Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bàn về các từ “vui lòng”, “làm ơn”, “xin lỗi”, “cảm ơn” trong giao tiếp, ứng xử

Thứ sáu - 06/10/2017 10:39
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
(Tục ngữ).

Trong giao tiếp hàng ngày với những người xung quanh, người lịch sự, có văn hóa là người biết dùng những từ “vui lòng”, “làm ơn”, “xin lỗi”, “cảm ơn” khi gặp gỡ chuyện trò hoặc có công chuyện với người ta.
Khi ta cần đề nghị người khác một việc gì đấy, dù việc đó nhỏ và không làm phiền hà gì mấy, cũng nên dùng từ “vui lòng” trước lời đề nghị. Ví dụ anh vui lòng cho tôi đi qua chỗ này, chị vui lòng cho tôi di trước một chút.
 
Nếu việc mình đề nghị có làm phiền hà người khác nhiều hơn một chút thì nên dùng từ “làm ơn” để tỏ lòng biết ơn và sự khiêm tốn của mình. Ví dụ “Ông làm ơn ngồi lùi vào một chút cho tôi ngồi nhờ được không ạ?”. “Anh làm ơn cho tôi đọc nhờ tờ báo một lúc”.

Từ “xin lỗi”, có thể được dùng trước những lời đề nghị trên để tăng thêm phần lịch sự và khiêm tốn. Còn thường thì từ xin lỗi được dùng khi mình trót gây ra một điều gì phiền hà cho người ta dù chỉ nhỏ. Ví dụ khi mình gọi điện thoại nhầm số làm người ta phải nhấc máy, mình phải xin lỗi ngay, hoặc tưởng nhầm là người quen mình gọi, khiến người ta quay lại, mình phải nói “xin lỗi, tôi nhầm”. Ngay cả khi do hoàn cảnh khách quan mà không giúp được người khác một việc gì cũng phải xin lỗi...
 
Từ “cảm ơn” là từ hay dùng nhất. Đối với bất kể ai dù là một đứa trẻ nếu giúp mình một việc gì dù nhỏ nhất mình cũng phải “cảm ơn”. Ví dụ: cháu đưa ông tờ báo, ông cảm ơn cháu; mình hỏi đường, người ta chỉ, mình phải cảm ơn; người bán hàng giao hàng cho khách, khách cảm ơn, người bán hàng cũng cảm ơn, hai người đều vui vẻ...
 
Người không biết nói những từ “vui lòng”, “làm ơn”, “xin lỗi”, “cảm ơn” trong những trường hợp như trên là người thiếu lịch sự, thiếu văn hóa. Những người không những không biết dùng những từ ấy mà còn dùng những từ tục tằn, thô lỗ là những người thiếu đạo đức, thiếu giáo dục.
 
Trong truyện Một người Hà Nội, nhân vật “tôi”: kể lại khi “tôi” đang đi trên đường phố Hà Nội, bị một thanh niên xô vào phía sau xe, anh ta không xin lỗi còn ngoái lại chửi “tôi”: “Tiên sư thằng già”. Nhân vật cô Hiền trong tác phẩm ấy rất coi trọng việc giáo dục con nếp sống thanh lịch của người Hà Nội, trong ứng xử, trong sinh hoạt mà cô coi đó là biểu hiện của lòng tự trọng.
 
Trong quan hệ giao tiếp giữa người và người, có hàng nghìn lễ tiết, trong hàng trăm mối quan hệ, hàng trăm công việc, mấy từ “vui lòng, làm ơn, xin lỗi, cảm ơn” chỉ là một phần nhỏ thuộc về lời nói trong sinh hoạt hàng ngày, “Muốn xứng đáng là con người thì phải hiểu lễ tiết là diện mạo, ăn mặc và đôi đáp ứng xử”, một nhà tư tưởng nổi tiếng đời Thanh dã nói thế (theo 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời - Bích Lãnh - Phan Quốc Bảo biên dịch - NXB Văn hóa - Thông tin, tr. 5).
 
Lễ tiết vừa thể hiện nhân cách của chủ thể, vừa thích ứng với những yêu cầu cơ bản trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người và tạo ra nhiều cơ may quý báu cho cuộc đời và sự nghiệp của mình (theo sách trên).
 
Học sinh là những người có học phải gương mẫu thực hiện lễ tiết trong quan hệ giao tiếp, trước tiên là trong đối đáp, ứng xử, phải tỏ ra là người có văn hóa, có giáo dục.
 
Lễ tiết trong giao tiết, nếu chưa biết thì phải học, học ở nhà, ở trường, ở sách báo, trong cuộc sống. Học thì phải vận dụng ngay, vận dụng thường xuyên cho thành thói quen, thành nếp sống, thể hiện một cách chân thành khiến cho mình và người khác không cảm thấy là khách sáo, điệu đà.
 
Thực hiện lễ tiết trong đó có lễ tiết đối đáp, ứng xử, trong các quan hộ giao tiếp không phải là xã giao mà chính là đạo đức, là văn minh. Lễ tiết trong các quan hệ giao tiếp phải trở thành phép tắc, thành nếp sông bình thường của xã hội. Muốn thế phải có sự giáo dục lễ tiết, giáo dục trong gia đình, giáo dục trong nhà trường, giáo dục trong xã hội (bao gồm giáo dục của sách báo, của các cơ quan truyền thông, sự gương mẫu của những người có trách nhiệm) nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự giáo dục của mỗi người.
 
Không biết lễ tiết thì luật pháp có thể chưa bắt tội nhưng lương tâm, danh dự của con người không cho phép. Lễ tiết trong cuộc sống trong đó có đối đáp, ứng xử trong giao tiếp là một phần của nhân cách, mà người ta có thể nhận biết rõ ngay trong cuộc sống hàng ngày. 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây