A. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA
1. Núi lửa
Trả lời câu hỏi Trang 133 SGK:
1. Quan sát hình 1 và đọc thông tin trong mục 1, em hãy mô tả hiện tượng núi lửa và nguyên nhân hình thành núi lửa.
Trả lời:
Qua hình 1. Cấu tạo và hoạt động của một núi lửa và thông tin mục 1, ta thấy:
- Hiện tượng núi lửa:
+ Núi lửa có miệng ở đỉnh, qua đó mac-ma bị phun ra ngoài kèm theo tro bụi.
+ Núi lửa phun là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất.
+ Khi núi lửa phun, một phần năng lượng trong lòng Trái Đất sẽ được giải phóng.
- Nguyên nhân hình thành núi lửa:
+ Các mảng nền khi dịch chuyển, vùng bị đứt gãy vật chất nóng chảy trong lòng đất trào lên mặt đất tạo thành núi lửa.
+ Vật chất nóng chảy đó gọi là mac-ma (do nhiệt độ trong lòng Trái Đất đốt nóng, càng xuống sâu trong lòng Trái Đất, nhiệt độ càng tăng lên cao, ở nhân Trái Đất nhiệt độ tới 5000°C, có thể làm tan chảy hầu hết các loại đá cứng).
2. Theo em, núi lửa phun trào sẽ gây ra những hậu quả gì?
Trả lời:
Núi lửa phun trào gây ra các hậu quả:
- Núi lửa phun gây thiệt hại cho các vùng lân cận.
- Dung nham vùi lấp các thành thị, làng mạc, ruộng mương, gây thiệt hại về người và tài sản.
- Tro bụi gây ô nhiễm không khí.
- Tuy nhiên, một số vùng do dung nham bị phong hoá nên tạo ra đất đỏ phì nhiêu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (trồng cây công nghiệp dài ngày: cà phê, điều, tiêu,...).
2. Động đất
1. Quan sát hình 2 và thông tin trong mục 2, em hãy nêu hậu quả do động đất gây ra.
Trả lời:
- Động đất lớn có thể gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người:
+ Tác động trực tiếp của trận động đất là rung chuyển mặt đất, thường gây ra nhiều thiệt hại nhất. Các rung động này phá nát các công trình, nhà cửa,...
- Động đất còn kích động lở đất, sóng thần, vỡ đê,... gây thiệt hại tài sản và nhân mạng con người.
- Sau các trận động đất lớn môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm môi trường,...
2. Quan sát các hình sau, hãy cho biết những hành động đúng khi động đất xảy ra.
Trả lời:
Qua hình 2 và nội mục 2, ta thấy hậu quả của động đất gây ra:
Những hành động đúng khi động đất xảy ra:
- Chui xuống gầm bàn.
- Không đi thang máy ra ngoài.
- Không đi ô tô.
- Bảo vệ đầu (lấy túi xách, ba lô,... che chắn vùng đầu).
Hướng dẫn trả lời phần luyện tập và vận dụng:
Câu 1 (Trang 134 SGK):
Nếu đang trong lớp học mà có động đất xảy ra, em sẽ làm gì để bảo vệ mình
Trả lời:
Những việc cần để bảo vệ mình, khi động đất xảy ra trong lớp học:
- Tìm vị trí trú ẩn như gầm bàn, góc tường,... để tránh đồ vật rơi xuống đầu.
- Nên ngồi theo tư thế khom lung, một tay ôm đầu gối, tay còn lại có thể ôm đầu.
- Có thể dùng ba lô, túi xách,... để che các phần quan trọng.
- Không được chạy ra ngoài, không đi thang máy,...
Câu 2 (Trang 134 SGK):
Em hãy tìm kiếm thông tin về thảm họa do một trận động đất hoặc núi lửa gây ra trên thế giới và chia sẻ trước lớp.
Trả lời:
Thảm họa động đất hoặc núi lửa trên thế giới:
- Động đất và sóng thần Tôhoku năm 2011: Vào lúc 14:46 (giờ địa phương), ngày 11 tháng 3 năm 2011.
+ Trận động đất có vị trí tâm chấn nằm cách ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tôhoku 72 kilômét (45 dặm) tại độ sâu 32 kilômét (20 dặm). Cường độ mạnh nhất của thảm họa ở mức 7 tại miền Bắc tỉnh Miyagi, mức 6 tại các tỉnh khác và mức 5 tại Tôkyô.
+ Trận động đất đã gây ra sóng thần dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 km.
+ Thiệt hại: Có 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Một con đập bị vỡ. Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi v ào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước, ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Ngày 18 tháng 3, ông Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế đã cho biết cuộc khủng hoảng này "cực kì nghiêm trọng". Mọi cư dân trong phạm vi bán kính 20 km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và 10 km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II đã phải sơ tán. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ khuyến cáo công dân của họ phải di tản cách các nhà máy điện 80 km.
- Sự kiện phun trào núi lửa Pelée:
+ Khoảng 8 giờ sáng ngày 8 tháng 5 năm 1902, ngọn núi lửa Pelée phun trào, một đám khí và tro nóng hơn 1000°C rít lên ầm ầm rồi bao trùm cả thành phố với tốc độ gần 100 dặm/giờ.
+ Đây là một thảm hoạ phun trào núi lửa tồi tệ nhất thế kỷ XX, đã giết hơn 30.000 người trong vòng chưa đầy 2 phút, thiêu rụi hoàn toàn thành phố Saint-Pierre, Martinique (một thuộc địa của Pháp).
+ Sự kiện này đánh dấu thảm họa lớn duy nhất về núi lửa trong lịch sử của nước Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này. Quang cảnh thành phố sau trận phun trào không khác gì những tấm ảnh chụp thành phố Hirosima của Nhật sau đợt ném bom nguyên tử của Mỹ năm 1945.
B. CÂU HỎI LUYỆN TẬP BỐ SUNG VÀ HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Câu 1: Trước khi núi lửa phun trào, mặt đất
A. rất yên tĩnh.
B. rung chuyển dữ dội.
C. có thể rung nhẹ, nóng hơn.
D. nứt thành những khe lớn.
Câu 2: Nguồn năng lượng trong lòng đất cung cấp cho hoạt động chủ yếu nào sau đây?
A. Động đất, núi lửa.
B. Núi lửa, sóng thần.
C. Động đất, hẻm vực.
D. Sóng thần, biển tiến.
Câu 3: Nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng động đất là do
A. sóng thần.
B. Trái Đất tự quay quanh trục.
C. các trận bão lớn gây ra.
D. sự dịch chuyển các mảng kiến tạo.
Câu 4: Hình dạng của núi lửa thường là
A. hình tròn.
B. hình phễu.
C. hình trụ.
D. hình nón cụt.
Câu 5: Người dân thường tập trung sinh sống quanh các vùng có núi lửa không còn hoạt động, vì
A. nhiều khoáng sản.
B. nhiều đất đai màu mỡ.
C. nguồn nước dồi dào.
D. nền nhiệt cao, ấm áp.
Câu 6: Biện pháp nào sau đây không phải để hạn chế thiệt hại do động đất gây ra?
A. Dự báo chính xác.
B. Xây dựng nhà ở chịu chấn động tốt.
C. Sơ tán kịp thời khi có động đất.
D. Chuyển cư tới khu vực có nguy cơ động đất.
Câu 7: Hãy kể tên một số vành đai núi lửa trên thế giới?
Câu 8: Tại sao núi lửa gây nhiều tác hại cho con người, nhưng xung quanh các núi lửa vẫn có đông dân cư sinh sống? Cho ví dụ.
Hướng dẫn trả lời:
Câu 1: C
Câu 2: A
Câu 3: D
Câu 4: D
Câu 5: B
Câu 6: D
Câu 7:
- Vành đai núi lửa ở phía tây châu Mĩ.
+ Vành đai núi lửa phía đông Đại Tây Dương.
+ Vành đai núi lửa Địa Trung Hải qua Nam Á đến In-đô-nê-xi-a.
- Vành đai núi lửa ở phía tây của Thái Bình Dương, từ eo biển Bê-rinh qua Nhật Bản đến Phi-lip-pin.
Câu 8:
Núi lửa là hình thức phun trào mac-ma dưới sâu lên mặt đất. Đây là hiện tượng gây nhiều tác hại đến con người về tính mạng cũng như của cải vật chất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cư dân sinh sống xung quanh các núi lửa. Vì: Khi núi lửa phun trào sẽ phun ra các dung nham, sau khi bị phong hóa nó tạo thành những chất tốt ở trong đất, thuận lợi cho việc sản xuất thâm canh các loại cây trồng (đặc biệt cây công nghiệp).
Ví dụ: Ở Việt Nam, dung nham núi lửa bao phủ những miền rộng lớn ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Những khu vực này có đất đỏ badan rất màu mỡ thích hợp với việc trồng các cây công nghiệp như (cà phê, hồ tiêu, cao su,...), cây nông nghiệp (ngô, lạc, đỗ...) và trồng rừng nên cũng là nơi tập trung dân cư ở nước ta.