả đầy ấn tượng về nỗi vất vả của người thân để làm nên hạt gạo trắng thơm nơi quê nhà:

“Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy”

Lần thứ hai, hình ảnh người mẹ hiền tần tảo được đứa con nhắc tới trong bài thơ. Tình mẫu tử đã làm cho hương vị hạt gạo làng ta thêm đậm đà, dẻo thơm.

Khổ thơ thứ ha nói lên tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu của bà con dân cày, những con người rất cần cù và dũng cảm “tay cày tay súng” thời chống Mĩ. Chữ “vàng” và chữ “thơm” được sử dụng rất tinh tế và chính xác để khẳng định rằng: máu và mồ hôi đã làm nên hương vị đồng lúa làng ta, hạt gạo làng ta:

“...Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông”

Thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tùy theo sức của mình - Để tham gia kháng chiến - Để gìn giữ hòa bình”, Trần Đăng Khoa cùng các bạn nhỏ trong làng trong xóm không những thi đua học tập tốt mà còn lao động tốt. Chống hạn tát nước, bắt sâu, gánh phân bón ruộng, làm bất kể thời gian nào: sớm, trưa, chiều. Các câu thơ: “Vục mẻ miệng gầu”, “Lúa cao vát mặt”, “Quành trành quết đất” đã thể hiện một cách cụ thể đức tính cần cù, chịu khó, chịu khổ của tuổi thơ nơi làng quê thời đánh Mĩ.

Khổ thơ cuối bài nói về tình hậu phương qua điệp ngữ: “gửi ra... gửi về...”:

“Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa”

Hạt gạo quê ta đã trở thành “hạt vàng” với tất cả niềm tự hào. Hạt gạo để nuôi quân ăn no đánh thắng giặc. Hạt gạo gửi ra tiền tuyến để góp phần làm nên chiến thắng, để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc:

“Em vui em hát hạt vàng làng ta”

Bài thơ “'Hạt gạo làng ta” là một bài thơ đặc sắc ca ngợi quê hương với bao ân nghĩa, ân tình và tự hào tha thiết.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây