Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN)

Thứ hai - 22/09/2014 08:38
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…
 
Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh, sự tích cực, trách nhiệm của học sinh. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
 
Vậy “Hội đồng tự quản học sinh” là gì? Hội đồng tự quản là do học sinh, với sự hướng dẫn của giáo viên tự tổ chức và thực hiện. “Hội đồng tự quản học sinh” bao gồm các thành viên là học sinh. Hội đồng tự quản được thành lập là vì học sinh, bởi học sinh và để đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ, tích cực vào đời sống học đường; khuyến khích các em tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường, phát triển tính tự chủ, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết của học sinh.
 
Sơ đồ: Tổ chức Bộ máy Hội đồng tự quản học sinh bao gồm: 1 Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh, 2 phó Chủ tịch Hội đồng tự quản và các ban tham gia Hội đồng tự quản (Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khoẻ, vệ sinh,  Ban văn nghệ, thể dục, Ban thư viện; Ban đối ngoại…)
 
Quá trình thành lập Hội đồng tự quản học sinh: Thành lập Hội đồng tự quản học sinh đòi hỏi phải có sự tham gia của giáo viên, học sinh, khuyến khích phụ huynh và các tổ chức khác cùng tham gia. Giáo viên cần chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh khi các em tham gia Hội đồng tự quản, những lợi ích có thể có của Hội đồng tự quản học sinh tới cuộc sống của chính các em trong nhà trường những vai trò, trách nhiệm mà các em cùng chia sẻ, gánh vác.
 
1. Trước bầu cử
 
Sau khi hoàn thành bước chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh, giáo viên cùng học sinh thảo luận về cơ cấu Hội đồng tự quản thông thường là 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Tuy nhiên số lượng phó chủ tịch tuỳ vào đặc điểm của mỗi lớp, trường học khác nhau. Học sinh, dưới sự định hướng của giáo viên trao đổi về những phẩm chất, năng lực cần có của các bạn trong Hội đồng tự quản. Sau đó học sinh lập danh sách ứng cử và danh sách đề cử để bỏ phiếu bầu Hội đồng tự quản học sinh. Ban kiểm phiếu cũng là học sinh, bao gồm trưởng ban và một số thành viên khác, dưới sự hướng dẫn của giáo viên tiến hành kiểm phiếu. Các học sinh trong danh sách ứng cử, đề cử sẽ có thời gian để chuẩn bị phần ứng cử của mình với nội dung: Giới thiệu về bản thân, những mong muốn của em về lớp học, những việc em sẽ làm nếu như em trở thành Chủ tịch Hội đồng tự quản. Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho học sinh được cảm thấy dân chủ, công bằng, bình đẳng và được học cách thuyết trình trước đám đông.
 
 
Một giờ học theo Mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học số 2 Noong Luống
 
2. Bầu cử
 
Một học sinh dưới sự hỗ trợ của giáo viên sẽ điều hành bầu cử. Các ứng cử viên lần lượt tranh cử bằng các bài thuyết trình đã được chuẩn bị trước. Giáo viên lưu ý không để học sinh cầm giấy đọc mà chủ động thể hiện khả năng thuyết trình của mình. Ban kiểm phiếu làm việc sau khi các ứng cử viên đã thuyết trình xong. Học sinh nào có số phiếu cao nhất từ trên xuống sẽ trúng cử vào vị trí Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh. Chủ tịch và Phó Chủ tịch ra mắt trước lớp.
 
3. Thành lập các ban chuyên trách
 
Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh cùng bàn bạc với giáo viên để quyết định thành lập các ban chuyên trách và thông báo rõ về vai trò của các ban như: Học tập, sức khoẻ và vệ sinh, quyền lợi học sinh, lao động, thư viện... Số lượng các ban tuỳ theo tình hình lớp học và sự thống nhất giữa Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng tự quản và học sinh trong lớp quyết định. Hội đồng tự quản cùng giáo viên chủ nhiệm, có sự hỗ trợ của phụ huynh khuyến khích học sinh đăng kí vào các ban theo nguyện vọng, sở thích. Sau khi thành lập các ban, tiến hành bầu trưởng ban, thư kí và xây dựng kế hoạch hành động, động viên các bạn cùng tham gia hoạt động. Để làm việc có hiệu quả, mỗi ban nên có sự hỗ trợ, tư vấn của một phụ huynh và giáo viên.
 
Có thể nói, quá trình thành lập “Hội đồng tự quản học sinh” giúp các em hiểu được quá trình bầu cử tự do, công bằng và dân chủ của đất nước, của địa phương; giúp học sinh có thể nảy sinh đề xuất những ý tưởng mới của chính các em. Thông qua hoạt động này học sinh tự giác hơn, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quản lý và chỉ đạo những công việc được giao. Hy vọng rằng, mô hình dạy học kiểu mới sẽ ngày càng được nhân rộng để các em học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo được cùng nhau tham gia vào quá trình dạy - học đảm bảo theo mong muốn của xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

  Ý kiến bạn đọc

  • ngoan
    Theo mô hình này,nếu học sinh nhìn giáo viên giảng bài phải quay ngược theo bên trái hoặc phải tuỳ theo vị trí ngồi so với bảng. Điều này sẽ làm quẹo đốt sống cổ hoặc nhìn nghiêng lâu ngày sẽ bị cận.... Nhìn chung nó hoàn toàn không phù hợp so với cách học truyền thống.
      ngoan   12/11/2014 05:38
  • chiến baby
    Thật nhảm nhí
      chiến baby   20/10/2014 20:49
  • lãm
    Các em còn quá nhỏ để theo mô hình này.
      lãm   28/09/2014 05:20
  • văn hưng
    Tại sao không áp dụng các hình thức giáo dục hàng đầu thế giới như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Đức, ... ,mà lại đi áp dụng một nền giáo dục chẳng tên tuổi gì???? Pótay
      văn hưng   26/09/2014 21:44

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây