Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận về hiện tượng trẻ em lang thang cơ nhỡ với cộng đồng xã hội

Thứ sáu - 06/10/2017 10:40
Đã bao giờ bạn nhìn thấy trẻ em lang thang cơ nhỡ chưa? Tôi chắc chắn là không ít lần bạn gặp hình ảnh đó. Những em bé đánh giày, bán báo, bán nước, bán bánh mì... lang thang trên đường phố, đêm đêm ngủ dưới gầm cầu hay ghế đá công viên. Những trẻ em chạy bàn trong các quán phở, quán bia hơi, cà phê,... có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Những đứa bé làm nghề móc túi ở bến xe, nhà ga, trên tàu hỏa, xe khách, trong chợ hay giữa phố đông,... Những đứa trẻ bán hàng rong lẽo đẽo đi theo khách du lịch, “nửa ăn xin nửa ăn cướp”... Hằng ngày, chúng ta chứng kiến “đội quân” khá đông đảo đó ỏ khắp mọi nơi, chúng có một cái tên chung là trẻ em lang thang cơ nhỡ.
“Trẻ em” là khái niệm chỉ lớp người nhỏ tuổi, khoảng dưới tuổi 15, còn gọi là trẻ “vị thành niên” khi đứng trước pháp luật. Lứa tuổi đó theo quy luật và theo nguyên tắc bình thường, phải được sống cùng với cha mẹ hoặc người thân đáng tin cậy. Gia cảnh có thể đói nghèo, túng thiếu nhưng không thể thiếu sự bảo trợ, đùm bọc của cha mẹ và người thân. Trẻ em lang thang cơ nhỡ không có cái may mắn được sống bình thường như thế. Các em phải làm người lớn quá sớm khi tuổi đời còn non nớt, ngây thơ. Phải sống vất vưởng nay đây mai đó, phải làm việc để kiếm miếng ăn khi trong tay chưa có nghề nghiệp gì, thậm chí nhiều em còn chưa biết mặt chữ.
 
Tại sao sinh ra trẻ em lang thang cơ nhỡ? Bố mẹ, họ hàng, người thân của các em ở đâu? Xã hội muôn ngàn kiểu loại người thì cũng có muôn ngàn lí do khiến trẻ em bị bỏ rơi sa vào cảnh ngộ lang thang. Dù hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thấy rằng, nguyên nhân đầu tiên sinh ra trẻ em lang thang cơ nhỡ vẫn là sự thiếu hụt tình thương và trách nhiệm của người làm cha mẹ, ông bà. Sau đó là nguyên nhân từ phía cộng đồng, họ hàng làng xóm khu phố ngoảnh mặt làm ngơ, “đèn nhà ai nấy rạng”. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” được người ta mang ra để biện hộ cho hành động xa lánh bỏ rơi đứa bé bất hạnh trời bắt sinh làm con của người bố người mẹ hư hỏng bởi người ta suy nghĩ thiển cận rằng “mẹ nào con ấy”.
 
Vậy thì trẻ em lang thang cơ nhỡ có lỗi gì? Lỗi của các em là không thể chọn được cha mẹ! Bởi có sinh vật nào chọn được nơi mình sinh ra? Người ta vẫn thường bảo, trẻ em như tờ giấy trắng; cha mẹ, thầy, cô, xã hội sẽ lần lượt viết vẽ lên tờ giấy trắng tinh khiết đó. Những đứa trẻ may mắn thì được vẽ lên hoa, lá sắc màu tươi đẹp. Còn những đứa trẻ bất hạnh phải sống lang thang chính là những tờ giấy trắng bị bôi bẩn một cách đau xót nhất. Lỗi lầm hoàn toàn do người lớn, những người không xứng đáng làm cha mẹ mà vẫn sinh con. Trẻ em lang thang cơ nhỡ vốn không có lỗi. Chúng là những đứa trẻ rất đáng thương.
 
Song, có một thực tế là phần lớn trong số các em dang gây ra cho xã hội nhiều phiền muộn nhức nhối. Không kể những đứa trẻ còn giữ được sự thật thà lương thiện, chỉ biết bán sức lao động rẻ mạt kiếm miếng ăn hằng ngày như đánh giày, bán báo, bán hàng rong, hay chạy bàn trong các nhà hàng, quán ăn. Điều phiền muộn nhức nhối đến từ những dứa trẻ đã bị một số người lớn bất lương dẫn dắt vào con đường xấu, hoặc là chính chúng chưa đủ tuổi tác và bản lĩnh để chống lại cám dỗ cũng như phân biệt thiện, ác. Chúng tham gia vào các hoạt động phạm pháp như buôn bán ma túy, tổ chức băng nhóm trộm cắp cướp giật, môi giới mại dâm, cờ bạc, cá độ, nghiện hút,... Các tệ nạn xã hội không chỉ dừng lại khoanh vùng trong một vài tầng lớp người mà thường giống như bệnh dịch truyền nhiễm, chúng có khả năng lây lan “siêu tốc”. Từ tầng lớp trên của xã hội như một số quan chức chính quyền đến văn nghệ sĩ, trí thức cũng bị lây nhiễm. Nguy hại nhất là căn bệnh truyền nhiệm do trẻ em lang thang cơ nhỡ góp phần gieo rắc đó còn lây lan đến tận học đường, làm hư hỏng cả những đứa trẻ đáng lí được coi là may mắn lành lặn.
 
Cộng đồng xã hội đã làm gì cho vơi bớt bất hạnh của những trẻ lang thang cơ nhỡ? Tôi từng thấy một số cô chú tỏ ra hào hiệp với mấy đứa bé đánh giày, bán báo, khi nhận lại giày hay mua tờ báo thì cho thêm chúng tiền lẻ hoặc không cần tiền thối lại. Nhưng tôi cũng thấy có người hách dịch bắt bẻ và kì kèo mặc cả với một đứa bé đánh giày chỉ vì đôi giày chưa bóng nhoáng như ý. Và tôi chợt nghĩ, giá như đất nước mình xây dựng thêm được những trại trẻ tình thương cho những đứa trẻ kia có chỗ trú chân, đế được học hành và lập nghiệp mà không phải đi đánh giày nữa? Tại sao vẫn còn nhiều những đứa trẻ lang thang như thế? Có phải vì xã hội ta chưa đủ quỹ phúc lợi để chi dùng cho những người bất hạnh? Hay chỉ vì chúng ta chưa có đủ tình yêu thương? Nhưng tôi cũng biết, dân tộc ta vốn có truyền thống thương yêu đùm bọc lẩn nhau như câu ca chúng tôi được học từ nhỏ: “Nhiều diều phú lấy giá gương - Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Đất nước nhiều thiên tai bão lụt nên dân ta luôn sẵn sàng tinh thần “Lá lành đùm lá rách” quyên góp ủng hộ đồng bào bị nạn. Dù cuộc sống nghèo khổ đến đâu, người Việt vẫn không bị mất đi tinh thần giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn. Tình làng nghĩa xóm khiến người ta có thể san sẻ cho nhau những hạt gạo, hạt muôi cuối cùng. Vậy tại sao số trẻ em sống lang thang ăn xin vẫn chưa được tập hợp lại dưới một mái ấm?
 
Một xã hội văn minh, công bằng chắc chắn không thể còn tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ. Vì tương lai đất nước, chúng ta hãy dành nhiều quan tâm và trách nhiệm hơn nữa cho những đứa trẻ bất hạnh.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây