Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính (Bài 3)

Thứ bảy - 22/02/2014 21:28
Tương tư là câu chuyện muôn thuở của nhân loại. Ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ mà đã từng điêu đứng vì tương tư:
Tương tư không biết cái làm sao,
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào.
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước,
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào.
 
Và thi sĩ đa tình, tài tử như Tản Đà cũng từng thể hiện trạng thái nhớ nhung da diết này:
 
Quái lạ ! Làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
Bốn phương mây nước, người đôi ngả
Hai chữ tương tư, một gánh sầu.
 
Tương tư thường gắn với sầu bởi người ta thường rơi vào trạng thái tương   tư khi tình yêu không được đến từ hai phía hoặc không có cơ hội để nói   ra.
 
Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê nhất của làng thơ mới cũng viết về tương   tư. Nhưng qua việc diễn tả nỗi tương tư của một chàng trai, nhà thơ lại   thể hiện tình cảm lớn hơn tình yêu đôi lứa. Đó là tình yêu quê hương  đất  nước, yêu văn hoá Việt Nam.
 
1. Tác giả & tác phẩm
 
Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh   ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Thiện Vịnh (nay thuộc xã   Cộng Hoà), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính là một trong những   nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Song trong khi hầu hết các thi   sĩ trong phong trào Thơ mới đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của thơ ca lãng   mạn Pháp thì Nguyễn Bính về với văn hoá dân gian. Cùng với Anh Thơ,  Đoàn  Văn Cừ, Bàng Bá Lân... Nguyễn Bính đã đóng góp cho thơ mới một  giọng  điệu riêng, đậm hồn quê.
 
Bài thơ Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và   tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính. Qua chuyện tương tư, bài thơ   thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ với quê hương, ở cái hồn quê  mộc  mạc thấm đẫm trong thi liệu, cảm xúc, ở cách thể hiện đậm phong vị  dân  gian. Âm điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ đều rất gần gũi với ca  dao.  Bài thơ có thể chia làm ba đoạn :
 
- Đoạn 1 : Nói chuyện tương tư, nhưng là tương tư từ một phía, giọng   điệu có vẻ hờn giận trách móc. Thực ra lời trách thể hiện tình cảm tha   thiết của người tương tư. Trong lời trách có xuất hiện những hình ảnh   rất quen thuộc của làng quê Việt Nam.
 
- Đoạn 2 : Nhấn mạnh nỗi tương tư và sự chờ đợi, mong ngóng của người   tương tư. Trong sự mong ngóng ấy có dự cảm về sự chông chênh của mối   tình. Chú ý cách sử dụng cặp hình ảnh "hoa khuê các - bướm giang hồ".
 
- Đoạn 3 : Mượn chuyện trầu cau để nói chuyện đôi lứa. Ước mong và cũng   là lời thổ lộ tình cảm rất dễ thương. Câu hỏi kết thúc đau đáu một niềm   mong ước, nó làm tăng thêm sự da diết của tâm trạng và sự nồng nàn của   cảm xúc.
 
2. Phân tích
 
Cảm xúc bao trùm và nối kết các phần của bài thơ là nỗi nhớ nhung không   nguôi của nhân vật trữ tình chàng trai. Không gian của nỗi tương tư ấy   là không gian làng quê. Vì thế tâm trạng tương tư cũng được thể hiện   theo kiểu rất thôn quê. Nó cụ thể chứ không mông lung đến mức như chàng   trai thị thành Xuân Diệu :
 
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…
(Nhị hồ)
 
Nhân vật trữ tình trong Tương tư của Nguyễn Bính thì khác. Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ :
 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 
Không phải là anh nhớ em hay tôi nhớ nàng mà là “thôn Đoài ngồi nhớ thôn   Đông”. Cách nói này vừa khiến cho câu thơ mang phong vị dân gian vừa  có  tính hàm súc. Chàng trai thôn Đoài nhớ cô gái thôn Đông, đó là mối   tương tư của chàng trai nơi thôn quê. Chàng ở nhà mình nhưng lòng hướng   sang phía cô gái. Và câu thơ còn gợi một liên tưởng rộng hơn. Dường như   nỗi nhớ của chàng trai đã tràn ra cả không gian. Nỗi nhớ ấy da diết  lắm.  Chàng còn dùng cả thành ngữ chín nhớ mười mong để diễn tả nỗi nhớ  của  mình. Và cũng chẳng e dè, thẹn thùng gì nữa. Nỗi nhớ da diết khiến  chàng  trai phải thốt lên lời “tôi yêu nàng”. Người ta thường dùng tương  tư để  chỉ trạng thái tình cảm nhớ nhung của những người yêu đơn  phương. Vì  yêu mà không dám nói ra với người mình yêu nên nỗi nhớ càng  trĩu nặng và  tình cảm càng mãnh liệt. Chàng trai tương tư trong bài thơ  này cũng có  một nỗi nhớ da diết. Chàng trai cũng xác nhận một điều  rằng, yêu thì  tương tư là lẽ thường, cũng như trời đất phải có gió có  mưa.
 
Từ nhớ thương đến mong ngóng và hờn giận :
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
 
Lời hờn giận có vẻ hơi vô lí. Lẽ ra chàng phải sang chứ lại trách cô gái   không sang. Chàng dùng cách gọi bên ấy và bên này để chỉ “đối phương”   và mình. Trách giận để rồi lại chìm vào nỗi nhớ. Chàng ngồi đếm nỗi nhớ   và đếm thời gian để đắm mình trong nỗi niềm tương tư. Ngày lại qua  ngày  gợi cảm giác thời gian trôi đi dài vô tận. Càng yêu thương thì  càng hờn  giận. Nỗi tương tư cùng lời trách giận cứ da diết và sâu đậm  hơn theo  dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.
 
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi ấy mà tình xa xôi...
 
Khi diễn tả nỗi nhớ của nhân vật trữ tình nhà thơ đã dùng những hình ảnh   rất gần gũi và quen thuộc với văn hoá làng của người Việt. Con đò, mái   đình đã làm cho câu thơ mang đậm phong vị dân gian. Những hình ảnh này   đã tạo nên không gian làng quê yên bình, lãng mạn rất thích hợp để  chàng  trai giãi bày tâm trạng tương tư. Nhịp thơ lục bát da diết “Có xa  xôi  mấy mà tình xa xôi” đã thể hiện rất tinh tế trạng thái tâm lí của  kẻ  đang yêu mà chưa nhận được lời đáp lại. Nỗi nhớ thương không người  giãi  bày đã làm cho nhân vật trữ tình càng chìm sâu trong nỗi tương tư.  Đại  từ phiếm chỉ ai lặp lại hai lần trong một câu thơ càng làm tăng  nỗi niềm  tha thiết của kẻ đa tình. Theo lẽ thường tình càng thương nhớ  càng đau  lòng. Và khi yêu say đắm mà không được đáp lại thường rơi vào  tâm trạng  bi quan, tuyệt vọng. Những mối tình thôn quê trong thơ Nguyễn  Bính đẹp,  tha thiết nhưng hay buồn. Mối tình của chàng trai trong bài  thơ này cũng  vậy :
 
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho !
Bao giờ bến mới gặp đò ?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?
 
Những hình ảnh “bến - đò” là những hình ảnh có tính chất truyền thống để   chỉ người nam và người nữ. Hình ảnh “hoa khuê các - bướm giang hồ” lại   rất đặc trưng cho phong cách các nhà thơ mới. Nó thể hiện tâm trạng lo   lắng, bất an của nhân vật trữ tình bởi sự chờ đợi mòn mỏi với nỗi  tương  tư trĩu nặng trong lòng. Cặp hình ảnh này thể hiện sự kết hợp  nhuần  nhuyễn giữa cái nét mới và nét lãng mạn trong phong cách thơ  Nguyễn  Bính.
 
Khổ thơ cuối cùng mang hình thức của một bài ca dao. Chàng trai trong ca   dao thường mượn những cái cớ rất duyên dáng để hoặc làm quen hoặc tỏ   tình với đối tượng của mình như quên áo, mời trầu, hỏi thăm. Chàng trai   trong Tương tư của Nguyễn Bính cũng mượn chuyện trầu cau để giãi bày  tâm  tư, để tỏ tình :
 
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?
 
Câu hỏi cũng là câu trả lời. Nguyễn Bính đã kế thừa cái thông minh, hóm   hỉnh, duyên dáng và rất đáng yêu của ca dao để tạo nên một hình tượng   nhân vật với mối tương tư chân thành.
Tương tư đã chứng minh rằng Nguyễn Bính là nhà thơ của hồn quê Việt Nam.   Với những bài thơ như Tương tư, nhà thơ không chỉ mang đến cho thơ mới   một giọng thơ ngọt ngào phong vị dân gian, đậm đà văn hoá dân tộc mà  còn  lưu giữ cho thế hệ sau những nét đẹp văn hoá truyền thống.
 
Tương tư là một bài thơ hay viết về tình yêu- một thứ tình yêu trong   sáng, đơn phương và mạnh mẽ. Hồn quê Việt Nam thấm đượm trong từng dòng   thơ, thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ đối với những nét đẹp văn   hoá dân gian
 
Cách sử dụng nghệ thuật diễn tả thời gian và không gian trong bài thơ gắn liền với tâm trạng, mòn mỏi, khắc khoải
 
Nghệ thuật tạo hình ảnh độc đáo và các thủ pháp nghệ thuật nhuần nhuyễn, chất liệu ngôn từ chân quê, đậm chất dân gian.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây