Truyện kể rằng: Tiên Dung là nàng công chúa "nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi". Nhưng một con người đã từ chối chuyện hôn nhân để đổi lấy một thú vui sơn thủy hữu tình vì sao lại dễ dàng kết duyên cũng Chữ Đồng Tử - một người chưa hề quen biết, một chàng trai nghèo đến mức không mảnh khố che thân? Là một công chúa, được sinh ra từ chốn phồn hoa, Tiên Dung phải là người hiểu hơn ai hết những "khuông vàng thước ngọc" của xã hội ấy. Vậy mà nàng vẫn quyết tâm lấy Chữ Đồng Tử. Hẳn rằng nếu không có tâm hồn cởi mở với thiên nhiên, tự do, phóng túng thì có lẽ Tiên Dung đã không giăng màn tắm trên bãi sông. Một tình huống bất ngờ giúp bộc lộ tính cách nhân vật là sự xuất hiện của Chữ Đồng Tử. Tiên Dung coi đấy là duyên trời. Nàng sai thị tì lấy quần áo cho Chữ Đồng Tử mặc rồi lại mong muốn kết duyên cùng chàng.
- Thiếp đã nguyện không lấy chồng, nay duyên trời run rủi gặp chàng chốn này mới biết không cưỡng lại được trời.
Khi Chữ Đồng Tử ngần ngại, Tiên Dung mạnh mẽ nhắc lại:
- Thiếp với chàng là tự trời se duyên việc gì mà từ chối.
Duyên trời ấy hả chẳng là sự gặp gỡ kì lạ của hai người hay sao? Không có một xúc tác nào từ phía gia đình và xã hội, họ đến với nhau tình cờ cũng như một lẽ tự nhiên.
Đối với một người ham thích trời rộng như Tiên Dung thì sự dứt bỏ cuộc sống tù túng chốn hoàng cung để sống giữa nhân dân cũng là điều không khó hiểu. Sự lựa chọn ở lại với Chữ Đồng Tử vì thế vừa bộc lộ tính cách Tiên Dung, vừa thể hiện được ý nguyện nhân dân. Đó có thể chưa phải là khát vọng một tình yêu tự do nhưng nó chắc chắn là mơ ước về một hôn nhân không biên giới, không có sự can thiệp của lễ giáo, không có sự phân biệt sang hèn, thứ bậc.
Ở Tiên Dung còn tỏa sáng vẻ đẹp của ý chí tự cường và tinh thần yêu lao động. Cũng như Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo hoang, Tiên Dung đã vững vàng trên đôi tay và khối óc của mình.
Ý chí đó là phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam từ bao đời nay trong lao động và trong chiến đấu. Nó đã hóa thân cả vào những sự vật bình thường làm nên linh hồn dân tộc.
Nhưng con người bằng đôi tay có thể làm thay đổi cuộc đời lại ham giàu sang, phú quý. Khi được Chử Đồng Tử truyền cho phép tiên mà chàng được sư Phật Quang truyền dạy, Tiên Dung đã cùng chồng bỏ làng xóm đi tìm nơi thanh tĩnh để tu tiên học đạo. Tác giả dân gian qua việc miêu tả hành động đó có phải ước mơ về cuộc sống thoát tục hay không? Chi tiết cuối Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử bay lên trời có phải là sự thể hiện ước mơ ấy? Nhân dân muốn bất tử hóa những con người mới xứng đáng được tôn vinh. Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói: "Người chết chỉ chết thật khi họ chết hẳn trong lòng người sống". Vì Tiên Dung, Chử Đồng Tử lúc nào cũng như ngọn lửa bập bùng cháy đỏ trong tâm khảm con người Việt Nam nên đời đời tươi trẻ. Vẻ đẹp tỏa ra từ họ chính là vẻ đẹp kết tụ từ tâm hồn dân tộc, từ những ước mơ, khát vọng của nhân dân.
Càng yêu quý, cảm phục nhân vật bao nhiêu ta càng tôn trọng tác giả, người cha tinh thần của nhân vật bấy nhiêu. Để tạo nên một công chúa Tiên Dung dũng cảm, mạnh dạn trong tình yêu và hôn nhân, yêu lao động, tự tin chấp nhận và cải thiện hoàn cảnh, không ham mê giàu sang phú quý, tác giả dân gian hẳn đã giành rất nhiều tâm huyết. Câu chuyện ấy là tiếng hát say mê của nhân dân vút lên từ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Chính vì thế mà nó có sức sống lâu bền như một liều thuốc an thần xoa diệu những đắng cay. Câu chuyện ấy đẹp vì nó được tạo ra từ những trang đời, từ ước mơ, lí tưởng của nhân dân. "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra" (An-đéc-xen). Tuyệt vời làm sao khi cổ tích và cuộc sống hóa thân làm một.
Từ truyện kể lịch sử đi vào trí tưởng tượng dân gian, từ trí tưởng tượng dân gian bước ra cuộc sống, Tiên Dung đã trở nên thật gần gũi và quen thuộc với chúng ta, bình dị hơn bất cứ cô gái nào trong ca dao hay trong dân gian. Nàng công chúa ấy vẫn thường hiện về trong giấc mơ của tôi.