Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Biểu cảm về quê hương em (Bài hay nhất)

Thứ sáu - 06/03/2020 10:14
Hôm nay, cô giáo giao cho chúng tôi một đề văn mới mà lại rất quen: “Biểu cảm về quê hương em”. Cả lớp sôi nổi hẳn lên. Bạn nào cũng muốn viết về một vùng quê thật đẹp, thật hùng vĩ. Còn riêng tôi, tôi sẽ viết về một vùng quê tôi luôn thương nhớ, chỉ bình dị như bao thôn quê khác nhưng nơi ấy đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong trái tim tôi.
Quê hương trong tôi gắn liền với cái cổng làng bằng đá rêu phong có khắc ba chữ Hán: “Ước Lễ Môn”. Cái cổng ấy như lời chào, lời mời gọi du khách đến thăm. Nó còn làm những người con xa xứ mỗi khi nhìn thấy lại xúc động đến nao lòng: “Quê hương thân yêu ơi, con đã về đây!”. Hàng bao năm qua, nó vẫn đứng đó, làm công việc thầm lặng mà cao cả ấy.

Quê hương trong tôi gắn liền với cây đa uy nghi, sừng sững ở đầu làng. Không biết cây đã được trồng từ lúc nào, chỉ biết khi bố mẹ tôi ra đời thì nó đã già rồi. Dân làng tôi gọi cây là “Ông Đa”. “Ông Đa” đứng đó, xoè tán che mát những bác nông dân ngồi nghỉ. Dưới gốc “Ông Đa”, tôi và lũ bạn quê đã bày ra đủ thứ trò vui: chơi đồ hàng, nhảy lò cò, trốn tìm, đuổi bắt...Lá của “Ông”, chúng tôi làm thành những con trâu nhỏ, xinh xắn. Đã qua mấy thế hệ, cuộc sống của mỗi người con quê tôi đều gắn bó với “Ông Đa”. Và hình ảnh “Ông Đa” luôn hiện diện trong trái tim tôi, để rồi mỗi lần nhớ tới “Ông”, tôi lại không khỏi bùi ngùi.

Quê hương trong tôi gắn liền với con sông xanh biếc. Người dân quê tôi lấy nước sinh hoạt ở đây. Bên con sông này, lũ trẽ chúng tôi tha hồ vui đùa thoả thích và chơi đủ trò. Nào là đánh trận giả, nhảy dây, ô ăn quan, chọi gà, tăm sông, thả diều,... Sau khi chơi chán chê, chúng tôi thi nhau bắt cá, nướng lên mà mở “đại tiệc”. Nhà đứa nào có cơm nguội hay khoai lang luộc, đem đi thì càng tốt. Một “bữa tiệc” của chúng tôi thường có vài con cá nướng thơm phưng phức, mấy củ khoai lang và vài thứ quà chúng tôi “chôm” trong vườn nhà hàng xóm. Những món ăn giản dị, bình dân như vậy mà giờ sống xa quê, tôi lại thấy ngon và hấp dẫn lạ kì. Ăn “tiệc” xong, chúng tôi cùng nằm dài trên bãi cỏ mà chuyện trò vui vẻ, đến lúc bố mẹ í ới gọi mới chịu về. Ôi, những ngày ấy mới thật hạnh phúc làm sao. Vậy mà giờ đây tất cả dường như đã quá xa vời...

Cuộc sống của người dân quê tôi vẫn gắn bó với đồng ruộng. Tôi yêu và nhớ tha thiết những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, những bác nông dân chăm chỉ và những chú trâu cần cù...Tôi yêu cả đôi bàn tay chai sạn và thô ráp, yêu nụ cười chân thật và đôn hậu như cây lúa trên đồng của người dân quê tôi.

Quê hương trong trái tim tôi còn gắn liền với khu vườn nhỏ của bà. Khu vườn tuy nhỏ nhưng chứa đầy tiếng chim, hương thơm và cả sự chăm chút, tình yêu thương của bà tôi. Khi cây bắt đầu kết quả, ngày nào bà cũng ra ngắm nghía. Quả chín, bà luôn dành cho tôi những quả to, ngon nhất. Ăn quả cam, quả hồng bà đưa, tôi thấy ngon ngọt hơn mua ở chợ nhiều. Không biết bao lần tôi đã tự hỏi mình: “Vì sao cam, hồng bà cho lại ngon như vậy nhỉ? Tại bà chăm chút kĩ chăng?”. Cuối cùng, tôi đã hiểu ra rằng chính tình yêu bao la bà dành cho tôi - cô cháu gái cưng của bà - đã làm những thứ quả bình thường ấy trở nên ngon ngọt lạ kì. Giờ này, quýt đã vào mùa. Chắc bà đang đứng bên gốc cây, ngắm nghía, nâng niu từng quả quýt, mỉm cười hài lòng và mãn nguyện.

Thế đó, quê hương tôi chỉ bình dị vậy thôi nhưng lại vô cùng thiêng liêng. Đó là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Đó là nơi tôi luôn nhớ tới và hướng về. Sau này, dù có đi xa vạn dặm, tôi vẫn luôn lưu giữ quê hương trong trái tim mình, bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

 
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”

Nguyễn Thị Thuý (Trường PTDL Lương Thế Vinh)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây