Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Thứ bảy - 22/02/2014 21:01
Nhà thơ Nguyễn Bính (1918 – 1966) là một đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới cũng như của thơ ca hiện đại Việt Nam. Đắc điểm nổi bật của thơ Nguyễn Bính là mang đậm tính dân tộc, tính chân quê.
Bài thơ “Tương tư” 1939 là một minh chứng cho tính chân quê của Nguyễn Bính. Bài thơ diễn tả diễn biến những cung bậc tương tư của nhân vật trữ tình ở vào cung tình ái. Tương tư đó là nhớ mong hờn dỗi trách móc và khát khao. Những cung bậc này được Nguyễn Bính thể hiện một cách rất cụ thể nhưng cũng rất nên thơ. Nguyễn Bính viết:
 
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
 
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
 
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
 
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau
 
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”
 
Mở đầu bài thơ “Tương tư” là cung bậc điển hình của tình yêu là nhớ mong. Cách diễn tả nỗi nhớ mong của tình yêu được nhà thơ đưa về những địa điểm mang tính chân quê chứa chan cảnh sắc thôn làng.
 
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
 
Chỉ vì có một chàng trai thôn Đoài gửi lòng thương nhớ cô gái thôn Đông mà cuối cùng đã thành “ thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”. Cách nói này tạo ra hai không gian nhớ nhau thì ra kkhi người ta yêu nhau tương tư thì cảnh vật cũng bị cuốn theo ngập tràn nỗi nhớ. Tiếp theo diễn tả hai không gian nhớ nhau là khẳng định một cung bậc tiêu biểu điển hình của tương tư là nhớ mong.
 
“Một người chín nhớ mười mong một người”
 
Câu thơ này tác giả có một cách diễn tả rất đặc biệt, tương tư là nhớ mong chưa đủ mà nhớ mong ở cấp độ cao “chín nhớ mười mong”. Hai đầu câu thơ là hình ảnh một người, một người được giăng mắc ở giữa là chín nhớ mười mong, một cách diễn tả nỗi nhớ ngập tràn.
 
Nhớ mong chính là cung bậc của tình yêu và nếu như gió mưa là bệnh của giời thì tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Bệnh của giời là muôn thuở thì dĩ nhiên bệnh của tôi cũng là cả đời. Chấp nhận bệnh là rước khổ vào thân nhưng là một thực tế không có ai cưỡng lại được.
 
Sau khi khẳng định bệnh lí chung của tình yêu là nhớ mong thì tác giả tiếp tục giải bày một biểu hiện khác của tương tư là hờn giận là đợi chờ.
 
“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
 
Khi kể lể nỗi khổ của mình thì tác giả tách ra thôn Đoài thôn Đông như xa vời vợi nhưng khi hờn trách đối phương thì tác giả hạ giọng, khép lại không gian cho gần gũi hơn nhẹ nhàng hơn.
 
“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”
 
Đáng chú ý nhất ở đoạn thơ này là sự kể lể về sự đợi chờ
 
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
 
Đây là hai câu thơ mượn cảnh tả tình rất đặc sắc. Cách nói ngày qua, lại qua như là một sự đếm đợi từng ngày nặng nề lê thê. Cũng đúng thôi người xưa nói khi yêu nhau thì “một ngày không gặp như ba năm trời”, còn Nguyễn Du thì nói về mối tình Kim Trọng nhớ Kiều
 
“Sầu đông càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”
 
Chỉ cần nói ngày qua ngày lại qua ngày tác giả đã diễn tả được sự đong đếm thời gian của sự đợi chờ thật nặng nề. Mà không phải là đợi chờ ngắn mà là dàitừ khi lá xanh đến thành cây lá vàng. Cây lá vàng vừa chỉ thời gian vừa chỉ sự héo hon phai tàn của người chờ đợi.
 
Từ kể lể về tâm trạng đợi chờ nhà thơ chuyển sang lời trách móc hờn dỗi
 
“Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi”
 
Ở khổ thơ đầu người tương tư kể lể nỗi nhớ của mình thì đưa thôn Đoài thôn Đông ra xa thẳm, đến đây trách móc người mình nhớ thương thì lại dễ dãi hơn phủ định sự cách xa đó là không cách trở đò giang, đó là không phải không có đường mà thậm chí gần lắm chỉ cách nhau một đầu đình thôi. TThế mà tình em xa xôi thì rõ ràng là em hờ hững là do sự chủ quan của em chứ khôgn phải là do một sự khách quan nào. Đoạn thơ là một lời buộc tội dễ thương hay nói cách khác là một cung bậc giận hờn khi phải tương tư.
 
Sau những cung bậc nhớ mong mòn mỏi đợi chờ hờn dỗi là cung bậc khát khao gặp nhau.
 
“Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”
 
Hình ảnh tương tư đến đây được bộc lộ rõ là “ thức mấy đêm rồi” nhưng cái đáng buồn là sự thức sự mòn mỏi đợi chờ đấy vẫn chỉ là mình biết mà thôi. Dĩ nhiên sự thức đợi chờ đó vẫn có một niềm tin đó là hi vọng gặp lại người nhớ mong.
 
“Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”
 
Ở bài thơ này tác giả đã sử dụng những cặp hình ảnh để nói về hai đối tượng trong cuộc tương tư này là thôn Đoài thôn Đông, bên ấy bên này, tôi với nàng đến đây lại thêm hai hình ảnh bến và đò, hoa và bướm. Vẫn là một cách nói mượn cảnh để tả tình nhưng là một cách nói rất hợp lí đã thể hiện được các khát khao gặp gỡ của người tương tư.
 
Khổ thơ cuối cùng là cái đích đến của cuộc tương tư là tình duyên đôi lứa. Tác giả đã viết rất nhiều hình ảnh về các khát khao này.
 
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”
 
Đến khổ thơ cuối tác giả đã đưa ra hình ảnh giầu cau. Nhà em có giầu nhà anh có cau, thôn Đoài nhớ thôn Đông thì dĩ nhiên cau thôn Đoài sẽ nhớ giầu thôn Đông rõ ràng. Câu cuối của bài thơ là một câu hỏi nhưng thực chất là một câu khẳng định. Qua câu khẳng định này mở ra một khát vọng về tình duyên đôi lứa. Điều này rất hợp lí bởi cái đích hướng tới của tương tư của tình yêu bao giờ cũng là một sự sum họp của lứa đôi.
 
Thông qua bài thơ “Tương tư” nhà thơ Nguyễn Bính đã diễn tả được những cung bậc của tâm trạng yêu đương và đó là những cung bậc muôn thuở của tình yêu. Bài thơ về nội dung chỉ là những cung bậc tương tư nhưng về mặt nghệ thuật là cả một công trình sáng tạo về mặt ngôn ngữ và hình ảnh. Cái đặc biệt nhất của sáng tạo hình ảnh trong bài thơ này là đưa ra những hình ảnh cặp đôi rất sáng tạo nhưng cũng rất hợp lí, nhờ thế những cung bậc tương tư được thể hiện một cách nhẹ nhàng uyển chuyển và rung động lòng người.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây