Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trả lời câu hỏi Luyện tập, Bài 3. Lạm phát, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11

Thứ tư - 25/10/2023 05:43
Trả lời câu hỏi phần Luyện tập - Vận dụng, Bài 3. Lạm phát, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11, sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trả lời câu hỏi Luyện tập, Bài 3. Lạm phát, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11
* LUYỆN TẬP:
1. Em tán thành hay không tán thành với các ý kiến sau? Vì sao?
a. Giá cả một vài hàng hóa tăng chứng tỏ nền kinh tế đang lạm phát.
b. Trong thời kì lạm phát tăng cao, người gửi tiền tiết kiệm sẽ bị thiệt.
c. Lạm phát là biểu hiện đồng tiền của quốc gia bị mất giá.
d. Lạm phát luôn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Trả lời:
- Ý kiến a. Không, vì: lạm phát là sự tăng mức giá chung của các loại hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế một cách liên tục trong một thời gian nhất định. Nếu chỉ có một vài hàng hóa tăng, các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá cả thì chưa thể kết luận nền kinh tế đó đang trong tình trạng lạm phát.

- Ý kiến b. Đồng tình, vì: - Lạm phát và lãi suất huy động thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng sẽ cao hơn so với mức lạm phát một chút để đảm bảo giá trị tiết kiệm cho khách hàng.
- Trường hợp lạm phát tăng cao và quá nhanh, đồng tiền bị mất giá, trong khi lãi suất huy động không có sự điều chỉnh, thì những người gửi tiết kiệm sẽ chịu thiệt.

- Ý kiến c. Đồng tình, vì: ở mỗi quốc gia, trong điều kiện bình thường: một đơn vị tiền sẽ mua được một đơn vị hàng hóa, dịch vụ tương ứng. Tuy nhiên, khi lạm phát xảy ra, với một đơn vị tiền đó, người tiêu dùng chỉ mua được một lượng hàng hóa/ dịch vụ ít hơn so với trước đây.

- Ý kiến d. Không, vì: lạm phát chỉ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế khi ở mức lạm phát phi mã và siêu lạm phát. Lạm phát ở mức độ vừa phải sẽ kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

2. Em hãy cho biết những biến động sau đây có thể làm cho lạm phát tăng hay không. Vì sao?
a. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh.
b. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu nhập khẩu trong khi giá của chúng đang tăng cao.
c. Giá xăng tăng cao.

Trả lời:
- Trường hợp a. Có thể gây ra lạm phát. Vì: Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (của thị trường nước ngoài) tăng lên. Từ đó, dẫn đến việc tổng cầu (của cả thị trường trong và ngoài nước) tăng.
- Nếu tổng cầu tăng, nhưng tổng cung không thay đổi (các doanh nghiệp không mở rộng sản xuất) sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa khan hiếm => đẩy giá sản phẩm lên cao => gây lạm phát.

- Trường hợp b và c. Có thể gây ra lạm phát, vì: - Nguyên liệu, nhiên liệu và xăng (năng lượng) là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.
- Việc tăng giá các yếu tố đầu vào của sản xuất, khiến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó làm cho giá cả của nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng => gây lạm phát.

3. Em hãy thể hiện thái độ của mình đối với hành vi của chủ thể ở các trường hợp dưới đây trong việc chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước về lạm phát.
a. Ngân hàng Y muốn duy trì mức lãi suất huy động vốn thấp trong khi Chính phủ đang chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
b. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Uỷ ban nhân dân huyện C phát động phong trào tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu công của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước.
c. Giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao, thành phố H tăng cường kiểm soát giá và sử dụng hiệu quả mạng lưới phân phối của các siêu thị để bình ổn giá.

Trả lời:
- Trường hợp a. Không đồng tình với hành vi của ngân hàng Y, vì: Việc Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ (tăng lãi suất huy động, giảm mức cung tiền,…) là một biện pháp tích cực góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân và hộ dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
- Việc ngân hàng Y mong muốn duy trì mức lãi suất huy động vốn thấp sẽ gây cản trở cho chính sách phát triển kinh tế chung của nhà nước; đồng thời, gây thiệt hại cho các khách hàng của ngân hàng Y.

- Trường hợp b. Đồng tình với hành động của Uỷ ban nhân dân huyện C. Vì: cắt giảm chi tiêu công cũng là một biện pháp tích cực, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

- Trường hợp c. Đồng tình với hành động của thành phố H. Việc tăng cường kiểm soát giá cả và mạng lưới phân phối sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, từ đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

* VẬN DỤNG
Em hãy viết bài chia sẻ cách chi tiêu hợp lí khi lạm phát tăng cao.
Trả lời:
Trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, các hồ thuỷ điện cạn kiệt nước làm cho các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng dẫn đến tình trạng thiếu điện trầm trọng, việc cắt điện luân phiên xảy ra thường xuyên. Tổng công ty điện lực bắt buộc phải mua điện ở nước ngoài với giá cao, do đó giá điện bán lại cho người dân tăng theo giá bậc thang. Trung bình mỗi tháng nhà em trả ba trăm nghìn tiền điện, nhưng nay số tiền phải trả là hơn năm trăm nghìn một tháng.
Trước tình hình này, gia đình em đã chuyển sang lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, hạn chế sử dụng điện lưới vào giờ cao điểm, chỉ sử dụng điện vào những việc thật sự cần thiết, chuyển sang dùng các thiết bị điện ít tốn điện hơn như: thay đèn huỳnh quang bằng đèn led, sử dụng máy có chức năng inverter,… Cuối cùng số tiền điện hằng tháng gia đình em đã giảm đáng kể, tiết kiệm được chi phí trong thời buổi lạm phát giá điện này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây