Các em gặp nhau ở mái nhà chung tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), cùng sống, cùng học và cùng giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, vượt qua bóng tối trước mắt để có một tương lai tươi sáng hơn.
Vượt qua bóng tối
Khi tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên, các em không ùa chạy ra sân mà dùng đôi tay lần mò các thanh vịn, vách tường để đi xuống sân. Khi đôi tay ấy vô tình đụng phải một người bạn thì lập tức tiếng xin lỗi cất lên và sau đó các em chủ động nắm lấy tay nhau để cùng bước tiếp. Đưa tay chỉ về một góc sân trường, nơi đặt một số trò chơi như xích đu, thú nhún, thú xoay, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết, bé Gia Hân, học sinh lớp dự bị chuyển tiếp đang giúp bạn tham gia trò chơi. Gia Hân loay hoay giúp hết bạn này đến anh chị kia leo lên các con thú xoay rồi sau đó mới đến phiên mình. Mặc dù mới 10 tuổi đầu, não phát triển chậm nhưng đôi mắt còn nhìn được đôi chút nên Gia Hân rất thích giúp đỡ bạn. Hầu như khi thấy ai cần giúp là em chạy đến giúp một cách rất nhiệt tình.
Tại ngôi trường đặc biệt này có một điều rất khác biệt, khi thầy trò gặp mặt nhau thì thầy cô sẽ lên tiếng để chào học sinh trước. Lời chào ấy có thể là: Huệ đi xuống sân hả con? Minh đi đâu đó? Đáp lại lời chào là cái vòng tay, gật đầu và lời nói của học trò: Con chào cô Vân! Nơi đây, học trò nhận ra thầy cô giáo qua giọng nói và hầu như thầy cô đều nhớ hết tên các em trong trường. Ai một lần nhìn thấy cảnh bé Tấn Phước (8 tuổi) cầm tay bé Gia Bảo (5 tuổi) để viết những con chữ đầu đời đều không khỏi xúc động. Trong lớp 1A2 này, các em cũng bị đa tật, khả năng nhìn, nghe, nói và hiểu rất yếu. Theo cô Phương, bé Tấn Phước là bé rất thích giúp đỡ các bạn và cả cô giáo. Có khi Tấn Phước dắt bạn đi ăn cơm, rửa tay, vệ sinh, lấy nước cho bạn uống và khi đã làm xong bài tập của mình, em thường đi giúp các bạn mà đặc biệt là Gia Bảo, đứa em nhỏ nhất lớp. Khi thì dùng gôm để xóa những chữ sai, khi cầm tay giúp Gia Bảo tập viết, khi thì xé vỏ kẹo, bánh giúp các bạn tay yếu. Cô Phương cho biết: “Không chỉ ở lớp của mình, mà hầu hết các em trong trường đều được dạy để có ý thức giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Tại ngôi trường này, các em sống rất chan hòa và tình cảm. Những khiếm khuyết của cơ thể dường như đã giúp các em thêm gần và yêu thương nhau hơn”.
Bàn tay thay đôi mắt
Tại lớp học rất đặc biệt, lớp 1A1, vào giờ tập viết với tiết học về tờ giấy. Cô Thủy chậm rãi đi đến từng bàn, đưa tay sờ trên bàn để tìm tờ giấy và bàn tay của từng học trò để giúp các em học. Đến bàn của em Nguyễn Hữu Nghĩa, bị mù và tật tay chân, giọng cô Thủy cất lên “Hữu Nghĩa đọc theo cô. Mặt 1 là mặt trên, mặt 2 là mặt dưới”. Tiếng Hữu Nghĩa không tròn vành lặp lại theo cô. Ứng theo từng lời nói là bàn tay cô cầm tay học trò chỉ vào từng mặt giấy để giúp các em nhận thức được về 2 mặt của tờ giấy. Cứ như thế, cả tiết học cô Thủy đi đến hết bàn học trò này đến bàn khác để cầm tay chỉ dạy các em.
Cô giáo Thủy cầm tay giúp Hạo Nhiên nhận biết 2 mặt của tờ giấy.
Lớp học chỉ có 5 học trò, bàn học được xếp thành hình vuông để cô Thủy dễ dàng đi đến từng bàn. Phải tạo sự thuận tiện này bởi cô Thủy cũng bị mù cả 2 mắt. Trong bóng tối, bàn tay đưa cô đến được với học trò. Tại lớp học này, các em đều bị mù, có thể nghe tốt nhưng khả năng nói khó khăn. Có em lại bị tật tay chân, trí não chậm phát triển nên được xếp vào lớp đặc biệt để giáo viên xây dựng chương trình dạy riêng giúp các em tiếp cận các kỹ thuật cơ bản để viết và học theo khả năng của mình. Cô Thủy chia sẻ: “Dạy những em bị đa tật gặp rất nhiều khó khăn, bởi các em tiếp thu rất chậm, nói không được mà cũng không thể hình dung được mình đang học gì. Do đó cô trò phải tập đi tập lại một bài rất nhiều lần. Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải chịu khó và kiên nhẫn”. Bị mù do một cơn bạo bệnh vào năm 3 tuổi, cô Thủy phải làm quen với bóng tối và khi lớn lên, với quyết tâm còn đôi tay là còn có thể lao động, người mù dùng đôi tay làm đôi mắt nên cô cố gắng học tập, khi ra trường thì xin về dạy ở Hội Người mù thành phố và vừa được chuyển về Trường Nguyễn Đình Chiểu 1 năm. Cô bảo muốn góp chút sức mình để giúp các em có động lực vượt qua bóng tối. Thời gian qua, cô tin mình có thể làm được.
Chia tay các em nhỏ ở ngôi trường đầy tình yêu thương này, tôi nhớ mãi cảnh em Văn Sơn cầm lấy bàn tay yếu ớt của em Hữu Nghĩa để vào tờ giấy và đọc bài một cách chưa tròn câu. Tôi nhớ hình ảnh các em ở lớp dự bị chuyển tiếp phụ cô giáo bê tô cơm đến cho bạn không có khả năng di chuyển và lời mời lễ phép: Con mời các cô, các thầy và các bạn ăn cơm. Ngoài sân trường, dưới bóng mát của cây bàng, tiếng xích đu hòa lẫn tiếng cười hồn nhiên của một vài em đang còn say sưa đùa giỡn làm tăng thêm hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.