1. Tìm ra cách học tốt nhất với con
Để làm được điều này, cha mẹ hãy quan sát con khi bé học tập. Thử xem bé học tốt hơn khi được ngồi một mình trong phòng yên tĩnh hay khi ngồi học cùng anh/ chị/ em khác trong nhà.
Ngoài ra, mẹ nên dạy con cách nghiên cứu bài tập theo các bước, ví dụ như:
- Ghi chú những điều cơ bản khi bé đọc một chương sách.
- Học theo bảng biểu và biểu đồ.
- Tóm tắt những gì bé đã học theo cách riêng của bé.
2. Tắt tivi
Bạn hãy thiết lập nguyên tắc sinh hoạt có lợi cho sự tập trung vào bài vở của con; chẳng hạn, thời gian học bài là thời gian không có tiếng tivi. Tiếng tivi có khả năng thu hút sự chú ý của bé bất cứ lúc nào chứ không chỉ riêng những đoạn quảng cáo mới có sức hút.
3. Hướng dẫn con lập kế hoạch học tập
Thói quen này mẹ nên hướng dẫn con ngay từ khi bước vào tiểu học. Mẹ hãy tạo cho con thời gian biểu làm bài tập ở nhà. Đặt một quyển lịch ở bàn học của bé và để bé tự đánh dấu những nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành.
Nếu bé chưa viết thành thạo, mẹ có thể làm giúp việc này cho con. Nhưng ngay sau khi bé đọc thông, viết thạo, bạn cần để bé tự làm.
Việc làm này sẽ giúp bé có ý thức học tập hơn và không bị cuống trong những thời điểm quan trọng như lúc thi học kỳ hay khi có bài kiểm tra.
4. Trang bị dụng cụ học tập cho con
Bé cần có đủ dụng cụ học tập như bút chì (bút mực), tẩy, sách, vở… Bạn có thể trao đổi với giáo viên, các bậc phụ huynh khác… để chọn mua dụng cụ học hợp lý cho bé.
5. Học nhiều không bằng học đều
Bạn cần sắp xếp việc nhà để có thời gian chăm chút đến việc học của con. Nếu bé được tan học sớm, bạn có thể động viên bé hoàn thành bài tập về nhà trước bữa cơm tối. Khoảng 15 phút làm bài một lần, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi, kiểm tra và hỗ trợ quá trình làm bài cho con.
6. Dạy bé kỹ năng đánh dấu thông tin quan trọng
Nhiều bé không biết tóm tắt ý chính của bài học, ý nào quan trọng hơn ý nào. Nhiều bé thích viết tất cả những gì thầy cô giáo đã dạy trên lớp. Vì thế, thông tin về bài học có thể lan man, không rõ ràng.
Bạn có thể dạy bé viết những ghi chú quan trọng. Cách này hơi mất thời gian nhưng bé sẽ học được kiến thức theo cách sắp xếp riêng của bé.
7. Theo dõi dấu hiệu tâm lý của bé khi làm bài tập
Bạn không nên ép bé học tiếp khi bé đang tức giận hoặc buồn bã vì bài tập quá dài, quá khó. Bạn có thể chia đều phần bài để bé hoàn thành thay vì để con mệt mỏi với bài quá dài.
8. Không làm bài hộ con
Bạn có thể kiểm tra kết quả bài tập toán sau khi bé đã hoàn thành. Nên nhớ, bạn cần để bé tự làm bài, tự suy nghĩ và chỉ giúp đỡ khi bé thật sự cần đến bạn. Thỉnh thoảng, bạn nên quan tâm đến con bằng cách đặt câu hỏi: “Kết quả bài kiểm tra toán của con thế nào?”, “Con đã có kết quả bài chính tả chưa?"...
9. Động viên con kịp thời
Bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành. Tuy nhiên, nếu phê bình con, bạn cần đính kèm theo chỉ dẫn trực tiếp; chẳng hạn, thay vì quát: “Con viết chữ xấu thế” có thể nói: “Cô giáo sẽ không hiểu con viết gì nếu con viết thế này đâu”.
10. Liên lạc với thầy cô
Không nên bỏ qua những thắc mắc và lo lắng của bạn về con. Đừng ngần ngại liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để biết chuyện gì đang diễn ra ở lớp, ở trường. Trao đổi những thắc mắc và lo lắng của bạn trước khi điều không hay thật sự xảy ra là một phương thức hiệu quả giúp con thành công.
11. Làm gương cho con
Ghi nhớ rằng bạn phải tạo ra một tinh thần học tập đúng đắn. Khi bé biết bạn coi trọng việc học tập của chúng, bạn tôn trọng và biết ơn thầy cô của chúng, chúng sẽ nỗ lực hết mình.
Nếu bé thấy chính bạn tìm thấy niềm vui trong đọc sách, thấy bạn vận dụng được các kỹ năng và những gì học được vào thực tế, chúng sẽ nhận ra mối liên hệ giữa lý thuyết học được ở trường và cuộc sống hiện tại.