Giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên - giáo dục văn hoá học đường, trước hết phải giáo dục, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, sinh viên đối với thầy cô giáo.
Văn hoá ứng xử bao gồm: hệ thống thái độ, khuôn mẫu, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường thiên nhiên, xã hội và bản thân, dựa trên những chuẩn mực xã hội nhằm bảo tồn, phát triển cuộc sống của cá nhân và cộng đồng người hướng đến cái chân, thiện, mỹ.
Đối với Ban lãnh đạo nhà trường
Ban lãnh đạo các trường phải nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc giáo dục văn hoá ứng xử nói chung, văn hoá ứng xử với thầy cô giáo nói riêng cho học sinh, sinh viên. Phải thực sự xem đây là một trong những vấn đề cơ bản trong thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học.
Ban lãnh đạo các trường phải chỉ đạo các khoa, các phòng ban chức năng và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên phải đem vấn đề giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên vào một trong những nội dung giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên và có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.
Hàng tháng phải có sự tổng kết, đánh giá văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên trong khoa và đưa vấn đề này vào trong báo cáo đánh giá hàng tháng để thông báo trước các cuộc họp chi bộ, họp khoa và lễ chào cờ, đồng thời có biện pháp xử lý, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực ứng xử của học sinh, sinh viên với cán bộ, giảng viên, giáo viên.
Đối với giảng viên, giáo viên
Trước hết là các giảng viên, giáo viên đứng lớp phải mẫu mực trong đạo đức, lối sống, là một tấm gương sáng về văn hoá ứng xử để học sinh, sinh viên noi theo.
Đồng thời cán bộ, giảng viên, giáo viên cần phải phê phán và có biện pháp nhắc nhở, giáo dục những học sinh, sinh viên chưa tôn trọng mình và đồng nghiệp với tinh thần trách nhiệm và tính mô phạm cao.
Cách phê phán, xử lý phải thật sự nghiêm túc nhưng không quá gay gắt và nặng nề mà phải thật khéo léo, nhân văn để học sinh, sinh viên nhận ra được cái sai, cái chưa đẹp, cái chưa chuẩn mực trong thái độ, lời nói hành vi của mình đối với giảng viên, giáo viên, cán bộ giáo dục, từ đó có sự tự điều chỉnh và có hướng khắc phục.
Đối với học sinh, sinh viên
Hiện nay giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực từ ngoài xã hội. Do mặt trái của cơ chế thị trường, sự “xâm lăng” của văn hoá không lành mạnh, lai căng, đồi truỵ, không phù hợp với văn hoá truyền thống… Nên đã đánh mất nhiều chuẩn mực ứng xử, trong đó có ứng xử với thầy cô giáo.
Do đó, bản thân mỗi học sinh, sinh viên phải nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, xây dựng văn hoá ứng xử theo những chuẩn mực tốt đẹp cho mình.
Trước hết trong quan hệ giao tiếp, làm việc (học tập, nghiên cứu) với thầy cô giáo, học sinh, sinh viên phải thể hiện được thái độ, lời nói, hành động lễ phép, tôn trọng, trân trọng thầy cô, đồng thời cũng phải biết góp ý, phê bình và chỉ ra những thái độ, lời nói, hành vi chưa đẹp, chưa “tôn sư trọng đạo” ở một số sinh viên khác, nhất là những bạn bè trong lớp mình.
Các bạn học sinh, sinh viên phải nhận thức được rằng văn hoá ứng xử với thầy cô giáo qua những tiêu chí đã đề cập ở trên không chỉ thể hiện nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc, không chỉ là yêu cầu về đạo đức, lối sống đối với sinh viên mà còn thể hiện giá trị bản thân - phông văn hoá của mình.