Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính (Bài 4)

Thứ bảy - 22/02/2014 21:56
Trong phong trào thơ mới, Nguyễn Bính đã tạo ra một dòng riêng. Trong khi các nhà thơ lãng mạn hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thì Nguyễn Bính hướng về nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian.
Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê. “Chỉ có quê hương mới tạo ra được từng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỉ đề thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt kia đằm lên, ngây ngất, day dứt không thể yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình yêu tuyệt vời của Nguyễn Bính” (Tô Hòai). Bài thơ “Tương tư” tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Bính.
Cũng như các nhà thơ lãng mạn đương thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu. Nhưng cách biểu hiện thì Nguyễn Bính theo một lối riêng. Có thể coi bài thơ “Chân quê” là tuyên ngôn thơ của Nguyễn Bính:
 
“Hoa tranh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
 
Ví như cùng viết về nỗi thương nhớ trong tình yêu mà giữa “Tương tư” của Nguyễn Bính và “Tương tư chiều” của Xuân Diệu khác nhau biết mấy! Xuân Diệu thì rất Tây mà Nguyễn Bính thì “Chân quê”, cả hai đều có sức hấp dẫn riêng.
 
Cái “tôi” trong thơ Nguyễn Bính không nổi lên mà lặn xuống, tan hòa vào không gian của đồng quê bằng thủ pháp nhân hóa như trong ca dao. Hãy nghe mấy lời mở đầu bài “Tương tư”:
 
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
 
Người con trai đang yêu này là con người có gốc rễ sâu xa với làng mạc quê hương. Thơ của thi sĩ lãng mạn mà như của dân dã. Từng chữ thơ đều có dây mơ rễ má với thơ ca dân gian. Các cụm từ “ngồi nhớ’, “chín nhớ mười mong” gợi nhớ câu ca dao:
 
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
 
Nguyễn Bính thích lối cụ thể hóa cái trừu tượng của ca dao, cụ thể ra thành chữ số (yêu nhau tam tứ núi cũng trèo), nhưng lại có cấu trúc điêu luyện của thơ:
 
“Một người chín nhớ mười mong Một người”
 
“Một người” đứng ở hai đầu câu thơ, diễn tả sự xa cách, nhớ mong như vậy thật là hay! Tâm trạng của người tình đơn phương cũng được mở ra với trời đất:
 
“Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
 
Thanh niên từ Nam trí Bắc đều nhớ những câu thơ này vì đã nói hộ cho họ rất nhiều, thậm chí họ không biết đó là thơ của Nguyễn Bính, họ nhớ như nhớ ca dao, họ thốt lên như từ cõi lòng mình. Đó là vinh quang của thi sĩ, vinh quang của Nguyễn Bính.
 
Nhớ mong đơn phương là “quyền được yêu” của con người, nhưng sao lại trách móc? Tình yêu phi lí như thế đấy:
 
“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”
 
Thật là tội nghiệp cho người trách và cũng tội nghiệp cho người bị trách. Nàng “Thôn Đông” đâu có hay biết rằng mình đã lọt vào mắt xanh của chàng “Thôn Đòai”.
Cái “chung” đã không chung được thì thời gian càng đằng đẵng, nỗi chờ mong càng vò võ:
 
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
 
Lối láy chữ “ngày qua ngày lại...” như là âm hưởng của luyến láy trong âm nhạc dân gian, như dân ca, như hát chèo. Cách phô diễn của Nguyễn Bính cũng uyển chuyển. Cùng là sự vận động của thời gian mà câu trên là nhạc, và câu dưới là màu. Nhạc là của ngày, màu là của mùa. Nhưng không thể viết “mùa qua mùa lại...” mà phải viết “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” thì ấn tượng tương tư mới đậm, tương tư đến vàng vọt cả “lá xanh” (hay là tuổi xanh?).
 
Rồi lại kiếm cớ để mà trách:
 
“Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”
 
Tương tư như thế chẳng khác chi anh con trai tương tư trong ca dao “Lá khoai anh ngỡ lá sen, bóng trăng anh tưởng bóng đèn em khêu”. Nhưng không phải chỉ có người tình phương Đông mới yêu phi lí như vậy, người tình phương Tây yêu có khác gì. Anh chàng Phêlit Acve (Félix Arvers) yêu một thiếu phụ đoan trinh, yêu đơn phương, đau đớn và tuyệt vọng trong bài Xonnê (Sonnet) bất tử:
 
“...Người nào ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Nào ngờ chân đạp lên trên mối tình...”
 
Chao ôi, mỗi bước chân lãng đãng của nàng đã giẫm lên mối tình của chàng thi sĩ mà nàng nào có hay!
 
Hết trách móc (trách yêu thôi) lại kể lể não nề:
 
“Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho”
 
Kể lể như vậy là để bộc lộ lòng yêu tha thiết của người tình, nhưng khốn nỗi có “ai” biết cho nỗi lòng tương tư trắng đêm ấy. Những từ “ai” phiếm chỉ được điệp lại gây âm hưởng trùng điệp nghe mà não lòng. Những từ “ai” gợi nhớ những từ “ai” trong ca dao: “Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”. Có lẽ nhớ thương não nề vì mong ước vô vọng:
 
“Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”
 
Cùng một lúc nhà thơ dùng hai biểu tượng bến và đò, hoa và bướm thường thấy trong ca dao. Cũng như trong ca dao, biểu tượng tĩnh như bến, hoa ám chỉ người con gái, biểu tượng động như đò, bướm ám chỉ cho người con trai. Vận dụng biểu tượng chung, Nguyễn Bính đã khéo léo biểu đạt cảnh ngộ riêng của đôi bạn tình. Sao lại “Bao giờ bến mới cặp đò”? Thế là mong ước của chàng trai vô vọng rồi. Đò dịch thì thuận chứ sao lại đòi bến dịch? Cho nên cứ trách “cớ sao bên ấy chẳng sang”, rồi “không sang là chẳng đường sang đã đành”, rồi “tình xa xôi”. Lại nữa “hoa khuê các” làm sao gặp “bướm giang hồ”? Rõ ràng là Nguyễn Bính đã thổi vào hoa – bướm của dân dã một chút tình lãng mạn của thời đại. Thành ra cuộc tình của đôi lứa vừa có cái bí ẩn như những cuộc tình trong ca dao lại thêm chút “khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh). Trong thâm tâm, Nguyến Bính đã cảm nhận được cuộc tình của đôi lứa không thể hòa hợp, gắn bó, bền chặt được.
 
Kết, bài thơ trở về với giai điệu ban đầu, có thêm một vài biến tấu:
 
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
 
Giai điệu ban đầu “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông” được nhắc lại, có thêm cặp biểu tượng của tình yêu là trầu – cau, nhưng cũng chỉ nhớ đơn phương thôi, người nhớ người, cau nhớ trầu, chứ không làm sao “đỏ với nhau được” (Miếng trầu với lại quả cau, làm sao cho đỏ với nhau thì làm – ca dao) thành ra “tương tư”, mà tương tư đơn phương gọi đúng tên là thất tình. Đúng đây là bài thơ thất tình của Nguyễn Bính.
 
Nguyễn Bính là ca sĩ của đồng quê. Trong khi ngọn gió nghệ thuật phương Tây ào ào thổi tới, Nguyến Bính vẫn một mực giữ lấy chút “hương đồng gió nội” cho thơ mình. Với tài hoa và tâm huyết, với nghệ thuật dân tộc, Nguyến Bính đã thành công. Thơ Nguyễn Bính thành ra lạ so với trường phái thơ lãng mạn đương thời. Sức hấp dẫn của “Tương tư” không chỉ là ở chuyện tình yêu lứa đôi mà còn ở tấm lòng tha thiết của nhà thơ đối với quê hương, với người với cảnh, ở sự nâng niu trân trọng của nhà thơ đối với nghệ thuật dân tộc, ở lối tư duy thơ đậm màu sắc dân gian. “Có thể nói hồn quê chính là hồn thơ của “Tương tư” mà cũng là hồn thơ Nguyễn Bính. Thơ là niềm khát khao, là ước nguyện của con người. Khi chưa quen Nguyễn Bính, tôi cũng không thật hiểu được những bài thơ viết về đồng quê của Nguyễn Bính và cũng chưa phân biệt được đâu là chút lòng mộc mạc thiết tha của người làm thơ, đâu là cái hoa hòe hoa sói của chàng trai quê ra tỉnh. Rồi mỗi khi gặp chính trong cuộc sống khốn khó hằng ngày tưởng như chẳng liên quan gì đến những bài thơ quê đẹp nõn như lụa của Nguyễn Bính, tôi lại vẽ ra ý nghĩa sâu thẳm của mỗi câu thơ với quê hương” (Tô Hoài).

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây