Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kỹ năng an toàn cho trẻ: Ứng phó khi đi lạc

Thứ bảy - 05/12/2015 02:46
Trên các bãi biển, siêu thị hay những nơi đông người… chúng ta vẫn thường bắt gặp nhiều trường hợp trẻ chạy đi chơi dẫn đến lạc cha mẹ. Do đó, để giúp trẻ và phụ huynh hạn chế những rắc rối khi phải đi đến chỗ đông người, bố mẹ nên sớm dạy bé những kỹ năng cơ bản để có thể tự ứng phó được trước những tình huống bất ngờ.
1. Những lưu ý cho phụ huynh
 
Nắm chặt tay con tại nơi đông người
 
Siêu thị, bãi biển hoặc công viên là những nơi trẻ em thích đến, nhưng đó là những nơi rất đông người và dễ bị lạc nhất. Nhiều khi, chúng ta đã rất chắc chắn rằng bé đang ở bên cạnh, thế nhưng một lúc sau mới tá hỏa vì không thấy bé đâu.

Ở những nơi như vậy, chỉ cần lơ là một vài giây là con bạn đã có thể bị trộn lẫn vào trong dòng người đông đúc. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý cần để mắt đến trẻ không rời, tốt nhất là nắm tay bé, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi.
 
Trang bị thẻ thông tin khi đi xa
 
Nếu đi xa, du lịch trong và ngoài nước, đề phòng trẻ thất lạc nên cho trẻ đeo thẻ ghi thông tin địa chỉ nhà, địa chỉ khách sạn, tên cha mẹ, số điện thoại... Khi con bị lạc, nhanh chóng thông báo cho người thân, bạn bè bằng nhiều phương tiện để mọi người có thêm nhiều thông tin, giúp bạn tìm trẻ.
 
Gọi to tên con khi không nhìn thấy
 
Khi phát hiện lạc nhau, việc đầu tiên cha mẹ phải làm là gọi tên con thật to. Nhiều cha mẹ ngại gọi to, cứ âm thầm dáo dác tìm sẽ mất thời gian vàng khi mình và con vẫn chưa cách quá xa. Âm thanh có tốc độ lan nhanh, tỏa rộng nên rất có ưu thế cho việc kết nối. Gọi lớn còn tạo sự chú ý cho người khác để họ tìm giúp. Lẽ khác, lỡ con đã nằm trong tầm ngắm của những kẻ "đục nước béo cò" thì chúng cũng không dám động thủ khi biết cha mẹ trẻ đang ở quanh đây.
 
Báo công an khi cần
 
Nếu đã dùng hết cách mà vẫn không tìm thấy bé, bạn cần ngay lập tức liên hệ với cơ quan công an gần khu vực bị lạc nhất để được hỗ trợ tìm kiếm. Không nên để thời gian quá lâu, đôi khi chậm trễ một vài phút có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
 
Không la mắng khi bé làm điều sai
 
Khi bé làm điều gì đó có lỗi, bạn cần có hình thức phạt nhẹ cho bé và giải thích cho bé hiểu. Bé sẽ từ từ hiểu ra và không tái phạm, tuyệt đối không la mắng hay đánh đập, ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ đã bỏ nhà đi vì sợ bố mẹ la mắng, sau đó bị lạc và rơi vào rất nhiều tình huống nguy hiểm. Vì vậy, mẹ cũng hãy luôn luôn căn dặn trẻ, nếu có làm gì sai sót, đừng vì quá sợ cha mẹ mắng mà tự ý bỏ nhà ra đi vì dễ gặp kẻ xấu còn tệ hại hơn.
 
An ủi khi tìm được con
 
Vì cũng bị sang chấn tâm lý, nên khi tìm gặp lại trẻ, cha mẹ dễ chuyển nỗi âu lo, sợ hãi, bức bối thành cơn giận dữ, sẵn sàng trút lên con những lời mắng, những cái tát ngay khi con cần được nâng đỡ tinh thần nhất. Hãy ôm lấy con, thể hiện nỗi mừng vui, hạnh phúc, khen con với những xử trí khôn khéo trong nỗ lực tìm gặp cha mẹ và cùng rút kinh nghiệm, dặn dò những điều còn thiếu sót. Tuyệt đối không la mắng, vì chính bản thân bé cũng vừa trải nỗi sợ hãi khi bị lạc.
 
2. Những kiến thức cần trang bị cho con
 
Để trẻ nắm rõ những kĩ năng cần thiết khi đi lạc, cách tốt nhất là bạn hãy trang bị trước cho con những thông tin cần ghi nhớ. Nếu bản thân bé đã được lường trước những nguy hiểm có thể gặp phải, cũng như đã được trải qua các tình huống trước đó trong một bài học, thì khi đối mặt với thực tế, bé sẽ có sự chuẩn bị và tự biết cách tìm đường về nhà an toàn.
 
Dạy bé ghi nhớ các thông tin quan trọng
 
Mẹ cần dạy bé học thuộc lòng tên cha mẹ, địa chỉ, số điện thoại nhà hoặc cơ quan của ba mẹ để khi bị lạc, bé có thể liên lạc hoặc cung cấp thông tin cho mọi người, cơ quan chức năng. Bởi lẽ, mỗi ngày đều có rất nhiều em bé bị lạc  nhưng lại không thể cung cấp được số điện thoại, cũng như địa chỉ nhà. Vì vậy, mẹ cần tập dượt nhiều lần cùng con để kiểm tra mức độ ghi nhớ của bé. Thông tin nào bé không nhớ hết, hoặc nhớ mập mờ thì bạn cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hỏi đi hỏi lại nhiều đến khi nào bé chắc chắn mới thôi.
 
Dạy trẻ bình tĩnh khi đi lạc
 
Dặn con nếu chẳng may đi lạc, đừng tỏ ra sợ hãi, hay khóc thét lên, kẻ xấu sẽ phát hiện có thể dụ dỗ, dẫn bé đi mất. Dặn dò trẻ nếu rơi vào tình huống này, hãy bình tĩnh và xác định xem bé đang đứng ở đâu và tìm người đáng tin cậy để nhờ giúp đỡ.
 
Phân tích cho trẻ các đối tượng đáng tin
 
Chỉ cho trẻ một số ứng phó: Nếu đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên nên tìm đến nhân viên bảo vệ.

Nếu ở ngoài đường phố nên tìm đến các chú công an có mặc động phục, hoặc ghé vào nhà dân để nhờ Khi hỏi đường, bé chỉ nên hỏi những người có các sạp hàng hóa cố định, không nên hỏi người đi qua đi lại trên đường, dễ gặp phải kẻ có ý đồ. Ngoài ra, bé cũng có thể tìm đến một cơ quan nhà nước gần đó như ủy ban, ngân hàng để nhờ liên lạc với gia đình.
 
Dạy trẻ tránh bị xâm hại khi đi lạc
 
Dặn dò trẻ, nếu chẳng may đi lạc, không có người lớn ở bên thì phải biết cách tự bảo vệ mình, tránh xa các đối tượng luôn tỏ vẻ là người tốt quá mức. Ví dụ như: cho tiền, cho quà bánh hoặc đồ chơi để dụ dỗ đi cùng.

Dạy trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không cho người lạ đụng chạm vào cơ thể, thậm chí là nắm tay cũng tuyệt đối không cho.

Thực tế cho thấy, có rất nhiêu trẻ bị lạc, khi bố mẹ tìm thấy thì đã bị xâm hại, lý do là trẻ không biết phải bảo vệ mình như thế nào và cũng không hiểu thế nào là xâm hại. Vì vậy, bạn cũng cần phân tích cho bé những điểm cần được bảo vệ trên cơ thể, nếu có ai đó nhất quyết động vào, thì phải bỏ chạy và la hét thật lớn, nhằm cầu cứu những người xung quanh.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây