Câu 1 trang 9: Quan sát hình 1, em hãy chỉ ra những điểm thay đổi theo thời gian của máy tính điện tử. Theo em, sự thay đổi theo thời gian như vậy được hiểu là gì?
Trả lời:
* Những điểm thay đổi theo thời gian của máy tính điện tử:
- Máy tính đầu tiên trên thế giới:
+ Có kích thước khổng lồ: dài khoảng 24 mét, bao phủ diện trích khoảng 160 mét vuông và nặng tổng cộng khoảng 27 tấn.
+ Cổ máy này cần lượng điện tới 150 KW để cung cấp cho hệ thống 18.800 bóng đèn điện tử các kích cỡ.
- Máy tính thế hệ thứ tư:
+ Kích thước nhỏ gọn hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn so với chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới.
+ Bước đầu có sự kết nối mạng giữa các máy tính (Internet).
+ Hạn chế: người dùng không thể mang máy tính theo bên mình.
- Máy tích xách tay hiện nay:
+ Thiết kế đẹp, gọn nhẹ (chỉ khoảng 1 – 3 kg), tiêu tốn ít điện năng.
+ Phổ biến sự kết nối mạng máy tính (Internet).
+ Người dùng có thể mang máy tính theo mình, vì vậy rất thuận tiện trong quá trình sử dụng.
* Nhận xét: sự thay đổi theo thời gian của máy tính điện tử được hiểu là lịch sử hình thành và phát triển của chiếc máy tính điện tử.
1. Lịch sử là gì?
? Khái niệm lịch sử được hiểu như thế nào? Nêu ví dụ cụ thể.
Trả lời:
* Khái niệm Lịch sử:
- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ. Lịch sử còn có nghĩa là khoa học tìm hiểu và phục dựng lại những hoạt động của con người và xã hội loài người trong quá khứ.
* Ví dụ cụ thể:
- Sự kiện: khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43).
- Sự kiện: ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
2. Vì sao phải học lịch sử?
Câu 1. Nêu ý nghĩa hai câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"
Trả lời:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
“Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam. Vì chính đó là gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.
Câu 2. Theo em, việc biên soạn các tác phẩm như hình 2 có tác dụng gì?
Trả lời:
Việc biên soạn như hình 2 có tác dụng:
+ Tổng hợp, phân tích (đưa ra các nhận định của tác giả) về các sự kiện, hiện tượng/ các giai đoạn lịch sử. Từ đó, giúp thế hệ sau dễ dàng tiếp nhận kiến thức lịch sử.
+ Làm phong phú hơn về số lượng các tác phẩm liên quan đến lịch sử, tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho độc giả.
Câu 3. Vì sao phải học lịch sử?
Trả lời:
Học lịch sử giúp chúng ta tìm hiều quá khứ, tìm về cội nguồn của chính bản thân, gia đình, dòng họ,... và rộng hơn là của cả dân tộc, nhân loại.
Học lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai.
3. Luyện tập và vận dụng
Câu 1. Nhà chính trị nổi tiếng của La Mã cổ đại Xi-xe-rông đã nói: "Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống". Em có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao?
Trả lời:
Đồng ý với ý kiến vì:
Lịch sử cho ta biết về quá khứ của một dân tộc, nền văn hóa và truyền thống của một dân tộc, chủ quyền của đất nước. Qua đó nhắc nhở ta hãy nhớ về quá khứ của dân tộc mình, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và hơn hết nhắc nhở ta đấu tranh bảo vệ đất nước.
Lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai.
Chính vì vậy lịch sử xứng đáng được coi là thầy dạy của cuộc sống.
Câu 2. Các bạn trong hình bên đang làm gì? Theo em, việc làm đó có ý nghĩa như thể nào?
Trả lời:
- Các bạn học sinh trong bức hình đang dọn dẹp vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ.
- Hoạt động dọn dẹp vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ có ý nghĩa:
+ Tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giành/ bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc; thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
+ Góp phần tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về: lòng yêu nước; tự hào dân tộc; lòng biết ơn tổ tiên; trân trọng những gì mình đang có; ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.
Câu 3. Hãy chia sẻ với thầy/cô giáo và các bạn các hình thức học lịch sử mà em biết; cách học lịch sử nào giúp em hứng thú và đạt hiệu quả tốt nhất.
Trả lời:
Một số cách học lịch sử:
- Đọc sách giáo khoa sau đó tự tóm tắt kiến thức chính vào vở
- Đọc sách trước khi lên lớp và đọc lại vào buổi tối
- Ghi các sự kiện vào giấy nhớ và dán lên khu vực bàn học
- Vẽ sơ đồ tư duy, chỉ ghi ý chính, có thể mô tả bằng hình ảnh
- Học cùng bạn bè trong giờ ra chơi
Câu 4. Em hãy điều tra xem trong lớp có bao nhiêu bạn thích học môn Toán, môn Ngữ văn và môn Lịch sử. Theo em, các bạn thích học những môn khác có cần biết lịch sử không? Vì sao?
Trả lời:
Tùy từng lớp có phiếu điều tra và trả lời khác nhau:
Ví dụ là lớp bạn Hồng có 40 học sinh
Có 20 bạn thích học môn Toán
Có 15 bạn thích học môn Ngữ Văn
Có 5 bạn thích học môn Sử
- Theo em, các bạn thích học những môn khác vẫn cần tìm hiểu về lịch sử. Vì:
+ Học lịch sử giúp chúng ta hiểu về quá khứ, tìm về cội nguồn của chính bản thân, gia đình, dòng họ… và rộng hơn là của cả dân tộc, nhân loại.
+ Học lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại trong quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai.
Tóm lại: Ai cũng cần biết lịch sử bởi tầm quan trọng và ý nghĩa của lịch sử trong cuộc sống, đặc biệt đối với học sinh. Lịch sử giúp ta nhìn lại quá khứ, biết ơn người đi trước và phấn đấu cho tương lai.