Khi tôi chuẩn bị hướng dẫn các em làm bài văn thuyết minh về loài vật, một học sinh hỏi: “Thầy ơi, con trâu màu gì?”. Rất nhiều em trong lớp cười ồ lên và có những lời “khen” bạn rằng: “Mày ngốc thế! Con trâu màu gì mà cũng không biết nữa”. Tôi cũng khá bất ngờ trước câu hỏi của học sinh đó.
Em đang học lớp 9 lại là người Việt Nam, ấy thế mà em lại không biết con trâu màu gì? Một lát sau có một em khác hỏi: “Thầy ơi, trâu có vú không ạ?”. Sau khi trả lời em, tôi bước xuống bàn hỏi: “Em chưa bao giờ nhìn thấy con trâu ngoài thực tế sao?”. Em trả lời: “Em có thấy hồi còn nhỏ nhưng em không biết nó có vú hay không, em chỉ biết nó có hai cái sừng thôi. Em cũng có nhìn trong ảnh chứ không biết có vú hay không”. Tôi hỏi lại em, thế tại sao em lại hỏi câu hỏi này?, em cho hay là vừa đọc trong bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh thấy viết trâu là lớp thú có vú. Đến đây vẫn chưa hết những câu hỏi ngây thơ của học sinh. Có em hỏi, bò có biết cày không. Tôi chưa kịp trả lời thì em ngồi bàn trên đáp ngay: “Bò làm gì biết cày”.
Liệu có bao nhiêu học sinh ở thành phố không biết đến con trâu, con bò, cây lúa… như một số học sinh trong lớp tôi đang dạy. Lẽ ra những hình ảnh ấy thật thân thuộc với các em mới phải chứ? Chí ít thì các em cũng nhìn thấy vài ba lần trên truyền hình, internet…
Đó là tiết học làm cho tôi nhớ mãi và cũng khiến cho tôi suy nghĩ nhiều: “Chúng tôi - những người thầy đang dạy gì cho học sinh?”. Tại sao những gì cơ bản nhất, gần gũi nhất, đời thường nhất mà học sinh cũng không biết, ngay cả hình ảnh cây lúa mà nhiều em với trình độ lớp 9 cũng không biết nó như thế nào. Phải chăng chúng ta đang dạy các em những bài học quá cao siêu? Phải chăng chúng ta đang dạy các em kiến thức thiếu thực tế? Hay tại các em ít quan tâm những gì gần gũi với đời thường, chỉ tìm hiểu những gì mà các em đam mê cuồng nhiệt?
Nếu đem câu chuyện này để phân tích thì nhiều điều cần nói lắm, nhưng tôi chỉ đề cập ở một phương diện. Đó là phương diện giáo dục. Các thầy cô giáo cần dạy cho học sinh từ những gì nhỏ bé nhất, gần gũi nhất, thiết thực nhất. Trong văn chương cũng vậy, đừng dạy các em những lời hoa mỹ mà sáo rỗng. Hãy dạy học sinh viết bài văn, dẫu còn vụng về, dẫu còn ngây thơ nhưng đó chính là lời văn chân thật nhất của các em.
Giáo viên bây giờ dạy theo giáo trình mà giáo trình thì "cao siêu" lắm, nên học sinh thành phố thì mù nông thôn, học sinh nông thôn thì dốt thành thị.