Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Quà tặng của lòng con thảo hiếu tri ân

Thứ tư - 04/12/2019 11:47
Con viết những lời này thay cho muôn vạn đóa hồng của lòng con thảo hiếu. Con biết rằng không có một báu vật nào ở trên trần gian này có thể dùng làm món quà quí giá để con kính tặng ba mẹ, huống chi đây là lời con viết vội khi con dừng chân chốc lát trên bước đường đời. Nhưng con biết ba mẹ luôn thấu hiểu tấm lòng con lúc nào cũng hướng về ba mẹ, mà công ơn sinh thành dưỡng dục như biển trời con phải khắc ghi.
Người xưa thường bảo “dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân”, có nuôi con mới biết công ơn của cha mẹ. Con chưa nuôi con mình làm sao con thấu hiểu được ơn nghĩa nặng của Đấng sinh thành? Nhưng con luôn nhớ rằng công lao ấy, ơn ấy thật là muôn trùng bao la.

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Ba mẹ ơi chín chữ cù lao là chín chữ vĩ đại. Chữ sinh là trọng vô cùng bởi con biết còn gì quí giá hơn là sự sống mà ba mẹ đã ban cho con. Còn gì mênh mông hơn tình yêu ba mẹ gom vào với tháng rộng năm dài cho con khôn lớn? Chữ dục là cao vô cùng vì ba mẹ đã suốt đời đặt nền móng và xây dựng cho con đi đến bến bờ hôm nay.

Mười mấy năm ở các trường phổ thông và đại học rồi nay bước chân ra đời, con chỉ mới lờ mờ cảm nhận hai chữ sinh dưỡng cao xa mà sao vẫn dịu ngọt tận đáy lòng con. Vâng con chỉ mới lờ mờ cảm nhận, chứ bài học vỡ lòng về công cha nghĩa mẹ con chỉ mới ê a chữ đầu. Chỉ có ba mẹ mới biết việc sinh thành dưỡng dục ấy cao đến thế nào và rộng đến tân đâu, những có đời nào ba mẹ nói nên lời, nên con chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn và lặng lẽ suy tư.

Ngày xưa còn bé con không biết và không nghĩ gì đến công ơn của ba mẹ. Con chỉ nhớ rằng thuở thiếu thời của con là thuở vàng son, chỉ toàn chăn êm nệm ấm. Khi con khóc có tiếng mẹ ru hời, khi con cần gì đã có ba lo liệu. Bây giờ khi con vào đời góp bàn tay mình cho xã hội và góp phần tìm chén cơm manh áo thì con tự nhiên hiểu được rằng lúa không tự nhiên mọc ngoài đồng và cơm bánh không tự nhiên dọn sẵn. Mà ngày xưa, ôi cái ngày xưa vô tư dịu dàng ấy, con ăn chén cơm đầy, con mặc tấm áo đẹp con đâu nghĩ đó là kết quả của mồ hôi và nước mắt của mẹ của ba. Con đâu biết rằng ba đâu phải ngày đêm lo toan và làm việc vất vả, mẹ phải chi li tính toán cho cả lũ con chỉ biết ăn học. Ngoài kia trời dông bão ư? Con vẫn bình yên trong ngôi nhà vững chãi vì con tin tưởng đã có ba mẹ mình. Bao nhiêu cát bụi và chông gai của cuộc đời bủa vây ư? Ba mẹ đã là thành trì bênh đỡ cho con để con không bao giờ phải đương đầu hay phải lo sợ. Bây giờ con mới hiểu rằng những điều đó hoàn toàn không đơn giản. Cuộc sống tự nó không cung cấp mọi thứ con cần. Thiên nhiên vẫn dư dật cho con, nhưng với đôi tay yếu ớt và khối óc thơ dại ngày ấy, con làm sao hiểu được cho mình nên con chỉ vô tư đòi hỏi, vô tư đón nhận và vô tư phung phí.

Không biết nhà văn nào đã nói một câu thật tuyệt vời: “Khi con ho, mẹ đau nơi lồng ngực”. Vâng con cứ lớn lên hoài, để mặc mẹ đau khổ. Ba mẹ đã gánh hết cho con kế cả những gì nhỏ nhặt nhất, thành ra con đâu phải đau buồn chi nữa. Con đau yếu bệnh hoạn, ba mẹ còn đau còn mệt hơn con. Ba mẹ thao thức hồi hộp theo từng nhịp tim từng hơi thở của con. Vậy mà khi con thành công con cứ như một cánh chim tung cánh bay đi tìm hạnh phúc, quên cả chia ngọt sẻ bùi với ba mẹ. Giờ đây khi đã vất vả giữa dòng đời con mới biết rằng những mồ hôi nước mắt yêu thương của ba mẹ đã rưới xuống mát dịu hồn con và không bao giờ chảy ngược. Rồi con sẽ ra đi xa vòng tay của ba mẹ, chẳng biết có lúc nào quay về với ba mẹ hay không? Nhưng chắc chắn ánh mắt của ba mẹ, vẫn hoài theo dõi con và mỏi mòn chờ đợi con từng giây từng phút. Ngày con bé con thích truyện ngắn đại dương trong lòng con ốc nhỏ của một nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ. Ngày đó con chỉ thích mà chưa biết được hình ảnh của ba mẹ như con ốc thu mình lại, cặm cụi đi tìm sự sống và lẽ sống cho con. Con ốc ấy chứa trong lòng cả một đại dương mênh mông, đại dương yên lành cho tàu chúng con lướt tới. Giờ đây con đã hiểu rằng dù đến bờ nào, con tàu vẫn ở mãi trong lòng đại dương ấy mà thôi.

Khi con gặt hái thành quả của cuộc đời, con biết chắc chắn rằng chỉ có ba mẹ là chung vui trọn vẹn với con. Bởi khi con đau nỗi đau cuộc sống, hẳn có người lại vui thích, khi con vui với niềm vui trọn vẹn làm sao không có người ganh tị gièm pha. Chỉ có ba mẹ là nỗi đau của con, niềm vui của con. Vì con là máu thịt của ba mẹ.

Ngày xưa khi con đau yếu, lòng ba mẹ cũng cháy bỏng với nhiệt độ thân con trong khi con cứ vòi vĩnh giận hờn, hành hạ ba mẹ băng đù mọi cách. Mẹ phải năn nỉ hoài con mới chịu uống một viên thuốc, húp một muỗng cháo. Ba phải dỗ dành mãi con mới uống cạn ly sữa ngọt ngào. Con tưởng mình phải được cung phụng như một ông hoàng mà con đâu hiểu nỗi vất vả ba mẹ thâu đêm bên giường con chăm sóc lo cho con từng li từng tí. Ba mẹ coi con như ông hoàng thật, một ông hoàng không biết nghĩ biết suy. Bây giờ con đã lớn, rồi đây con sẽ có cuộc sống riêng, không như ngày xưa ở bên ba mẹ mãi. Ước gì có ba mẹ ở hoài bên con, với ly sữa nóng với bát cháo thơm. Tuổi thơ đã trôi qua cho con bước vào một cuộc thử thách với cuộc đời nghiệt ngã và con hiểu rằng vậy là con tàu đời con đang dần dần đi ra khỏi sân ga của thời niên thiếu. Ước gì con có ba mẹ cùng đi tiếp với con trên chặng đường sắp tới. Dòng suối mát của tình thương ba mẹ bây giờ mới thấm vào lòng con ngu dại, vào tận nơi sâu kín nhất trong tâm hồn con để trở thành nguồn suối bình an. Con ước ao có dòng suối ấy chảy mãi trong đời.
cong on cha me
Bây giờ khi con lớn khôn, con đã học được một phần nào kho tàng trí thức của loài người thì con cũng hiểu chính ba mẹ đã mở đường và dắt con đi vào trong kho tàng ấy. Ngày con bắt đầu mở mắt nhìn ra vũ trụ chung quanh mình và bắt đầu biết đặt dấu hỏi thì ba mẹ là người trả lời câu hỏi đầu tiên và chính xác nhất cho những gì con tìm hiểu. Chữ a, b đầu tiên ba tập cho con đọc và mẹ cầm tay con nắn nót là nền móng cho con xây bao nhiêu là những ước mơ. Con có ước mơ đã lặng lẽ chìm sâu vào quá khứ và có những mộng đẹp đã trở thành sự thật để con quay lại nhìn vào quá khứ mà suy ngẫm. Ba mẹ ơi, chính ba mẹ là người đạo diễn tuyệt vời cho cả cuộc đời con. Có mấy ai nghĩ về người đạo diễn, trong khi ai cũng nhìn và nhớ người nghệ sĩ, diễn viên. Người ta quên rằng sự thành công bao giờ cũng nhờ ở tài năng người đạo diễn cho dù người đạo diễn cứ âm thầm chẳng một lần xuất hiện.

Cho con được hôn lèn đôi bàn tay chai sạm vì lo chăm lo vun xới đời con. Cho con hôn lên đôi tay dịu dàng ôm ấp vỗ về dù con có lớn, có khôn, có tung cánh bay đến những phương trời xa xăm nào đi nữa. Con cái bao giờ cũng non dại dưới mắt của Đấng sinh thành. Khi ta tưởng mình có thể thoát ra khỏi vòng tay mẹ, ánh mắt của ba thời thơ dại, thì vòng tay ánh mắt ấy lại thiết tha trìu mến hơn bởi ba mẹ, càng thêm âu lo phiền muộn. Đứa con trưởng thành cứ tưởng đã vững vàng vỗ cánh bay xa và không cần tới sự chăm sóc của ai nữa. Đứa con ấy có biết đâu rằng trên mặt pháp lý nó đã trưởng thành, những tấm lòng ba mẹ thì cho dù vật đổi sao dời tấm lòng ấy vẫn yêu thương mãi mãi.

Ba mẹ kính yêu của con, giờ này hẳn ba mẹ đang nghĩ đến anh em chúng con đứa thì ở đây, đứa thì ở mù khơi tung cánh. Trong lúc chúng con bay nhảy trong cuộc đời, không nghĩ đến ba mẹ thì ba mẹ cũng nghĩ đến chúng con mà thôi. Cái nghịch lý đầu tiên và cái bi đát lớn lao trong cả cuộc đời con người có lẽ là ở chỗ đó; người cho ta trọn vẹn nhất là ba mẹ và người hầu như không nhận được điều gì cả cũng chính là ba mẹ. Tằm cứ hoài hoài nhả tơ cho ai kia lượt là đài các, cho ông hoàng kia sang trọng cho bà chúa nọ kiêu sa còn phận tằm cứ muôn đời tăm tối. Rễ kia cứ âm thầm hút nước ở tận mấy lớp đất sâu cho cành lá cứ xanh tươi, cho hoa cỏ có hương sắc yêu kiều. Người yêu hoa nhẹ nhàng nâng những đóa hoa đẹp đẽ khiến cho đóa hoa thêm kiêu sa mà quên nghĩ đến cội rễ đã nuôi nấng lặng lẽ. Khi hoa lìa cành để phô sắc ở những phòng khách đến khi hoa rụng thì có bao giờ hoa chạnh lòng nghĩ đến cội nguồn sống dào dạt mà rễ đã cho mình ngày trước?

Ba mẹ ơi, con xin được ghi sâu công ơn của thân tằm ngày đêm cực nhọc, của rễ cây lặng thầm bao năm tháng. Nhớ ơn ba mẹ, trở lại với cội nguồn những con người không thể dừng chân ở cội nguồn ấy. Phải đi đi hoài để trật tự tự nhiên diễn biến theo con đường của nó. Nước cứ chảy về xuôi chứ nào có chảy ngược bao giờ. Cái qui luật ấy mới đáng buồn làm sao phải không ba mẹ? Nhưng như thế không có nghĩa là chúng con, thế hệ sau này, quên rằng mình đến từ đâu, khôn lớn nhờ ai và thành đạt do bởi cội nguồn nào. Từ xa xưa người ta đà hiểu được rằng “dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”, muốn báo ơn sâu mà ơn ấy rộng như bể trời bao la thì làm sao báo được cho xứng. Cho nên ai ra đời rồi cũng không bao giờ cảm thấy mình đầy đủ cho dù mình đã đạt trọn mọi ước mơ. Ta cứ thấy đời mình còn thiếu một cái gì đó mơ hồ lắm mà lại rất xót xa. Phải rồi, ta thiếu bổn phận đáp đền ơn sâu nghĩa nặng và ta thiếu vắng bên mình lời răn dạy nghiêm minh, lời ru êm ái ngọt ngào.

Con quên sao được những lời răn dạy cặn kẽ của ba mẹ kiên nhẫn rót vào lòng con để dần uốn nắn con nên người. Này con hãy đi đứng nghiêm trang, hãy ngồi ngay ngắn, hãy ăn làm sao, hãy nói thế nào. Ba mẹ chỉ cho con biết sống lễ độ và chân thành với người trên, thế nào là quảng đại vị tha với bè bạn, với người sống chung quanh. Ba mẹ dạy con cảm thông chia sẻ với người bất hạnh, khóc với người bất hạnh và “không bao giờ đi khập khiễng trước người tàn tật”. Ba mẹ dạy con từng đường đi nước bước trong mọi hoàn cảnh sống trên đời. Ba mẹ nhẫn nại vạch lối, mẹ kiên trì uốn nắn cho con, con lớn lên dần với lời răn, tiếng ru cứ thấm dần vào tim con, chảy hoài trong huyết quản. Hôm nay nếu con có sống được cho ra người thì chỉ là con thực hiện theo cái khuôn vàng, thước ngọc mà ba mẹ đã đúc sẵn cho con. Con có bị khinh chê hay lên án vì hành vi nào đó thì chỉ vì con quên lời răn dạy ngày nào, vâng, chỉ vì con thôi. Vậy mà hồi đó, hễ ba la là con hờn, mẹ rầy là con khóc, con tưởng mình là cánh chim phải tung trời mà lại bị giam trong chiếc lồng tù hãm, dù là lồng tù hãm, dù là lồng son thì cũng là ràng buộc đôi cánh ước mơ tự do. Con muốn vút bay vào giữa bầu trời bao la của đất trời mà quên rằng bấy giờ chim non còn yếu ớt, nếu rằng gắng sức bay lên giữa trời thì chỉ ngã quỵ mà thôi.

Thời gian! ôi! Thời gian sao vút nhanh như một cánh diều no gió! Mới ngày nào con còn nhỏ dại mà rồi cũng đến lúc chim tập chuyền cành và chim vỗ cánh bay lên. Sau này khi ra đời con vô tình bước vội sẩy chân, con có khát khao đến cháy người thì cũng dễ gì có ba mẹ ở bên chỉ vẽ kịp thời như ngày xưa con còn nhỏ dại. Ba mẹ ơi, con hiểu rồi, hạnh phúc lớn lao không nằm ở đâu khác trong cuộc đời này ngoài ba mẹ. Ai bảo con định nghĩa hạnh phúc là gì, con sẽ không ngần ngại mà nói rằng hạnh phúc là tiếng vang trầm ấm, giọng mẹ ngọt ngào, và còn là ngọn roi đã một thời làm ta khiếp sợ. Hồi đó, hễ con có lầm lỡ, ba mẹ thường nhắc bảo. Rồi khi con quá quắt, ba mẹ rút một cây roi trong khi con tự động leo lên giường vừa nằm sấp xuống vừa sợ hãi van xin. Khi lằn roi vút xuống, con khóc òa lên. Thường sau những trận roi ấy, giờ con mới biết, là những giọt nước mắt chảy âm thầm trong lòng ba mẹ. Nhưng chính ngọn roi đã khiến con sửa đổi mình đôi chút. Bây giờ thì ba mẹ không đánh con nữa nhưng chính ngọn roi cuộc đời biết đâu sẽ quất con ngã nhiều roi đau đớn, ai sẽ vỗ về an ủi con đây ba mẹ nhỉ? Vậy mà bây giờ thì hết rồi, bởi vì con đã lớn. Vâng con đã lớn rồi.
tinh cha con

Ở thành phố này có mùa thu bắt đầu bằng những ngọn gió heo may, bằng mây trời bàng bạc hay những chiếc lá vàng trong nắng thu phai. Nhưng mỗi học trò nô nức trở lại trường lớp trong ngày đầu tiên của một năm học mới thì con lại nhớ đến buổi thiếu thời và nhớ đến ba mẹ nhiều hơn. Mùa tựu trường và bao tà áo trắng xôn xao trên nẻo đường, có con em và bạn bè của chúng ta trong đó. Áo trắng ơi, có bao giờ em chạnh nghĩ đến Đấng sinh thành ngày đêm vất vả cho em vô tư nhí nhảnh đến trường? Em nào có phải âu lo vất vả gì phải không em? Tiền sách tiền trường, áo quần, giày dép em không làm mà tự nhiên cũng có. Tự nhiên quá mà phải không em? Cũng như những vết nhăn tự nhiên hằn trên trán ba mẹ em, như những giọt mồ hôi tự nhiên nhỏ xuống trên thái dương ba mẹ em. Còn em, sao cứ đua đòi chưng diện ăn xài cho thỏa thích những ngày còn cắp sách đến trường. Ba mẹ ơi, học trò bây giờ cũng như chúng con ngày đó mà thôi. Tuổi học trò là tuổi mộng, tuổi mơ nhưng sao có lúc vô tâm đến tàn nhẫn quá. Mùa tựu trường trở lại bao giờ cũng nhắc cho con người mấy mùa tựu trường trong đời mình đã qua đi. Ba mẹ đã đặt cho con đi hết con đường của thời áo trắng, con đường tuyệt vời như trong cổ tích thần tiên. Con quên sao được lần đầu tiên con đến lớp, khép nép rụt rè bên mẹ bên ba. Ba dỗ dành. Mẹ năn nỉ. Con đi học là bắt đầu làm cho ba mẹ nhọc nhằn thêm trong từng điều nhỏ nhặt.

Trong cuộc đời này có bao nhiêu người cha khả kính, người mẹ dịu hiền, nhưng cũng có bao nhiêu là đứa con bất hiếu, chẳng nghĩ gì đến công mẹ ơn cha. Con xin thay mặt những kẻ làm con cúi đầu tạ lỗi vì đã chẳng đáp đền được một trong vô vàn những ơn sâu. Vậy mà con cứ mãi làm cho ba mẹ phải lo âu phiền muộn. Khi con trái lời ba mẹ con tưởng mình là đã thành công vì có thể đã khẳng định được chỗ đứng cho mình, tưởng là mình đủ sức đương đầu giữa bão giông. Than ôi, khi bị cuộc đời quật ngã, người ta mới cảm nhận được thân phận lẻ loi và bé bỏng của mình, và mới biết rằng mình cần được che chở nâng niu. Bao nhiêu năm qua từ ngày con còn nhỏ dại cho đến bây giờ, con đã trái lời ba mẹ thế nào con xin sẵn sàng vâng phục ba mẹ để cất bớt nỗi lo của ba, để làm dịu nỗi buồn của mẹ. Mà cái cuộc đời cứ lướt tới, thời gian có quay ngược lại bao giờ. Cho nên mãi mãi con cứ hối tiếc xót xa. Lớp người sau xin đừng trở lại vết xe của đàn anh đã đi qua kẻo rồi lại cũng muộn màng ân hận.

Có ai đó quên mất rằng: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên”, trong trăm đức hạnh con người thì chữ hiếu đứng ở hàng đầu. Kẻ nào bất hiếu thì đức hạnh của kẻ đó lấy gì mà bảo đảm? Có ai tin tưởng được vào kẻ đã quên cội nguồn, phản bội chính Đấng sinh thành khả kính? Nhưng liệu con có phải là đứa con hiếu thảo hay không? Và bạn bè cùng lứa tuổi của tôi hôm nay ơi, chúng ta đã bước vào đời, chúng ta có dám hiên ngang xưng mình là những đứa con có hiếu hay không? Hình như chúng ta, bạn và tôi, chúng ta vẫn chưa làm được gì để đáp trả ơn nghĩa sinh thành bạn nhỉ?

“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Ba mẹ kính yêu, hẳn là ba mẹ chẳng cần con phải làm cho ba mẹ những điều mà ba mẹ đã làm cho con bởi vì ba mẹ chỉ biết cho đi mà không đòi đáp lại bao giờ. Mà dẫu cho con có muốn đáp trả công ơn thì con cũng không bao giờ có thể làm cho cân xứng được.

Núi cao thì vời vợi mà những hạt cát dưới chân núi thì li ti bé nhỏ. Giọt nước của những việc con làm có là gì so với đại đương muôn trùng bát ngát? Ba mẹ chỉ cần tấm lòng con, con biết! Cho nên tự đáy lòng mình, con xin kính gởi một đóa hồng tươi thắm là lòng tôn kính biết ơn, là tình thương yêu sâu đậm và sự vâng phục, xin được suốt đời hầu hạ ba mẹ mà thôi. Con vẫn, thường nghe ba mẹ răn dạy: “ở cho có đức có nhân” sống mà không có lòng nhân ái thì cuộc đời phi nghĩa quá, gốc của nhân thì phải kính và ái. Người xưa dạy là phải khởi đầu với Đấng sinh thành - những người đã dày công sinh dưỡng mình. Con sống có nhân sao được khi mà mình chưa trọn lòng yêu kính ba mẹ, chưa mở lòng mình trước đại dương bao la của tình thương ba mẹ đổ dồn xuống cho con. Con xin đoan hứa với ba mẹ thêm một lần nữa rằng con sẽ khắc ghi sâu công ơn ba mẹ và sẽ sống sao cho ba mẹ không phải xấu hổ vì con. Con đọc ở đâu đó câu này: “cái lẽ cuối cùng của sự hiếu là lấy hiếu gây thành đạo nhân”. Đó cũng chính là điều ba mẹ mong cho con được sống trong cuộc đời này với bao người chung quanh con. Ba mẹ luôn dạy con lời này: “hãy thương yêu nhau...” “sống cho có đức có nhân”, biết tôn trọng con người và biết mở lòng mình ra, rung cảm với mọi cảnh đời. Người ta chỉ khép lòng mình lại, dửng dưng với mọi niềm vui nỗi khổ của đồng loại khi họ quên đi hết mọi tình thương họ đã tiếp nhận và khi họ lãng quên tuổi thơ yêu thương kỳ diệu, bình minh cả cuộc đời.
gia dinh

Con đang sống trên đời đầy những vất vả lo toan mà con có thể sống tất cả sinh lực dồi dào, với tất cả tình yêu dành cho cuộc sống, mà như một nhà văn đã nói thì cảm nhận cuộc đời một cách thi vị chính là món quà tặng tuyệt vời mà tuổi thơ đem đến cho ta. Con muốn cám ơn ba mẹ quá chừng, chính ba mẹ đã cho con tuổi thơ thần tiên để hôm nay con có bước trên đường đời đó là lòng cứ vui say, cứ cảm nhận cuộc đời với tất cả mộng mơ và thơ như ngày con còn nhỏ dại. Trong những nhà văn mà con thường đọc, con thích Jack London và Hemingway, không hẳn chỉ vì lối viết văn của họ, điều quan trọng là họ có cái nhìn đặc biệt về những giá trị cuộc sống này. Họ đã cho con thấy rõ thế nào là nỗ lực phi thường của con người trên hành trình đi tìm các giá trị vô song của cuộc đời. Mỗi lần đọc văn hai ông, con lại thiết tha hơn với đời sống và con lại biết ơn ba mẹ nhiều hơn vì ba mẹ đã khơi cho con suối nguồn sự sống. Rồi khi dòng suối tuổi thơ của con êm đềm chảy giữa những vách núi cheo leo hiền hòa êm ả ấy. Con không như các nhân vật của Jack London và Hemingway đổ mồ hôi nước mắt và ngay cả máu nữa để giành giật từng li sự sống cho mình. Con không như viên phi công của St. Exupery phải lao vào nơi hoang địa để cảm nhận thân phận trơ trọi, để khát khao đến cháy người được sống thân giao với đồng loại của mình. Con không hề trải qua những thử thách khắc nghiệt ấy cho nên con cứ tưởng cuộc đời này như quả bóng muôn màu cứ bay lên, bay lên. Ba mẹ ạ, bây giờ thì con biết tại sao con cứ bay lên hoài mà chẳng có cánh tay phù thủy nào giơ ra chộp bắt, chẳng có gai chông nào cản lối con đi. Ba mẹ đã đi trên vách núi cheo leo hiểm trở để chở che cho dòng suối chúng con cứ hiền hòa, cứ yên lành qua bao năm tháng. Ba mẹ là những thiên thần hộ mệnh hữu hình ngăn cản không cho thú dữ vồ mồi, không cho cuồng phong vùi dập chúng con vì vậy mà tuổi thơ của con chỉ toàn là bóng mát, là mộng với thơ. Thơ thì du dương và mộng thì tuyệt vời, con cứ ngẩn ngơ với hạnh phúc dịu dàng mà quên rằng ba mẹ vẫn thức canh cho con say giấc nồng với thơ và mộng ấy. Cái cảm thụ đầy thơ của con thời non dại về cuộc đời này còn đi theo con để hôm nay con vẫn thấy tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Ôi! Ba mẹ không chỉ sinh thành và dưỡng dục con thôi mà còn mở lối cho con bước vào cuộc sống bình yên. Ba mẹ ươm mầm cho vườn con bây giờ ươm nụ cho nở hoa - những đóa hoa tin yêu và tràn đầy hy vọng...

Dòng suối đời con êm ả cứ theo năm tháng ngày đổ về sông cả, “sông chảy xiết reo ca, đập phá vỡ bờ, núi đứng lại dõi mắt ngóng theo sông với cả khối tình nồng”. Bóng núi của ba mẹ sừng sững dõi theo con, đầy âu yếm và đầy năng lực chở che. Con xin được phép ngước nhìn về và được nép mình trong bóng núi, bởi vì dù có đi đâu, dù có làm gì thì con vẫn là con của ba mẹ. Con đang tranh sống và nghĩ rằng mình đã lớn còn ba mẹ thuộc lớp người cổ xưa. Hỡi ôi! Chính con đã tự đánh mất hạnh phúc cao quí của mình mà không hay biết. Khi đời bắt đầu xế bóng thì hẳn ai cũng không nghĩ về cái thuở ấu thơ với tất cả lòng tiếc nuối xót xa phải không ba mẹ. Con sẽ không chờ đến lúc ấy mới hồi tâm nhìn lại quá khứ của mình mà ngay bây giờ con xin được hướng dòng sông đời mình chảy quanh bóng núi ba mẹ để tận hưởng bóng mát yêu thương.

Con muốn nghĩ về ba mẹ hoài và muốn thưa với ba mẹ bao lời yêu thương tha thiết nhưng sẽ chẳng bao giờ con diễn tả hết được những gì con muốn nói. Bây giờ con lại tiếp bước lên đường, cuộc sống vẫn đang chờ con ba mẹ ạ. Đóa hồng này con hái vội vàng và hẳn là chưa tươi thắm đủ nhưng là đóa hồng lòng yêu thương trìu mến. Con xin hương hoa cứ ngan ngát hoài và sắc hoa sẽ không bao giờ phai nhạt bởi vì lòng con đối với ba mẹ không phai nhạt bao giờ. Và con yêu kính trao về ba mẹ như quà tặng của lòng con thảo hiếu tri ân.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây