Tôi vào lớp 5, đường đến trường phải qua nhiều con mương lớn. Mùa lũ về, bố làm cho tôi chiếc áo mưa bằng cỏ tranh thật chắc chắn. Tôi mang vào, bạn bè trêu tôi giống y chang cây nấm. Thế nhưng, chiếc áo mưa của tôi ấm áp và ít bị ướt hơn của các bạn khác. Tan học, nước lũ chảy xiết qua mương. Tôi không dám bước chân qua chiếc cầu tre lắc lẻo bắc ngang. Hôm nào bố hoặc anh Hai đến rước trễ, tôi khóc mếu máo, hôm sau không thèm đi học.
Chúng tôi vào cấp III. Bố mẹ chạy vạy khắp nơi mới mua được cho anh Hai một chiếc xe đạp và tôi tấm vải may áo dài. Đường đến trường cấp III toàn đất đỏ, anh Hai chở tôi đi học. Mưa về, nước tràn ngập cả đường đi. Có hôm nước mạnh quá, tôi suýt bị nước cuốn khi mò mẫm bước qua một chỗ trũng. Anh Hai quăng xe đạp, níu tôi lại. Tôi khóc ấm ức suốt một quãng đường, anh Hai nạt lớn: “Gì đâu mà phải khóc, mày hư quá!”. Tôi càng khóc to hơn. Nước lũ ập vào sân trường bất ngờ, lũ học trò hò hét dáo dác chạy. Trường đóng cửa cả tuần. Lũ rút để lại lớp bùn xám xịt ngập đến bục giảng. Thầy trò hò nhau dọn dẹp.
Cũng năm ấy, mẹ tôi bị bệnh nặng. Bố vất vả từ làm đồng đến làm hồ cho hàng xóm để kiếm tiền thuốc men cho mẹ. Tôi nghĩ mình là con gái, nên xin nhường chuyện học cho anh Hai, còn mình ở nhà làm ruộng và chăm sóc mẹ. Bố thẳng thừng từ chối. Ông đặt cây roi cày lên trước bàn học của hai anh em, dọa: “Đứa nào muốn nghĩ học thì nhìn cây roi cày của bố đây!”. Bệnh của mẹ ngày càng nặng hơn và cuối cùng mẹ bỏ bố con tôi mà theo ông bà. Đám tang mẹ cũng vào một ngày mưa lũ. Mọi người không cho tôi đi đưa mẹ vì “khắc tuổi”. Tôi khóc quặt quẹo nhìn theo đoàn người đưa tiễn mẹ, nước chân ngập đến gối một màu đỏ thẫm.
Gánh nặng nuôi con đè lên đôi vai bố, nhưng ông không bao giờ than trách hay nổi nóng mỗi khi anh em tôi phạm lỗi. Anh Hai tôi thi đỗ tốt nghiệp thì dừng việc học, mặc cho bố tôi đòn roi đe dọa. Đến khi tôi thi đậu đại học, bố và anh Hai khăn gói dắt tôi vào TP.HCM, ở trọ nhà người bà con. Bố thuê xích lô để chạy, anh Hai xin làm phụ hồ, chỉ vì mong muốn tôi ăn học nên người. Mưa thành phố không dữ dội như quê tôi, nhưng cũng đủ làm cho chỗ trú ngụ của ba bố con bị dột lỗ chỗ. Bố tranh việc hứng nước mưa để tôi ngồi vào bàn học.
Không phụ công bố và anh Hai, tôi cố gắng học tập nên lúc nào cũng được học bổng. Tôi mua cho bố và anh mỗi người một chiếc áo sơ mi loại rẻ tiền. Bố mắng: “Mua cho anh là được rồi, còn con giữ tiền mua sách vở để học. Bố già rồi, đạp xích lô thì cần gì áo đẹp hả con”. Mỗi lần như thế, bố thường đến đứng trước bàn thờ mẹ, đốt nhang và nói lớn: “Con Mây nhà mình giỏi lắm bà ạ, ước chi nếu bà còn đế tôi nhường chiếc áo này lại cho bà!”. Khi ấy, tôi thường lủi vào bếp khóc vì thương bố, nhớ mẹ. Thành phố ngoài kia đang mưa xào xạc, con hẻm chật hẹp trước nhà chưa bao giờ hết ngập bởi màu nước cống đen sì.
Khi tôi tốt nghiệp và có ngay việc làm ổn định, mắt bố sáng lên nhiều niềm tin. Cũng lúc đó anh Hai mới lần giở lại sách vở và ôn lại những kiến thức cũ. Tôi quyết tâm nuôi anh ăn học đại học, nhưng anh không chấp nhận. Anh bảo: “Anh tự lo được. Hồi trước vì phải nuôi mày nên hơi lo, bây giờ chỉ còn một mình, anh mày dư sức có tiền ăn học, chỉ sợ thi không đỗ thôi”. Rồi anh tôi đỗ đại học, vừa học, vừa làm. Khi hai anh em có nơi chốn ổn định, bố quyết định về quê, dù tôi bao lần năn nỉ bố ở cùng với tôi. Bố bảo: “Về quê, có mẹ mày ngoài đó. Đi lâu rồi, chắc mẹ mày giận tao lắm. Hai anh em cố gắng đùm bọc nhau mà sống, ngày Tết đến thì về với bố”.
Anh Hai đưa bố về quê, hai anh em góp nhau xây cho bố một ngôi nhà nhỏ, không lợp tranh như ngày nào mà đã có mái ngói đỏ tươi. Bố khoe với xóm làng thành quả của anh em tôi. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bố cũng đi theo mẹ. Ngày bố ra đi, chỉ nắm được mỗi bàn tay anh Hai, vì lúc đó tôi còn ngồi trên tàu. Bố dặn anh Hai: “Bảo con Mây như thế là bố vui lắm rồi, nó không nên khóc nhiều, sức khỏe nó dạo này không tốt lắm”.
Tim tôi một lần nữa nhói đau, nhưng không dám khóc... Tôi thầm nhủ, bố mẹ đã tìm về bên nhau, bố sẽ có những bừa cơm ngon do chính tay mẹ nấu. Chúng tôi lại tiếp tục với những công việc kiếm sống hàng ngày. Đã lâu rồi, hai anh em chẳng ai về quê. Thành phố những chiều này thường mưa lâm râm, hơi đất bốc lên nồng nặc. Trong chiếc áo mưa nhựa hòa vào dòng người hối hả chạy về nơi trú ẩn, tôi nhớ bố mẹ, nhớ mái trường ngày xưa, nhớ cả tiếng sột soạt nhưng ấm nồng trong chiếc áo mưa cỏ tranh bố đan cho ngày ấy.