Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thương lắm, bản xa

Thứ bảy - 06/12/2014 02:40
Trên những con đường xa xôi và quạnh vắng nơi rẻo cao, ta sẽ gặp hun hút những đỉnh đèo mây trắng-nơi có những bản xa tựa lưng vào vách núi, bốn mùa mưa nắng đón gió trời tạt ngang.
Có nhiều niềm vui và nỗi buồn đi qua những bản làng xa xôi như câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa này...
Chợt nhớ, cách đây gần 20 năm, khi cuộc hành trình đầy gian nan, tôi cố gắng trèo lên đỉnh Tân Sơn (Bắc Kạn), để tận mắt chứng kiến ngôi trường - đúng hơn là điểm trường hẻo lánh hoang vu nhất tọa lạc cheo leo trên đỉnh núi 4 mùa mây trắng và gió thổi.
 
Bên cạnh mé núi, lớp học tuyền toàng được dựng lên cho các em học sinh tiểu học. Một cô giáo và 7 học trò. Lớp ghép. Lớp học hơn một gian được ngăn đôi bởi tấm liếp nứa làm nhà ở để cô giáo từ chân núi lên dạy học. 
 
Cô lên dạy học, để con lại cho ông bà chăm. Cuối tuần lại về với con. Hành trình lên núi và xuống núi đã trở thành quen thuộc. Ngoài giờ lên lớp, cô trồng lúa, ngô-với thửa đất bà con chia cho cư dân đặc biệt của mình.
 
Tôi nhớ một lần khi đến điểm trường tiểu học Mường Phăng ở Mường Thanh(Điện Biên). Đến gần nghe tiếng trẻ học bài. Cũng 7 học sinh. 
 
Thầy giáo mặc chiếc áo Ka ki cũ, quàng khăn ấm cổ. Chiếc thước trên tay thầy di chuyển tới những hàng chữ đều tăm tắp thẳng hàng. Tấm biển “Nét chữ nết người” treo ngay ngắn trên cao. 
 
Thầy trò mặt đỏ lựng vì rét. Chen giữa 2 giờ học, thầy trò đốt lửa sưởi ấm. Tôi thấy các em run lên, bởi không đủ ấm. Bàn chân các em bầm tím lại...
 
Cách đây hơn một năm, cũng vào mùa đông, tôi tìm về Khau Bang (Pắc Nặm, Bắc Kạn). Cảm giác về những cảnh ngộ, về phận đời luôn ám ảnh trong tôi, nhất là ở vùng núi mù sương như ở nơi này.
 
Chúng tôi rời xe để đi men theo con đường mòn xuyên qua quả đồi cỏ mọc lút dày. Từ xa, điểm trường Khau Bang hiện ra với lá cờ Tổ quốc đỏ chói tung bay. 
 
Lá quốc kỳ như một tín hiệu của sự sống, sinh sôi…Bởi ở nơi hẻo lánh âm u, đường sá xa xôi, sắc đỏ của lá cờ như một điểm nhấn, vẫy gọi con người biết để hướng về tìm đến.
 
Trẻ em Khau Bang bám cột lớp rồi đuổi nhau trên đỉnh đồi cao. “Lớp học” xiêu vẹo, gồ ghề đất sỏi, bốn bề chông chênh bởi mấy miếng liếp gá tạm.
 
Mỗi lần đến bản xa, tôi lại có thói quen tìm và lắng nghe nguồn nước róc rách . Chỉ vậy thôi. Đã thấy thở phào. Vì thầy cô không phải lo nỗi lo thiếu nước. 
 
Ước mơ ấy tưởng như quá đỗi bình thường, mà sao lại trở thành xa xôi, là khát vọng và hạnh phúc lớn lao của biết bao người.
 
Vâng. Những nẻo đường xa xôi với non cao mây phủ. Những Mèo Vạc, Khau Vai; Khau Bang, Thanh Thủy, Vỵ Xuyên, Đồng Văn, Thắng Mố, Y Tý…không chỉ là ký ức mà vẫn còn hiển hiện trong ký ức bao người.
 
Bản xa vẫn hiển hiện trong tôi, rưng rưng và cũng là nơi tìm đến trở về. Sau mỗi nhọc nhằn, sau mỗi nỗi nhớ chất chồng tưởng như không thể.
 
Thương lắm các em tôi.
 
Thương và trân trọng lắm, những thầy cô gửi tuổi xuân của mình nơi những cánh rừng xanh ngắt, cho những con đường quanh co nơi đỉnh núi mờ sương để giúp các em có tri thức, mang lại hạnh phúc và no ấm cho bản làng.

Chu Thị Thơm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây