Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hoá phương Đông, phương Tây nhưng Tết Việt vẫn có bản sắc độc đáo riêng không giống bất cứ nơi nào. Điều đó thể hiện qua các phong tục đón Tết sau đây:
Chợ TếtChợ Tết có không khí khác hẳn với những phiên chợ thường ngày trong năm. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua, người bán tấp nập.
Trong chợ Tết, người ta mới bày bán những thứ mà quanh năm không thấy bán. Ví dụ như lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, đu đủ làm dưa. Người ta bán những chiếc tháp làm bằng bánh in bao giấy màu, những chiếc bánh ly bằng bột nếp hoặc bánh ngũ sắc dùng để chưng lên bàn thờ. Chợ còn bán những thứ không ăn được, nhưng vô cùng cần thiết cho ngày Tết như phong bao lì xì, giấy dán, ... Cái thú mua sắm trong ngày Tết vẫn là chuyện đương nhiên, gần như không một nhà nào lại không “đi sắm Tết”. Mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để cảm nhận không khí ngày Tết, dù nhà giàu hay nghèo, nhu cầu mua sắm ngày Tết là điều không thế thiếu.
Hoa TếtKhông khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và hoa mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết. Chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất chỉ có ở Việt Nam.
Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa. Nhưng đáng tiếc có một số loài hoa quý như thủy tiên, hoa quỳnh, thường được giới thượng lưu ngày xưa xếp vào loại hoa đón Tết cao cấp, xem hoa nở để đoán vận may, thì đến nay hầu như không còn mấy ai biết đến trong ngày Tết. Thời gian thay đổi thì các thú vui ngày Tết cũng có những đổi thay, song truyền thống hoa Tết đại chúng ở Việt Nam ngày nay còn có thêm nhiều loại như hoa lan, hoa cúc, hoa tulíp… được phát triển từ trong nước và du nhập từ nước ngoài vào.
Tết ông Công, ông Táo Tương truyền ở mỗi gia đình kể từ khi loài người biết dùng lửa để ăn chín đến nay luôn luôn trong nhà có ông Công, ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Nay, phong tục trồng cây nêu đã bị mai một vì có nhiều người ở nhà cao tầng nên không có đất. Còn ông Táo được dân gian gọi là “ông vua bếp”. Vua bếp là vị thần cai quản việc nấu ăn trong mỗi gia đình gắn với câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo”. Một cỗ bếp có ba ông vua bếp được nắn bằng đất sét có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân”.
Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh. Không tiễn ông Táo về trời là có gì đó khuất tất đối với trời nên sợ không dám làm lễ. Lễ ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông. Đây cũng là mặt đời sống thiêng liêng của cư dân sông nước.
Xin chữ về thờĐể cho ngày Tết thêm ý nghĩa, Việt thường treo chữ trong nhà đầu xuân. Vì ngày xưa đa phần không biết chữ nên mới có phong tục thờ chữ trong nhà, để mong ước con cháu sau này được học hành, làm ăn phát đạt. Cứ mỗi năm hoa đào nở, thì ông đồ lại tất bật khăn áo, giấy bút viết chữ cho mọi người. Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Theo thời gian phong tục này dần bị mai một, nhưng ngày nay nó đang được phục hồi lại bằng việc viết thư pháp, câu đối ngày Tết, thể hiện một dân tộc hiếu học "tôn sư trọng đạo".
Cây nêu ngày TếtCây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để Táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu...
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.
Gói bánh chưng, bánh tét Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện "bánh chưng, bánh dầy" từ thời vua Hùng khi chọn người kế vị ngai vàng. Lang Liêu đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy, tượng trưng cho Trời, Đất. Nhờ hai thứ bánh này mà ông được vua cha truyền ngôi. Ngày nay, bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp đẽ của dân tộc ta.
Để gói được bánh chưng, bánh tét thì người gói phải là người có bàn tay khéo léo và tỉ mĩ mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì ấm cúng hơn.
Tống cựu nghinh tânCuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, cùng hàng xóm vệ sinh nhà thờ, đường xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết.
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau…. Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ rước vong linh ông bàChiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến vong linh ông, bà, … và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới.
Đón giao thừaGiao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc chay. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài - thơm.
Màu của ngày TếtChịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông, nên màu chủ lực trong ngày Tết vẫn là màu đỏ - vàng, theo quan niệm màu đỏ là thành công, thắng lợi, màu vàng là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào v.v... Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.
Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân trời không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết. Rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết ngày "mồng" mới thôi!
Mâm cỗ ngày tết Ngày Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi mâm cỗ với những món cổ truyền để thắp hương ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng tôn kính theo đúng truyền thống "uống nước, nhớ nguồn".
Theo truyền thống, cứ chiều 30 Tết, dù còn bao nhiêu công việc thì người phụ nữ trong nhà vẫn phải dành thời gian để chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để dâng mời ông bà tổ tiên về sum họp, chung vui đón Tết cùng con cháu.
Tùy điều kiện mà mâm cơm cuối năm của mỗi gia đình sẽ nhiều hay ít món, nhưng phổ biến với các gia đình trung lưu là từ 8 đến 10 món khác nhau. Không thể thiếu là dưa hành, bánh chưng, giò xào, gà luộc hay bát canh bóng thả ngọt vị tôm khô được chế biến khéo léo. Tuy đều là những món ăn đã quen thuộc, nhưng với khẩu vị tinh tế của người xưa, để chế biến thành công từng món cũng đòi hỏi những bí quyết riêng.
Bên cạnh yếu tố tâm linh thể hiện ở sự hiện diện đủ màu sắc của ngũ hành trong mâm cỗ Tết, người xưa ăn Tết cũng rất khéo và khoa học, ấy là chọn món ăn mùa nào thức nấy để từ nguyên liệu đến các vị phụ gia đều ở độ tươi ngon nhất. Đó là lý do tại sao vào mùa xuân, những món ăn như nộm su hào, bát thịt đông hay lòng gà xào dứa lại có mặt trong mâm cỗ ngày Tết. Thêm một đĩa chả quế thơm dịu, bát canh chim hầm hạt sen hay nấm bao giờ là có đầy đủ một mâm cỗ thịnh soạn dâng lên ông bà.
Nhiều món là vậy nhưng các cụ ta quan niệm: ăn là để thưởng thức, bởi vậy nên mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ. Cùng với một chút công phu trong cách trình bày, mâm cỗ Tết sẽ vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.
Với những gia đình thượng lưu, mâm cỗ cổ có thể lên tới 14-16 món. Khi ấy, có thể chế biến thêm cá trắm đen kho giềng, bí tần hay đĩa nem rán.
Ngày nay, mâm cỗ truyền thống cũng đã được cách tân đa dạng hơn với nhiều món được chế biến cầu kỳ. Nhưng để nhớ đến hương vị Tết xưa thì có lẽ những món ăn truyền thống đều được làm đúng cách, đậm đà hương vị vẫn là những nét không thể thiếu để làm nên một cái Tết trọn vẹn ý nghĩa trong mỗi gia đình Việt Nam.
Xông nhà, xông đấtNgười Việt ta có tục xông nhà rất thú vị. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai “nặng vía” thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ “đổ” tại mình “vía không tốt”. Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.
Lễ xuất hành Người Việt thường chọn một người trong gia đình bước ra khỏi nhà trong những giây phút đầu tiên của năm mới. Người xuất hành phải xem lịch, chọn hướng tốt, hạp với tuổi để mong được may mắn trong năm mới mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.
Hái lộcSau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự “rước lộc”. Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Phong tục biếu TếtBiếu tết là tặng quà cho người khác ăn tết. Ðây là dịp để nhớ ơn những người đã từng giúp mình, để tỏ lòng yêu kính đối với người trên, tỏ lòng quan tâm thương mến với họ hàng, bạn bè. Thông thường thì:
- Bà con thân thiết biếu tết lẫn nhau
- Con rể, con dâu biếu tết cha mẹ vợ/chồng
- Học trò biếu tết thầy cô
- Bạn bè biếu tết lẫn nhau
- Con nợ biếu tết chủ nợ
- Bệnh nhân biếu tết thầy thuốc
Việc biếu tết thể hiện tấm lòng biết ơn, hoặc yêu thương chân thành, hoặc quan tâm thương mến, nên rất đáng quý. Ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ tục này. Tuy nhiên, đừng lợi dụng việc biếu tết này để hối lộ, mua chuộc.
Kiêng kị ngày TếtKiêng (hay kiêng cử) là những điều không được làm. Trong những ngày tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Sau đây là một số điều thường được kiêng:
- Quét nhà, đổ rác (vì sợ quét, đổ đi những điều may mắn)
- Nói những điều tục tĩu
- Mặc quần áo trắng (sợ có tang)
- Nói tới những chuyện chết chóc, nói những điều xui xẻo
Những điều kiêng cử này đều có vẻ hoang đường, ngày nay tuy nhiều người không tin nữa, nhưng một số đông khác vẫn còn giữ.
Chúc thọ, chúc Tết Tết Nguyên Đán là một dịp để cho mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thấm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý. “Mồng một là Tết nhà cha”: Sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết.
Để mừng tuổi con cháu thì ông bà thường trao những bao lì xì đỏ tươi, trong đó có tiền mừng tuổi cho bọn trẻ, mừng cho con cháu thêm một tuổi mới.
“Mồng hai nhà mẹ”: Cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
“Mồng ba Tết thầy”: Sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người.
Chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
Lễ chùaĐầu năm đi lễ chùa, đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam xuất phát từ tấm lòng thành kính dâng lên Phật cũng như mong muốn những điều tốt đẹp đến với người thân.
Sau khi Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, mọi người thường đi lễ chùa, cầu an năm mới: Cầu mong cho gia đình, họ hàng, thầy cô, bạn bè cũng như bản thân mọi việc được thuận lợi, sức khoẻ an khang, công việc thịnh vượng.
Hội xuânXong phần lễ, sẽ đến phần hội. Với phần hội mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhìn chung đều có những nét độc đáo thu hút du khách như: Hội Bà Chúa kho, Hội chùa Hương, Hội đua thuyền, Hội Gióng, Hội Lim, Hội xuân Yên Tử , Hội phết Hiền Quan, Hội chọi châu, ... Hầu hết các hội đều có rất đông người đến xem và cổ vũ.