Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải bài tập Địa lí 6 sách Kết nối tri thức, bài 29: Bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững

Thứ hai - 17/01/2022 08:40
Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập Địa lí 6 sách Kết nối tri thức, bài 29: Bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững

A. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

1. Thế nào là phát triển bền vững?
Câu hỏi (Trang 187 SGK):
Hãy nêu một số tác động của con người tới thiên nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.
Trả lời:
Một số tác động của con người tới thiên nhiên làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau:
- Khai thác rừng quá mức và không đúng quy định, dẫn đến độ che phủ, các loài gỗ,... cạn kiệt.
- Khai thác một số khoáng sản quá mức (dầu khí, than, sắt,...), dẫn đến bị cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu cho tương lai là rất khó khăn. Vì vậy con người đang tìm kiếm, phát minh ra các loại năng lượng, nguyên liệu,... tương tự khác đế thay thế.
- Các chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt hằng ngày gây ra ô nhiễm môi trường nước,... khiến các loài sinh vật nhiễm độc và suy giảm về số lượng.

2. Bảo vệ thiên nhiên và khai thác thông minh các tài nguyên thiên nhiên
Câu 1 (Trang 188 SGK):
Em hãy cho biết ý nghĩa của việc bảo vệ tự nhiên và khai thác thông minh tài nguyên thiên nhiên.
Trả lời:
- Bảo vệ tự nhiên có ý nghĩa giữ gìn sự đa dạng sinh học, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên. Nhờ đó, bảo vệ được không gian sống của con người, đàm bảo cho con người tồn tại trong môi trường trong lành, thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội.
- Khai thác thông minh các tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa trong việc sử dụng hợp lí, tiết kiệm nhằm hạn chế sự suy giảm tài nguyên về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn tài nguyên cho sinh hoạt và sản xuất cho hiện tại cũng như tương lai.

Câu 2 (Trang 188 SGK):
Để bảo vệ môi trường, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?
Trả lời:
Để bảo vệ môi trường, mỗi người chúng ta cần phải làm:
- Bảo vệ rừng, trồng cây xanh: cây xanh hấp thụ khí carbon dioxide, ngăn xói mòn đất và cung cấp môi trường sinh thái cho mọi sinh vật sống. Vì vậy cần chú trọng việc bảo vệ rừng, trồng cây phủ xanh đồi trọc.
- Trong sinh hoạt hàng ngày:
+ Sử dụng tiết kiệm điện, nước; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
+ Giảm sử dụng túi nilông.
+ Sử dụng năng lượng sạch (năng lượng từ gió, năng lượng Mặt Trời....).
+ Đổ rác và xả các chất bẩn đúng nơi quy định.
- Nâng cao ý thức sống: mỗi chúng ta phải luôn có ý thức bảo vệ môi trường (tham gia các hoạt động vì môi trường xanh, giờ Trái Đất,...).

Câu 3 (Trang 188 SGK):

 tam pin nang luong mat troi
Dựa vào sơ đồ trên và hình 1, em hãy lấy ví dụ về các biện pháp khai thác và sử dụng thông minh tài nguyên thiên nhiên.

Trả lời:
Ví dụ về các biện pháp khai thác và sử dụng thông minh tài nguyên thiên nhiên:
- Với khoáng sản:
+ Giảm tỉ trọng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao,...
+ Nghiên cứu sản xuất, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống (năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, vật liệu lông hợp, công nghệ nano,...).
- Với đất trồng, động thực vật:
+ Trong sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân hóa học, các hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,...),
+ Đẩy mạnh sản xuất theo các mô hình sinh thái, bảo vệ và khai thác rừng hợp lí (chương trình bảo tồn vùng nước ngập mặn; bảo tồn một số loại chim, thú có nguy cơ tuyệt chủng; bảo tồn cây di sản Việt Nam;...).
+ Trồng cây phủ đất trống, đồi núi trọc (chống xói mòn đất,..
- Với năng lượng mặt trời, không khí, nước:
+ Triển khai một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
+ Không vứt rác bừa bãi, không xả thải ra môi trường nước, không khí khi chưa qua xử lí.
+ Các quốc gia ký kết việc cắt giảm khí CO2 và năm loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác thông qua Nghị định thư Kyôtô.
 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI PHẦN LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG:

Câu 1 (Trang 188 SGK):
Em hãy nêu một số việc có thể làm hằng ngày để bảo vệ môi trường.
Trả lời:
Một số việc có thể làm hàng ngày để bảo vệ môi trường:
- Đổ rác đúng nơi quy định.
- Sử dụng tiết kiệm nước, điện (không xả nước khi không sử dụng, tắt điện khi ra khỏi phòng,...).
- Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện (bóng đèn, các sản phẩm điện tử tiết kiệm điện,...).
- Không sử dụng túi nilon.
- Đi bộ, xe đạp hoặc sử dụng các phương tiện công cộng

Câu 2 (Trang 189 SGK):
Thu thập thông tin về việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững ở địa phương em.
Trả lời:
Khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững ở địa phương: khai thác cát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức.
- Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế việc khai thác cát diễn ra phức tạp, dẫn đến cạn kiệt và làm ảnh hưởng đến môi trường nước (sông Hương, sông Bồ,...).
- Vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu triển khai các biện pháp (cấm khai thác ở một số khu vực, không sử dụng cát tự nhiên cho việc san lấp mặt bằng,...) và đặc biệt sử dụng cát nhân tạo trong các công trình sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư đề cao khai thác cát nhân tạo tại Huế.
- Việc thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm bổ sung, thay thế dần cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho địa phương.
 

B. CÂU HỎI LUYỆN TẬP BỔ SUNG VÀ HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

Câu 1: Phát triển bền vững là đảm bảo cho con người có
A. môi trường sống an toàn.
B. đời sống vật chất nâng cao.
C. sức khỏe và tuổi thọ ngày càng cao.
D. vật chất, tinh thần ngày càng cao, môi trường sống lành mạnh.

Câu 2: Phải bảo vệ môi trường tự nhiên vì
A. môi trường tự nhiên sẽ bị hủy hoại.
B. chất lượng môi trường tự nhiên ngày càng cao.
C. đang chịu tác động mạnh mẽ của con người.
D. có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triến của xã hội

Câu 3: Đối với đất trồng, động thực vật biện pháp khai thác thông minh là:
A. sử dụng tiết kiệm.
B. tránh làm ô nhiễm.
C. vừa sử dụng vừa khôi phục, tái tạo.
D. cấm khai thác, tìm tài nguyên thay thế.

Câu 4: Là học sinh, em có việc làm thiết thực nào sau đây để bảo vệ môi trường?
A. Để rác đúng nơi quy định.
B. Tham gia giao thông bàng xe gắn máy.
C. Đi bộ hoặc xe đạp khi di chuyển ở cự ly gần.
D. Tham gia các phong trào trồng và chăm sóc cây xanh.
E. Vứt rác không đúng nơi quy định, thường xuyên không tắt điện trong lớp.

Câu 5: Thế nào là phát triển bền vững? Tại sao phải đặt mục tiêu phát triển bền vững?
 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI:

Câu 1: D.
Câu 2: D
Câu 3: C
Câu 4: Việc làm thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường: A, C, D.
Câu 5:
- Phát triển bền vững: là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai. Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
- Đặt mục tiêu phát triển bền vững, vì:
+ Không phải tài nguyên nào cũng vô hạn (khoán sản.... ).
+ Trong quá trình phát triển con người luôn khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho cuộc sống.
+ Một số tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm.
+ Vì vậy phải khai thác thiên nhiên hợp lí, sử dụng tiết kiệm, phát triển công nghệ thay thế. ​​

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây