Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phương pháp nâng cao hiệu quả học tập ở trường THPT

Thứ hai - 06/10/2014 11:08
Thực tế cho thấy, tại nhiều trường THPT hiện nay, tính chủ động, tự lực trong học tập của học sinh chưa cao, nhiều học sinh nghĩ rằng học nhóm hoặc dưới sự hướng dẫn của người khác sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Học sinh chưa nhận thức được vai trò tự học
 
Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - cho biết: Nhà trường đã thực hiện một khảo sát nhỏ, tham khảo ý kiến của học sinh (HS) về hoạt động học tập, hoạt động tự học.
 
Khi được hỏi về yếu tố nào quyết định cao nhất kết quả học tập, có 37,5% cho rằng vai trò hướng dẫn của giáo viên (GV); 28,12% trả lời là do tự học; 26,56% nghĩ là do hoàn cảnh gia đình và 7,81% cho là do môi trường học tập.
 
Đối với thời lượng tự học, có 41,62% học trên 3 giờ mỗi ngày; 48,43% học trung bình từ 1 đến 3 giờ một ngày và có 7.81% chỉ học dưới 1 giờ.
 
Nhận định về thời điểm học hiệu quả nhất, 50% cho rằng thường học vào đêm khuya yên tĩnh; 37,5% thường học vào chiều tối và 12,5% học vào lúc sáng sớm.
 
Về câu hỏi hình thức học tập ngoài giờ lên lớp đạt hiệu quả cao, có 40,89% nghĩ là học tốt khi có sự hỗ trợ của người khác như hướng dẫn, dò bài; 23,43% học một mình và 21,87% thường học theo nhóm.
 
Kết quả khảo sát cho thấy tính chủ động, tự lực trong học tập của học sinh chưa cao khi nhiều HS nghĩ rằng học nhóm hoặc dưới sự hướng dẫn của người khác sẽ đạt kết quả tốt hơn.
 
Nói về nguyên nhân thực trạng này, thầy Định cho rằng: Có thể do yêu cầu chương trình cao, áp lực thi cử nên nhiều học sinh tỏ ra lúng túng và chưa có sự sắp xếp hợp lý việc học tập để đạt hiệu quả cao.
 
Phần đông gia đình HS lo làm ăn mà ít quan tâm kiểm tra thường xuyên việc học tập của con em (nhất là quản lý việc học ở nhà).
 
Một số nhà trường chưa làm tốt công tác phối hợp với gia đình và các lực lượng giáo dục khác trong quản lý việc học ngoài nhà trường.
 
Rèn luyện ý thức tự học, giáo dục động cơ học tập đúng đắn
 
Đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng trên, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Muốn có kết quả cao thì phải xây dựng nền nếp, kỷ cương.
 
Đối với học sinh, từ khi mới bắt đầu vào học, các em phải được giáo dục rằng: Việc chấp hành nội qui, việc giữ vững nền nếp kỷ cương học tập là quan trọng hàng đầu trong việc quyết định kết quả học tập.
 
Cũng cần khẳng định: Tất cả các giờ kiểm tra, các kỳ thi ở trường đều được tổ chức nghiêm túc.
 
Học sinh phải nhận thức được: Chỉ bằng con đường cần cù, chịu khó, phải tích cực học tập và rèn luyện mới mong đạt được kết quả tốt. Chỉ có năng lực của chính mình mới giúp HS vượt qua các kỳ thi. Chỉ có học thật, thi thật thì mới có kết quả thật.
 
Tạo môi trường học tập lành mạnh, hấp dẫn đối với học sinh
 
Xây dựng môi trường văn hóa, môi trường giáo dục lành mạnh là vấn đề cần phải được quan tâm trong môi trường giáo dục. Nhà trường phải chú trọng tuyên truyền giáo dục cho HS về văn hóa ứng xử, văn hoá pháp luật, văn minh công sở, xây dựng cảnh quan môi trường giáo dục “xanh - sạch - đẹp - an toàn".
 
Công tác tuyên truyền giáo dục được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: tuyên truyền trong sinh hoạt dưới cờ, phát thanh học đường, ngoại khóa, trang bị hệ thống pano, khẩu hiệu, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương đất nước.
 
Qua đó nhằm nâng cao ý thức tự hào, tự tôn về dân tộc, có ý thức phấn đấu học tập để tích cực tham gia phát triển các giá trị lịch sử, giá trị truyền thống của dân tộc.
 
Phối hợp chặt chẽ với gia đình và các lực lượng giáo dục
 
Nhà trường cần xây dựng hệ thống thông tin hai chiều chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Các thông tin về HS được cung cấp kịp thời đến gia đình thông qua bộ phận thường trực là giáo viên chủ nhiệm.
 
HS nào học tập chưa chuyên cần đều được kịp thời thông báo đến gia đình để phối hợp nhắc nhỡ. Vận động gia đình HS tham dự đầy đủ các cuộc họp do nhà trường mời và đóng góp nhiều ý kiến góp phần phát triển toàn diện nhà trường.
 
Việc giữ mối liên lạc thường xuyên và hiểu được khá đầy đủ các hoạt động của nhà trường sẽ giúp gia đình HS có niềm tin tưởng gởi gấm con em học tập tại trường.
 
Công đoàn cơ sở đã cùng nhà trường vận động giáo viên, công nhân viên tích cực giảng dạy, tích cực giáo dục, thông qua dạy chữ để dạy người.
 
Đoàn trường, Hội Liên hiệp thanh niên là cầu nối quan trọng giữa nhà trường với học sinh. Đoàn - Hội được tổ chức thành tập thể vững mạnh. Hoạt động Đoàn - Hội ở trường thật sự tạo ra nhiều phong trào thiết thực, tạo ra sân chơi lành mạnh cho HS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Là bộ phận tự quản và thường trực thi đua HS, theo thầy Định, Đoàn trường đã giúp nhà trường đánh giá chính xác năng lực học tập và rèn luyện của HS và góp phần giữ vững nền nếp kỷ cương.
 
Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học tổ chức nhiều hoạt động như quyên góp giúp đỡ bạn nghèo, xây dựng “học bổng xanh”, khen thưởng HS nghèo vượt khó…đã giáo dục tinh thần tương thân tương ái và lòng nhân đạo cho các em HS.
 
Việc tổ chức hoạt động tự quản thông qua Ban cán sự lớp, Ban chấp hành Đoàn, Đội cờ đỏ, Đội thanh niên xung kích… sẽ giúp nhà trường nắm bắt kịp thời tình hình học tập và rèn luyện của mỗi HS và công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm của GV để từ đó có những giải pháp quản lý kịp thời.
 
Hoạt động này cũng giúp HS rèn luyện kỹ năng sống, đồng thời bồi dưỡng năng lực lãnh đạo cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
Quan tâm giúp đỡ từng đối tượng học sinh cụ thể
 
Theo thầy Định, Trường THPT Tháp Mười luôn quan tâm tạo nguồn học sinh giỏi (HSG) từ rất sớm (xét kết quả từ những năm THCS); tuyển chọn GV và tổ chức bồi dưỡng có hiệu quả; kịp thời khen thưởng động viên những học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
 
Nhà trường cũng bố trí bảng vàng danh dự để vinh danh những học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc. Kết quả HSG của trường tăng lên hàng năm và ổn định ở mức cao trong tỉnh .
 
Bên cạnh đó, công tác phụ đạo HS yếu kém được trường thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Nhiều GV nhiệt tình đã không ngại ngày Chủ nhật, ngày nghỉ, tập trung các em HS yếu kém bồi dưỡng, nhất là vào các thời điểm chuẩn bị thi học kỳ, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
 
Theo số liệu thống kê của Trường THPT Tháp Mười trong 3 năm gần đây, GV đã dạy phụ đạo miễn phí cho HS các lớp với số lượng rất lớn: Năm học 2010 - 2011 là 2.130 tiết, năm học 2011 - 2012 là 2.550 tiết, năm học 2012 - 2013 đạt 2.730 tiết. Nhiều GV đã trực tiếp dạy hơn 100 tiết trong năm học.
 
“Có thể khẳng định rằng chất lượng dạy học của Trường THPT Tháp Mười trong những năm qua ổn định, tỉ lệ đậu tốt nghiệp tương đối cao là nhờ vào công lao bồi dưỡng giúp đỡ HS yếu kém thông qua hình thức dạy phụ đạo miễn phí của giáo viên bộ môn” – Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.
 
Thầy Định lưu ý thêm, nhà trường cần chỉ đạo cho giáo viên bộ môn nghiên cứu để tìm ra phương pháp phù hợp đối với từng nhóm học sinh, yêu cầu vừa sức, tránh giao việc vượt quá khả năng. Cần động viên khuyến khích để các em phấn đấu học tập.
 
Giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp được giao trách nhiệm theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của những học sinh yếu kém, quan tâm động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn và báo cáo cho nhà trường theo định kỳ.
 
Cần phát huy vai trò của các đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi đoàn giáo viên trong việc giúp đỡ học sinh . Phát huy vai trò tự quản của học sinh.
 
“Việc tổ chức khen thưởng kịp thời, coi trọng thi đua công bằng, khách quan và chính xác. Khen cho đúng người, chê cho đúng đối tượng cũng là một việc không kém phần quan trọng để khuyến khích cả giáo viên và học sinh cố gắng” – Thầy Định lưu ý thêm.

Hải Bình

Giáo dục và thời đại

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây